Từ vụ ám sát Trump: Thuyết âm mưu và tin giả tràn lan!

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, được các nhân viên Mật vụ Hoa Kỳ đưa ra khỏi sân khấu sau khi bị trúng đạn hôm 13 Tháng Bảy 2024 tại Butler, Pennsylvania. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Chỉ vài phút sau vụ ám sát Donald Trump ngày 13 Tháng Bảy, 2024, mạng xã hội tràn ngập tin giả. Dân Biểu Cộng Hòa Mike Collins thậm chí nói rằng chính Tổng Thống Joe Biden ra lệnh vụ ám sát Trump! Nhiều facebooker ủng hộ Trump của người Việt cũng tát nước theo mưa, tin rằng “bọn thổ tả Dân Chủ” “chắc chắn có liên quan”! Và một người có ảnh hưởng trên X, theo MSNBC, thậm chí viết rằng Biden đã hạ lệnh cho CIA thực hiện vụ mưu sát Trump!

Không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, hàng ngàn bài đăng trên các mạng xã hội (Facebook, X, Telegram, Instagram, Gab, Truth Social, Parler…) đang nhốn nháo cáo buộc rằng có những nhân vật mờ ám bên cánh tả đã đứng sau vụ ám sát. Những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội cánh hữu và nhiều viên chức Cộng Hòa cũng khăng khăng rằng những nhân vật quyền lực (ám chỉ chính quyền Biden) phải chịu trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Một TikToker với tài khoản tên @theoldermillenial.1 (có 1.2 triệu người theo dõi) viết: “Tôi cho rằng, bởi các phiên tòa (xử Trump) diễn ra không suôn sẻ nên họ đã quyết định xoay sở một con đường khác. Đừng quên rằng đây chính là những gì mà đám cánh tả có sở trường.”

Trên X (Twitter), tài khoản Shadow of Ezra viết rằng “Đám nhà nước trong bóng tối đã cố ám sát Donald Trump trực tiếp trên truyền hình.” Mẫu tin hoàn toàn không có bằng chứng này đã được hơn một triệu lượt xem, theo Junkipedia, kho lưu trữ nội dung mạng xã hội.

Điều đáng nói là một số nghị sĩ Cộng Hòa đã vớ sự kiện ám sát Trump và biến nó thành “tội ác rõ mười mươi” của phe Dân Chủ, rằng phe cánh tả và giới truyền thông phải chịu trách nhiệm liên đới. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Tim Scott (gần đây được Trump đề cập như một trong những chọn lựa liên danh tranh cử) nói rằng vụ ám sát “được hỗ trợ và tiếp tay bởi bọn cực đoan và truyền thông cánh tả.”

Nicole Shanahan, liên danh của ứng cử viên Robert F. Kennedy Jr., qui kết cho “DNC (Dân Chủ) và các phương tiện truyền thông kế thừa (legacy media)” tội kích động cuồng loạn, dẫn đến sự kiện ám sát. Và Dân Biểu Marjorie Taylor Greene, một nhân vật Cộng Hòa bảo thủ khét tiếng, trùm… tin giả, cũng viết trên X rằng Dân Chủ đã “muốn Trump biến đi trong nhiều năm và họ sẵn sàng làm bất cứ gì để khiến điều đó thành hiện thực.”

Nhìn chung, các kênh cực hữu đang ồn ào nhốn nháo với vô số thuyết âm mưu gây sốc, gây kích động và thù địch. Hình ảnh Trump mặt mày dính máu với nắm đấm giơ cao cùng lúc cũng biến thành hình tượng anh hùng. Hiệu ứng truyền thông từ bức ảnh này đang mang lại ảnh hưởng tích cực cực kỳ lớn cho Trump.

“Quả đúng là người của Chúa,” nhiều người viết như vậy, trong đó có không ít người Việt. Như hồi mùa bầu cử Mỹ 2020, Facebook tiếng Việt giờ đây cũng đầy ngập tin giả và thuyết âm mưu. Dù chưa có bất kỳ thông tin rõ ràng nào từ các cơ quan điều tra về nghi phạm hoặc động cơ ám sát, nhưng những kẻ cực đoan MAGA ngay lập tức tin rằng vụ ám sát “hiển nhiên” có động cơ chính trị. Một số đổ lỗi cho các thành viên antifa. Một số tin rằng vụ việc là bằng chứng rõ ràng cho thấy ma quỷ đang lộng hành. Một số tài khoản theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng nhanh chóng tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến trên X (Twitter) về cách bọn Do Thái từng cố mưu sát Trump.

Jackson Lahmeyer, người đứng đầu nhóm cực hữu “Pastors for Trump” có trụ sở tại Oklahoma, viết trong một email gửi những người ghi danh trong vòng vài giờ sau khi vụ việc xảy ra: “Bọn chúng muốn một CUỘC NỘI CHIẾN.” Trong email, “Pastors for Trump” viết rằng “Bọn nhà nước trong bóng tối đã thất bại. Bàn tay bảo vệ của Chúa đã cứu Tổng Thống Trump.” Nhân vật bảo thủ nổi tiếng Laura Loomer và người dẫn chương trình phát thanh Erick Erickson đổ lỗi cho Biden về vụ ám sát, dẫn lại lời của Biden vài ngày trước, khi ông nói đã đến lúc đưa Trump “vào hồng tâm” (“in a bull’s eye”). Tài khoản cánh hữu nổi tiếng cuồng Trump, “Il Donaldo Trumpo,” đăng một bức ảnh của John F. Kennedy vào ngày ông bị ám sát, với chú thích, “KHÔNG PHẢI HÔM NAY NHÉ, BỌN NHÀ NƯỚC TRONG BÓNG TỐI!!!”

Thật ra không phải chỉ đến vụ ám sát chấn động ngày 13 Tháng Bảy, 2024 mới nảy nòi tin giả. Từ Tháng Chín 2023, chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Joe Biden đã rà soát lại chiến lược chống thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Họ tuyển hàng trăm nhân viên và tình nguyện viên để giám sát các nền tảng, mua quảng cáo để đối phó với những tuyên bố nhăng nhít không có cơ sở và bằng chứng, đồng thời đưa ra những thông điệp riêng. Tất cả được thực hiện xuất phát từ lo ngại rằng các công ty truyền thông xã hội gần như không sẵn sàng trong việc kiểm soát thông tin chính trị sai lệch, trong bối cảnh nhiều thành viên Cộng Hòa và cả Donald Trump lâu nay đã trở thành nguồn tin giả một cách… “chính thống.”

Mỹ đã tụt hậu một cách thảm hại so với một số nước trong việc thiết lập và thực hiện luật chống tin giả. Cách đây bốn năm, loạt dự luật lưỡng đảng, theo lẽ thường, chẳng hạn Đạo Luật Quảng Cáo Trung Thực (Honest Ads Act) với nội dung buộc việc tài trợ và quảng cáo chính trị trực tuyến phải minh bạch, do Lindsey Graham, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Nam Carolina, đề xuất đã bị khước từ bởi chính lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell, người cũng thuộc đảng Cộng Hòa.

Một dự luật khác, đã được thông qua tại Hạ Viện, với nội dung yêu cầu Quỹ Khoa Học Quốc Gia và Viện Hàn Lâm Khoa Học, Kỹ Thuật và Y Học Quốc Gia tiến hành nghiên cứu thông tin sai lệch liên quan đại dịch COVID-19, đã không nhận được bất kỳ sự đồng thuận nào của đảng Cộng Hòa.

Cần nhắc lại, trong mùa bầu cử 2020, tình trạng bùng nổ tin giả là cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt trong cộng đồng mạng xã hội tiếng Việt, từ trong nước đến hải ngoại. Có những người chủ ý tạo ra tin giả để kiếm tiền (bằng view); và cũng có không ít người lan truyền tin giả vì thiếu hiểu biết và thậm chí không có khả năng tìm nguồn để xác minh những gì mình viết là thật hay giả.

Còn nhớ, ngày 15 Tháng Mười Một, 2020, một nhà báo nổi tiếng ở Việt Nam viết trên Facebook cá nhân rằng mình đã rơi nước mắt khi thấy ảnh ông Trump khóc vì thất cử.
Ông nhà báo này viết: “Sáng nay gã hai lần bật khóc. Lần một, khi coi clip cả triệu dân Mỹ hừng hực xuống đường ủng hộ Trump… Lần hai, nhìn hình ảnh người đàn ông ấy mắt hoen đỏ khi chứng kiến người dân xuống đường từ muôn nơi ủng hộ mình… Nước Mỹ sẽ chỉ vĩ đại khi hiểu ra không phải tự dưng hơn 72 triệu đồng bào mình đứng đằng sau con người đang lau nước mắt ấy”.

Theo ban kiểm tin AFP, bức ảnh “Trump khóc” được đăng trên một tài khoản Twitter ngày 14 Tháng Mười Một, 2020, với chú thích tiếng Hoa, có nghĩa: “Hẳn phải rất khó khăn đối với ông ấy khi ông ấy khóc nơi thanh thiên bạch nhật. Tôi hy vọng tất cả chúng ta không để ông ấy thất vọng. Chúa ở cùng chúng ta. Amen!” Trong số ý kiến bình luận dưới tweet trên, có người viết: “Trump là người cứng rắn. Ông ấy không khóc vì bị cáo buộc sai trái. Những giọt nước mắt của ông ấy thể hiện con tim của ông ấy đối với người dân. Ông ấy cuối cùng cũng đã được hiểu và nhận được sự ủng hộ từ người dân của mình.”

“Giọt nước mắt” của ông Trump là “giọt photoshop.” Bức ảnh gốc được phóng viên ảnh AFP Nicholas Kamm chụp ngày 15 Tháng Bảy 2020, ghi chú thích: “Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu với giới báo chí tại Phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ốc sau khi nhận được báo cáo từ các viên chức thuộc cơ quan pháp luật về hoạt động chống lại nhóm MS-13 ở Washington DC, ngày 15 Tháng Bảy 2020 (MS-13, còn gọi là Mara Salvatrucha, là băng đảng tội phạm quốc tế).

Tin giả, trong thực tế, với rất nhiều trường hợp, đã trở thành một “liệu pháp tâm lý” tự trấn an. Trong số những người miệt mài và háo hức chia sẻ tin giả, có không ít nhà báo và những người làm truyền thông nói chung. Họ vừa chia sẻ tin giả, vừa “khinh bỉ” những người chống lại tin giả. Sau mỗi lần bị hố khi loan tin giả, họ tiếp tục chia sẻ những thông tin không kiểm chứng khác, như thể tin giả nhất thiết phải tồn tại cùng với “niềm tin” của họ, bất luận diễn biến sự việc cho thấy “niềm tin” mà họ cố áp vào tư duy mình lẫn người khác chỉ là mớ bọt xà phòng.

Vấn đề ở chỗ tin giả không biến mất như bọt xà phòng. Nó gieo rắc những mầm độc cho nhận thức và nó thậm chí trở thành những đám rừng dày đặc ngăn cản những tia sáng phát triển xã hội.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: