Tuần hành vì quyền bỏ phiếu tại Washington D.C.

Trong cuộc tuần hành “Thứ Sáu Tự Do” hôm 6 tháng Tám tại Washington D.C. một số người dân đã tập trung trước đài tưởng niệm mục sư Martin Luther King, Jr., mang theo ảnh chân dung cố Dân biểu John Lewis, nhà đấu tranh cho quyền bầu cử của người da màu, vừa qua đời năm ngoái. Ảnh Alex Wong/Getty Images.

Một mùa Hè của các cuộc tuần hành đòi quyền bầu cử đang lên đỉnh điểm với hàng ngàn người ​​sẽ tụ về thủ đô Washington D.C. vào Thứ Bảy 28 Tháng Tám để yêu cầu Quốc Hội ban hành luật liên bang để bảo vệ và mở rộng quyền tiếp cận lá phiếu.

Ngày 28 Tháng Tám cũng là ngày kỷ niệm 58 năm bài phát biểu lịch sử “Tôi có một giấc mơ” (I Have a Dream) của mục sư Martin Luther King Jr., vì vậy cuộc tuần hành sẽ có sự tham dự của hai nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng Martin Luther King III và mục sư Al Sharpton.

Các tổ chức dân quyền quốc gia mà chủ lực là tổ chức Black Voters Matter và Until Freedom đứng sau cuộc tuần hành đòi thông qua một đạo luật liên bang mới về quyền bỏ phiếu để thay thế các dự luật bất lợi đã và đang được cơ quan lập pháp các tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát xem xét và thông qua gần đây. Vận động để thủ đô Washington D.C. trở thành một tiểu bang mới cũng là yêu sách chính của cuộc tuần hành.

Tụ tập nhưng vẫn đề phòng coronavirus

Cuộc tuần hành diễn ra khi biến thể delta của coronavirus đang hoành hành trên khắp nước Mỹ và mới chỉ có khoảng phân nửa dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ. Số ca nhiễm tại thủ đô Washington tăng trở lại và khả năng miễn dịch của những người được tiêm chủng đầu tiên đang bị suy giảm. Thị trưởng Muriel E. Bowser đã khôi phục lại lệnh bắt buộc mang khẩu trang trong nhà trong khi cơ quan y tế thủ đô đề nghị những người tham dự tuần hành nên giảm thiểu rủi ro bằng cách mang khẩu trang đúng cách, nên chọn không gian bên ngoài ít lây lan hơn là không gian kín, giữ khoảng cách 6 feet, và tăng lên 10 feet nếu nói chuyện. Đối với những người chưa được tiêm chủng, cách an toàn nhất là chỉ tham gia các buổi tụ họp nhỏ với những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Nếu cảm thấy không khoẻ hay sốt, ho, khó thở, hãy ở nhà.

Những người tổ chức hai cuộc tuần hành nổi bật nhất, “March On for Washington and Voting Rights” gần Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi (National Museum of African American History and Culture) và  cuộc tuần hành “Make Good Trouble Rally” tại Đài tưởng niệm Lincoln Memorial cũng nhận thức được những lo ngại về sức khỏe và hứa sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn của tất cả người tham dự. Ban tổ chức sẽ phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí kèm với khuyến cáo giãn cách. Những người đang trải qua các triệu chứng Covid-19 hoặc mới tiếp xúc với một người có kết quả xét nghiệm dương tính được khuyên ở nhà.

Ban tổ chức cuộc tuần hành “Make Good Trouble Rally” sẽ tổ chức xét nghiệm coronavirus và tiêm vaccine Johnson & Johnson tại chỗ cho người tham dự. Ngoài ra còn kiểm tra nhiệt độ đối với các khách mời đặc biệt và diễn giả được yêu cầu xuất trình giấy tiêm phòng hoặc xét nghiệm coronavirus âm tính trong vòng 72 giờ; ai không có sẽ được xét nghiệm nhanh. Những người cùng đi xe buýt đến dự cuộc tuần hành “March On for Washington and Voting Rights” cũng được kiểm tra nhiệt độ và phải mang khẩu trang trên xe.

Cả hai cuộc biểu tình chính này sẽ được phát hình trực tiếp. Mạng lưới Hành động Quốc gia (The National Action Network), tổ chức của mục sư Al Sharpton, ước tính hàng chục ngàn người sẽ diễu hành từ Quảng trường McPherson (McPherson Square) đến Quảng trường Quốc gia  (National Mall). Theo giấy phép do Sở Công viên Quốc gia (National Park Service) cấp, đám đông có thể hơn 50,000 người trong khi các nhà tổ chức “Make Good Trouble Rally” ước tính 100,000 người trong đơn xin phép.

Đòi xoả bỏ “thủ thuật filibuster” …

Những người tổ chức cuộc tuần hành “Make Good Trouble Rally” ở Washington D.C. còn tổ chức tuần hành đòi quyền bầu cử trên khắp đất nước, bao cả bốn thành phố lớn Atlanta, Miami, Houston và Phoenix. Liên minh The Douglass Commonwealth Coalition chẳng hạn, sẽ tổ chức một cuộc biểu tình tại Freedom Plaza từ 8g30 sáng đến 10 giờ sáng để ủng hộ thành lập tiểu bang D.C. trước khi hoà vào cuộc tuần hành “Make Good Trouble Rally” tại Đài tưởng niệm Lincoln. Họ xem đây là “cuộc tuần hành trung chuyển”.

Cuộc tuần hành “March On for Washington and Voting Rights” sẽ bắt đầu lúc 8 giờ sáng tại Quảng trường McPherson, đi qua Black Lives Matter Plaza, qua Tòa Bạch Ốc, Đài tưởng niệm Washington rồi tụ lại trước National Mall.

Cuộc tuần hành mới là tiếp nối các cuộc biểu tình về quyền bỏ phiếu tại bang Texas, khi các nghị sĩ Dân Chủ tiểu bang chạy đến D.C. để ngăn không cho Cộng Hòa thông qua các hạn chế bỏ phiếu. Họ cũng phản đối bắt giữ hai lãnh đạo dân quyền nổi tiếng mục sư Jesse L. Jackson, William J. Barber II và các thành viên của tổ chức Congressional Black Caucus trong các cuộc biểu tình trong và xung quanh điện Capitol của tiểu bang.

Những người ủng hộ quyền bầu cử kêu gọi Thượng viện liên bang sớm thông qua hai dự luật: Dự luật People Act về bầu cử và ấn định các tiêu chuẩn quốc gia về bỏ phiếu để thay thế các mưu toan hạn chế quyền bầu cử ở cấp tiểu bang và dự luật John Lewis Voting Rights Advancement Act nhằm khôi phục biện pháp bảo vệ quyền bỏ phiếu đã bị Tòa án Tối cao làm suy yếu.

Nhưng những người ủng hộ cho biết khó có khả năng đảng Cộng Hòa sẽ tham gia với đảng Dân Chủ tại Thượng viện để thông qua luật về quyền bỏ phiếu. Vì vậy, họ muốn xóa bỏ “thủ thuật filibuster” cho phép chỉ cần 41 thượng nghị sĩ vắng mặt là đủ ngăn chặn một dự luật được thông qua. Đảng Cộng hoà có 50 người trong Thượng viện nên dễ dàng làm được điều này.

… và nhiều yêu cầu khác

Cuộc chiến giành quyền bỏ phiếu diễn ra cấp bách hơn sau khi dữ liệu Điều tra dân số năm 2020 được công bố, trong đó cho thấy đảng Dân Chủ có thể bị tước quyền ở các bang quan trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 trong tình hình hầu hết các cơ quan lập pháp bang Cộng Hoà bắt đầu vẽ lại các khu vực bầu cử dựa trên dữ liệu điều tra dân số mới có lợi cho họ.

Đạo luật về quyền bỏ phiếu mà những người biểu tình đang đấu tranh nếu được thông qua sẽ cấm vẽ lại các quận hạt theo cách có lợi cho bên này hơn bên kia. Họ xem đây là điều cần thiết cho nền dân chủ. Ngoài luật về quyền bỏ phiếu của liên bang và thành lập bang mới D.C., những người tổ chức “Make Good Trouble Rally”  còn có danh sách một số yêu cầu khác, bao gồm bồi thường cho nô lệ, tăng lương tối thiểu lên $15/giờ, bãi bỏ nợ của sinh viên, cải cách nhập cư, xem lại an toàn công cộng, chấm dứt bạo lực súng đạn và giam giữ tuỳ tiện.

Tamika Mallory, người đồng sáng lập Until Freedom, đồng tổ chức “Make Good Trouble Rally” nhận định: “Nhiều người bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 thất vọng vì thiếu sự vận động công bằng xã hội và dân quyền. Thứ Bảy này, chúng tôi sẽ yêu cầu các quan chức phải hành động nhanh vì người dân đã quá mệt mỏi vì chờ đợi”.

(Theo The Washinton Post)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: