AI (trí tuệ nhân tạo) đang định hình lại an ninh quốc gia Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ đang sử dụng AI để tối ưu hóa mọi thứ, từ bảo trì thiết bị đến các quyết định về ngân sách. Các nhà phân tích tình báo đang dựa vào AI để quét nhanh hàng núi thông tin nhằm giúp họ đưa ra phán đoán tốt hơn và nhanh hơn. AI đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng về an ninh, không chỉ đối với Mỹ.
Trung Quốc đang nỗ lực để vượt qua Mỹ về AI, đặc biệt về ứng dụng quân sự. Nếu thành công, Bắc Kinh sẽ sở hữu một quân đội hùng mạnh hơn nhiều, có khả năng tăng nhịp độ và hiệu quả trong các hoạt động vượt xa những gì Mỹ có thể sánh kịp. Khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử chống lại các mạng lưới và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ cũng sẽ được tăng cường một cách nguy hiểm. Nói một cách đơn giản, Ngũ Giác Đài cần tăng tốc việc áp dụng AI. Nếu không, Washington có thể mất đi ưu thế.
Các chính trị gia và quan chức quốc phòng Hoa Kỳ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của AI. Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành khung chính sách về AI để đẩy nhanh việc Bộ Quốc phòng áp dụng trí tuệ nhân tạo. Trong thực tế, AI đã và đang thay đổi nền an ninh Mỹ. Không quân Hoa Kỳ đang sử dụng AI để giúp tổ chức phân bổ nguồn lực và dự đoán xem một quyết định đơn lẻ có thể định hình lại chương trình và ngân sách như thế nào.
Chẳng hạn, nếu Không quân bổ sung thêm một phi đội F-35 thì AI có thể ngay lập tức đưa ra những dữ liệu cho thấy không chỉ chi phí mà còn ảnh hưởng của chương trình đối với nhân sự như thế nào. Quân đội Mỹ đã sử dụng các mô hình AI trong việc bảo trì các hệ thống vũ khí phức tạp, từ tàu chiến đến máy bay chiến đấu. Các chương trình AI hiện có thể thu thập dữ liệu và dự đoán thời điểm cũng như loại hình bảo trì nào giúp tối đa hóa tuổi thọ trong khi giảm thiểu chi phí.
Trong cộng đồng tình báo, AI đã giúp giới phân tích dự đoán trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga nhiều tháng, cho phép Mỹ cảnh báo thế giới, khiến cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin mất đi yếu tố bất ngờ. Tại Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, AI do Rhombus Power phát triển đang được sử dụng để giúp cảnh báo về sự di chuyển của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của các quốc gia thù địch mà trước đây rất khó phát hiện.
AI cũng có thể giúp Washington hiểu rõ hơn những gì các đối thủ có thể đang nghĩ, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Cụ thể, cộng đồng tình báo có thể phát triển một mô hình ngôn ngữ có thể tiếp nhận tất cả các bài viết và bài phát biểu có sẵn của giới lãnh đạo Trung Quốc, cùng với nguồn tổng hợp các báo cáo tình báo Mỹ, và sau đó mô phỏng cách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể hành động.
Giới phân tích có thể đặt ra những câu hỏi cụ thể cho mô hình – “Trong hoàn cảnh nào Tập Cận Bình sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan?” – và dự đoán những phản ứng tiềm năng dựa trên lượng dữ liệu phong phú từ nhiều nguồn. Lời giải được đưa ra có thể chính xác và nhanh hơn bất kỳ bộ não siêu việt nào có thể tổng hợp được.
Người ta thậm chí có thể yêu cầu mô hình vạch ra cách mà một cuộc khủng hoảng có thể diễn ra và các quyết định khác nhau sẽ định hình kết quả như thế nào. Nói chung, những hiểu biết sâu sắc thu được có thể trở nên vô cùng hữu ích trong việc cung cấp thông tin cho giới phân tích lẫn giới hoạch định chính sách.
Viết trên Foreign Affairs (November/December 2023), tác giả Michèle A. Flournoy cho biết, trước đây, các nhà phân tích phải xem hàng nghìn giờ video chuyển động để tìm và “gắn thẻ” những đối tượng cần quan tâm, chẳng hạn nơi tập trung xe tăng hay dàn tên lửa di động. Nhưng với AI, các nhà lập trình có thể đào tạo một mô hình để kiểm tra tất cả nguồn dữ liệu trong vòng vài giây hoặc vài phút. Nhà phân tích cũng có thể thiết lập mô hình AI để gửi cảnh báo bất cứ khi nào tìm thấy “đối tượng” trong một khu vực địa lý nhất định.
Những công cụ “thị giác máy tính” cho phép các nhà phân tích dành nhiều thời gian hơn để làm những việc mà chỉ con người mới có thể làm: Áp dụng chuyên môn và khả năng phán đoán của họ để đánh giá ý nghĩa và hàm ý những gì AI phát hiện. Những mô hình này có khả năng giúp các chỉ huy trên thực địa đưa ra quyết định tác chiến nhanh hơn nhiều so với khả năng phản ứng của đối thủ.
Một số ứng dụng AI đang được phát triển cho phép một người duy nhất có thể điều khiển nhiều hệ thống không người lái, chẳng hạn một đàn máy bay không người lái trên không, trên mặt nước hoặc dưới biển. Cụ thể, một phi công chiến đấu có thể sử dụng một đàn máy bay không người lái để gây hỗn loạn tạo hỏa mù hoặc áp đảo hệ thống phòng không và radar đối phương.
Người chỉ huy tàu ngầm có thể sử dụng phương tiện không người lái dưới biển để thám sát khu vực mà người nhái do thám không bao giờ có thể lọt vào. Ngũ Giác Đài gần đây đã công bố chương trình máy bay không người lái Replicator, hứa hẹn trang bị hàng nghìn hệ thống tự động nhỏ, thông minh, chi phí thấp, có thể sử dụng trong vòng hai năm tới.
Trong cuộc xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, sự hợp tác giữa con người và AI rất quan trọng. Nếu Bắc Kinh quyết định dùng vũ lực để tuyên bố chủ quyền với Đài Loan, Trung Quốc sẽ có lợi thế bởi họ chiến đấu ở sân sau mình. Trong khi đó, Hoa Kỳ không có lợi thế cự ly gần như Trung Quốc. Do vậy, nếu quân đội Mỹ tăng cường các vũ khí AI thì họ có thể bù đắp phần nào nhược điểm trên và làm phức tạp đáng kể hoạt động của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào AI quân sự – chẳng hạn giám sát, nhận dạng mục tiêu và máy bay không người lái. Trong cuộc đua công nghệ AI, Trung Quốc có một số lợi thế. Chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc là hỗ trợ và khuyến khích đánh cắp tài sản trí tuệ phương Tây. Bắc Kinh sẵn sàng chi đậm để tuyển dụng các nhà công nghệ hàng đầu phương Tây.
Tuy nhiên, Mỹ có những thế mạnh riêng. Nền kinh tế dựa trên nền tảng thị trường tự do và hệ thống chính trị cởi mở mang lại cho các nhà lập trình AI cơ hội sáng tạo mà chắc chắn Trung Quốc khó có khả năng địch lại. Mỹ có hệ sinh thái AI vô song ở Thung lũng Silicon, ở Austin, hành lang Xa lộ Massachusetts 128 và nhiều nơi khác.
Mỹ cũng có một hệ sinh thái nguồn vốn đầu tư sôi động, thu hút đầu tư trong nước lẫn quốc tế mà Trung Quốc không thể sánh. Mỹ có nhiều trường đại học hàng đầu toàn cầu, thu hút và giữ chân nhiều nhân tài công nghệ giỏi nhất thế giới. Một nửa số công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon có ít nhất một người sáng lập là dân nhập cư.
Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, sự tiến bộ của AI đang tạo ra một loại định luật Moore. Bất cứ quân đội nào tiên phong trong việc làm chủ cách tổ chức, kết hợp và thể chế hóa luật sử dụng dữ liệu AI sẽ gặt hái được những tiến bộ theo cấp số nhân, mang lại cho họ lợi thế vượt trội so với kẻ thù.
Người nào tiên phong áp dụng AI trên quy mô lớn có thể sẽ có chu kỳ ra quyết định nhanh hơn và có thông tin tốt hơn để đưa ra phán quyết chính xác hơn. Hệ thống mạng AI của họ cũng có khả năng phục hồi tốt hơn một khi bị tấn công, giúp nâng cao khả năng nhận thức tình huống, bảo vệ lực lượng, và cuối cùng là phản công hiệu quả.