“Vụ án” Clinton-Lewinsky thay đổi cách người Mỹ nói về tình dục như thế nào?

“Vụ án” Clinton-Lewinsky thay đổi cách người Mỹ nói về tình dục như thế nào?

Vụ này nay được xới lại với việc ra mắt bộ phim truyền hình Impeachment: American Crime Story 10 tập trình chiếu trên màn ảnh nhỏ tại Mỹ từ ngày 7 Tháng Chín 2021…
Vụ ngoại tình của Tổng thống Bill Clinton và thực tập sinh Monica Lewinsky đã làm chấn động nước Mỹ (Getty Images)

Scandal Clinton-Lewinsky (Tổng thống Bill Clinton và thực tập sinh Tòa Bạch Ốc Monica Lewinsky) là “thảm họa” đáng xấu hổ mỗi khi nhắc lại nhưng vụ bê bối này cũng làm thay đổi cách người Mỹ thảo luận về tình dục…

Tình dục ở giới chính trị chóp bu

Chiếc váy thương hiệu Gap màu xanh lam Monica mặc tại “hiện trường”, điếu xì gà, tinh dịch… trong mối quan hệ giữa một tổng thống đương nhiệm và một thực tập sinh đã trở thành câu chuyện thời sự lớn nhất năm 1998. Bây giờ, 23 năm sau, hãng phim FX nhắc lại câu chuyện cũ trong loạt phim American Crime Story: Impeachment gồm 10 phần, đi sâu vào khám phá cách Linda Tripp (đã chết) kết bạn với Lewinsky (cũng là nhà sản xuất loạt phim) và sau đó phản bội cô, tiết lộ với báo chí, suýt dẫn đến “cái chết lâm sàng” cho một tổng thống.

Sự quyết liệt theo đuổi sự thật, thực thi công lý, và chính trị đảng phái đã dẫn đến việc bóc trần những đoạn băng ghi âm, tài liệu, chứng cứ và cuối cùng là báo cáo kết luận điều tra của công tố viên độc lập Kenneth W. Starr. Nhưng quan trọng hơn là xì căng đan này đã làm thay đổi cách Washington D.C, trái tim chính trị của nước Mỹ và cả xã hội Mỹ, không còn ngại ngần khi thảo luận về tình dục, đặc biệt đối với những người ở vị trí cao. “Vụ bê bối đáng xấu hổ, dung tục, không dễ nhắc lại, nhưng cũng rất cần thiết!” – một nhà phân tích chính trị Mỹ nhận xét. Ngay cả đối với những người không quan tâm đến chính trị, khi nghe đến bê bối tình dục lan đến cấp cao nhất thì sức cuốn hút là không thể cưỡng lại.

Thế nào là “quan hệ tình dục”?

Phóng viên Susan Glasser, vợ của của Peter Baker, cùng làm việc cho The Washington Post, đã có một “cuộc tranh luận siêu thực” với một nam biên tập viên cấp cao về những gì nên chuyển tải đến công chúng. Baker nói: “Chúng tôi làm như thế trước cả khi có ‘Báo cáo Starr’ và những chi tiết trần trụi đi kèm. Có những từ hoặc cụm từ được đăng trên The Washington Post và The New York Times chưa từng được dùng trước đó, nhất là khi viết về một tổng thống Mỹ”.

Những người ủng hộ Clinton thừa nhận hành vi của tổng thống là “không thể chối cãi” nhưng họ khẳng định đây vẫn là “đời sống tình dục riêng tư”, không nên để công tố viên đặc biệt Kenneth Starr mở cuộc điều tra. Họ lập luận, hai tổng thống Franklin D. Roosevelt và John F. Kennedy cũng từng có vấn đề gần tương tự nhưng chỉ được coi là “bất cẩn cá nhân” và không vi phạm nghĩa vụ tổng thống. Ngược lại phía chỉ trích Clinton lại nhấn mạnh đến “tính vô đạo đức của hành vi ngoại tình”. Họ tin tổng thống đã khai man, điều mà Clinton luôn phủ nhận trước khi… công nhận.

Vụ việc đã đưa đến sự thảo luận sex với những ngôn ngữ về quan hệ tình dục chưa từng được nói công khai trước đó trên truyền thông (ảnh: Patrick Durand/Sygma via Getty Images)

Lúc đó, các cuộc tranh luận trong bữa cơm tối của các gia đình Mỹ thường tập trung vào câu hỏi: “Có nên luận tội Bill Clinton không?”. Bà Deborah Tannen, từng bám sát vụ bê bối này với tư cách là giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Georgetown và cư dân Washington DC, nói: “Mọi người đều thấy đau đớn, nhưng lại bị mê hoặc và muốn nghe nhiều. Lý do dễ hiểu: Nó liên quan đến tình dục và tổng thống! Giống như một đứa trẻ bị ám ảnh sau khi bước vào phòng ngủ của bố mẹ không đúng lúc và kinh hoàng nhìn thấy những gì đang xảy ra trên giường!”.

Trước vụ bê bối, mọi người thường nói về tình dục bằng những từ ngữ kín đáo và lịch sự. Kể cả ngoại tình, lừa tình, lang chạ và những cái liếc mắt. Nhưng không đi quá xa và trần trụi như trong vụ Clinton. Các chi tiết “bẩn”, phòng the đều được các phóng viên và Starr phơi bày không chút ngại ngần. Người dân Mỹ bị sa đà vào câu hỏi “thế nào là quan hệ tình dục” và “thế nào là hành vi tình dục” (“sexual relations” và “sex”). Trên băng ghi âm, Monica Lewinsky nói với Linda Tripp “dùng miệng không phải là quan hệ tình dục”, và Clinton cũng lập luận như vậy. “Chúng tôi không có quan hệ tình dục, Linda! Quan hệ tình dục phải là giao hợp” – ông nói.

Trên Chicago Tribune năm 1998, Mary Schmich, người đoạt giải Pulitzer, gọi kiểu biện minh của Clinton là “cách bảo vệ ngây thơ của một nữ sinh đạo Công giáo khi phạm tội!” (Clinton hay Lewinsky không phải người Công giáo). Có lẽ tổng thống nhìn nhận tình dục theo cách mà nhiều nữ sinh đã làm: Không có quan hệ xác thịt nhưng có thể làm mọi thứ khác!”.

Trong cuộc thăm dò của tạp chí Time và CNN vào mùa Hè năm 1998 để xác định hành vi của Clinton và thực tập sinh có phải là “quan hệ tình dục” không, 87% người được hỏi cho biết “quan hệ tình dục bằng miệng cũng là quan hệ”; 69% mở rộng cho cả việc “chạm vào vùng kín”; và 40% khẳng định “hôn cũng được tính”! Tùy thuộc vào người bạn hỏi, cách nghĩ về tình dục không giống nhau.

Ảnh hưởng đối với xã hội

Có thể nói vụ Clinton-Lewinsky đã gieo mầm cho phong trào #MeToo chống quấy rối tình dục và khuyến khích “nói lên sự thật” hiện nay. Phóng viên Tòa Bạch Ốc Peter Baker của tờ The New York Times, người theo dõi tin về tổng thống Mỹ cho tờ The Washington Post vào thời điểm đó, nói: “Xì căng đan đã đưa Washington ra khỏi “vùng an toàn và vùng cấm tình dục” của truyền thông. Tuy nhiên, chúng tôi đã vẫn tranh luận nảy lửa về việc xem nên đưa tin gì và đưa đến đâu, đưa như thế nào? Cái gì nên viết cái gì không?”.

Vụ việc cũng làm thay đổi cách nhìn của xã hội đối với phái nam và nữ trong những vụ ngoại tình. Trước kia, người ta thường lên án gay gắt phụ nữ trong khi có khuynh hướng làm nhẹ đi đối với các ông. Thời điểm đó, Monica Lewinsky đã bị chửi bằng những lời tục tĩu nhất. “Tôi bị gọi là kẻ lang thang, đĩ điếm, đao phủ!” – cô bộc bạch trong buổi nói chuyện trên diễn đàn mở TED Talk vào năm 2015. Trong khi đó, Clinton chỉ bị gọi là kẻ ngoại tình, không phải kẻ săn mồi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo