Chuyến công du vào cuối Tháng Tám của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam dường như là cơ hội mới để các nhà hoạt động và các tổ chức quốc tế nhóm lại ngọn lửa thúc đẩy vấn đề nhân quyền và tù nhân chính trị tại Việt Nam. Từ đầu Tháng Tám đến nay đã liên tiếp có nhiều lá thư ngỏ của cá nhân và tổ chức quốc tế gửi đến Tòa Bạch Ốc, kêu gọi bà Phó Tổng thống Mỹ tác động về việc thay đổi tình hình nhân quyền, việc bắt bớ, giam giữ tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Hôm 15 Tháng Tám, một nhóm các gia đình tù nhân lương tâm đã cùng ký thư ngỏ gửi đến cho bà Kamala Harris, kêu gọi hãy lưu tâm đến các án tù quá nặng cũng như tình hình giam giữ khắc nghiệt ở các trại giam.
Nội dung lá thư được ghi là trình bày bởi “những bà mẹ, người vợ của những người tù mà có người tuổi đã trên 70 nhưng bị kết án với bản án 10 năm, có người hơn 10 năm thì ngày trở về của họ không là con người, mà là những hũ cốt tro tù lạnh lẽo”.
Ngoài ra, thư ngỏ bày tỏ với Phó Tổng thống Hoa Kỳ rằng “xin bà dành thời gian quý báu xem xét lời thỉnh cầu của chúng tôi, mong bà dành một chút thời giờ nhân chuyến công du lần này để kiến nghị với phía lãnh đạo Việt Nam, mong họ xem xét việc ân giảm cho những tù nhân đang bị giam giữ vì bất đồng chính kiến giữa lúc dịch Covid đang hoành hành thế này, để những người mẹ già còn có cơ hội nhìn thấy mặt con, vợ được gặp chồng, để những án tù dài đằng đẵng bằng hai con số không cướp đi cuộc đời của họ chỉ vì một hành động hết sức bình thường của họ nếu như là ở các quốc gia dân chủ”.
Được biết thư của đại diện các gia đình tù nhân lương tâm tại Việt Nam cũng như của các tổ chức khác đã đến thẳng văn phòng của bà Kamala Harris, tuy nhiên cho đến nay chưa có phản hồi nào.
Bày tỏ sự hy vọng và mong mỏi của mình, bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của ký giả Trương Minh Đức (12 năm tù và ba năm quản chế) nói với Saigon Nhỏ rằng “Tôi không phải là người hiểu biết nhiều, nhưng tôi vẫn nuôi một hy vọng – không dám chắc là đến 100% đâu – là khi gặp những người cấp cao của Chính quyền Việt Nam, bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ có thể đặt vấn đề về tù nhân chính trị hoặc cao hơn, là đề nghị trả tự do cho họ. Tôi nghĩ đó không phải là một ước muốn của riêng tôi mà là của tất cả những gia đình có người thân của mình đang phải chịu án tù ở Việt Nam lúc này”.
Lịch trình chuyến công du của bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ đến hai nước Singapore và Việt Nam (từ 20 đến 26 Tháng Tám) là nhằm thảo luận với các lãnh đạo Đông Nam Á về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, trong đó gồm có những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, mở rộng quan hệ thân hữu. Chuyến công du của bà Harris sẽ tiếp tục củng cố thông điệp của chính quyền Biden đối với thế giới: Coi châu Á là một khu vực hết sức quan trọng trong chiến lược trước mắt.
Với Việt Nam, sự có mặt của bà Kamala Harris nhằm khẳng định vai trò của Mỹ tại Biển Đông cũng như thăm dò việc nối kết chặt chẽ hơn với Việt Nam. Với mục tiêu như vậy, thì có lẽ một lần nữa vấn đề nhân quyền lại trở thành mờ nhạt trong các cuộc đối thoại.
Không nhiều hy vọng, bà Phạm Thanh Nghiên, một cựu tù nhân lương tâm đang sống tại Sài Gòn, nhận định:
“Là một người dân bình thường, tôi thật sự vui mừng trước những cuộc viếng thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo những quốc gia dân chủ trên thế giới. Điều đó ít nhiều khiến Việt Nam, dù đang là một thể chế độc đảng cũng phải có những điều chỉnh sao cho phù hợp với các mối quan hệ quốc tế, ví dụ về thương mại hay ngoại giao chẳng hạn. Như nhiều bạn bè khác, tôi rất quan tâm đến chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ vào cuối Tháng Tám tới. Đã có một số ý kiến, thư ngỏ gửi cho bà Phó Tổng thống bày tỏ mong muốn bà sẽ đặt vấn đề nhân quyền với nhà nước Việt Nam, hay là trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Tôi hoàn toàn đồng tình với những mong muốn đó. Tất nhiên, từ việc quan sát thực tế cho tôi kinh nghiệm rằng những ý kiến này khó mà đạt được như mong muốn. Nhà nước Việt Nam không bao giờ thừa nhận mình vi phạm nhân quyền nên khó có chuyện nhượng bộ. Hoặc họ sẽ chỉ chọn đáp ứng một trong nhiều yêu cầu đặt ra để đổi lấy lợi ích nào đó về kinh tế, thương mại như họ vẫn làm trong nhiều năm qua”.
Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của tù nhân trẻ Huỳnh Đức Thanh Bình (án 10 năm tù), cũng cùng ý kiến với bà Phạm Thanh Nghiên. Bà nói:
“Tôi ủng hộ sự lên tiếng nhưng không quá kỳ vọng có phép lạ nào từ chuyến đi này của bà Phó Tổng thống. Việc lên tiếng lúc này là một cách đánh động về những vụ xử bất công, những bản án bỏ túi ở Việt Nam. Thật sự, mọi thứ cần được giải quyết từ chính nhà nước Việt Nam”.
Có rất nhiều ý kiến nhận định rằng chính quyền Việt Nam hôm nay, hoàn toàn không giống gì với 10 năm về trước. Tất cả mọi tác động mang tính áp lực bên ngoài sẽ không dễ đạt được. Những đòn chính trị ngoại giao kiểu cũ đều ít tác dụng, mà phần lớn đều phải đi qua các thỏa thuận trong im lặng. Chính cựu Đại sứ Ted Osius cũng tiết lộ trong một bài trả lời phỏng vấn với BBC rằng trong giai đoạn làm nhiệm vụ ở Hà Nội, ông cũng chọn cách nói riêng khi cần đặt vấn đề gì đó, chứ không thể tạo áp lực truyền thông bên ngoài như trước.
Tuy nhiên, việc được trực tiếp gặp mặt hay trình bày với bà Kamala Harris cũng là điều cần thiết. Bà Phạm Thanh Nghiên nói: “Sự lên tiếng bao giờ cũng có giá trị. Tôi mong bà Phó Tổng thống dành cho những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, thân nhân các gia đình tù nhân lương tâm một cuộc gặp trực tuyến, để họ trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, tình trạng các tù nhân đang bị giam cầm”.
Bên cạnh các thư ngỏ nhắc nhở bà Kamala Harris về tình hình nhân quyền và giam giữ tù nhân chính trị tồi tệ ở Việt Nam, hiện có thêm một luồng ý kiến khác là vận động Hoa Kỳ hay châu Âu nên yêu cầu Việt Nam cho phép một đoàn y tế và kiểm tra về tình hình các trại giam ở Việt Nam. Theo đó, từ những cuộc tiếp xúc trực tiếp với danh sách được đề nghị, hy vọng phái đoàn quốc tế sẽ nhận ra được các vấn đề để giúp đỡ.
Bà Nguyễn Kim Thanh, người đứng đầu danh sách ký tên trong lá thư ngỏ của các gia đình tù nhân lương tâm bày tỏ: “Nếu có được điều đó thì tốt biết bao. Tôi nghĩ rằng mọi gia đình có người thân ở tù đều mong muốn như vậy. Tôi cũng mong rằng ngoài những chuyến đi như vậy, là sự thúc đẩy nhà nước Việt Nam sớm tổ chức những đợt chích vaccine ngừa Covid-19 cho tù nhân trên mọi miền đất nước. Họ cũng cần được đối xử như những người khác trong đại dịch”.