Mảnh đất hận thù

1.Ai Cập cho rằng cơ hội thực thi giải pháp hai nhà nước vẫn còn nếu các bên liên quan thực sự muốn chấm dứt những vụ tấn công ở Gaza.

Trong cuộc gặp ngoại trưởng Pháp ở Cairo mới đây, ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatti kêu gọi thực thi giải pháp hai nhà nước và thành lập nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.

Lời kêu gọi của Ai Cập xem ra chẳng có gì mới mẻ, nếu không nói là cũ rích.

Đông Jerusalem, bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967, bao lâu nay vẫn là một chủ đề nhức nhối trong các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.  Palestine luôn kiên định xem khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Trong khi đó, Israel lại coi Jerusalem là thủ đô “không thể chia cắt” của mình.

Lý do chính khiến Palestine trước sau không chấp nhận Đông Jerusalem là một phần lãnh thổ của Israel, đó là tại Đông Jerusalem có Thành cổ Jerusalem với quần thể tôn giáo Haram al-Sharif, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Nhưng người Israel cũng xem đó là Thánh địa thiêng liêng nhất của họ, nơi có những ngôi đền Do Thái giáo được nói tới trong Kinh Thánh.

Dẫu nghị quyết 247 năm 1967 của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Israel rút khỏi các khu vực chiếm đóng năm 1967, trong đó có Đông Jerusalem, nhưng có lẽ người Palestine cũng như các thế lực ủng hộ họ nên chấp nhận một thực tế rằng việc Israel trao trả Đông Jerusalem cho người Palestine là điều không bao giờ xảy ra. Người Palestine có kiên gan đến mười ngàn năm hoặc một trăm ngàn năm nữa thì cũng vậy mà thôi. Bởi Israel là kẻ mạnh, rất mạnh. Còn Palestine là kẻ yếu, rất yếu so với Israel. Ý chí thôi thì không đủ. Trứng không chọi với đá được. Tốt nhất là người Palestine nên ngồi lại với nhau, bảo nhau chọn một địa điểm khác làm thủ đô cho nhà nước Palestine tương lai, thay vì cứ khăng khăng đòi thủ đô phải là Đông Jerusalem.

Nói thẳng ra, Palestine nên biết mình biết ta. Người Palestine không nên đòi cái mà mình không tài nào đòi được, dù công lý có đứng về phía họ đi chăng nữa. Đừng trông mong vào Liên Hiệp Quốc hay bất kỳ thế lực nào. Nếu giúp Palestine giành lại được Đông Jerusalem thì người ta đã giúp rồi. Bây giờ thì còn chờ đợi gì nữa. Israel không chịu nhường thì Palestine phải nhịn vậy.

Lực bất tòng tâm. Ngày nào người Palestine còn chưa chịu chấp nhận thực tế này thì ngày đó một nhà nước Palestine độc lập vẫn không thể ra đời. Và hận thù, chết chóc vẫn sẽ tiếp diễn trên dải đất Gaza.

2.Tổng Thống Lukashenko của Belarus cho rằng việc Ukraine tấn công vào vùng Kursk là một sự khiêu khích, khiến Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thật nực cười, hết cha rồi lại tới con đem hạt nhân ra dọa. Có lẽ Putin nghĩ rằng những lời hù dọa hạt nhân của ông ta chẳng làm ai sợ nên bây giờ đẩy Lukashenko mang hạt nhân ra hù. Putin hù, người ta còn chẳng sợ thì Lukashenko hù, ai mà sợ. Càng hù dọa, Putin càng cho thế giới thấy ông ta đang lâm vào thế bí.

Nếu Putin dám sử dụng vũ khí hạt nhân thì ông ta đã sử dụng rồi, đâu cần phải dọa tới dọa lui. Thiết nghĩ, cũng nên nhớ lại những lời chí tình của tướng Nguyễn Chí Vịnh về việc Nga phát động cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine. Tướng Vịnh cho rằng việc này là sự kiện lạ thường xảy ra trong một thế giới hiện đại, giữa kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa. Đó là một bất ngờ với cả thế giới.

Và rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lẽ ra không được có trong suy nghĩ của lãnh đạo các quốc gia sở hữu thứ vũ khí hủy diệt này, chứ không phải là thể hiện ra bằng lời nói và được lặp đi lặp lại không chỉ một lần!

3.Ngay sau khi đe rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Ukraine, Tổng Thống Lukashenko của Belarus kêu gọi Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga để gọi là “không làm leo thang xung đột.”

Có lẽ Lukashenko nghĩ rằng Ukraine vì sợ Putin sử dụng bom hạt nhân mà phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga và phải chấp nhận các điều kiện mà Nga áp đặt, Đó là Ukraine phải nhượng đứt chủ quyền cho Nga trên các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm của Ukraine, bao gồm bốn tỉnh vùng Donbas và bán đảo Crimea.

Lukashenko còn thêm rằng hiện Nga và Belarus đã triển khai kế hoạch biên giới với hàng trăn ngàn quân và nếu cần thiết, kế hoạch này có thể được  thay đổi thành tấn công. Liên tục buông những lời hăm dọa, Putin và đàn em Lukashenko dường như không hiểu rằng nếu Ukraine chấp nhận những yêu sách lãnh thổ của Nga thì Ukraine đã chấp nhận từ lâu rồi. Ngược lại, với cuộc tấn công mạnh mẽ vào Kursk, hẳn Ukraine muốn Nga phải chấp nhận các yêu cầu mà Ukraine đưa ra. Đó là Nga phải rút hết quân ra khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đang chiếm đóng của Ukraine, đồng thời bồi thường hàng trăm tỷ đôla cho những thiệt hại mà Nga đã gây ra cho Ukraine!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: