Mỹ: 26,5 triệu người ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp

H.C.

Đã có 26,5 triệu người Mỹ nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, tính từ giữa tháng Ba đến nay, do các hoạt động kinh tế gần như đình trệ vì tác động của đại dịch Covid-19.

Theo số liệu mà Bộ Lao động công bố hôm nay 23-04, trong tuần lễ từ 11-18/04 có 4,427 triệu người mới nộp hồ sơ thất nghiệp, cộng với con số 22 triệu người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp từ giữa tháng Ba, lên tổng số 26,453 triệu người. Số người thất nghiệp này tương đương 16,2% lực lượng lao động.

Các nhà phân tích dự báo, trong cuộc khủng hoảng đại dịch hiện nay, con số thất nghiệp có thể lên tới 30 triệu người, nhiều chưa từng thấy kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 1930 đến nay.

Tất cả công ăn việc làm được tạo ra trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng đã gần như bị xóa sạch. Trong 10 năm tăng trưởng, từ tháng 09-2010 đến tháng 02 năm nay, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 22 triệu việc làm mới, nhưng giờ đây thành tích đó đã biến mất.

Tuy nhiên, có một chút hy vọng le lói: số người ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua, 4,427 triệu người, đã giảm gần một triệu người so với con số 5,327 triệu người của tuần trước đó và là tuần giảm thứ ba liên tiếp, có thể báo hiệu xu hướng thất nghiệp sắp kết thúc và thị trường lao động ổn định ở mức thấp mới. Tuần lễ có số người ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất là từ 21-28/3 với 6,867 triệu người.

Số người ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt một phần là do biện pháp giãn cách xã hội khiến nhiều cửa tiệm, nhà hàng, kho bãi (và các hoạt động kinh tế không thiết yếu) phải giảm hoạt động, sa thải nhân viên, nhưng cũng một phần do biện pháp hỗ trợ tài chánh từ Luật CARES, theo đó người thất nghiệp được trợ cấp 600 USD/tuần từ ngân sách liên bang ngoài số tiền trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang. Sự hỗ trợ này kích thích những người chưa bao giờ đi làm việc, hoặc thất nghiệp đã lâu, cũng ghi danh xin hưởng trợ cấp như những người bị mất việc vì dịch cúm Vũ Hán.

Các dịch vụ đóng cửa ngừng hoạt động khiến số người thất nghiệp tăng nhanh. AP

Tình trạng thất nghiệp tràn lan cùng với những khó khăn mà nó mang lại cho người dân lao động là một yếu tố quan trọng thúc đẩy chính phủ Mỹ xem xét mở cửa trở lại các doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động kinh tế. Tổng thống Donald Trump, lo lắng cho chiến dịch tái tranh cử của ông, cũng sốt ruột muốn sớm nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, mở cửa doanh nghiệp dù các chuyên gia y tế cảnh báo hành động nới lỏng quá sớm sẽ khiến cho nạn dịch trở nên tồi tệ hơn. Ở một số tiểu bang, rải rác đã có những cuộc biểu tình đòi dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch.

Một số nhà kinh tế học cho rằng, khi chưa có vaccine ngừa coronavirus, chưa có phác đồ điều trị thích hợp, nhất là chưa thực hiện xét nghiệp rộng rãi để xác định ai bị nhiễm bệnh ai không bị thì việc mở lại các hoạt động kinh tế sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa. Không có gì bảo đảm người tiêu dùng sẽ cảm thấy an toàn khi đi mua sắm, ăn uống, du lịch ở các doanh nghiệp được mở cửa trở lại.

Để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, Quốc hội đã chuẩn chi nhiều chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn ưu đãi để trả lương nhân viên thay vì sa thải họ. Luật CARES ban hành chương trình Paycheck Protection Program, gọi tắt là PPP, với ngân sách 350 tỷ USD cho vay từ cuối tháng trước. Nhưng nguồn vốn này nhanh chóng cạn kiệt khiến Quốc hội Mỹ phải soạn thảo dự luật bổ sung thêm 484 tỷ USD.

Sau khi dự luật được Thượng viện thông qua, Hạ viện Hoa Kỳ chiều nay thứ Năm 23-04 đã bỏ phiếu thông qua dự luật bổ sung khoản chi này vào chương trình PPP, dự kiến sẽ chuyển cho Tổng thống Trump ký ban hành trong ngày mai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: