Nga nói giảm hoạt động quân sự, le lói hy vọng hòa bình

Người dân thủ đô Kyiv dùng bao cát che chắn tượng đài Nữ hoàng Olga, các Thánh tông đồ Andrew, Cyril và Methodius ở trung tâm thủ đô để bảo vệ các di sản văn hóa trước các vụ tấn công dữ dội của quân Nga. Ảnh Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images

Sáng nay Thứ Ba 29 tháng Ba, quân đội Nga cho biết họ sẽ cắt giảm “về căn bản” các hoạt động quân sự gần thủ đô của Ukraine và một số thành phố phía Bắc Ukraine nhằm tăng cường sự tin tưởng vào các cuộc đàm phán, làm dấy lên niềm hy vọng hai bên sắp tìm được một thỏa thuận khả thi để chấm dứt một cuộc chiến tàn khốc.

Sau nhiều vòng đàm phán thất bại nhằm ngăn chặn cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu, đại diện của hai chính phủ Nga và Ukraine đã gặp nhau trực tiếp trong một vòng thương lượng mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói Moscow quyết định “cắt giảm căn bản hoạt động quân sự theo hướng Kyiv và Chernihiv” để “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán”.

Theo giới quan sát, hành động cắt giảm như vậy dường như là một cử chỉ thiện chí, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đã sa lầy trước sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine. Mục tiêu giành chiến thắng quân sự nhanh chóng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra coi như đã thất bại.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã ghi nhận quân Nga đã bắt đầu rút quân xung quanh Kyiv và Chernihiv, mặc dù Tòa Bạch Ốc của Hoa Kỳ nói tại thời điểm này Mỹ không thể chứng thực tuyên bố của Nga.

***

Các cuộc đàm phán trước đó, được tổ chức trực tiếp tại Belarus hoặc qua video, đã không đạt kết quả trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn một tháng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa – trong đó có gần 4 triệu người đã tản cư sang các nước Phương Tây.

Nhưng Thứ trưởng Fomin nói rằng đã có tiến triển hôm Thứ Ba. “Các cuộc đàm phán về chuẩn bị một thỏa thuận về quy chế trung lập và phi hạt nhân của Ukraine, cũng như về việc bảo đảm an ninh cho Ukraine, đang chuyển sang các vấn đề thực tế,” ông Fomin nói, theo AP.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, phái đoàn của Ukraine đã đưa ra một khuôn khổ chi tiết cho một thỏa thuận hòa bình tương lai, theo đó Ukraine sẽ giữ vị trí trung lập nhưng an ninh của nước này sẽ được bảo đảm bởi một nhóm các nước thứ ba, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ba Lan, theo đó các nước thứ ba sẽ hành động nếu Ukraine bị tấn công quân sự, tương tự như nguyên tắc của NATO: “tấn công một nước là tấn công tất cả các nước liên quan”.

Ukraine cũng sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán trong thời gian 15 năm về tương lai của Bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm giữ vào năm 2014; trong thời gian này cả hai nước đồng ý không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Chưa rõ quan điểm của Nga về các đề nghị của phái đoàn Ukraine.

***

Trước khi cuộc hội đàm diễn ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết đất nước của ông đã chuẩn bị để tuyên bố trung lập. Triển vọng Ukraine gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO mà Moscow coi là mối đe dọa an ninh được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược của Vladimir Putin. Tổng thống Zelenskyy cũng nói ông sẵn sàng đàm phán về quy chế của khu vực Donbas ở phía Đông – nơi đang diễn ra cuộc tranh chấp giữa chính phủ Ukraine và phiến quân ly khai được Nga hậu thuẫn. Những bình luận của ông Zelenskyy có thể tạo động lực cho các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng ngay cả khi các nhà đàm phán tập hợp tại Istanbul, các lực lượng Nga đã tấn công một kho dầu ở miền Tây Ukraine và phá hủy một tòa nhà chính phủ ở miền Nam, làm một số người chết.

Một tên lửa đã tấn công kho dầu vào cuối ngày hôm qua Thứ Hai. Vào sáng nay Thứ Ba, một vụ nổ đã làm thủng một lỗ trong tòa nhà hành chính chín tầng ở Mykolaiv, một thành phố cảng phía Nam mà Nga đã cố gắng chiếm giữ không thành công. Phát biểu trước các nhà lập pháp Đan Mạch, ông Zelenskyy cho biết bảy người đã chết trong vụ tấn công bằng tên lửa và 22 người bị thương.

Một số diễn biến chiến sự khác:

* Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã đến Ukraine để xem xét tình hình an toàn cho các cơ sở hạt nhân của đất nước. Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986 và nhà máy Zaporizhzhia đang hoạt động, nơi một tòa nhà bị hư hại trong giao tranh.

* Trong một bản tin hôm Thứ Ba 29 Tháng Ba, quân đội Ukraine cho biết quân Nga đã phá hủy hơn 60 cơ sở tôn giáo và thờ tự trên khắp đất nước, phần lớn thiệt hại tập trung gần Kyiv và ở phía Đông, 

* Hãng tin Bloomberg cho biết họ đã đình chỉ hoạt động ở Nga và Belarus. Khách hàng ở cả hai quốc gia này sẽ không thể truy cập bất kỳ sản phẩm tài chính nào của Bloomberg và các chức năng giao dịch đối với chứng khoán Nga đã bị vô hiệu hóa theo các lệnh trừng phạt quốc tế.

* Tại cuộc hội đàm ở Istanbul có tỷ phú Roman Abramovich, đồng minh lâu năm của Putin, người đã bị Anh và EU trừng phạt. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea đã đóng vai trò là nhà hòa giải không chính thức được cả hai quốc gia chấp thuận dù có báo cáo rằng ông ta có thể đã bị đầu độc trong một vòng đàm phán trước đó.

* Tổng thống Zelenskyy cho biết các lực lượng Ukraine đã chiếm lại Irpin, một vùng ngoại ô quan trọng ở phía Tây Bắc thủ đô Kyiv, nhưng ông cảnh báo các lực lượng Nga đang tập hợp để chiếm lại khu vực này.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: