NYSE xóa tên ba tập đoàn viễn thông Trung Quốc

Wall Street
Cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông lớn nhất TQ sẽ bị loại khỏi thị trường chứng khoán Phố Wall vào ngày 11-01 sắp tới, Ảnh minh họa Wikipedia.org

HIẾU CHÂN

Sở giao dịch chứng khoán New York (New York Stock Exchange, NYSE) cho biết sẽ xóa tên ba công ty viễn thông nhà nước lớn của Trung Quốc vào ngày 11-01-2021 sắp tới, theo một sắc lệnh của chính quyền Trump, cắt đứt quan hệ mang tính biểu tượng giữa giới kinh doanh Trung Quốc và Phố Wall.

Tin buồn đầu năm cho các nhà kinh doanh Trung Quốc là trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày hôm qua thứ Năm 31-12-2020, NYSE nói sẽ ngừng giao dịch cổ phiếu của ba tập đoàn China Mobile, China Unicom và China Telecom vào lúc 4 giờ sáng ngày 11-1-2021, căn cứ theo một sắc lệnh ban hành vào tháng 11-2020 của chính phủ cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã nêu tên ba công ty này hỗ trợ quân đội, tình báo và an ninh Trung Quốc.

Danh sách “đen” các công ty Trung Quốc đang được xem xét để loại ra khỏi các thị trường chứng khoán Mỹ hiện có khoảng 35 đơn vị, trong đó có tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng như các công ty sản xuất thiết bị giám sát, theo dõi, thiết bị bay không người lái, hàng không vũ trụ, đóng tàu, xây dựng hạ tầng và công nghệ v.v…

Sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hồi tháng 11, giới quan sát vẫn chưa rõ chỉ có cổ phần của các công ty “trong sổ đen” bị cấm giao dịch, hay cấm cả cổ phần của các công ty con của chúng; nhưng hôm qua Bộ Tài chính Mỹ nói rõ họ sẽ cấm cả các công ty con nào mà các tập đoàn này nắm đa số cổ phần. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) thuộc Bộ Tài chính – có nhiệm vụ xử lý các lệnh cấm vận kinh tế – cũng nói rằng việc mua bán các sản phẩm tài chính phái sinh (derivatives), biên nhận tiền gửi (depositary receipt) cũng như các quỹ đầu tư liên quan, quỹ đầu tư chỉ số và quỹ đầu tư tương hỗ với các tập đoàn này cũng bị cấm. Theo tiêu chí mới này, số công ty Trung Quốc bị cấm giao dịch cổ phiếu tại Mỹ có thể lên đến hàng trăm đơn vị.

Trước đây, các tổ chức điều hành các bộ chỉ số chứng khoán chính như MSCI Inc, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices cũng đã thông báo loại các chứng khoán Trung Quốc ra khỏi bộ chỉ số của họ dù chưa loại trừ hoàn toàn việc mua bán các loại cổ phiếu này.  

*

Sau sắc lệnh tháng 11, mọi người đều biết chắc chắn cổ phiếu của các công ty này sẽ bị loại khỏi sàn giao dịch Big Board – biệt danh của NYSE, vì các quan chức Mỹ nhắm làm suy yếu các mối liên kết kinh tế sâu rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận nguồn tiền của Phố Wall. Nhà đầu tư Mỹ đang nắm giữ cổ phiếu của ba công ty trên phải bán và rút ra trước tháng 11-2021 nhưng sau động tác “xóa tên” của NYSE nói trên chưa rõ nhà đầu tư sẽ bán như thế nào.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, động tác của NYSE chỉ có ý nghĩa tượng trưng vì thực tế việc giao dịch cổ phiếu trên thị trường Mỹ đã không còn quan trọng đối với các công ty Trung Quốc vì chúng được chính phủ Bắc Kinh tài trợ rất hào phóng và cũng có thể huy động tiền của các nhà đầu tư quốc tế bằng cách bán cổ phần ở Hồng Kông. Động tác này cũng ít có ảnh hưởng tới tham vọng quân sự hoặc an ninh của Trung Quốc.

Cả ba công ty đều đều thuộc sở hữu của một cơ quan chính phủ, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc, đều hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và phục vụ các mục tiêu chính trị của Bắc Kinh. Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc toàn quyền bổ nhiệm, điều động các giám đốc điều hành giữa ba công ty.

Đây cũng là ba công ty duy nhất Trung Quốc được phép cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, một ngành được Bắc Kinh coi là chiến lược, đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước và cấm người nước ngoài tham gia.

*

China Mobile, công ty lớn nhất trong ba công ty với số vốn thị trường khoảng 117 tỷ USD, lần đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại NYSE vào năm 1997, thời điểm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Các quan chức có tư tưởng cải cách ở Bắc Kinh đang cố gắng đưa kinh tế tăng trưởng trở lại sau khi Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi và trì hoãn những cuộc cải cách sâu rộng cần thiết.

Một cuộc cải cách như vậy liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc buộc họ phải sa thải công nhân, tập trung vào lợi nhuận và năng suất. Việc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ, theo suy nghĩ của họ, sẽ buộc các công ty phản ứng nhanh hơn với yêu cầu của nhà đầu tư và có nhiều động lực hơn để tập trung vào lợi nhuận.

Sự kiện China Mobile trở thành doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tiên của Trung Quốc giao dịch cổ phần tại New York đã kéo theo các công ty viễn thông khác, các ngân hàng quốc doanh, công ty dầu khí và hãng hàng không. Các công ty tư nhân lớn của Trung Quốc cũng đã bán cổ phần ở NYSE. Alibaba, gã khổng lồ về mua sắm trực tuyến, đã tổ chức đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được coi là lớn nhất thế giới tại New York vào năm 2014.

*

Việc các công ty lớn của Trung Quốc tham gia bán cổ phần trên thị trường chứng khoán New York phản ánh đà gia tăng quyền lực và giàu có của Trung Quốc. Ngược lại, việc hủy niêm yết cổ phần của các công ty này, bắt đầu từ ba tập đoàn viễn thông kể trên, cho thấy sự xa cách ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự đổ vỡ các mối quan hệ kinh doanh lâu đời giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thiết lập trong nhiều thập niên khi Trung Quốc tìm cách quốc tế hóa và cải cách các tập đoàn khổng lồ do nhà nước sở hữu.

Có điều nhu cầu của Trung Quốc về tiền vốn và bí quyết quản trị công ty của Trung Quốc đã giảm bớt. Trung Quốc cũng đã xây dựng các sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông thành một vài sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Năm ngoái tập đoàn Alibaba đã niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông, một thành phố bán tự trị của Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư chuyển tiền tự do qua biên giới, không giống như Trung Quốc lục địa, coi đó là nơi trú ẩn an toàn phòng khi quan hệ kinh tế Trung-Mỹ bị xấu đi.

Quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về doanh nghiệp nhà nước cũng đã thay đổi. Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, đã nói về việc phát triển các công ty nhà nước lớn hơn và mạnh hơn chứ không phải tinh gọn hơn. Quan niệm đó làm cho một số nhà kinh tế và doanh nhân lo ngại chính phủ Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong các doanh nghiệp tư nhân và chính sách đó mâu thuẫn với nguyên tắc thị trường tự do, mâu thuẫn với chính sách kinh tế của Mỹ và phương Tây nói chung. 

Việc loại bỏ các công ty quốc doanh Trung Quốc ra khỏi sân chơi tài chính của phương Tây do vậy là rất khó tránh, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.

(theo NYT, WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Ngừng trì hoãn
Có một vấn đề trong thế giới kỹ thuật số ngày nay: Quá tải thông tin. Từ âm nhạc, trò chơi đến mạng xã hội và những giờ giải trí…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: