“Phản đảo chính” trong cung đình Saudi Arabia

Một bảng thông tin ở Saudi Arabia thể hiện Quốc vương Salman (giữa) hooàng tử MBS (phải) và hoàng thân MBN – người vừa bị bắt giữ. AP

HIẾU CHÂN

Saudi Arabia – đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ ở Trung Đông – vừa có một biến cố chính trị quan trọng: ba thành viên nổi tiếng của hoàng tộc Saudi vừa bị chính quyền bắt giữ với tội danh âm mưu lật đổ nhà vua.

Đó là các hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz al Saud – em của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud; và hoàng thân Mohammed bin Nayef bin Abdulaziz al Saud, còn gọi tắt là MBN, cháu của nhà vua và một người em của hoàng thân MBN là hoàng thân Nawaf bin Nayef bin Abdulaziz al Saud.

Vụ bắt giữ diễn ra vào sáng thứ Sáu (06-03-2020), khi vệ binh của triều đình Saudi mặc trang phục đen và đeo mặt nạ đến nhà hai hoàng thân, bắt giữ họ và lục soát nhà cửa.

Báo The Wall Street Journal tường thuật vụ bắt giữ và cho biết triều đình Saudi cáo buộc hai hooàng thân Ahmed và MBN âm mưu đảo chính lật đổ vua Salman và hoàng thái tử Mohammed bin Salman, gọi tắt là MBS, người đang điều hành công việc đối nội đối ngoại hàng ngày của vương quốc Arab Saudi. Chi tiết của vụ việc chưa được thông báo.

Hai hoàng thân – từng có thời được coi là những người có tiềm năng kế vị ngai vàng của triều đình Saudi – nay có thể đối mặt với án tù chung thân, thậm chí tử hình.

Hoàng thân MBN từng là bộ trưởng nội vụ – một chức vụ đầy quyền lực, nắm quân đội và lực lượng tình báo của Saudi. Hoàng thân MBN còn có quan hệ mật thiết với giới tình báo Mỹ và được kính trọng vì ông hiểu biết sâu sắc các mối đe dọa an ninh và khủng bố ở Trung Đông. Cho đến khi bị mất chức và bị quản thúc tại gia năm 2017 hoàng thân MBN là người xếp vị trí đầu tiên trong hàng ngũ những vương tôn có tiềm năng kế vị ngai vàng.

Hoàng thân Ahmed là người em duy nhất còn sống của Quốc vương. Sau khi nhà sáng lập vương triều Saudi Arabia qua đời, vương quyền được truyền lại theo phương thức truyền từ anh sang em chứ không phải cha truyền con nối. Ông Ahmed còn được kính trọng vì ông gần như là người duy nhất dám lên tiếng phê phán những chính sách của vương triều Saudi Arabia. Nhiều vương tôn trong triều đình vẫn muốn vương miện sẽ được truyền từ Quốc vương Salman sang hoàng thân Ahmed, thay vì truyền cho con là hoàng tử MBS. Có lẽ đó cũng là lý do khiến hoàng thân Ahmed trở thành cái gai trong con mắt của vị vua tương lai, hoàng tử MBS.

Nhưng trong vài năm qua, vị thế của họ trong hoàng tộc đã suy giảm khi Quốc vương Salman củng cố quyền cai trị và đưa con trai là hoàng tử MBS lên vị trí hoàng thái tử kế vị. Không chỉ bị thất sủng, hai hoàng thân này còn bị coi là những đối thủ của hoàng thái tử MBS trong việc thừa kế vương quyền khi Quốc vương Salman, hiện đã 84 tuổi, qua đời hoặc thoái vị.

Báo The New York Times cho rằng, cả hai hoàng thân vừa bị bắt đều không có biểu hiện nào rằng họ có ý định thách thức sự kế vị của hoàng tử MBS.

Hoàng tử MBS (trái) và hoàng thân MBN lúc chưa trở thành đối thủ chính trị của nhau. AFP

Hoàng thái tử MBS là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Lúc mới lên cầm quyền cuối năm 2017, ông đã được các chính trị gia phương Tây khen ngợi vì ông đưa ra nhiều chương trình cải cách theo hướng dân chủ, tôn trọng quyền của phụ nữ và đa dạng hóa nền kinh tế để tránh phụ thuộc vào dầu mỏ. Chương trình tư nhân hóa tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Aramco của Saudi Arabia và đưa tập đoàn này lên sàn chứng khoán là một bước đi đầy tham vọng của hoàng tử MBS nhằm huy động vốn cho các chương trình phát triển công nghiệp.

Nhưng những biện pháp quyết liệt của hoàng tử MBS trong công cuộc chống tham nhũng, đặc biệt là sự trấn áp tàn bạo những tiếng nói đối lập và những đối thủ chính trị của ông, nhất là sau khi ông được sắp xếp làm người kế vị, đã khiến nhiều người e ngại. Vụ ám sát và phanh thây nhà báo Jamal Khashoggi – nhà báo đối lập và bình luận viên của báo The Washington Post – trong khuôn viên lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018, được cho là do các cận vệ của hoàng tử MBS thực hiện, càng làm cho tên tuổi của ông bị hoen ố.

Những sự kiện trên, cùng với quyết định của hoàng tử MBS không rút quân Saudi Arabia ra khỏi cuộc nội chiến ở Cộng hòa Yemen láng giềng, khiến Saudi Arabia bị sa lầy trong một thảm họa nhân đạo tầm cỡ toàn cầu, đã khiến cho Quốc hội Mỹ phải ra nghị quyết lên án Saudi Arabia.

Việc bắt giữ các hoàng thân Ahmed và MBN xảy ra vào thời điểm hoàng tử MBS phải đối mặt với nhiều thách thức trầm trọng. Dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus gây ra đã làm giá dầu mỏ lao dốc thảm hại, làm nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia giảm mạnh, đe dọa các chương trình cải cách kinh tế của ông MBS. Thêm vào đó, quyết định đóng cửa biên giới để phòng dịch, đơn phương đình chỉ các cuộc hành hương của tín đồ Hồi giáo tới các thánh địa Mecca và Medina – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hồi giáo – làm cho hoàng tử MBS bị chỉ trích nặng nề trong nước và trong thế giới Hồi giáo.

Có lẽ do vậy, việc bắt giữ ba vị hoàng thân đã không được chính quyền Saudi Arabia công bố công khai. Theo nhiều nhà quan sát chính trị, việc bắt giam các đối thủ có khả năng cạnh tranh về chính trị sẽ giúp củng cố quyền lực của hoàng tử MBS để ông rộng đường tới chiếc ngai vàng của vương triều Saudi. Nhưng điều đó có giúp làm ổn định tình hình Saudi Arabia hay không lại là chuyện khác.

Tình hình Saudi Arabia còn là yếu tố quan trọng trong chiến lược rộng lớn hơn của chính phủ Hoa Kỳ trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho vùng Trung Đông mà “kế hoạch thế kỷ” được Tổng thống Donald Trump công bố tháng trước đã cho thấy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: