Putin không một mình “múa gậy vườn hoang”

Cuối cùng thì Putin cũng bộc lộ mục tiêu thực sự của ông ta trong cuộc xâm lược Ukraine là chiếm đất, tái lập đế chế Nga của Sa hoàng Peter Đại đế cách đây ba thế kỷ, bất chấp sự tàn phá mà ông ta gây ra cho nước láng giềng Ukraine và sự lên án của thế giới. Ảnh: Getty Images

Kể từ ngày đầu cuộc tấn công tổng lực của Nga vào nước láng giềng “anh em” Ukraine, dư luận dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về trách nhiệm đạo đức của tất cả người Nga đối với cuộc chiến tàn khốc. Nhiều người Nga, những người luôn tự nhận là yêu chuộng hoà bình và đã từng trả giá máu xương vì bị giặc ngoại xâm, lại công khai ủng hộ nhiệt thành cuộc tấn công xâm lược. Vậy đây là cuộc chiến của Putin hay của nước Nga?

Đài BBC ban Nga ngữ phỏng vấn tiến sĩ Schulze Vessel, nhà Sử học chuyên về Đông và Nam Âu thuộc Đại học Tổng hợp Munich, CHLB Đức về đề tài trên, và so sánh bức tranh nước Nga hiện đại với nước Đức trong thời kỳ Hiler khơi mào Đệ nhị Thế chiến.

Một người đàn ông đi giữa đống đổ nát trước khu chung cư bị hư hại nặng nề bởi cuộc tấn công của Nga vào ngày 18 Tháng Ba, 2022 ở Kyiv, Ukraine. (ảnh: Chris McGrath / Getty Images)

Cuộc chiến tranh chống lại một dân tộc

Tiến sĩ Schulze Vessel cho rằng những cuộc chiến nước Nga tiến hành trong hai thập kỷ gần đây, như ở Tchechnia hay Syria đều rất tàn bạo. Nga tiêu hủy các thành phố và giết nhiều thường dân, điều đó đang được lặp lại ở Ukraine. Sự tàn bạo như vậy không phải chỉ nằm ở cách thức tiến hành cuộc chiến mà là dự định của cuộc chiến. Trong bài phát biểu của mình từ Tháng Bảy năm ngoái, Putin nêu rõ rằng ông không thấy sự tồn tại của dân tộc Ukraine như một dân tộc độc lập. Putin bắt đầu cuộc chiến chống lại dân tộc, đất nước Ukraine. Điều cần thấy là bất kỳ cuộc chiến nào chống lại một dân tộc đều mang hình hài của sự diệt chủng.

Trong phát biểu còn nóng hổi ngày 9 Tháng Sáu, nhân dịp ngày sinh Pyotr Đại đế (10 Tháng Sáu, 1672) Putin kín đáo so sánh mình với vị đại đế có công hồi sinh nước Nga và gọi trách nhiệm của mình là phải khôi phục các vùng lãnh thổ đã mất. “Bạn có ấn tượng rằng khi chiến đấu với Thụy Điển, ông ấy đang giành giật một thứ gì đó. Ông ấy không giành giật thứ gì đó, ông ấy đang lấy lại nó,” Tổng thống Putin nói với các khán giả trẻ. “Đó cũng là trách nhiệm của chúng ta để lấy lại và củng cố,” ông nói, trong một thông điệp rõ ràng ám chỉ về Ukraine.

Như vậy, sau ba tháng tiến hành cuộc chiến, sau nhiều “lời hay ý đẹp” vô căn cứ về mục đích cuộc chiến (phi phát xít hoá, “giải giáp” quân đội Ukraina, ngăn không để Ukraine gia nhập NATO), giờ đây dã tâm của Nga đã lộ rõ, đơn giản: Cướp đất, cướp tài nguyên, cưỡng bức di dân, hạ “đo ván” vĩnh viễn dân tộc Ukraina.

Theo Tiến sĩ Schulze Vessel, câu trả lời về trách nhiệm tập thể của người Nga là vấn đề không đơn giản. Một mặt, quyết tâm gây hấn rõ ràng là trách nhiệm cá nhân của ông tổng thống độc tài Putin, nhưng liệu một cá nhân có hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tội ác cả dân tộc gây ra?

Tiến sĩ Schulze Vessel cho rằng Putin không một mình “múa gậy vườn hoang” mà hành động trong bối cảnh văn hoá xã hội của nước Nga, hay có thể nói Putin là “sản phẩm” của chính bối cảnh đó. Xã hội Nga hiện đại bị ám ảnh với sự hoang tưởng về việc phương Tây luôn chủ đích bao vây kìm hãm nước Nga, niềm tin vô căn cứ vào chủ nghĩa bài Nga ở nước ngoài, cũng như tâm lý nửa ghen tị, nửa uất ức với Tây phương. Lý do của tâm lý hung hăng và bài phương Tây này lại đến từ tuyên truyền trong hơn hai chục năm cầm quyền của thời đại Putin.

Bức tranh tường có hình tổng thống Nga Putin và dòng chữ ‘To Ukraine With Love’ của các nghệ sĩ Corie Mattie và Juliano Trindade tại Los Angeles, California. Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, California là nơi sinh sống của khoảng 112,000 cư dân gốc Ukraine. (ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Liệu người Nga có giống người Đức?

Những hình ảnh cuộc chiến như nhà cửa đổ nát, xác chết nằm la liệt đã cho cả thế giới thấy về sự tàn bạo của quân Nga. Điều đáng sửng sốt là những hình ảnh tàn khốc đó cũng được trưng ra đầy đủ trên báo chí và truyền hình Nga (chỉ có với thuyết minh khác: Do quân Ukraine và các phần tử quốc xã gây ra trong khi nép bóng thường dân làm bia đỡ đạn). Nhiều người Nga chấp nhận lời thuyết minh đó, thậm chỉ cả thân nhân của những “liệt sĩ” đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Trong một xã hội truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ, dù nhiều người không dám đưa ra ý kiến của mình hay dù những con số khảo sát xã hội do các hãng truyền thông “mậu dịch” đưa ra là chẳng mấy đáng tin cậy, thì vẫn không thể phủ nhận phần trăm số người Nga ủng hộ chiến tranh là khá cao.

Đã có những tiếng nói phản đối cuộc chiến, nhưng rất ít. Trong những ngày đầu cuộc chiến, đã có xuống đường ở những thành phố lớn, đã có những bức thư từ giới khoa học, giới nghệ sĩ, nhưng sau khi bị đàn áp thì không còn nghe thấy nữa.

Hoàn cảnh nước Đức trong thời gian Đức trong thời gian Đệ nhị Thế chiến cũng không đơn giản. Hiler khi đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người Đức trong suốt những năm 30 và trong thời kỳ chiến tranh, nhưng quyết định bắt đầu cuộc chiến vào năm 1939 không được ủng hộ rộng rãi. Trong thời gian này, nhiều người Đức ủng hộ chủ nghĩa dân tộc – xã hội chủ nghĩa, nhiều người Đức chia sẻ quan điểm bài Do Thái.  Đa số mọi người có cảm xúc đồng nhất với quốc gia và gắn kết với các tư tưởng quốc gia.

So sánh nước Nga hiện đại với nước Đức vào giai đoạn đầu Thế chiến không đơn giản. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp đều cho thấy, sự lãnh đạo chính trị không thể có được nếu không có sự ủng hộ của nhân dân. Ở nước Nga hiện tại, lãnh đạo được quân đội ủng hộ, giới kinh doanh ủng hộ và vì như vậy, có thể nói là đây không phải là cuộc chiến của mình Putin. Đây là cuộc chiến của nước Nga.

Một ngày nào đó, liệu người Nga có giống người Đức, sẽ ăn năn hối hận về những hành động tội ác mà quân đội của họ gây ra ngày hôm nay?

Đọc thêm:

CUỘC CHIẾN CỦA PUTIN

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: