Quân đội Myanmar giết người man rợ như thế nào?

Hãng tin AP vừa thực hiện một phóng sự điều tra (đăng tải ngày 26-5-2021), cho thấy quân đội Myanmar đã dùng xác người để gieo rắc nỗi kinh sợ nhằm khủng bố tinh thần người dân…

Hai chiếc xe bán tải màu đen phóng nhanh trên đoạn đường vắng trước khi đột ngột dừng lại. Những người lính ngồi trong thùng xe tải bắt đầu bắn vào một xe máy đang chạy chở ba thanh niên. Chiếc xe máy loạng choạng đâm vào một cánh cổng. Vài phát súng được bắn ra khi hai thanh niên bỏ chạy, trong khi người thứ ba, Kyaw Min Latt, nằm gục rên rỉ. Những người lính tóm nạn nhân 17 tuổi này, ném cơ thể mềm nhũn anh ta vào thùng xe và phóng đi. Sự việc chỉ kéo dài hơn một phút và được camera CCTV ghi lại.

Hãng tin AP và Phòng thí nghiệm Điều tra thuộc Trung tâm Nhân quyền (Human Rights Center Investigations Lab) của Đại học California-Berkeley đã xem xét các trường hợp mà thi thể những người bị cảnh sát và quân đội được sử dụng làm “công cụ” để khủng bố tinh thần người dân. AP và HRC Lab đã xác định hơn 130 trường hợp trong đó lực lượng an ninh sử dụng xác chết và người bị thương để gieo rắc hoảng sợ trong dân chúng. Kể từ khi quân đội tiếp quản, hơn 825 người đã thiệt mạng, gấp đôi con số chính phủ công bố – theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Trong hai tháng, HRC Lab đã kiểm tra các đoạn phim trên mạng, cho thấy những cảnh xác chết trên đường phố bị kéo lê như bao gạo trước khi được ném lên xe và được đưa đi đâu chẳng ai biết. Vài người bỗng nhiên mất tích; vài người bị bắt hôm trước thì hôm sau biến thành tử thi mà xác của họ bị cắt xẻo với các dấu hiệu tra tấn…

Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện mà chẳng bao giờ có sự cho phép gia đình nạn nhân. Một số giấy chứng tử ghi rằng nạn nhân tử vong do “đau tim” hoặc “té ngã” sau các cuộc biểu tình bạo lực. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với lời kể nhân chứng và hình ảnh do người biểu tình, nhà báo hoặc người dân chụp lại… Trong khi đó, việc hỏa táng luôn được nhà chức trách bí mật tiến hành lúc nửa đêm. Trong một số trường hợp, gia đình nạn nhân phải trả tiền cho bệnh viện quân đội mới có thể lấy lại thi thể người thân.

Trở lại vụ Kyaw Min Latt được nhắc ở đầu bài. Gia đình nạn nhân cho biết, hôm đó, cậu cùng hai người bạn từ công trường về nhà ăn cơm trưa. Bằng cách sử dụng ảnh vệ tinh, kỹ thuật tìm kiếm hình ảnh đảo ngược và tính toán bóng râm ánh nắng, HRC Lab xác định được rằng vụ bắn ba thanh niên chạy xe gắn máy diễn ra lúc 10:38 sáng trước một trường trung học trên đường Azarni tại thị trấn Dawei. Trong đoạn băng hình, người ta nghe hai tiếng súng. Kyaw Min Latt, ngồi giữa tài xế và người còn lại, bỗng ôm đầu và ngã quặt sang một bên. Hai người bạn của cậu bỏ chạy. Một tiếng súng nữa vang lên.

16 phút sau, một người qua đường đưa lên Facebook bức ảnh vỉa hè đẫm máu và đôi dép vất lại gần chiếc xe máy màu trắng. Trong vòng hai giờ, đoạn phim CCTV được chia sẻ rộng trên mạng xã hội. Nhờ vậy mà cha của Kyaw Min Latt biết được chuyện. Nghe nói con mình được đưa đến một bệnh viện quân y, ông vội vã đến đó. Kyaw Min Latt còn sống nhưng chẳng còn biết gì. Ít lâu sau, Kyaw Min Latt tắt thở. Bệnh viện yêu cầu gia đình nạn nhân phải ký giấy chứng nhận Kyaw Min Latt tử vong vì vết thương ở đầu do ngã xe máy mới có thể được phép mang xác về!

Sau khi bà Suu Kyi bị bắt, nhiều thành viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng được triệu tập để thẩm vấn. Vài người đã không bao giờ sống sót trở về. Gia đình một nạn nhân cho biết họ không được phép nhận thi thể người thân, sau khi ông tử vong tại trung tâm thẩm vấn. Trong khi đó, hai thành viên NLD khác đã “trở về nhà” dưới hình hài thi thể. HRC Lab phân tích ảnh và cho biết hai người này đã bị tra tấn tàn bạo. Một người thậm chí bị lột da mặt; trong khi người kia vẫn còn vết máu khô trên đầu và vết bầm tím khắp cơ thể. Khi trả xác, bác sĩ nói với người nhà của một nạn nhân: “Chỉ cần nói với mọi người rằng ông ấy chết vì đau tim”.

Tình trạng khủng bố trấn áp người dân hiện vẫn tiếp tục. Tháng 5-2021, lực lượng an ninh bỗng đến gõ cửa nhà Aung Khaing Myit ở thị trấn Pyay thuộc Vùng Bago. Sau khi đánh đập nạn nhân 33 tuổi này, họ đưa anh ta đi thẩm vấn về việc liên quan một vụ nổ bom. Cô em gái nạn nhân kể rằng cảnh sát cam đoan không có chuyện gì xảy ra nhưng người thân vẫn có thể nghe rõ tiếng la hét vì đau đớn của nạn nhân trong căn phòng gần đó. Hôm sau, gia đình nạn nhân được yêu cầu đến một bệnh viện quân y; và được báo rằng Aung Khaing Myit đã chết khi “cố phóng ra khỏi một chiếc xe đang chở cậu ấy”!

Ngay cả khi thi thể được trả lại cho gia đình, điều đó cũng không có nghĩa họ được chôn cất tử tế và yên nghỉ. Kyal Sin, 19 tuổi, được biết với cái tên “Thiên thần”, đã bị bắn vào đầu vào ngày 3-3-2021 trong một cuộc biểu tình ở Mandalay. Hàng ngàn người phẫn nộ trước cái chết Kyal Sin và đã đến dự đám tang vào hôm sau. Nhưng đêm đó, những bó hoa ở mộ nạn nhân bỗng nhiên biến mất. Đài truyền hình nhà nước MRTV nói rằng thi thể Kyal Sin đã được nhà chức trách khai quật để khám nghiệm tử thi nhằm “minh oan cho cảnh sát”. Sau đó, nhà chức trách công bố giấy chứng tử, nói rằng viên đạn giết chết cô ấy không phải loại đạn mà cảnh sát sử dụng và nó được bắn từ một hướng không phải từ lực lượng an ninh!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: