Cũng như người Việt, tiếng Việt – đôi khi – cũng hơi khó hiểu. Ca dao/tục ngữ Việt Nam rất gần gũi và thân thuộc với cả trâu lẫn ngựa (Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ. Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…) nhưng trong tiếng nói hằng ngày thì cả hai loài gia súc này đều bị mắng nhiếc không tiếc lời, và toàn là những lời lẽ rất nặng nề:
Đồ đ. ngựa!
Thứ ngựa bà!
Loại đầu trâu mặt ngựa!
Cái đám trẻ trâu!
Sự việc nghiêm trọng và bất công đến nỗi nhà báo Nguyễn Thông phải lấy làm ái ngại, và buông lời cảm thán: “Nghĩ thương con trâu ngựa thật, các cụ xưa so sánh hơi ác, chứ chúng nó còn người gấp tỉ lần đám trâu ngựa người.”
Thế cái “đám trâu ngựa người/ngợm” ở xứ mình ăn ở ra sao mà mang tiếng dữ vậy, hả Trời?
G.S Nguyễn Văn Tuấn than phiền:
“Bảng xếp hạng gọi là ‘Good Country Index’ (GCI) cho thấy Việt Nam đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy Việt Nam đứng hạng 103 (trong số 124 nước) về đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới. Còn về đóng góp vào các quĩ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì Việt Nam đứng hạng 123, tức áp chót!
Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước ‘đầu trâu mặt ngựa’ như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen!”
Tất nhiên, chả phải là vô cớ mà “Việt Nam đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới”!
Thiên hạ đều biết là giới lãnh đạo của xứ sở này, hết thế hệ này sang thế hệ khác, đều nhất trí và kiên định chính sách “ngoại giao vác rá” (đi xin xỏ khắp nơi) nhưng hầu như không “đóng góp” một đồng xu hay cắc bạc nào ráo, vào bất cứ chuyện chi!
Tương tự, dân Việt tị nạn khắp năm châu nhưng Việt Nam lại là nơi cực kỳ bất an cho bất cứ ai buộc phải tạm lánh hay tạm trú ở xứ sở này. Hãy xem qua vài sự kiện gần đây:
Ngày 7 Tháng Mười Hai 2022: “Tàu Việt Nam cứu 154 người Rohingya nhưng lại bàn giao cho quân đội Myanmar ngay sau đó.”
Ngày 15 Tháng Mười Hai 2022: “Các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa gửi thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động người Hoa đang xin tị nạn chính trị chờ định cư Canada, được cho là đã bị bắt giam ở Hà Nội vào Tháng Tám năm ngoái và nhiều khả năng bị bí mật chuyển giao cho Bắc Kinh…
Văn phòng OHCHR khu vực Đông Nam Á cho VOA biết trong email rằng tính đến ngày công bố văn thư này, tức 60 ngày kể từ ngày gửi, phía Việt Nam vẫn chưa phản hồi… Các báo viên đặc biệt của LHQ cho biết nếu việc bàn giao ông Đổng cho Trung Quốc được xác nhận thì rõ ràng Hà Nội đã vi phạm nguyên tắc không gửi trả (non-refoulement) như đã quy định trong Công ước LHQ về bảo vệ người tị nạn.”
Không chỉ thản nhiên gửi trả người tị nạn chính trị trở về nơi mà họ đã phải tìm mọi cách trốn chạy, nhà đương cuộc Hà Nội còn ngang nhiên cho công an/mật vụ đi bắt cóc những công dân Việt bất đồng chính kiến đang phải lánh nạn tại nước ngoài.
Ngày 25 Tháng Bảy 2002: Ông Phạm Văn Tưởng (pháp danh Thích Trí Lực) đã bị công an Việt Nam bắt cóc tại Phnom Penh.
Ngày 16 Tháng Năm 2007: Ông Lê Trí Tuệ (Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc lập Việt Nam) cũng đột nhiên “biến mất” khỏi nơi tạm trú tại Cambodia, sau khi đã được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp cho quy chế tị nạn.
Tháng Giêng 2019: Nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt ngay tại Thái Lan, ngay khi ông vừa đặt chân đến quốc gia này.
Nạn nhân mới nhất là ông Đường Văn Thái, một người tị nạn tại Bangkok, đã biệt tích kể từ ngày 13 Tháng Tư 2023. VOA cho biết:
Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) hôm 20 Tháng Tư lên án việc mà tổ chức này gọi là “bắt cóc” và giam giữ ông Đường Văn Thái và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức. IFJ cho biết trong một thông cáo: “Vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái cho thấy mối nguy hiểm đáng kể mà các nhà báo Việt Nam phải đối mặt và tạo tiền lệ nghiêm trọng cho sự an toàn của nhà báo ở nước ngoài. Những hình phạt nghiêm khắc và đàn áp ở Việt Nam đối với hoạt động báo chí độc lập và hoạt động phê bình có nghĩa là ông Thái có thể sẽ phải đối mặt với sự ngược đãi vì công việc của mình.”
Tuy vô cùng bất nhân đối với người nước ngoài tìm đến Việt Nam lánh nạn, và cực kỳ tàn bạo đối với mọi công dân bất đồng chính kiến ở xứ sở này, khi đối diện với những vấn đề quốc tế (có ảnh hưởng đến cả an ninh cũng như quốc thể) thái độ của nhà đương cuộc Hà Nội lại hoàn toàn khác hẳn – khiếp nhược và láu cá thấy rõ:
–Việt Nam bỏ phiếu trắng vụ lên án Nga sáp nhập bốn vùng Ukraine.
–LHQ ra nghị quyết đòi Nga rút quân, Việt Nam lại bỏ phiếu trắng.
–Việt Nam lại bỏ phiếu trắng về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
–Việt Nam “chọn phe” Nga trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ.
–Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của LHQ đòi Nga rút quân khỏi Ukraine.
Chủ trương “bỏ phiếu trắng” khiến cho nhiều công dân Việt Nam “xấu hổ” vì cách ứng xử “khôn vặt” của giới lãnh đạo của đất nước này:
Nguyễn Vũ Bình: “Quan hệ Việt Nam-Nga là truyền thống nhưng anh không thể vì mối quan hệ truyền thống mà ủng hộ cuộc chiến phi nghĩa được.”
Mai Luân: “Không ít ý kiến cảm thấy ‘xấu hổ’ cho Việt Nam khi ngay cả những quốc gia trong ASEAN như Campuchia và Myanmar mà còn dám giơ tay bỏ phiếu theo lương tri.”
Hoàng Trường: “Phải dứt khoát vứt bỏ ngay thói khôn vặt ‘bỏ phiếu trắng’ và thái độ ‘người ngoài cuộc’ như các quan chức ngoại giao đã lựa chọn ở LHQ…”
Nguyễn Quang Vinh: “Trong nước thì họ ngăn chặn một cách trắng trợn và thô bạo việc người dân và trí thức tiến bộ bày tỏ công khai sự ủng hộ Ukraine. Tuy vậy, nhân dân trong nước vẫn ủng hộ Ukraine theo tiếng gọi của lương tri.”
Thiệt là may phước. May mà tuyệt đại đa số dân Việt đã đi “theo tiếng gọi của lương tri,” và từ chối đứng chung bọn với cái đám… đầu trâu mặt ngựa!