Nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung (24/08/1935 – 01/01/2022) đã may mắn được có dịp đi viếng thăm khắp nước, trước khi tạ thế. Ông vừa đi, vừa bấm máy, vừa huyên thuyên trò chuyện:
“Tiếp tục con đường tỉnh lộ chúng tôi chạy về hướng chiến khu Yên Thế. Ðường từ Tiên Lục qua Bố Hạ có đoạn còn rải sỏi đỏ. Bố Hạ là quê hương của giống cam nổi tiếng xưa nay. Nhưng anh bạn đi cùng cho biết đã tuyệt chủng, vì sự cải tiến sai lầm của mấy ông cán bộ nông nghiệp.
Hồi đó các ông học cách ghép cây bên Liên Xô, thấy bưởi quả to nên mượn cam ghép bưởi vào, để có những quả cam Bố Hạ lớn như bưởi, bao nhiêu gốc cam cưa sạch. Từ đó Cam Bố Hạ sinh ra một thứ bưởi không phải bưởi, cam không phải cam, thua xa Bưởi Ðoan Hùng, Bưởi Quảng Trạch… Bưởi Năm Roi, một thứ ‘sáng kiến quái thai.’ Hiện nay may ra còn sót một vài cây trong vườn nhà dân, người ta dự trù gây lại giống cam này.
Cái “sáng kiến quái thai” này khiến tôi nhớ đến một bài viết cũ (“Nền Kinh Tế Thị Trường Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”) của tác giả Dương Quốc Chính. Ông cũng đề cập tới chuyện giao phối khác giống, giữa lừa với ngựa, và ví von rằng thành quả là Nền Kinh Tế Con La hiện nay của nước CHXHCNVN.
Thưa thật là tôi chưa được tận mắt nhìn thấy con la, bằng xương bằng thịt, lần nào cả. Tôi cũng chả hiểu sao lại có sự ví von ngộ nghĩnh như thế. Gu gồ “con la” thì tìm ra được những dòng chữ như sau:
“Mules and hinnyies have 63 chromosomes, a mixture of the horse’s 64 and the donkey’s 62. The different structure and number usually prevents the chromosomes from pairing up properly and creating successful embryos, rendering most mules infertile.
La là con vật lai giữa ngựa cái và lừa đực. Về hình dạng con la giống lừa hơn là ngựa. Trong khi ngựa có 64 nhiễm sắc thể, và lừa có 62, con la có 63 nhiễm sắc thể. Con số lẻ này không cho phép các nhiễm sắc thể phân chia thành cặp, do đó, la hầu như không có khả năng sinh con, hay còn gọi là vô sinh.”
Thảo nào!
Nền Kinh Tế Thị Trường Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa quả là… vô sinh thật. Chả những nó không sản xuất được gì ráo trọi mà còn gây ra tình trạng “thua lỗ” (hay “âm vốn”) đều đều nữa chớ. Hổng tin, thử ngó qua tin tức liên quan đến tình trạng sản xuất của đám xí nghiệp quốc doanh mà xem:
– Báo Lao Động: Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, âm vốn
– Báo Tiền Phong: Một Trăm Lẻ Bẩy doanh nghiệp thua lỗ
– Báo Thanh Niên: Năm doanh nghiệp nhà nước lỗ gần 17.000 tỷ
– Báo Tuổi Trẻ: Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng
– Báo Vietnamnet: Mười hai đại dự án thua lỗ nợ 63 nghìn tỷ
Đọc mà tối tăm mặt mũi, dù những mẩu tin trên chả mới mẻ gì và đã xuất hiện thường xuyên trên báo chí nước nhà từ mấy thập niên qua. Đến hôm 24 tháng 9 năm 2020 thì Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương, khẳng định: “Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét.”
Là người “tế nhị” nên ông Bình không nói rõ là “nét” gì cả nhưng mọi người đều “ngầm hiểu” là… nét lỗ! FB Văn Toàn “chốt” lại:
Đào than lên bán = lỗ
Hút dầu lên bán = lỗ
Đào quặng lên bán = lỗ
Tăng giá điện bán độc quyền = lỗ
Có cái QQ gì nhà nước CS nhúng tay là lời không?
Có chớ!
Kỹ nghệ “xuất cảng người” thì Việt Nam lời “khẳm” và lời triền miên luôn. Từ năm 1978 cho đến năm 1990, bằng nhiều phương cách, Đảng và Nhà Nước đã “thả” ít nhất là hai triệu người dân ra biển. Tính rẻ (và gọn) thì chỉ cỡ một phần ba là thành mồi cho cá mập thôi. Còn đám vùi thây ở những trại tị nạn Á Châu thì tuy cũng có nhưng không đáng kể!
Số còn lại phiêu bạt tứ tán, tha phương cầu thực, khắp bốn phương trời. Ngoài tập thể thuyền nhân đi chui (hay bán chính thức) này, còn có nhiều người ra đi hoàn toàn hợp pháp bằng máy bay, cùng với không ít số người xuất khẩu lao động nữa.
Tất cả đều chăm chỉ làm lụng, dành dụm tích cóp từng đồng, và chỉ đợi đến cuối năm là xin phép để được trở lại chốn xưa vài tuần hay vài bữa. Ai cũng mặc áo gấm về làng, và chả ai quên mang theo cái ví hay cái bóp đầm. Đó là chưa kể số tiền gửi về lai rai hàng tháng.
Hôm đầu năm, Tuổi Trẻ Online (số phát hành hôm 22/01/2021) hớn hở loan tin: “COVID-19 không ‘làm hại’ kiều hối. Ước tính có 15,7 tỉ USD kiều hối đã chuyển về VN, bên cạnh kiều hối Việt kiều còn có người VN lao động ở nước ngoài gửi về bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư”.
Đến cuối năm, vào ngày 19 tháng 12 năm 2021, bỉnh bút Phạm Lê Đoan (VNTB) cho biết thêm:
“Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái, lên đến 18,06 tỷ đô-la Mỹ, nghĩa là chiếm tới 4,9% GDP quốc gia, cao nhất từ trước đến nay và thuộc top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Cụ thể luôn, với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, và xếp thứ 8 thế giới.”
Cựu Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nói không sai (một cắc) là “tiền trong dân còn khá nhiều.” Riêng với đám dân làm việc hay sinh sống ở nước ngoài thì tiền còn nhiều lắm, chứ không chỉ là “khá nhiều” đâu.
Bởi vậy, Hàng Không Việt Nam đã nẩy sinh ra một sáng kiến thần tốc là tổ chức những “chuyến bay giải cứu đồng bào,” hay “còn được gọi là chuyến bay nhân đạo từ Mỹ về Việt Nam.” Tuy mang danh tình nghĩa đậm đà như vậy nhưng giá vé lại quá cao khiến thiên hạ nhao nhao phản đối:
– Những ‘chuyến bay giải cứu’ bóp cổ đồng bào
– Chấm dứt ngay chuyến bay hồi hương trục lợi
– VN nói ‘giải cứu công dân’ nhưng ‘chặt chém’ ai muốn bay về quê hương
Tham thì thâm!
Thiên hạ vẫn “bay về quê hương” nhưng họ tìm đường đi khác. Một công dân Việt Nam, ông Gia Bảo, chia sẻ với BBC ít nhiều cay đắng:
“Tôi muốn tự tìm hiểu để cho một số người Việt Nam ở nước ngoài cũng muốn về bằng đường Campuchia biết được thế nào. Trước ngày khởi hành tôi cũng rất lo sợ nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận rủi ro, kể cả khả năng bị kẹt lại Campuchia. Thà chấp nhận rủi ro nhưng mình không chấp nhận bỏ khoản tiền lớn cho bất kỳ công ty lữ hành nào, tôi kiên quyết không ủng hộ bất kì chuyến bay cứu trợ hay hồi hương mà có giá 70-80 triệu VNĐ…
Thử nghĩ một chuyến charter khoảng 300 chỗ, mỗi người trả 70-80 triệu mà đồ ăn bị cắt xén và cách ly ở khách sạn dù 4 sao nhưng là 2 người một phòng nên tôi thấy quá vô lý. Tôi không muốn bỏ tiền trả một thứ gì đó không đúng giá trị thật. Và tôi quyết định về bằng đường Campuchia cũng là để chia sẻ với mọi người rằng về bằng cách này không có gì khó khăn.
Đúng như BBC tiên đoán: “Vietnam Airlines sau mùa ‘giải cứu trục lợi’ sẽ còn thua lỗ nữa.” Chắc chưa ai quên là cái hãng hàng không quốc doanh này vừa được Ngân Hàng Nhà Nước cho vay bốn ngàn tỷ cách đây chưa lâu, dù đang “đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao”– theo tin báo Dân Việt, đọc được vào hôm 21 tháng 6 năm 2021.
Sao đụng đâu lỗ đó mà vẫn cứ nằng nặc ĐHXHCN hoài vậy, mấy cha?
Đó là một câu hỏi rất ngu của riêng tôi. Chỉ cần bớt ngu hơn chút xíu thì ai cũng tìm được ngay ra câu trả lời: Chứ không cố bám vào “cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa” thì lấy lý do gì để vẫn tiếp tục cầm quyền, và mất ghế lãnh đạo thì làm sao tiếp tục sống ký sinh được nữa?
Thêm một câu hỏi nữa, cũng ngu (và hèn không kém) của kẻ đang viết những dòng chữ này: Chả hiểu dân Việt Nam sẽ vẫn cứ tiếp tục để cho cái loài ký sinh này sống bám vào đất nước của họ thêm bao lâu nữa?