Ảnh do tác giả gửi

Báo Nhân Dân trang trọng loan tin: “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ký Hiệp ước đình chiến kết thúc cuộc chiến tàn khốc trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée ở trung tâm thủ đô Paris. Tham dự sự kiện này có 72 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia.”

Tui lấy kính lúp săm soi hoài nhưng không thấy mặt mũi của “lãnh đạo quốc gia” Việt Nam đâu ráo trọi. “Đại diện của dân tộc” này cũng khỏi có luôn, theo như lời phàn nàn của nhà báo Lưu Trọng Văn

“Gã ngạc nhiên tại Paris trong lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến lần thứ Nhất đại diện của dân tộc gã không được mời. Ngài tổng thống Pháp đã mời vua Ma rốc và lãnh đạo một số nước Bắc Phi để tri ân nhưng đã quên rằng giành lại hoà bình và độc lập cho nước Pháp trong Thế chiến này có hơn 100.000 người VN của tổ quốc gã… Chua xót cho những hương hồn dân Việt!”

Khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tôi vẫn chưa mở mắt chào đời nên không biết chi nhiều về những chuyện vào thuở đã xa lắc, xa lơ, hồi đầu thế kỷ XX. May là vừa đọc được một bài viết rất công phu (“Chiến Binh Gốc Việt Trong Lịch Sử”) của nhà văn Giao Chỉ: 

“Khi Pháp thực hiện việc xâm lăng và cai trị Việt Nam (khi đó họ gọi là An Nam) để bình định thêm các thuộc địa và gây chiến với nhiều quốc gia khác, lực lượng binh lính người Việt được chiêu mộ để phục vụ cho mục đích chiến tranh này, dấu chân của họ đã in khắp các chiến trường Âu Phi. Không thể tưởng tượng con số thanh niên Việt trong 4 năm 1914-1918 đã có đến gần 100,000 người tham dự đại chiến thế giới lần I tại Pháp…

Thời kỳ đó thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp tham dự đệ nhị thế chiến dường như hiếm có các sĩ quan. Giỏi lắm chỉ là ông cai, thầy đội hay lên đến quan quản tức là thượng sĩ đã là cao cấp lắm. Riêng có trường hợp đại úy phi công anh hùng của quân đội Pháp là ông Đỗ Hữu Vỵ con trai của tổng đốc Nam Kỳ Đỗ Hữu Phương.”

Wikipedia (tiếng Việt) cho biết thêm:  

“Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương được ghi nhận có Phan Tat Tao, Cao Đắc Minh, Felix Xuân Nha (Nguyen Xuan Nha), Đỗ Hữu Vị, nhưng Đỗ Hữu Vị được xem là nổi tiếng nhất. Vì vậy, chính phủ Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, nhiều đường phố ở các thuộc địa và chính quốc.” 

Đỗ Hữu Vị từ trần vào năm 1916, hơn trăm năm sau nước Pháp vẫn còn “trường học, đường phố” mang tên ông. Như thế – kể ra – trí nhớ của  dân Tây cũng không đến nỗi bạc bẽo gì cho lắm, như bác Lưu Trọng Văn vừa mới than phiền. Ít nhất thì nó cũng không đến nỗi “bạc” như dân Ba Đình, Hà Nội. Họ xóa sổ liền đám Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ngay sau khi cuộc chiến Nam/Bắc vừa tàn.

Thân phận của những cán binh miền Bắc, hay còn gọi là lính bác Hồ, cũng không khác mấy:

“Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi thì bị bom làm điếc tai bên phải; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót. 

Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng cho nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.” (Đinh Quang Anh Thái. “Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc.” Ký 2. Người Việt Books: Westminster, CA 2018).

 Chế Lan Viên cũng ghi lại cái tâm cảm (gần) tương tự: 

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30 …
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Ảnh do tác giả gửi

Rải rác trên Đường Mòn Hồ Chí Minh, theo G.S. Nguyễn Văn Lục: “Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là TNXP, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống. Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận. Thân xác chỉ còn là những bộ xương lụi tàn, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng.” 

Nhặt nhạnh lại số hài cốt vương vãi khắp nơi, khi đất nước tôi không còn chiến tranh, là việc của những mẹ già lên núi tìm xương con mình hay của những… nhà ngoại cảm, những liên lạc viên (không khả tín gì cho lắm) giữa cõi âm và cõi dương – ở VN. 

Trong cuộc chiến kế tiếp thì con số tử sĩ và thương vong “nhẹ nhàng” hơn. Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, chuyên gia về Campuchia thuộc Viện Lịch sử Quân sự, con số binh sỹ Việt Nam thiệt mạng là gần bốn chục ngàn người. Ông cũng khẳng định: “Trong tay tôi có con số thống kê của ngành Quân y, Tổng cục Hậu cần, số thương vong trong mười năm, cả bị thương và hy sinh là hơn 156.000.” 

Trao đổi với BBC, trong cuộc tọa đàm hôm 25/9/2014, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy đưa ra một số liệu khác: “Những con số đưa ra hiện nay cũng chưa chính xác lắm… Nhưng người ta nói khoảng 55.000 binh sỹ, tức là bộ đội cộng với thanh niên xung phong Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia thời gian đó.” Đây là “cuộc chiến bị lãng quên” (theo như cách nói của nhà báo Kevin Doyle ) nên – thực ra – cũng chả ai bận tâm chi nhiều đến hậu quả của nó, xá chi đến những bộ xương khô hay những thân xác bị tàn phế.

Kế tiếp nữa là chiến tranh biên giới Việt/Trung. Nó không “bị” nhưng “buộc” phải lãng quên, như cách nói của FB Hồ Hữu Hoành: “ Không có lấy bất cứ một bài học, một nội dung về nó trong sách giáo khoa, từ tiểu học cho đến đại học. Đã có thời, nhắc đến nó cứ như nói chuyện húy kỵ, đụng đến nhà vua… không dân tộc nào đau thương và đầy kinh nghiệm với chiến tranh như Việt tộc. Nhưng không có dân tộc nào, mà những kẻ ở thượng tầng sẵn sàng xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác, như ở dân tộc này.”

Họ “xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác” cách nào? 

Báo Tiền Phong, số ra ngày 31 tháng 7 năm 2014 cho biết:

“Tháng 2.2011 trong chuyến đi thu thập tư liệu biên soạn lịch sử sư đoàn, đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại của Sư đoàn 337 mới phát hiện ra rằng cột bia chiến thắng Khánh Khê đã bị hư hại nhiều. Trên tấm bia nhiều dòng chữ đã bị phai mờ, có chỗ còn có dấu hiệu bị hủy hoại. Nơi đặt cột bia cũng nằm trong khu vực xây dựng công trình thủy điện mà nay mai sẽ không còn dấu tích.”

Bẩy năm sau, vào ngày 17 tháng 2 năm 2018, blogger Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm chi tiết: “… trong nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể về sự kiện này, người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ… một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị.”

Đối với những kẻ “xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ” thì không có tư cách gì để đại diện cho dân tộc Việt Nam. Họ không được mời tham dự Lễ Kỷ Niệm Một Trăm Năm Kết Thúc Thế Chiến Thứ Nhất, theo tôi, là chuyện chả có gì đáng để phàn nàn cả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: