Tôi nghe Tiến sĩ Mạc Văn Trang than phiền mà không khỏi sinh lòng ái ngại: “Bớt ‘nổ’ đi, bớt ‘diễn’ đi, Trung ương ‘diễn’ một thì cơ sở ‘diễn’ mười, cái gì cũng ‘diễn’ thành lố bịch, ấu trĩ, dối trá, đạo đức giả. Những cái đó ảnh hưởng xấu đến văn hoá, đạo đức toàn xã hội.”
Nói thế e có (hơi) quá lời chăng? Khối vở “diễn” vui lắm chớ, tuy tình tiết thì “lố bịch” thật nhưng cũng chả gây “ảnh hưởng xấu xa” gì (mấy) nên vẫn được tái diễn hăng năm. Ngày 7 Tháng Giêng 2023, blogger Trân Văn (VOA) tường thuật:
“Năm nay, chuyện thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT ngủ quên, hư xe… được CAND hỗ trợ nên vẫn có thể dự thi, tiếp tục chiếm phần đáng kể trong nội dung của nhiều cơ quan truyền thông chính thức và trên mạng xã hội… có lẽ video clip được giới thiệu trên trang facebook có tên ‘Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước’ thuộc loại được chia sẻ nhiều nhất và kèm theo nhiều bình luận nhất:
Viet Duong: “Hình như chở lộn phụ huynh rồi anh ơi!”
Tuan Hung Tran: “Chắc là con ngủ quên mẹ đi thi giùm.”
Truns Nguyen: “Nhìn tướng học sinh này chắc cũng đẻ mấy lứa rồi.”
Huỳnh Phương Thảo: “Không cần phải là chuyên gia nhân chủng học cũng sẽ nghi là chở… nhầm phụ huynh. Mà em học sinh này làm nail hơi kỹ.”
Thanh Trí Phan : “Đóng phim nhưng diễn thì quá tệ, gà móng đỏ chứ nữ sinh gì!”
Thịnh Lê Nguyên: “Anh CS quen đường chạy tới quán Karaoke hốt luôn má mì!”
Huỳnh Phi Long: “Lại chở nhầm phụ huynh học sinh vào nhà nghỉ!”
Ngay sau khi biết là chở nhầm người, và trông “đối tượng” thấy hơi diêm dúa nên nhân viên chức năng đã đưa ngay y thị vào nhà nghỉ. Thiệt là nhanh trí, và đúng ý, chớ mang “con gà móng đỏ” vô trường thi làm chi?
Vụ này, rõ ràng, không phải là lỗi của “thằng đánh máy” hay “thằng cơ chế” mà thủ phạm chính là thằng đạo diễn. Đúng là cái đồ rách việc, ẩu tả và cẩu thả hết biết luôn. Chuyện nhỏ cỡ con thỏ thôi mà cũng làm “hư bột hư đường” hết trơn hết trọi. Người ta cần lựa diễn viên đóng vai nữ sinh, sao lại đi mướn một bà (má mì) làm chi, cho chúng nó khi!
Nhưng nói tóm lại thì mọi chuyện vẫn vui thôi, và hoàn toàn vô hại. Chớ có chết ai đâu? Vấn đề, tuy thế, không phải show diễn nào của Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam cũng “vô hại” cả. Có lắm màn kịch không chỉ nguy hiểm đến tính mạng cá nhân mà còn có thể gây ra một cuộc thảm sát đẫm máu giữa những tộc người ở xứ sở này.
Vào trung tuần Tháng Sáu vừa qua, báo chí quốc doanh đồng loạt đi tin:
Vụ tấn công trụ sở Công an xã ở Đắk Lắk: Loạt clip người dân vây bắt khủng bố
Người dân Đắk lắk vây bắt tên khủng bố có P2 nhé, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh
Người dân hỗ trợ công an vây bắt khủng bố ở Đắk Lắk
Người dân nhiệt tình tiếp sức Công an truy bắt các đối tượng gây ra vụ việc ở Đắk Lắk
Bộ trưởng Tô Lâm trao bằng khen cho 5 người dân tham gia bắt khủng bố ở Đắk Lắk
FB Quang Phan nhận xét: “Họ lùa đuổi bắt giữ người bản xứ nhân danh… nhà nước và nhân dân, cùng làm… cùng bảo vệ an ninh trật tự. Họ không hề biết đến rằng cái hành động ngỡ như anh hùng ấy chỉ làm khắc sâu thêm những ẩn ức nơi cộng đồng bản địa. Và nguy cơ mâu thuẫn sắc tộc càng thêm chất chứa.”
Blogger Dương Quốc Chính cảm thán:
“Xem mấy video được cho là người dân đi truy bắt khủng bố mà thấy đau lòng. Nhất là thấy cảnh đã bắt được nghi phạm, người ta quay video cận cảnh mặt để tra khảo. Những video này mà người đồng bào xem được sẽ càng đẩy thêm sự phẫn uất lâu nay. Gọi là toàn dân, nhưng nhìn mặt và giọng nói là thấy người Kinh đi bắt người Thượng, giọng nói trong tất cả các video thì toàn Thanh Nghệ… Cả trẻ con cũng cầm gậy đi cùng người lớn… anh em Kinh tộc đang hô hào rất khát máu, đòi báo thù, diệt tộc người ta.”
Cảnh tượng “người Kinh đi bắt người Thượng,” tay gậy gộc, miệng gào thét “đòi báo thù, diệt tộc người ta” – xem ra – không khác với hình ảnh trong phim Hotel Rwanda là mấy. Tác phẩm điện ảnh này được trình chiếu lần đầu vào năm 2004, giúp cho khán giả biết thêm về cuộc tàn sát đẫm máu ở Đông Phi vào cuối thế kỷ 20.
Wikipedia ghi nhận:
Nạn diệt chủng Rwanda, còn được biết dưới tên gọi Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1.000.000 người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, bị sát hại trong 100 ngày diễn ra nạn diệt chủng, từ 7 tháng 4 đến giữa tháng 7 năm 1994…
Sở dĩ con số nạn nhân có thể lên đến hàng triệu vì đó là chủ trương của nhà cầm quyền Rwanda, vào thời điểm đó. Ròng rã trong mấy tháng liền, đám lãnh đạo của xứ sở này không chỉ cung cấp dao búa cho người Hutu mà còn tận dụng mọi phương tiện truyền thông để kích động hận thù, và cổ vũ cho việc giết hại dân Tutsi với lý do họ là nhóm người thiểu số nguy hiểm và hạ đẳng (“dangerous and inferior minority group”).
Nhà đương cuộc Hà Nội cũng không ngần ngại dán nhãn “nguy hiểm” (khủng bố) cho bất người dân miền núi nào mặc quần áo rằn ri. Cùng lúc, họ còn bầy tuồng (dân quân một lòng) một cách vô cùng trơ trẽn và trơ tráo:
Dân nấu cơm tiếp sức lực lượng truy bắt nhóm tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk
Người dân tình nguyện nấu cơm tặng các chiến sĩ truy quét kẻ gây án tại Đắk Lắk
Bắt giữ những kẻ gây án và đưa họ ra xét xử một cách công minh là trách nhiệm của nhà nước. Lôi kéo người dân vào những hoạt động có thể nguy hiểm đến tính mạng (và gây ra bạo loạn) thì không chỉ là một việc làm phi pháp mà còn là một tội ác khó dung.
Mà nào có ai “gác ông việc tình nguyện nấu cơm cho lực lượng công an” tại Darlac, ngoài mấy bà hội viên của Hội Phụ Nữ Việt Nam. Bộ tưởng dân tình ở địa phương này mất trí nhớ hết trơn, hết trọi rồi sao chớ. Họ mới bị đàn áp, đánh đập thậm tệ mới hai tháng trước, vào ngày 20 và 21 Tháng Tư, chớ có phải xa xôi hay lâu lắc gì đâu. Hình ảnh tin tức còn nguyên vẹn đây nè:
Đắk Lắk: Nông dân biểu tình phản đối công ty lâm trường vì không chịu “cảnh nô lệ”
Biểu tình đòi ngưng dự án xả thải ở Đắk Lắk: Người Ê-đê bị Cảnh sát đánh đập
Dân Ê-đê ở Đắk Lắk bị đàn áp vì phản đối dự án xả thải
Blogger Phạm Thanh Nghiên kết luận: “Chính công an, chính nhà cầm quyền là thủ phạm kích động thù hằn, khuyến khích bạo lực với những gì họ đang thể hiện qua vụ Đắk Lắk. Và đó là chính sách họ theo đuổi nhiều năm nay kể từ khi cướp được chính quyền năm 1945.”
Bà Nghiên nhắc đến chuyện cũ (“từ hồi 1945”) làm nhiều người nhớ đến cái chết oan khốc của vô số nạn nhân trong thảm kịch Cải Cách Ruộng Đất vào đầu thập niên một chín năm mươi. Vào thời điểm này đã có hàng ngàn sân khấu được dàn dựng vội vàng khắp mọi nơi (và được mệnh danh là “Tòa Án Nhân Dân Đặc Biệt”) để hành hình hàng vạn nông dân vô tội.
Vở kịch đẫm máu và nước mắt về ruộng đất tuy được nhập cảng từ Trung Cộng nhưng đã được trình diễn rất đúng bài bản, và rất đạt ở miền Bắc Việt Nam. Nó thành công ngoài mong đợi nên đã phải có “chiến dịch sửa sai” vào năm 1956, nếu không nước sông Hồng (dám) biến thành mầu đỏ.
Với chính sách bất nhất cố hữu (“sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”) của nhà nước hiện hành thì không có gì ngạc nhiên khi họ lại sẵn sàng dựng lại những phiên toà đấu tố thêm lần nữa, ở Tây Nguyên.
Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc bản địa tự ngàn xưa. Với cuộc sống giản dị và hài hoà với thiên nhiên, họ đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng bằng cách tạo một “vòng đai xanh” cho cả nước. Cũng chính họ là những vọng gác, ở tuyến đầu, để bảo vệ quốc gia. Cớ sao cứ nhất định phải đẩy họ đến bước đường cùng? Đã ác lại còn ngu nữa!