Trong Chuyện Kể Năm 2000 – tập II – của Bùi Ngọc Tấn, tôi “nhặt” được câu danh ngôn đắt giá như sau: “Đồng chí Tổng Bí Thư nói nếu nhìn một phụ nữ đẩy xe bò mà lòng không xúc động thì không còn là người cộng sản nữa.”
Tôi hỏi tác giả:
-TBT nào đã phát biểu một câu để đời như thế?
Công cười nụ:
-Ông TBT nào mà chả nói y như thế.
Ah! Thì ra thế. Tuy thế, mọi người đều biết rằng mấy ổng nói vậy thôi chớ hổng phải vậy đâu. Bởi vậy nên những phụ nữ đẩy xe bò hay xe rác lềnh khênh, khắp mọi nẻo đường, từ hơn hai phần ba thế kỷ qua mà chả thấy có đồng chí nào xúc động (hay xúc cảm) gì ráo trọi. Cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam chỉ mang lại một thay đổi duy nhất cho giới người này là họ được đổi tên từ “phu quét đường” thành “công nhân vệ sinh đường phố” thôi.
Làm phu quét rác thì vô tư nhưng khi đã trở thành công nhân (lực lượng tiên tiến và tiên phong của Đảng) lại được Mặt Trận Tổ Quốc giao thêm rất nhiều trọng trách: “là lực lượng quan trọng, là tai mắt đường phố, có thể góp phần giữ vững an ninh chính trị, phòng chống, phát hiện các đối tượng tệ nạn xã hội… được công an quận tập huấn một số kỹ năng như: hướng dẫn nắm bắt vụ việc, nhận diện hiện tượng, con người liên quan đến an ninh chính trị; về hoạt động băng nhóm hoặc nghi vấn đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản cũng như công tác bảo vệ hiện trường.”
Vừa thôi chớ!
Họ vừa phải đẩy xe rác làm vệ sinh đường phố, lại vừa kiêm nhiệm luôn công việc của ngành an ninh tình báo, và bảo vệ hiện trường nữa nên (lắm lúc) không tránh được tai nạn giao thông thảm khốc – theo tin loan của trang Tin Tức Việt Nam:
“Trên địa bàn Hà Nội, một chiếc ô tô Hyundai từ phố Vĩnh Hồ đi về đường Láng, hướng Cầu Giấy đã đâm liên hoàn nhiều phương tiện khiến chị Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) đang là công nhân quét rác thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Đống Đa tử vong…
Hoàn cảnh của chị Lê Thị Thu Hà rất đáng thương. Ly thân chồng, chị phải một mình nuôi hai con còn đang ăn học và mẹ già bị bệnh nặng. Gia đình bốn người sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, lợp ngói dột nát, tường nhà toàn bộ bong tróc, nứt toác. Khi còn sống, chị Hà mong ước có thể sửa sang lại căn nhà cho mẹ và các con nhưng lại ngặt nỗi chẳng có tiền.
Tiền lương từ nghề vệ sinh môi trường không đủ để lo cho các con ăn học nên chị phải làm cả việc khác để kiếm thêm tiền. Hàng ngày, chị đi quét rác đến 2-3h sáng mới về. Chợp mắt được vài tiếng, chị gắng dậy, chạy xe ôm Grab…
Sự việc của chị Lê Thị Thu Hà như một hồi chuông cảnh báo xã hội cần quan tâm hơn nữa đến những công nhân vệ sinh môi trường. Để cho cuộc sống chúng ta sạch đẹp, họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi ngày ngày ra giữa đường phố quét rác. Chị Hà không phải người lao công đầu tiên gặp tai nạn giao thông.
Đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra khi các công nhân môi trường ra đường lao động để mang lại mỹ quan đô thị cho người dân. Đấy là chưa kể đến những mối tiềm tàng bệnh tật do hàng ngày đối mặt với rác thải độc hại.”
Úy Trời/Đất/Quỉ/Thần ơi! Cái xã hội này có ai dòm ngó gì đến đám phu quét đường bao giờ đâu mà nói “cần quan tâm hơn nữa đến những công nhân vệ sinh môi trường,” cha nội? Ngoài việc “đối mặt với rác thải độc hại” – hằng ngày – họ còn phải gánh chịu biết bao là nỗi tủi nhục và đắng cay khác nữa. Ký giả Đào Thanh Tuy tường thuật:
“Có lần tận mắt chứng kiến một chiếc ô tô đẹp đi trong ngõ, ngang qua xe phu rác đang đẩy. Xe chậm lại, từ trong xe, một ả hạ kính rồi lẳng ngay chiếc bỉm vàng khè vào xe rác. Bởi xe không dừng hẳn nên cú ném ấy không trúng đích mà trúng đầu phu rác. Uất ức, phu rác chửi. Xe dừng, thằng chồng phi xuống vớ ngay cái xô rác ở gần đó vụt tới tấp vào đầu phu rác. Phu rác chỉ biết thụp xuống ôm mặt khóc.”
Không bao lâu sau, báo Pháp Luật loan tin :
“Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội, được cho là quay tại Quảng Trị. Theo đó, khi chủ một shop quần áo vứt rác ra đường thì bị một công nhân vệ sinh nhắc nhở, sau đó chủ shop trên đã lao vào hành hung và mắng chửi người công nhân vệ sinh.”
Chả hiểu khi bị “hành hung và mắng chửi” hay bị ném “chiếc bỉm vàng khè vào đầu” (giữa phố đông người) đám phụ nữ đẩy xe rác có ai nghĩ đến lời khuyên của ông cựu Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân không: “Những lúc khó, cực, lúc không hài lòng với công việc, hãy nghĩ tới Bác.”
Bác chính là vị Tổng Bí Thư đầu tiên của ĐCSVN và là tác giả Hồ Chí Minh Toàn Tập. Trong tác phẩm này (bản in lần thứ ba, do nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia tái bản năm 2011) nơi trang 12 có câu: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa.”
Cố TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng cập nhật “tình hình” (không mấy lạc quan) như sau: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” nữa” Chuyện giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, như thế, đành phải đợi đến… cuối thế kỷ sau vậy!