Lúc trẻ, tôi thích Võ Hồng. Khi già, tôi ưa Võ Phiến. Ông viết không nhiều lắm, nên tác phẩm nào tôi cũng đọc đi/đọc lại đôi lần.
Xem xong là quên ngay cái tựa nhưng tên tuổi các nhân vật trong chuyện của Võ Phiến thì cứ nhớ hoài. Họ để lại những ấn tượng rất sâu trong lòng độc giả:
Ngô Thế Vinh: “Trước khi quen biết nhà văn Võ Phiến, tôi đã rất thân quen với những nhân vật tiểu thuyết của ông như anh Ba Thê Đồng Thời, anh Bốn Thôi, ông Năm Tản, ông Tú Từ Lâm, chị Bốn Chìa Vôi từ các tác phẩm Giã từ, Lại Thư nhà, Một mình…”
Thụy Khuê: “Ở miền Nam những năm 60, khi lớp trẻ đọc thơ Nguyên Sa, hát Tiễn em của Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng… thì Võ Phiến đưa ra những nhân vật quê mùa, tầm thường, như anh Bốn Thôi, ông Ba Thê Đồng Thời, chị Bốn Tản, Bốn Chìa Vôi, những thân phận lạc loài, không hẫp dẫn, chẳng ai bận tâm, mất thì giờ mô tả. Đó là những mảnh vụn, thừa thẹo của xã hội, sống âm thầm như chưa hề có mặt.”
Nguyễn Mộng Giác: “Nhân vật của Võ Phiến hầu hết là dân quê mùa ít học, quanh năm không có lấy vài phút sống cho được tới mức tạm gọi là sang trọng đầy đủ. Tên của họ là những anh Bốn Thôi, ông Ba Đồng Thời, chị Bốn Chìa Vôi, Ông Bốn Tản Cư, ông Thập Tam, cô Tư Lớn…”
Nói nào ngay, ông Ba Thê tuy “ít học” thật nhưng “quê mùa” thì không đến nỗi:
“Hồi xuân xanh ông Ba Thê đẹp trai, vui vẻ, lanh lợi, khiến ai thoáng trông qua cũng phải chú ý. Cho nên ông không cần khó khăn gì cả mà tự nhiên đi đến đâu có bạn bè, có nhân tình nhân ngãi đến đó, rồi không cần tìm kiếm mà tự nhiên cơ hội đến: ông ta được vào lính khố xanh dễ dàng, được thăng lên cai, lên đội lúc nào, tựa hồ như không kịp để ý tới.” (Võ Phiến. Giã Từ. Thời Mới: 1967).
Rồi vì bài bạc nên Ba Thê bị “lột lon cho về làm dân” mà không có đồng xu cắc bạc hưu bổng nào ráo trọi. Túng nên phải tính, phải vay mượn loanh quanh, nhưng cách “xoay sở” của ông ta – xem ra – cũng hơi nhàn nhã.
Thay vì đi gõ cửa từng nhà thì Ba Thê sai con mang phong thư đến. Nội dung chỉ vỏn vẹn mấy dòng chữ li ti (“Qui Nhơn le…Cher ami,”) viết trên một tấm danh thiếp con con, nhắc lại chút tình quen biết cũ và những khó khăn hiện tại…
Giản dị vậy thôi nhưng Ba Thê vẫn sống được và đôi lúc lại còn có dư ra chút đỉnh, đủ để chung chi cho một độ chọi gà trong xóm. Giá cứ như thế mãi thì cũng “khỏe” thôi, nếu thời thế đừng thay đổi. Mà thế thời thì tránh sao được đổi thay, dâu bể. Tình cảnh của Ba Thê, sau cuộc bể dâu, nhắc nhớ đến dăm ba câu thơ cũ:
Lép nhép vài hàng tỏi
Lơ thơ mấy khóm gừng
Vẻ chi là cảnh mọn
Thế mà cũng tang thương. (Ôn Như Hầu – Nguyễn Gia Thiều. “Ra Xem Vườn Sau Khi Trời Mưa”).
Chỉ sau một cơn mưa mà “cảnh mọn” còn “tang thương” thì nói chi đến chuyện thế nhân, trong cuộc hý trường:
Sau biến cố chính trị mùa thu năm 1945, ông Ba Thê liền đổi lốt, chọn một cuộc sống mới. Không phải rằng ông ta chịu nhận một nghề, nhưng chính là vì vẫn không có nghề nghiệp mà ông ta thành ra một kẻ hoạt động hăng hái theo lối mới. Hoạt động lối mới cần nhất ở cái mồm…
Nói cách khác, giai đoạn mới, ông đội Ba Thê ăn rồi toàn đi nói chính trị, khắp từ đầu làng tới cuối xóm… Ở chỗ công cộng, những khi đăng đàn phát biểu ý kiến, ông Ba Thê, đang thao thao diễn giảng, nếu thình lình thiếu ý, lúng túng, ông ta liền quẩn xung quanh một vài khẩu hiệu thật rỗng và thật rổn rảng… “Ta ziết zặc zữ nước, đồng thời ta xây dựng con người mới, đồng thời tiến về…” Ông Ba Thê biến ra ông Ba Thê Đồng Thời trong trường hợp như vậy.
Tôi vốn có một ông bác già ưu thời mẫn thế. Nhưng tất cả sự đóng góp của người vào công cuộc cách mạng chung quy cũng chỉ trông cậy vào ba tấc lưỡi dùng để… động viên kẻ khác. Đối với kẻ hoang đàng nhác nhớn, người khuyên nên nghĩ đến đại cuộc. Đối với kẻ bủn xỉn ngần ngại trước những cuộc quyên góp, người cũng khuyên nên nghĩ tới đại cuộc… ông bác của tôi bèn mang thêm cái tên mới: “Ông Đại Cuộc”…
Nếu chịu khó bươi xới kho tàng ngôn ngữ của dân tộc như các nhà khảo cổ quật lên từng lớp đất, chắc chắn chỉ riêng cái cách ăn nói cũng giúp ta hiểu được nhiều về tâm lý, về cách sinh hoạt, về tổ chức xã hội, về đường lối chính trị… của mỗi thời. (V.P, s.đ.d).
Thời nay tôi thì chả phải mất công “bươi xới kho tàng ngôn ngữ” mà chỉ cần lướt net là cũng “hiểu được nhiều về tâm lý, về cách sinh hoạt, về tổ chức xã hội, về đường lối chính trị” của chế độ hiện hành.
Blogger Trân Văn (VOA) nhận xét:
“Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc – tiền nhiệm của ông Chính – thường xuyên khuyến khích các ngành, các địa phương trở thành… ‘đầu tàu’… ông Chính – nhân vật kế nhiệm – lại rất yêu… ‘đột phá’.
Không chỉ động viên các ngành, các địa phương… ‘đột phá’, ông Chính còn khuyên các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam (FDI) tham gia ‘đột phá’ nếu muốn phát triển. Thậm chí ông Chính còn đề nghị những quốc gia khác nên cùng Việt Nam… ‘đột phá”!
Ôi! Tưởng gì chớ “đột phá” thì chả phải là chuyện mới mẻ chi. Trước khi “hạ cánh,” đồng chí Nguyễn Thanh Sơn (Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao – Chủ Nhiệm Ủy Ban Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài) cũng thế, cũng cứ mở mồm ra là “đột phá” rầm rầm. Ông khiến cho lắm kẻ bị ù tai và nhiều người đỏ mặt.
Mà dường như tất cả quý vị lãnh tụ đều như thế cả, đều ăn nói theo cùng một sách, gồm những cụm từ vô nghĩa (quen thuộc) và bất biến ở đầu môi: “vận dụng nội lực,”“nâng cao phẩm chất đạo đức,”“phát huy văn hóa,”“phát triển bền vững,”“đi tắt đón đầu,”“kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,”“sánh vai cùng cường quốc năm châu.”… Mới nghe một hai lần đầu cũng cảm thấy có chút khí thế nhưng nghe hết thế kỷ này qua thế kỷ khác (ra rả ngày đêm) thì ớn muốn ói luôn!
G.S Nguyễn Văn Tuấn buồn rầu kết luận: “Có thể nói rằng rất nhiều bài nói chuyện và diễn văn của các lãnh đạo Việt Nam chỉ là những khẩu hiệu được lắp ráp vào với nhau.”
Cứ thế, họ biến tình hình tồi tệ của xứ sở này thành một đề tài riễu cợt cho thiên hạ cười chơi – khi trà dư/tửu hậu: “Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển, nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển”!
Chớ có nước nào mà phát triển… bằng mồm được, mấy cha? Chả những vậy, kiểu “lắp ráp” và “hô hoán khẩu hiệu” của đám lãnh đạo lưỡi gỗ còn có thể gây ra lắm điều tai hại khác:
“Ý đồ của ngôn ngữ này, theo Orwell phân tích, ta có thể gọi là ‘lưỡi gỗ’ không phải là mở rộng phạm vi hoạt động của tư tưởng. Trái lại, nó thu hẹp phạm vi của tư tưởng. Một trong những thủ đoạn của nó là cắt bỏ từ vựng, chỉ cho sử dụng một vốn từ vựng rất ít ỏi, rất nghèo nàn. Chức năng này của các ngôn từ không phải để diễn đạt tư tưởng mà nhằm hủy diệt bớt tư tưởng… Mục tiêu tối hậu của ngôn ngữ mới này là cầm tù tư tưởng, biến con người thành đàn bọ, đàn kiến, như Orwell đã từng viết”. (Bạch Thái Quốc. “1984 Của G. Orwell: 70 Năm Lời Cáo Buộc Chế Độ Toàn Trị”. RFI – 10/07/2019).
Thường dân cỡ tôi, tất nhiên, không thể̉ có được cái tầm nhìn cao xa đến thế. Tôi chỉ rất sốt ruột về tình trạng “không chịu phát triển,” và vô cùng ái ngại cho đám dân đen, ở đất nước mình.
Không hiểu quý vị lãnh tụ (Đầu Tầu, Đột Phá, Vận Dụng Nội Lực, Phát Huy Văn Hóa, Đi Tắt Đón Đầu …) có “ý đồ” chi trong việc “cắt bỏ từ vựng” hay không (?) chớ còn ông Ba Thê Đồng Thời và ông Đại Cuộc thì chắc chắn là chả có hậu ý gì đâu. Cả hai đều là dân đen, và đều là nạn nhân của thời cuộc thôi mà.
Theo cách diễn tả của một nhà văn họ Võ khác (Võ Văn Trực) thì hai ông chỉ là “những cọng rêu dưới đáy ao.” Võ Phiến cũng thường nhìn xuống đáy, nơi dành riêng cho Bốn Thôi, Bốn Chìa Vôi, Bốn Tản Cư, Tú Từ Lâm, Tư Lớn, Ba Thê Đồng Thời, Đại Cuộc… Ông mô tả họ như “những chiếc lá mục bết bùn ở dưới đáy sông” nhưng cũng phải “cựa quậy ve vẩy” (đôi ba khẩu hiệu) để thích ứng với thế thời, để giữ lấy thân, giữa cơn gió bụi.
Vẻ chi là cảnh mọn,
Thế mà cũng tang thương!