Năm 2006, khi chỉ mới có tin bác Triết sắp trở thành chủ tịch nước (thôi) mà dư luận – trong cũng như ngoài nước – đã râm ran tán thưởng quá xá. Ký giả Karl D John (Asia Times) hăm hở đưa tin:
“Nguyen Minh Triet, 63, another southerner, was confirmed as president by the National Assembly on Tuesday… And there is a widespread perception he will be more active than his predecessor, particularly in implementing economic and legal reforms that pave the way for Vietnam’s accession to the World Trade Organization (WTO) this year.” Theo nhận xét chung thì ông sẽ năng nổ hơn người tiền nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực cải tổ kinh tế và pháp luật, làm nền cho VN gia nhập tổ chức WTO trong năm nay.”
Bác Trần Đại Quang, tiếc thay, không có được sự chào đón nồng nhiệt tương tự. Chả những thế, ông còn bị nhiều điều tiếng gièm pha hay dè bỉu:
– Bùi Thanh Hiếu: “Không ồn ào gây chú ý, bộ trưởng công an Trần Đại Quang leo lên chức Chủ Tịch Nước một cách êm thắm không gặp phải bất kỳ sự trở ngại nào. Con đường của Trần Đại Quang tiến thân trong ngành công an cũng khá suôn sẻ… Con đường của Quang đi chỉ gặp sóng gió duy nhất một lần đó là bị các đối thủ vạch ra chuyện Quang khai gian đến 6 tuổi.”
– Lê Minh Nguyên “Đầu tiên phải nói là ông ta sửa lại khai sinh để từ năm đúng là 1950 thành năm giả là 1956, một sự gian dối dễ chứng minh qua các văn bản hộ tịch và bằng cấp bị so le, nó nói lên tính toán tham vọng quyền lực của ông ta.”
– Trần Hồng Tâm: “Ông Trần Đại Quang, sinh năm 1956, vẫn còn dưới 65 tuổi. Nhưng có người đã chứng minh rằng ông sinh năm 1950. Ông đã sửa số 0 thành số 6 trên giấy khai sinh. Sau khi bị tố giác, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại nguyên quán làm ra một giấy khai sinh mới ‘hợp lệ’ hơn. Riêng tiêu chuẩn đầu tiên về tuổi tác ông đã để lại không ít tai tiếng.”
Cả ba nhân vật dẫn thượng – rõ ràng – đều là những người không đủ lượng bao dung. Họ đều để ý đến cái chi tiết rất nhỏ nhặt (“sửa số 0 thành số 6”) trên tờ giấy khai sinh của bác Quang, rồi cứ thế mà vu vạ đó là việc làm thiếu lương thiện và vô cùng tai tiếng.
Tai tiếng (mẹ) gì! Chớ có ai biết vị chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà – Hồ Chí Minh – tên tuổi (chính xác) ra sao đâu mà toàn dân vẫn “đời đời nhớ ơn bác Hồ vĩ đại” đấy thôi. Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt là thiên hạ chỉ vì ganh ghét với cái chức vụ cao quí (Chủ tịch nước) của bác Quang nên mới cố vạch lá tìm sâu hay bới bèo ra bọ.
Riêng ông Nguyễn Gia Kiểng lại còn đi quá xa khi cho rằng “một chủ tịch nước như ông Trần Đại Quang khác gì một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam?”
Ơ hay, sao lại thế nhỉ? Về ngoại hình, bác Quang đâu có kém cạnh gì bác Triết. Còn về diện mạo thì trông đỡ tối tăm hơn bác Sang thấy rõ, đúng không? Sao hai bác kia nhậm chức suôn sẻ, và hạ cánh an toàn mà bác Quang lại bị coi như là “một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam” – hả Giời?
Ông Nguyễn Gia Kiểng còn nhất định cho rằng: “Trong nhà tù nhiều khi tù nhân phải trả tiền để ‘được’ còng bằng những chiếc còng không nhiễm trùng HIV. Dưới sự lãnh đạo của Trần Đại Quang, công an cũng làm tiền trắng trợn hơn hẳn trước….”
“Trước” là hồi nào vậy cà? Khi HIV chưa xuất hiện thì làm sao có cái vụ (tai tiếng) trả tiền để “được” đưa chân vào những cái còng không nhiễm trùng được chớ? Ở giai đoạn này, Việt Nam còn dùng sổ gạo và tem phiếu và người dân chỉ cần vài điếu thuốc lá lẻ cũng đủ bôi trơn bộ máy (“Samit là nói ít hiểu nhiều, Ba Số Năm vừa nằm vừa ký”) nên mấy ông bộ trưởng công an tiền nhiệm đỡ mang tiếng hơn ông Quang là chuyện tất nhiên.
Cũng như ông Nguyễn Gia Kiểng, nhiều người cứ nhất định cho rằng Bộ Công an dưới thời Trần Đại Quang tệ hại hơn thời trước rất nhiều:
– Các vụ ép cung, tra tấn, đánh người cho tới chết, xẩy ra thường xuyên trong đồn công an.
– Chuyện chạy án, chạy tiền để được phóng thích vào những đợt ân xá là hiện tượng phổ biến.
– Công an giả dạng côn đồ để đánh người, và vứt cứt đái hay mắm tôm vào nhà dân xẩy ra ở khắp mọi nơi.
May mắn là trong giới truyền thông vẫn còn những người sáng suốt nên những vấn nạn vừa nêu đã được nhìn nhận một cách khách quan hơn:
“Nhiều người tưởng rằng khoảng 5-6 năm gần đây mới rộ lên hiện tượng công an đánh chết dân, nhưng thật ra thì điều đó đã xảy ra hàng chục năm rồi, kể từ khi đảng Cộng sản cầm quyền. Thậm chí ngày trước công an đánh chết còn nhiều dân hơn ngày nay ấy chứ. Chẳng qua là đến bây giờ, một phần trong số những câu chuyện thương tâm ấy mới được đưa lên mặt báo và nhất là lên Facebook mà thôi. Con số 226 người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ (ba năm 2011-2014) là con số trong một báo cáo của Bộ Công an và được báo chí trích đăng; ngày trước, làm gì có chuyện Bộ Công an có những báo cáo như thế và báo chí công bố như thế.”
Tôi vô cùng tâm đắc với nhận định vô tư và chính xác (thượng dẫn) của nhà báo Đoan Trang. Chả có gì bảo đảm được rằng dưới thời Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương, Lê Hồng Anh… những vụ “tự tử” trong đồn công an hay nạn ép cung, mớm cung, chạy án… lại ít hơn bây giờ. Chả qua là mọi việc đều được giấu kín như bưng nên mọi người không biết đấy thôi.
Trong số tất cả lời tố ghi trên chỉ có điều duy nhất xác thực là vấn nạn công an thường giả dạng côn đồ để vứt cứt đái, hay đổ nước hôi thối, vào nhà dân chúng. Hiện tượng này quả là hoàn toàn mới lạ, và mang đậm dấu ấn của cái thời mà ông Trần Đại Quang giữ chức vụ Bộ trưởng Công an.
Đây tuy là những hành vi bẩn thỉu và đê tiện nhưng (nói nào ngay) hoàn toàn không độc ác. Chả làm ai chết cả. Trần Đại Quang – ít nhất – cũng chưa bao giờ bị kết án là sát nhân (hãm hiếp người tình của lãnh tụ, lấy búa đập vào đầu nạn nhân, rồi vứt xác ra đường cho xe cán) như Trần Quốc Hoàn – Bộ Trưởng Công An đầu tiên của nước VNDCCH.
Ông Trần Đại Quang cũng không hề bị tai tiếng như hai ông Phạm Hùng và Mai Chí Thọ trong những vụ thu vàng bán bãi vượt biên, đẩy vô số người dân ra khỏi nước, khiến hàng triệu thuyền nhân đã chết chìm giữa biển khơi (*). Thời ông Quang phụ trách ngành công an tuy cũng có không ít thuyền nhân (những thuyền nhân mới, nouveaux boat people) hay còn gọi là “người rơm” nhưng số lượng những kẻ mất mạng giữa đường hay mất mát tài sản để chung chi cho những chuyến vượt biên đều không đáng kể – nếu so sánh với những đợt di tản của đám “thuyền nhân cũ” (ancient boat people) hồi cuối thế kỷ trước.
Những “điểm son” kể trên, tiếc thay, đã không được công luận biết đến. Thiên hạ, nếu không chê bai hay dè bỉu thì cũng chỉ nói đến việc đăng quang của vị tân chủ tịch nước, cũng chả khác chi với chuyện tái đắc cử chức vụ TBT, với giọng điệu chán chường hay… huề vốn.
Xin đơn cử một thí dụ, đọc được trên trang FB của BBC:
“Ừ thì cơ mà ai lên làm thì đời sống Công Nhân vẫn vậy, như 20 năm qua cũng ko thay đổi được là bao nhiêu đáng kể. Vẫn ở cái nhà trọ chật hẹp, vẫn ko biết khi nào mới mua nổi nhà để an cư lạc nghiệp, vẫn bữa cơm ăn cho có để làm, vẫn nỗi lo con cái những hôm tăng ca cả hai vợ chồng thì ko biết ai đón gửi ai…
Còn Nông Dân vẫn vậy vẫn tự bơi với ruộng đồng, vẫn điệp khúc được mùa mất giá, vẫn mất mùa thì do thiên tai được mùa thì do tài tình lãnh đạo của Đảng, vẫn điệp khúc hàng ngoại giết chết hàng nội, vẫn điệp khúc Trung Quốc không thu mua thì đành đổ bỏ.
Rồi giá xăng vẫn cao ngất ngưởng so với thế giới, học phí viện phí vẫn tăng, các loại thuế phí khác vẫn tăng ko hề giảm. Vẫn nỗi lo gánh nặng tiền học cho con, vẫn nỗi lo gánh nặng lỡ xui đi viện…
Đến bệnh viện, đến chốn công quyền vẫn phải xin xỏ, chầu chực, vẫn phải bôi trơn. Vẫn tham ô, tham nhũng, cái mặt quan vẫn vác ngược kênh kiệu hạch sách nhân dân. Vẫn thực phẩm độc hại, vẫn mọi thứ còn nguyên.
Các ông ấy chẳng ai buồn hứa với Dân khi tôi làm cán bộ tôi sẽ làm gì để giải quyết bớt vấn đề của nhân dân bức xúc bấy lâu nay. Các ông vẫn cứ đọc cái mớ lý thuyết suông, vẫn nói suông. Những bài chính trị mà chúng tôi cũng thuộc…”
Rõ ràng toàn là những đòi hỏi quá đáng và… quá quắt. Ngay đến bác Hồ mà còn không bảo vệ được cả vợ lẫn con, bác Tôn cũng chỉ có mỗi một việc làm là… sửa xe đạp cho nó qua ngày đoạn tháng thì bác Quang biết làm sao hơn và làm gì khác được?
04/10/2016
(*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People
- Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 Dept. of State Bulletin article on Vietnam.
- Orange County Register (29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.
- Northwest Asian Weekly (5 July 1996): 150,000-175,000 camp prisoners unaccounted for.
- Estimates for the number of Boat People who died:
- Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum
- The 20 July 1986 San Diego Union-Tribune cites the UN Refugee Commission: 200,000 to 250,000 boat people had died at sea since 1975.
- The 3 Aug. 1979 Washington Post cites the Australian immigration minister’s estimate that 200,000 refugees had died at sea since 1975.
- Also: “Some estimates have said that around half of those who set out do not survive.”
- The 1991 Information Please Almanac cites unspecified “US Officials” that 100,000 boat people died fleeing Vietnam.
- Encarta estimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75,000.
- Nayan Chanda, Brother Enemy (1986): ¼M Chinese refugees in two years, 30,000 to 40,000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars: 1945-1990 (1991))
- Rummel
- Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87)
- Executions: 100,000
- Camp Deaths: 95,000
- Forced Labor: 48,000
- Democides in Cambodia: 460,000
- Democides in Laos: 87,000
- Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)
- Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87)