Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị cho hệ thống truyền thông và mạng xã hội nước này không truyền hình trực tiếp lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscars lần thứ 93 sắp diễn ra tại Los Angeles. Vì sao vậy?
Không tường thuật trực tiếp, chờ kiểm duyệt
Một bộ phim nói tiếng Quan thoại được đề cử phim quốc tế hay nhất; một nữ đạo diễn sinh trưởng ở Hoa Lục có triển vọng giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất – giải Oscar lần thứ 93 năm nay 2021 được dự đoán là một cơ hội vàng, một thắng lợi của điện ảnh Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đã quyết định không cho phép các đài truyền hình, cơ quan truyền thông và mạng xã hội nước này (kể cả Hong Kong) tường thuật trực tiếp hoặc tiếp sóng các đài truyền hình nước ngoài lễ trao giải điện ảnh thường niên Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ sẽ diễn ra ngày 25-04 sắp tới tại Los Angeles.
Báo The Washington Post bình luận, quyết định của Trung Quốc đang biến giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh, sự kiện điện ảnh được người mộ điệu quan tâm nhất thành một điểm nóng chính trị, bộc lộ mối quan hệ phức tạp giữa Hollywood và Trung Quốc.
Washington Post cho biết đài truyền hình TVB của Hong Kong – được Bắc Kinh hậu thuẫn – vừa thông báo sẽ không truyền hình trực tiếp lễ trao giải Academy Awards – thường gọi là giải Oscars – theo một quyết định mà cơ quan quản lý báo chí truyền thông Trung Quốc đưa ra tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua đài TVB không truyền trực tiếp giải Oscars. Thay vì vậy, đài TVB có thể sẽ phát một bản tường thuật đã bị kiểm duyệt sau khi lễ trao giải đã kết thúc.
Trang mạng Bloomberg và đài Á Châu Tự Do cũng cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các cơ quan truyền thông không đề cao giải Oscars nói chung, nhất là không được đề cập tới đạo diễn Chloe Zhao và phim tài liệu “Đừng Chia Rẽ” (Do Not Split).
Những mũi gai nhọn
Điều gì đã khiến chính phủ Trung Quốc quyết định cấm đoán như vậy? Những người am hiểu cho rằng, Bắc Kinh sợ các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn lên tiếng tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Trung Quốc hoặc phơi bày sự thật về tình trạng đàn áp ở nước này.
Được đề cử giải xuất sắc cho thể loại phim tài liệu ngắn (Best Document Short Subject) có phim “Đừng Chia Rẽ” (Do Not Split) – một phim tài liệu dài 35 phút thực hiện ngay tuyến đầu của phong trào đấu tranh đòi dân chủ tự do ở Hong Kong năm 2019. Đạo diễn là nhà làm phim người Na Uy Anders Hammer đã trình bày những hình ảnh sinh động về vụ bao vây tấn công trường Đại học Trung Hoa Hong Kong, những khoảnh khắc chính của phong trào biểu tình, cung cấp một góc nhìn chân thực về vụ đàn áp sinh viên biểu tình của nhà cầm quyền Hong Kong. Bắc Kinh lo ngại bộ phim sẽ thu hút sự chú ý của dư luận vào phong trào phản kháng của người dân Hong Kong, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến ở vùng lãnh thổ này với mưu toan triệt tiêu sự đối lập chính trị và xóa bỏ quyền tự do ngôn luận.
Chính quyền Bắc Kinh cũng lo ngại trường hợp nữ đạo diễn Chloe Zhao, người đang là ứng viên sáng giá cho giải Oscars đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim Nomadland của bà Zhao tập trung vào những người lao động lưu động ở miền Tây nước Mỹ hiện nay, chẳng liên quan gì tới Trung Quốc, nhưng vấn đề là ở chính người nghệ sĩ gốc Hoa này. Bà Chloe Zhao, tên tiếng Trung Quốc là Zhao Ting (Triệu Đình), 39 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc trong một gia đình có mẹ là nghệ sĩ nổi tiếng và cha là doanh nhân thành đạt, tuổi thiếu niên sống ở Vương quốc Anh và trưởng thành ở Hoa Kỳ. Hồi tháng 02-2021 khi phim Nomadland của bà giành được những giải thưởng danh giá Sư Tử Vàng (Golden Lion) ở Liên hoan phim Venice (Ý) và Toronto Film Festival thì cộng đồng mạng ở Trung Quốc sôi lên những lời ca tụng, báo chí Hoa Lục hoan hỉ đón chờ ngày công chiếu đầu tiên của bộ phim, dự định vào tháng Tư.
Nhưng rồi, cư dân mạng phát hiện ra một bài phỏng vấn năm 2013 trên tạp chí Filmmaker Magazine, trong đó bà Zhao nói Trung Quốc là “một nơi dối trá tràn lan”. Dân mạng Trung Quốc lập tức lên án bà, thông tin quảng cáo phim Nomadland bị rút khỏi mạng internet Trung Quốc và bộ phim có khả năng không được chiếu ở Hoa Lục nữa. Việc nhà cầm quyền Bắc Kinh cấm tường thuật trực tiếp lễ trao giải Oscars có thể nhằm đề phòng chuyện bà Zhao có những phát biểu chính trị bất lợi cho họ khi lên sân khấu nhận giải; việc hoãn tường thuật là để các viên chức kiểm duyệt xem xét và cắt bỏ những phát biểu như vậy trước khi phát sóng.
Một bộ phim khác mà các quan chức Trung Quốc thấy có vấn đề là phim “Thiếu Niên Đích Nhĩ” (tiếng Trung “少年的你”, tiếng Anh “Better Days” do Derek Tsang (Tằng Quốc Tường, 曾國祥) – một nghệ sĩ Hong Kong, làm đạo diễn. Đây là bộ phim tình cảm lãng mạn tuổi thiếu niên phi chính trị, được quay ở Trùng Khánh – một thành phố nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, với hai diễn viên rất được giới trẻ Trung Quốc ái mộ là Châu Đông Vũ (周冬雨, Zhou Dongyu) và Dịch Dương Thiên Tỷ (易烊千玺, Jackson Lee). Là phim nói tiếng Trung Quốc, phụ đề Anh ngữ, bộ phim đã giành 8 giải Film Hong Kong năm thứ 39 và đạt doanh thu bán vé 230 triệu USD trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 khiến cho hầu hết các rạp chiếu bóng phải đóng cửa. Nếu được giải Oscars ở hạng mục phim nước ngoài xuất sắc nhất thì đây là lần đầu tiên trong 65 năm qua một bộ phim đề cử từ Hong Kong hoặc Trung Quốc được trao giải Oscars – một vinh dự đáng kể cho điện ảnh Trung Quốc.
Nhưng ông Tằng mới đây đã bị cấm làm giám khảo một show truyền hình thực tế rất ăn khách chỉ vì cư dân mạng Trung Quốc phát hiện một tấm ảnh ông tham gia Phong trào Dù Vàng – phong trào đấu tranh của thanh niên Hong Kong năm 2014. Nếu bộ phim của Tằng được giải Oscars thì đó là một điều Bắc Kinh sẽ khó xử với vị thế của người đạo diễn tài năng này.
Quan hệ Hollywood-Trung Quốc: cơm không lành…
Quyết định không cho phép tường thuật trực tiếp giải Oscars lần thứ 93 cho thấy quan hệ giữa Hollywood với Trung Quốc đã có vấn đề bất chấp trong nhiều năm gần đây các hãng phim Hoa Kỳ đã cố gắng chiều chuộng nhà cầm quyền Bắc Kinh để thâm nhập vào thị trường xem phim lớn nhất thế giới, đến mức đã có không ít lời phê phán Hollywood “khấu đầu” trước Bắc Kinh, “bán rẻ các giá trị Mỹ cho Trung Quốc”. Hãng phim Disney chẳng hạn, có quan hệ rất mật thiết với chính phủ Trung Quốc và đã nỗ lực quảng bá “đặc sắc văn hóa và lịch sử” Trung Quốc tới khán giả phương Tây, dù không thành công, mà bộ phim Mulan (Hoa Mộc Lan) là một ví dụ.
Sự thật ngành nghệ thuật thứ bảy của Mỹ cần có thị trường Trung Quốc. Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, doanh thu phòng vé xem phim ở Trung Quốc là 9,2 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới, chỉ kém Hoa Kỳ 11,4 tỷ USD. Nhưng xu thế thị trường đang chuyển dần sang phim nội địa Trung Quốc và sức hấp dẫn của phim Hollywood ngày càng giảm. Năm 2019 trong 20 bộ phim dẫn đầu về bán vé ở Trung Quốc, Hollywood chỉ có bảy phim, giảm so với 12 phim của hai năm trước.
Theo giới phân tích, Hollywood đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan với nhà cầm quyền và thị trường Trung Quốc. Các nghệ sĩ tên tuổi, thường là những người có tư tưởng cấp tiến, có khuynh hướng lên tiếng về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chống chế độ độc tài toàn trị, nhưng các hãng phim lại quan tâm tới việc sản xuất những tác phẩm phù hợp với một công chúng rộng rãi và được các chính quyền chấp nhận. Ở các quốc gia dân chủ và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, điều đó không là vấn đề, nhưng ở những nước độc tài như Trung Quốc, đó lại là trở ngại lớn.
Hãy xem trường hợp nữ đạo diễn Chloe Zhao. Sau phim Nomadland, bà Zhao được một hãng phim thuộc tập đoàn Disney mời làm đạo diễn phim “Eternals” – một phim bom tấn dưới thương hiệu Marvel. Nếu trong lễ trao giải Oscars sắp tới, bà Zhao lên sân khấu phát biểu điều gì đó chạm nọc nhà cầm quyền Trung Quốc thì kế hoạch phát hành phim “Eternals” ở thị trường Trung Quốc vào tháng 11 tới có thể sẽ bị ảnh hưởng. Giáo sư Aynne Kokas, Đại học Virginia, tác giả sách “Hollywood Made In China” nhận định: “Tôi nghĩ nếu bà ấy nói gì đó về Trung Quốc sẽ là điều thú vị; còn nếu bà ấy không nói cũng sẽ thú vị vì một lý do hoàn toàn khác. Có một mệnh lệnh tài chính yêu cầu bà ấy không chọc giận chính phủ Trung Quốc, nhưng có lẽ bà ấy nhận ra có một mệnh lệnh đạo đức buộc bà ấy phải giữ vững vị thế”.
Cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các nhà điện ảnh Hollywood có thể sẽ còn kéo dài nhưng lợi thế rõ ràng đang thuộc về phía nhà cai trị có bàn tay sắt. Một nhà sản xuất phim chua chát nhận định: “Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Hollywood va chạm và cũng không phải là lần cuối cùng. Và thường thường, một bên phải chịu nhượng bộ – hoặc quyền tự do ngôn luận, hoặc doanh thu bán vé”.
Xem ra cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữa độc tài và tự do – không chỉ gói gọn trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự mà giới làm nghệ thuật cũng bị liên lụy.