Không xã hội hoặc quốc gia nào mà không có người giàu-kẻ nghèo nhưng chắc ít nơi nào mà “đám nhà giàu” bị người dân nước họ ghét như hủi như Trung Quốc. Tâm lý ghét nhà giàu không chỉ vì sự ghen tỵ mà còn xuất phát từ sự tức giận âm ỉ trước tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng và sự giàu có thường không phải xuất phát từ tài năng hay lao động mà chỉ nhờ quan hệ và tham nhũng…
Gần đây, theo BBC, khi Tô Mang (Su Mang) – cựu tổng biên tập tờ Harper’s Bazaar China – nói rằng liệu với 650 tệ (101 USD) có đủ để trang trải việc ăn uống thường ngày hay không, người dân Trung Quốc đã phản ứng đồng loạt. Phát biểu trên khi tham gia “50km Taohuawu” (“Ngũ thập công lý Đào Hoa Ô”, chương trình truyền hình thực tế trong đó 15 người tham dự được đưa đến Đào Hoa Ô để sống với nhau suốt 21 ngày), Tô Mang sau đó phải “đính chính” cho rõ rằng 650 tệ không phải là số tiền để sống một ngày mà là 21 ngày. Tuy nhiên, dân mạng Trung Quốc vẫn không nguôi. Họ nói đa số trong họ sống mỗi ngày với chưa đến 30 tệ.
Đầu năm nay, Dao An Na (Annabel Yao) – con gái út 23 tuổi của người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) cũng đã gây phẫn nộ trên mạng khi không phải khoe của mà than rằng mình vốn dĩ sống cũng “khổ như ai”. “Tôi chưa bao giờ coi mình là ‘công chúa’ … Tôi nghĩ tôi cũng như hầu hết những người cùng tuổi, phải làm việc chăm chỉ, phải học khùng học điên mới có thể vào được trường tốt” – Dao tiểu thư nói, trong một video tự sự dài 17 phút nhân dịp tuyên bố nhảy vào lĩnh vực hát xướng. Dân mạng ức vì thấy tiểu thư Dao… xạo “không có căn”. Từ lâu người ta đã thấy Dao luôn xuất hiện như một công chúa. Vô số tấm ảnh trên báo chí và mạng xã hội cho thấy Dao sống trong nhung lụa như thế nào.
Dân nhà giàu khoe của ở Trung Quốc lâu nay đã trở thành đề tài bàn tán không chỉ trong nước họ mà còn trên báo chí phương Tây. Bọn “phú nhị đại” (fuerdai) – thế hệ trẻ thứ hai sinh ra trong những gia đình giàu có- đã nổi tiếng và tai tiếng với lối sống xa hoa. Chúng khoe lối sống như trên mây, trong khi ở “dưới đất” thì “bọn nhà nghèo” vất vưởng nhặt nhạnh từng đồng. Mà chúng chẳng làm gì cả. Tiền bạc đều được cung phụng từ những phụ huynh vốn hầu hết là quan chức tham nhũng ăn trên đầu trên cổ người dân. Ai cũng biết rằng, các đảng viên quyền chức là một “băng đảng đỏ”, với những bổng lộc mà người dân không bao giờ chạm tay đến được.
Khoảng cách giàu-nghèo ở Trung Quốc ngày một kinh khủng. Trong khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 32.189 tệ (5.030 USD), tức khoảng 2.682 tệ/tháng – theo Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh lại trở thành nơi có số tỉ phú nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều đó không có nghĩa Bắc Kinh là một thành phố giàu. Điều đó chỉ cho thấy Bắc Kinh là “hang ổ” của đám tư bản đỏ. Theo Hồ Nhuận Bách phú (Hurun Report – nơi chuyên ghi nhận những người giàu nhất Trung Quốc), những tay giàu có nhất Trung Quốc đã kiếm được 1,5 ngàn tỉ vào năm 2020, bằng phân nửa GDP nước Anh. Khoảng cách giàu nghèo là thực tế phổ biến đối với tất cả quốc gia có vấn đề bất bình đẳng thu nhập nhưng sự bất bình đẳng ở Trung Quốc hiện ở một vị trí “độc nhất vô nhị”.
Cái gọi là “mọi người trong xã hội đều thịnh vượng” như lời Đặng Tiểu Bình vẫn hô hào, này đã là khái niệm xa vời. Sau 100 năm kể từ khi đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập và sau hơn 40 năm kể từ khi đất nước mở cửa, những người giàu chỉ ngày càng giàu hơn. Ngày càng có nhiều người dân bị tụt lại phía sau và họ luôn cảm thấy chán nản và bất lực.
Sự giận dữ công chúng mỗi lúc mỗi trầm trọng khi thấy chế độ cai trị chỉ biết củng cố thế lực và tiền của cho giai cấp lãnh đạo hơn là tạo ra một xã hội ít mất bình đẳng hơn. Tháng trước, thiên hạ đã một phen phẫn nộ khi biết rằng nữ diễn viên Trịnh Sảng được trả khoảng hai triệu tệ mỗi ngày cho một vai phim truyền hình và tổng cộng họ Trịnh sẽ nhận 160 triệu nhân dân tệ cho dự án này. “Thế quái nào mà lại trả cho cô ta160 triệu tệ? Công nhân bình thường kiếm được 6.000 tệ/tháng thì phải làm liên tục 2.222 năm mới kiếm được ngần ấy!” – một người viết trên Weibo. Dư luận càng giận dữ khi biết Trịnh Sảng từng thuê người mang thai hộ và lại bỏ rơi hai đứa con này ở Mỹ.
Nói chung, dân tình Trung Quốc không thích đám nghệ sĩ nói riêng và bọn nhà giàu nói chung. Cho nên, khi nghe chuyện Phạm Băng Băng bị quản thúc tại gia vì trốn thuế hồi năm 2018, người ta thậm chí còn xúm vào lên án, thay vì “đồng cảm” với một diễn viên tên tuổi mà có thể chính họ trước đó từng là fan ruột của cô.
Sự thù ghét người giàu ở Trung Quốc một phần còn do sự khiếm khuyết văn hóa sống ở nước này. Sự xuất hiện nhanh chóng tầng lớp trung lưu Trung Quốc không cho thấy nước này đang tiến đến một xã hội văn minh. Ngay cả với một số người giàu cũng cảm thấy khó chịu trước sự khoe của rởm đời của đám nhà giàu mới nổi. Họ khinh bỉ đám giàu xuất thân từ “tầng lớp thấp” – như nhận xét của tiến sĩ John Osburg, tác giả quyển Anxious Wealth: Money and Morality Among China’s New Rich.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Trung Quốc sẽ qua mặt Nhật để trở thành thị trường hàng xa xỉ cao cấp hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, túi xách Gucci và nước hoa Chanel không làm tăng giá trị con người cho đội quân nhà giàu rởm Trung Quốc. Một trong những người nổi tiếng thế giới mạng Trung Quốc, MengQiqi77 (Manh Kỳ Kỳ), là một kẻ như vậy.
Luôn lên mạng khoe khoang cuộc sống xa hoa, có lần Manh Kỳ Kỳ “than” trên Weibo rằng, vì chỗ mình đang sống không có đủ trạm sạc xe điện nên “tụi mình không còn cách nào khác là phải dọn qua một căn biệt thự bự hơn, để ông xã có thể sạc điện chiếc xe Tesla”. Lần khác, Manh Kỳ Kỳ tỏ ra “ấm ức” vì việc chồng hà tiện quá, khi chọn một bộ đồ vải cashmere của Zegna có giá “chỉ 30.000 nhân dân tệ”. Dân chúng đã được dịp mỉa mai khinh bỉ thói khoe khoang của những kẻ giàu có hợm hĩnh này.