Tại sao Việt Nam không xài vaccine Trung Quốc?

Tỉnh Hải Dương – nơi dịch Covid-19 đang bùng lên – chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh báo Tuổi trẻ.
HIẾU CHÂN

Việt Nam đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 từ hôm nay thứ Hai 08-03-2021, nhưng là quốc gia duy nhất ở châu Á không công khai nói rõ họ có dùng các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất hay không. Các nhà phân tích cho rằng, tình cảm chống Trung Quốc của dân chúng và căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước là yếu tố đằng sau lựa chọn của Hà Nội.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có số người bị nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới, chỉ ghi nhận khoảng 2.500 trường hợp nhiễm bệnh và 35 trường hợp tử vong trong tổng dân số 98 triệu người. Nhưng chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng thực hiện tiêm chủng cho toàn dân nhằm nhanh chóng chặn đứng sự lây lan của đại dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế, sử dụng các nguồn vaccine nhập cảng hoặc tự bào chế. Báo chí trong nước cho biết trong tuần qua, Việt Nam đã nhận được lô vaccine Covid-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca và lô vaccine 117.000 liều đầu tiên này sẽ được phân bổ cho 18 bệnh viện địa phương đang điều trị người bệnh Covid-19; dành 30.000 liều ưu tiên cho quân đội và cộng an (!). 

Hiện nay, báo chí trong nước dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết Hà Nội đã ký hợp đồng mua được 30 triệu liều vaccine AstraZeneca và được chương trình COVAX của Liên hiệp quốc phân bổ 30 triệu liều nữa theo tiêu chuẩn dành cho 92 quốc gia nghèo nhất thế giới. Ngoài các loại vaccine do các công ty trong nước tự bào chế, Việt Nam mới chỉ phê chuẩn và cho phép sử dụng vaccine AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Sputnik V của Nga, chưa có loại vaccine Trung Quốc nào được cấp phép.

Theo nhiều cuộc thử nghiệm, vaccine AstraZeneca có mức hiệu quả bình quân hơn 70%, vaccine Sputnik V của Nga có hiệu quả khoảng 92%, của Pfizer-BioNTech khoảng 94%. Để so sánh, vaccine Trung Quốc do hãng Sinopharm sản xuất ở Vũ Hán có hiệu quả khoảng 72,5%; vaccine Sinovac sản xuất ở Bắc Kinh có hiệu quả 91% khi thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chỉ đạt 50,6% khi thử nghiệm ở Brazil. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói vaccine có hiệu quả trên 50% là đạt yêu cầu, nhưng mỗi quốc gia có các tiêu chuẩn khác nhau trong việc chọn lựa và và cho phép sử dụng vaccine.

Có điều, theo các nhà quan sát, phẩm chất của vaccine dường như không phải là yếu tố chính khiến Việt Nam quay lưng với vaccine Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh cam kết cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển và hầu hết các quốc gia láng giềng của Việt Nam đã chấp nhận sử dụng các loại vaccine của Sinovac và Sinopharm.

Indonesia chẳng hạn, đã bắt đầu kế hoạch tiêm chủng Covid-19 từ tháng 01-2021, sử dụng vaccine Sinovac và đến nay đã tiêm được 3,2 triệu liều; Malaysia đã cho phép sử dụng vaccine Sinovac trong khi Singapore đã tiếp nhận vaccine Trung Quốc nhưng chưa phê chuẩn và chưa sử dụng. Brunei đã nhận vaccine Sinopharm do Trung Quốc viện trợ, còn Thái Lan, Lào, Cambodia và Philippines đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân, sử dụng vaccine hoặc của Sinopharm hoặc của Sinovac. Myanmar đã được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) hứa hẹn cung cấp vaccine khi ông Vương đến thăm nước này hồi tháng 01-2021 nhưng chưa nhận được lô vaccine nào.

Nguyễn Phương Linh, phụ tá giám đốc công ty tư vấn toàn cầu Control Risk nói chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc đã thất bại ở Việt Nam bởi vì tình cảm chống Trung Quốc đang lên mạnh ở đây  “Từ lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, ở Việt Nam người dân đã biết con virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ đó, tình cảm chống Trung Quốc – vốn đã mạnh mẽ trong dân chúng – chưa hề có dấu hiệu giảm sút”, bà Linh nói, theo báo South China Morning Post

Bà Lê Thu Hương, phân tích gia cao cấp của dự án Đông Nam Á thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc – một think-tank được chính phủ Úc và Mỹ tài trợ – nói Hà Nội lựa chọn vaccine dựa trên tính chất hiệu quả, độ tin cậy về y khoa và giá cả phù hợp. Vaccine cần phải có độ tin cậy cao thì người dân mới đồng ý tiêm chủng. Các loại vaccine Trung Quốc dường như không được tin cậy. Ngay trong những ngày đầu đại dịch, Trung Quốc đã không cung cấp cho Việt Nam các loại trang bị bảo hộ cá nhân mà Trung Quốc gửi cho các nước Đông Nam Á khác. Điều đó cho thấy chính sách “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh là một thủ đoạn chính trị mà Hà Nội không thể không xem xét.

Hai nước đồng minh cộng sản Việt Nam và Trung Quốc có một mối quan hệ ngoại giao không dễ dàng vì người dân Việt Nam vẫn có mối ác cảm sâu sắc với Trung Quốc sinh ra từ một ngàn năm Bắc thuộc, từ các trận chiến đẫm máu giữa hai nước các năm 1974, 1979 và 1988 cũng như từ cuộc tranh chấp chủ quyền các hải đảo ở Biển Đông và việc điều tiết nguồn nước sông Mê-kông.

Hà Nội vẫn luôn thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh vì dù sao Trung Quốc cũng là nước lớn có chung biên giới, lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng gần đây. Hồi tháng 01-2021, ngay trước cuộc chuyển giao chính phủ ở Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã công du ASEAN để vận động phát triển quan hệ ngoại giao, sử dụng vaccine Covid-19 làm công cụ đổi chác; Vương đã đến chín trong mười nước ASEAN, trừ Việt Nam.

Trong chính sách “ngoại giao vaccine”, có thể Bắc Kinh không coi Hà Nội là một đồng minh cần lôi kéo, cũng có thể Trung Quốc đã nắm chặt giới lãnh đạo chính trị Việt Nam và không cần phải lấy lòng Hà Nội nữa.

Ngoài các loại vaccine nhập cảng nói trên, hiện đang có bốn công ty nội địa Việt Nam nghiên cứu và tự bào chế vaccine Covid-19; trong đó vaccine Nano Covax của công ty y sinh học Nanogen ở Sài Gòn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và có thể được phê chuẩn vào giữa năm nay. Việt Nam dự định tiêm chủng cho 80% dân số, tương đương 72 triệu người và cần có khoảng 150 triệu liều vaccine các loại.

Theo tính toán của Economist Intelligence Unit (EIU), Singapore – chỉ có khoảng 5,7 triệu dân – sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hoàn thành tiêm chủng cho toàn dân vào cuối năm 2021; Việt Nam có thể chậm hơn khoảng sáu tháng trong khi Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc phải đến cuối năm 2022; Myanmar, Cambodia, Lào, Philippines và Indonesia phải đến đầu năm 2023.

(theo SCMP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: