Chém gió xuyên lục địa: Cổ tích Tấm Cám @

Hồi thứ nhất

Một hôm, dì ghẻ gọi hai chị em Tấm, Cám đến và bảo:

– Hôm nay hai con ra đồng mò cua bắt tép, ai bắt được đầy giỏ thì dì sẽ thưởng cho cái yếm đỏ.

Ngoài đồng bây giờ làm gì còn tôm với tép, nên Tấm cặm cụi từ sáng tới trưa cũng không bắt được con nào. Cám thì khôn ngoan chạy ù ra chợ mua giỏ tép về nhà lấy thưởng.

Tấm ngồi khóc, Ông Ngoại hiện lên hỏi:

– Làm sao con khóc?

Tấm kể đầu đuôi câu chuyện. Ông Ngoại thương tình cho Tấm con cá bống, bảo Tấm mang về thả xuống giếng mà nuôi, mỗi khi cho nó ăn con phải nhớ đọc mấy câu thơ thần như sau:

Corona từ đâu em tới

Tên em nghe rất dịu dàng

Lên ăn cơm bạc cơm vàng

Cho đời bay bổng ngang ngang cánh diều

Cá bống lớn nhanh như thổi. Mẹ con Cám phát hiện được liền bày kế lừa Tấm đi xa để bắt trộm bống. Sáng hôm sau, dì ghẻ bảo Tấm:

– Hôm nay con đi chăn trâu, nhớ chăn đồng xa, chớ chăn đồng gần, làng bắt cách ly đó.

Tấm nghe lời, đi chăn trâu xa, tối về nhà gọi bống mãi không thấy, bèn ngồi khóc.

Ông Ngoại hiện lên bảo:

– Người ta ăn thịt cá bống của con rồi. Nhưng con đừng buồn, cá nuôi toàn kháng sinh với tăng trọng, người ta ăn vào sớm muộn gì cũng ung thư…

Rồi Ngoại dặn Tấm lấy xương cho vào bốn cái lọ rồi chôn dưới chân giường.

Ít lâu sau, kinh thành mở hội non sông, già trẻ gái trai ai nấy đều nô nức. Mụ dì ghẻ không muốn cho Tấm đi nên lấy thóc trộn với gạo rồi bảo Tấm:

– Mày ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, xong mới được đi.

Tấm vừa nhặt vừa khóc. Ông Ngoại hiện lên hỏi câu như cũ. Tấm kể đầu đuôi.

Ngoại bảo:

– Để ta mang sang làng bên nhờ người ta nhặt giúp.

Tấm lo lắng:

– Ngộ nhỡ người ta lấy tiền công cao thì sao?

Ngoại bảo:

– Con yên tâm, bên đó đang cách ly, họ ở nhà buồn toàn mang gạo với đường ra đếm. Giờ có thóc với gạo cho họ nhặt thì sướng còn gì bằng. Nên con chỉ cần cho người ta mớ rau với mấy cọng hành là được, họ đang quý rau hơn vàng…

Ngoại mang gạo thóc đi rồi, Tấm lại ngồi khóc.

Ông Ngoại lại hiện về hỏi. Tấm bảo:

– Con chưa được chích vắc-xin, giờ đi hội mà bị lây Côvid chắc chết.

Ngoại bảo:

– Vậy thì con hãy đào bốn cái lọ ở bốn chân giường lên.

Tấm nghe lời, đào lên thì thấy bốn lọ vắc-xin của bốn hãng. Tấm chọn ngay loại Pfizer xịn nhất để chích rồi chụp hình khoe Fb.

Tấm yên tâm đến kinh thành xem hội. Vừa đi qua cầu thì gặp dân phòng chặn lại kiểm tra giấy thông hành. Do không có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72h nên Tấm liều chạy thông chốt, làm rớt mất chiếc hài.

Nhà vua đi ngang qua nhặt được chiếc hài rất đẹp, lập tức cho rao mời tất cả các cô gái đến, nếu ai biết được vật này là cái gì thì sẽ được nhà vua lấy làm vợ.

Các cô gái lần lượt vào thi, ai cũng trả lời đó là chiếc hài, nhưng nhà vua thấy cô nào cũng xấu, nên lắc đầu, bảo không phải.

Đến lượt Tấm bước vào, nhà vua thấy choáng ngợp.

Tấm chưa kịp trả lời thì nhà vua nhảy xổ tới:

– Nàng, nàng nói đi, đây có phải là cái… bánh mì không?

Tấm vừa ngại, vừa quê, bèn cúi mặt xuống.

Vua liền reo lên:

– Đúng rồi, xin chúc mừng nàng đã trả lời đúng. Đây là cái bánh mì!

Với quyền lực của vua thì không ai dám cãi, mọi người đều đồng ý 100%. Thế là Tấm trúng tuyển, được rước về cung một cách rất công khai minh bạch.

Còn mẹ con nhà Cám cùng với dân làng, sau ngày trẩy hội tưng bừng, thì được đưa về khu cách ly tập trung sống dở chết dở.

Hết tập 1…

TẤM CÁM phiên bản @

Hồi thứ hai

Bằng sự nâng đỡ của Ông Ngoại, Tấm đã được về hoàng cung hưởng cuộc sống sung sướng. Ít lâu sau, đến ngày giỗ cha, Tấm xin phép vua về quê ít hôm để sửa soạn cỗ cúng với dì. Mẹ con Cám vì ghen ghét đã giăng bẫy hãm hại Tấm. Mụ dì ghẻ sai Tấm trèo lên hái cau rồi ở dưới chặt gốc.

Tấm chết. Mụ dì ghẻ lấy quần áo của Tấm cho Cám mặc, rồi vào cung tâu với vua rằng Tấm đã tự tử bằng cách treo cổ trên cây cau. Và rằng, do chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, bắt gia đình phải đem chôn khẩn cấp nên không kịp báo cáo lên vua. Cái chết của Tấm khiến dư luận sôi sục. Nhà vua cử hẳn năm cơ quan vào cuộc điều tra, nhưng cuối cùng cả năm cơ quan đều thống nhất kết luận Tấm tự tử, mặc dù chả ai biết lý do gì khiến Tấm phải treo cổ tự vẫn.

Cám được ở lại cung để hầu hạ Vua. Còn Tấm sau khi chết vẫn còn tài khoản trên mạng xã hội, hàng ngày tự động online bóc phốt vạch mặt Cám. Từ khi Tấm chết, nhà vua đau buồn, suốt ngày vào mạng xã hội xem livestream bóc phốt các kiểu, mà chả đoái hoài gì đến Cám. Cám tức giận thuê nhóm hắc-cơ phá điện thoại của nhà vua. Không vào mạng được, vua bực ném điện thoại ra vườn, từ đó mọc lên cây xoan đào tỏa bóng mát. Nhà vua thường mắc võng nằm dưới tán cây.

Cám sai lính chặt cây đóng thành khung cửi dệt vải. Rồi sau đó lại lệnh cho đốt khung cửi đi. Từ đó dân gian hình thành nên quy trình bất thành văn: củi tươi trước khi bị đưa vào lò đốt thì thường được điều chuyển qua ban… kinh tế (dệt vải).

Cám sai lính mang tro đi đổ thật xa, từ đó mọc lên một cây thị xum xuê. Đến mùa, cây thị chỉ đậu được một quả nhưng tỏa hương ngào ngạt khắp xóm làng. Bà lão bán hàng nước gần đó có một hôm đi qua dưới gốc, ngẩng đầu nhìn quả thị và bảo: Thị ơi thị à, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn. Bà lão nói vừa dứt lời, thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà lão nâng niu đem về nhà cất, thỉnh thoảng lại ngắm nghía và ngửi mùi thơm.

Lại nói về bà lão nghèo. Cuộc đời bà tuy nghèo nhưng toàn gặp chuyện thần kỳ. Năm trước, dân làng gặp lũ trôi nhà trôi cửa, bà sống sót thần kỳ. Sau lũ, người ta hô hào hỗ trợ toàn bạc tỷ, nhưng đợi mãi chả thấy đâu, vậy mà bà cũng sống được, đúng là thần kỳ! Nửa năm sau lũ, chuyện thần kỳ lại xảy ra, ấy là khi đang trong nắng hè rực rỡ, bỗng dưng bà được thông báo đi nhận mì tôm và áo phao cứu trợ… Nhận cứu trợ lũ xong thì lại vừa lúc dịch bệnh, tất nhiên, giờ chỉ có chuyện thần kỳ mới có thể giúp bà sống sót tiếp được, vì tiền cứu trợ của nhà vua chả mấy khi đến được tay người nghèo thân cô thế cô như bà…

Hàng ngày bà lão thường xách cái bị đi ra ngoài. Chẳng qua là bà đi ngắm mấy cái tượng đài cho quên đi cái đói, rồi gặp ai cho gì ăn nấy, chứ đang dịch vầy có làm ăn hay chợ búa gì đâu… Hôm đó, bà về nhà thì thật thần kỳ, có ai đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và chuẩn bị sẵn cơm nước giúp bà. Bà nghĩ bụng: nếu có đoàn từ thiện thì cũng chỉ để lại cho bà hộp cơm thôi chứ làm gì mà sửa soạn chu đáo thế này.

Hôm sau, bà lão giả vờ đi chợ rồi quay lại rình xem. Qua khe cửa bà nhìn thấy một cô gái xinh đẹp bước từ quả thị… Bà xô cửa vào xé nát quả thị. Thế là cô Tấm ở lại sống cùng bà lão.

Ít lâu sau, dân làng nhận lệnh giãn cách theo chiếu lệnh 18+. Bà lão cũng tính đóng cửa quán nước theo đúng quy định, nhưng Tấm không chịu. Tấm lúc này vẫn là một con ma nên khôn lắm. Nàng biết rằng mở cửa quán trong lúc này sẽ là cách nhanh nhất để gặp được nhà vua. Quả nhiên, ngay ngày đầu giãn cách, quán nước vừa mở cửa đã bị lực lượng chức năng ập vào hạch sách, quay clip, lập biên bản phạt “6 củ” với hai lý do:

– Thứ nhất: Quán vỉa hè thông thoáng thế này sẽ không đủ điều kiện phòng chống dịch. Chỉ có các cơ sở kiên cố, cửa kính máy lạnh như Bách Góa Xinh mới đủ điều kiện bảo quản virus. Hơn nữa, còn phải chiếu theo khẩu lệnh của quan tổng đốc, rằng phải bịt kín các khe hở để virus không chui qua.

– Thứ hai: Quy định chỉ được bán hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Nước không phải mặt hàng thiết yếu.

Tấm cự cãi quyết liệt vì không biết đâu là ranh giới giữa hàng thiết yếu và xa xỉ? Băng giấy vệ sinh, bao cao su, xà bông, nước xả, lăn khử mùi, nước hoa, bánh mì, bánh pizza, thịt lợn, thị bò kobe, tôm tép, tôm hùm, nồi niêu, tủ lạnh… có phải là thiết yếu không? Bởi lệnh quan không quy định cụ thể nên mặc cho đám lính lệ thích luận giáp ất thế nào thì luận… Rất nhanh chóng, clip chống người thi hành công vụ đã ngập tràn trên mạng. Nhà vua nhận ra Tấm và cho đón về cung.

Thấy Tấm trở về lại càng xinh đẹp hơn xưa. Cám hỏi: Chị Tấm ơi! Chị làm thế nào mà đẹp thế?

Tấm không đáp, chỉ hỏi lại: Em có muốn đẹp không để chị giúp?

Cám bằng lòng ngay. Thế là Tấm giới thiệu cho Cám một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ gia truyền ba đời, được quảng cáo rùm beng trên mạng. Chỉ ít phút sau ca phẫu thuật, Cám đã trút hơi thở cuối cùng, may mà nó chưa kịp phi tang xác. Lúc đó Cám vẫn còn danh nghĩa vợ vua, nên đám ma được tổ chức theo nghi lễ Cuốc Tang.

Người dân đang trong lúc khó khăn, vậy mà nghe tin Cuốc Tang một cái thì ai nấy đều vui mừng như mở hội…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: