Chuyện phạt xe nặng theo luật mới 168

Luật mới 168 phạt nặng xe đi trên đường, giữa hệ thống hạ tầng như “bẫy” khiến người dân tức giận (Dân Trí)

1. Tôi là người ít khi ra ngoài, nhưng mỗi lần chạy xe thì không khỏi bức xúc về tình trạng lộn xộn và vi phạm đủ loại của nhiều người. Chỉ riêng việc chạy xe buổi tối mà luôn bị các xe đối diện bật đèn pha với ánh sáng công suất lớn chiếu thẳng vào mắt, khiến cho mù đường, dù đã nháy đèn xin họ hạ pha xuống nhưng vô ích, cũng đủ thấy nguy hiểm và bất bình. Nghĩa là tôi mong muốn tình hình giao thông ở Việt Nam phải tốt hơn, việc quản lý, xử phạt phải nghiêm minh hơn.

Vậy “phạt nặng” có phải là một giải pháp hữu hiệu? Chắc chắn là có tác dụng, thậm chí tác dụng lớn và tức thời, bởi đơn giản vì ai cũng sợ mất tiền, lại mất một số tiền lớn có ảnh hưởng đến cuộc sống của cả một gia đình trong vài tháng. Tuy nhiên, cần làm rõ thế nào là “nặng”. 20 triệu là nặng, vậy 40 triệu, 50 triệu hay 100 triệu thì có phải vẫn là nặng và nặng hơn không? Nếu cứ theo tư duy “phạt nặng” tại sao không phạt lên tới 100 triệu, thậm chí thực thi các biện pháp như Tần Thủy Hoàng đã làm trong lịch sử Trung Quốc?

Một lần nữa phải làm rõ định nghĩa, “nặng” là so với cái gì: so với các nước có cùng trình độ phát triển, hay so với các nước văn minh, hay so với thu nhập trung bình của người dân, hay so với hậu quả mà người vi phạm gây ra, v.v.? Nếu không làm rõ được thì với logic “phạt nặng” này rõ ràng nên chọn 100 triệu thay vì chỉ chọn 20 triệu. Và như thế là nguy hiểm, xét về mặt tư duy. Thêm nữa, cần phân biệt nghiêm minh và phạt nặng: “nghiêm minh là nghiêm ngặt và rõ ràng, áp dụng cho MỌI NGƯỜI, AI CŨNG NHƯ AI và TRONG MỌI TRƯỜNG HỢP” (Từ điển tiếng Việt), tức là nhấn mạnh tới yếu tố minh bạch và công bằng, thay vì chỉ thiên về đánh vào túi tiền.

2. Vi phạm giao thông có nhiều trường hợp, cố ý và không cố ý, gây hậu quả và chưa/không gây hậu quả (tai nạn), tình huống bình thường và tình huống đặc biệt (ví dụ chở người cấp cứu). Có những người không cố ý và cũng không phải không hiểu luật, nhưng bỗng dưng bị quên hoặc bị nhầm chẳng hạn. Vì thế, luật cũng cần phải linh động để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, không nên cứng nhắc.

3. Luật ban ra thì phải bao hàm trong nó việc trù liệu các tình huống muôn màu của thực tiễn cuộc sống. Như tôi mới xem một clip, có chiếc xe cứu thương bấm còi inh ỏi nhưng taxi phía trước không chịu nhường đường, vì lúc đó đang đèn đỏ; nếu bình thường có thể họ nhích lên chút để cho xe cấp cứu đi qua, nhưng 20 triệu là cuộc sống của cả gia đình trong vài tháng, khó mà trách họ được. Rất có thể chỉ vì mấy chục giây đèn đỏ ấy mà người bệnh mất mạng. Mấy hôm nay tôi cũng thấy trên mạng một số clip quay cảnh các tài xe cắt nát bằng lái xe, bỏ nghề, không chạy nữa. Theo như họ nói thì việc chạy xe đường dài và chuyên nghiệp, dù không cố ý nhưng việc vô tình vi phạm những lỗi nhỏ là rất khó tránh khỏi, mà mỗi một lỗi như vậy mất toi cả một vài tháng lương thì không thể kiếm sống bằng nghề lái xe được nữa.

Mức phạt tăng lên quá lớn như hiện nay cũng sẽ có thể dẫn đến các tình huống như bỏ chạy, như chống đối, thậm chí mất kiểm soát mà làm ra tội ác. Cuộc sống của người dân vốn khó khăn, việc phạt quá nặng cho các hành vi không cố ý hoặc các lỗi nhỏ sẽ tích tụ sự bất mãn, thậm chí thù hằn trong dân. Con người sẽ ngày càng căng thẳng hơn, nóng nảy hơn, sân hận hơn. Lâu ngày, hậu quả khôn lường.

4. Việc xử phạt nghiêm minh (nghiêm minh chứ không chỉ “nặng”) là cần thiết và không có gì phải bàn cãi cả. Nhưng biện pháp ấy phải đồng bộ và phải đảm bảo tính hệ thống. Ví dụ đường sá và hạ tầng giao thông nói chung phải tốt, phải hiện đại, phải chất lượng. Chứ đường như đường chuột chạy mà dân cư như nêm thì khó mà tránh được sự hỗn loạn về giao thông. Hay công tác đào tạo lái xe cũng thế, phải xem khâu này đã làm tốt chưa, việc cấp bằng có đảm bảo rằng người có bằng đã nắm rõ luật và thành thạo trong việc lái xe hay chưa. Chỉ cần gõ lên facebook từ khóa “thi hộ bằng lái xe” thì ôi thôi, tràn ngập các trang rao bán, thi hộ, học hộ, “bao hồ sơ”… Tại sao các “cơ quan chức năng” lại thả nổi cho một “thi trường” phi pháp như thế ngang nhiên tồn tại ngay trước mũi mình?

Một rong những trang công khai quảng cáo dịch vụ “làm bằng lái xe”, “thi hộ”… rất phổ biến phổ VIệt Nam. (FB)

Ngoài phạt hành chính, đào tạo lái xe, quản lý vấn đề bằng giả…, thì gốc rễ vẫn phải là giáo dục và văn hóa. Giao thông hay bất cứ lĩnh vực nào của đời sống cũng thế, không thể tách rời các nền tảng này. Một xã hội công bằng, con người lương thiện, giàu lòng nhân ái thì ý thức giao thông mới được bền vững, hành vi đi đường mới có thể đẹp. Ngay sáng qua thôi, tôi có việc vào thị xã, lúc đang đứng chờ đèn đỏ thì vẫn thấy nhiều người điềm nhiên vượt. Rõ ràng xử phạt thật nặng là không đủ nếu những người đó biết chắc rằng không có camera và cảnh sát.

5. Cũng liên quan tới mục 4, việc cho người dân báo cáo vi phạm giao thông của nhau để lĩnh thưởng (mà nhiều người gọi là “đấu tố”) là hết sức phải thận trọng, vì nó sẽ dẫn tới những hệ lụy rất lớn về nhân cách và văn hóa, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức xã hội. Người dân thấy có ai đó cố tình vi phạm giao thông và đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác thì nên báo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, đó là trách nhiệm, nhưng dứt khoát không nên “treo thưởng”. Ngoài tính pháp lý bất ổn của quy định “chia quả thực” này thì hệ lụy xã hội là khôn lường: mâu thuẫn, xung đột, bạo lực, phá vỡ quan hệ lành mạnh giữa người với người…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: