Có hay không cái khối đá trong hình?

Khối đá mà hai người dân An Giang nói với nhau là giống sư Minh Tuệ (Video Screenshot)

LTS: Chuyện nghe khó tin nhưng có thật ở trong nước. Mới đây 2 người dân bị công an phạt tổng cộng 10 triệu đồng vì đăng trên mạng, nói có tảng đá ở núi ông Két, thị xã Tịnh Biên, có hình người giống “hiện thân ông Thích Minh Tuệ.” Có vậy mà ngay chiều 4 Tháng Bảy, Công An tỉnh An Giang phối hợp thanh tra Sở Thông Tin và Truyền Thông đến tận nhà buộc hai người đàn ông 40 và 32 tuổi đến làm việc, phạt và quy tội đã đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật trên không gian mạng. Nhà văn Thái Hạo có bài viết nói về chuyện này.

Thấy thông tin về vụ xử phạt kỳ lạ này, tôi phải tìm kiếm và đọc hàng loạt báo. Tuy nhiên không một tờ nào nói rõ việc có hay không cái khối đá mà các YouTuber này đã quay trong thước phim của họ.

Họ đã quay lại một tảng đá có thật hay đã cắt ghép/ dàn dựng ra? Điều này là cực kỳ hệ trọng, vì nếu họ chỉ quay lại cái khối đá có thật (chứ không dùng công nghệ để chế ra cái khối đá ấy) và nói rằng nó giống A, B, C gì đó, thì việc phạt là thiếu cơ sở.

Người dân có quyền liên tưởng, tưởng tượng hay không khi nhìn thấy những hình ảnh trong cuộc sống của họ?

Hai người này đã bị xử phạt 10 triệu đồng và buộc gỡ video. Tôi đành phải tìm xem nó có còn được lưu ở đâu đó trên không gian mạng hay không, thì gặp rất nhiều thước phim ghi hình ảnh của một khối đá, kèm theo lời thuyết minh rằng giống hình ảnh Thích Minh Tuệ. Nhưng không chắc đó có phải thước phim gốc của hai YouTuber kia hay không.

Quay trở lại với vấn đề mấu chốt, là có hay không một cái tảng đá đang tồn tại thật trên một ngọn núi ở An Giang và được ghi lại (như hình). Nếu có cái tảng đá đó, thì mỗi người dân có quyền liên tưởng, tưởng tượng, so sánh…, và đây không thể gọi là “suy diễn, bịa đặt” rồi căn cứ vào đó để xử phạt được. Vì sao?

Nếu cứ phạt kiểu này thì có nên xử phạt luôn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi ông viết: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái/ Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương/ Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm/ Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên./ Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh/ Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm/ Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”?

Đoạn thơ trên trích trong Trường ca mặt đường khát vọng, một tác phẩm đã được đưa vô sách giáo khoa hơn 30 năm rồi, và học sinh lớp 12 năm nay cũng vừa thi xong.

Rồi những chuyện thần thoại, những truyện cổ tích, v.v… với các hình ảnh tưởng tượng, ví von, liên tưởng, những lý giải về nguồn gốc các loài cây, loài con, các hiện tượng thiên nhiên, các vùng đất… cũng sẽ bị xử phạt? Nhưng, ông Nguyễn Khoa Điềm còn sống thì còn tìm mà phạt được, chứ truyện dân gian thì biết phạt ai đây? Chắc chỉ còn cách xử phạt những người kể chuyện, xử phạt các nhà sưu tầm, các nhà xuất bản… vì đã in các loại truyện này?

Và không chỉ Việt Nam, ở đâu trên thế giới này cái sự tưởng tượng và “bịa đặt” như thế cũng tràn ngập. Chúng còn đi vào các sáng tác nghệ thuật trong đầy rẫy những câu chuyện, chúng làm thành một trầm tích văn hóa sâu dày cho các dân tộc ấy.

Kayla Ng

Xử phạt người dân vì họ liên tưởng một tảng đá với hình ảnh của ai đó, vậy người dân giờ mất luôn cả cái quyền so sánh, ví von, tưởng tượng, hình dung rồi sao?

Mọi sáng tạo nghệ thuật và thế giới tinh thần của con người nói chung sẽ còn lại gì nếu ngay cả cái quyền tưởng tượng, so sánh, liên tưởng kia cũng bị xử phạt?

Tôi mong rằng báo chí sẽ sớm thông tin chính xác chi tiết mấu chốt kia (có cái tảng đá đó hay không), mong các vị luật sư sẽ tham gia bàn luận vụ xử phạt này dưới góc độ pháp lý để làm sáng tỏ vấn đề. Và tôi sẽ phản đối cái án phạt này nếu hai YouTuber kia không bịa ra tảng đá ấy, mà chỉ quay lại một hình ảnh có thật trong thực tế.

Con người có quyền tưởng tượng, có quyền thấy nó giống ai đó, và không thể bị xử phạt vì điều đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: