Điều nên tránh trong những ngày tang chế

(Facebook)

Tháng trước, Dũng, một người bạn trẻ, đến thăm nhà. Mấy mươi năm mới gặp lại nhau. Chàng thanh niên năng nổ ngày đó nay tóc đã ngả màu và ông anh thì dĩ nhiên tóc đã trắng phau.

Vừa bước vào nhà, sau những câu chào hỏi thường lệ, Dũng chợt hỏi “Linda khỏe không, chắc lớn lắm rồi?”  Linda tên của cơn bão lớn ở miền Trung Việt Nam hơn hai chục năm trước.

Khi nghe tin bão Linda, các bạn và tôi đứng ra tổ chức cứu trợ dưới hình thức một bữa cơm tại nhà hàng Chow Chow City. Chúng tôi không dùng tiền từ vé để lo cho chi phí tổ chức nên phải đi vận động nhiều nơi. Các Cha và các cộng đoàn Cộng Đoàn Công Giáo yểm trợ phần ca sĩ với Khánh Ly, Khánh Hà, Vũ Anh v.v… Các chùa giúp bán vé, tiếp tân, trang trí.

Giờ khai mạc, để làm nhẹ không khí trong đó ai cũng nặng lòng nghĩ tới quê hương, Dũng, MC của chương trình, thông báo giữa những tin buồn từ Việt Nam có một tin vui trên nước Mỹ vì hôm nay là ngày bé Linda ra đời nên Dũng đặt tên bé là Linda để nhớ. Ai cũng thắc mắc. Thật ra Linda là tên Dũng tự đặt cho cô con gái út của chúng tôi mới chào đời hôm đó. Dù sao khi làm giấy tờ vợ tôi ngại dùng tên một cơn bão đặt cho con gái út nên thay bằng tên khác.

Trời mùa đông rét lạnh nhưng nhà hàng chật kín. Chương trình quá sức thành công. Nhìn cảnh nhiều cụ già được con cháu dìu đi trong lớp tuyết dày trơn trợt, thật cảm động. Tôi viết một bài thơ để cám ơn đồng hương.

CÁM ƠN NHỮNG TẤM LÒNG

Vẫn còn đó, một mùa Xuân em ạ,
Dù sáng nay Đông đến giữa quê người,
Đưa nhau về lòng ấm một niềm vui
Trời rét lạnh, cơn mưa mùa đang tới.
Cụ già tay run tặng tờ bạc mới.
Em nữ sinh nhịn ăn sáng, nhịn mua quà
Chị bán hàng dành dụm gởi đi xa
Gởi tình nghĩa về bên kia đất nước.
Quê anh đó, những căn nhà không nóc
Huế buồn hiu, xơ xác túp lều tranh
Chiều Hội An, khổ cực đám dân lành
Đêm Quảng Trị, mưa nhiều hay nước mắt.
Trôi về đâu những thây người lạnh ngắt
Chảy về đâu xa lắm hỡi dòng sông
Cho anh hôn xác mẹ nổi bềnh bồng
Để nhớ lại ngày nào anh ra biển.
Để anh nhớ ngày đi không ai tiễn
Lặng lẽ chào đất nước bỏ rơi anh
Nhưng anh bỏ rơi đất nước không đành
Những thao thức theo anh từ tuổi dại.
Em nghe không mùa Xuân đang trở lại
Trong hồn xanh hy vọng mỉm môi cười
Đưa nhau về lòng ấm một niềm vui
Dù chân bước trên quê người rét lạnh.

Nhưng bão Yagi thì khác. Ngoại trừ qua các tôn giáo, không ai trong cộng đồng nhắc chuyện tổ chức cứu trợ như những lần trước. Các cộng đồng Việt Nam khác cũng im lìm. Lý do, cũng vì lá cờ đỏ tai hại đã làm người Việt mỗi ngày thêm xa cách.

Ngoài các chiến dịch đấu tố ca sĩ, sơn cờ đỏ trên mái nhà, hôm qua còn thêm màn “gói bánh chưng dưới cờ tổ quốc.”

Để làm gì? Chuyện nấu bánh chưng, bánh tét có liên quan gì đến “lá cờ đỏ” ? Không có liên quan gì cả, chẳng qua bộ máy tuyên truyền của đảng chỉ tìm mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội, mọi tình huống để nhuộm đỏ thêm nhận thức người dân.

Đừng quên, khái niệm “cờ tổ quốc” là sản phẩm của đảng và chỉ tồn tại khi nào đảng cộng sản còn tồn tại. “Cờ tổ quốc” của đảng sẽ bị hạ xuống khi chế độ cộng sản chấm dứt tại Việt Nam. Đó là điều đúng trong cả lý luận lẫn thực tế. Người viết trình bày phần lý luận nhiều rồi, chỉ nhắc một thực tế tại nước cộng sản từng mạnh nhất.

Ngày 6 tháng 11, 1991 tại Nga là một ngày lịch sử, bởi vì đó là ngày cáo chung của đảng cộng sản Liên Xô tại Nga. Bằng sắc lệnh 169, Boris Yeltsin nghiêm cấm đảng cộng sản Liên Xô hoạt động trên toàn lãnh thổ Nga. Sau 7 giờ tối ngày 25 tháng 12, 1991, khi Mikhail Gorbachev vừa từ chức Chủ tịch Liên Xô, lá cờ “tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” đã bị hạ xuống và thay bằng cờ của Cộng Hòa Nga ba màu trắng, xanh, đỏ có từ thời Peter Đại Đế 1693. “Cờ tổ quốc” không chỉ bị hạ tại Nga mà cả tại Liên Hiệp Quốc, tòa đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ và tất cả các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới.

Ngoài “cờ tổ quốc” Liên Bang Xô Viết, Nga còn có một lá cờ “tổ quốc” khác được dùng trong lãnh thổ Nga thời cộng sản gọi là cờ nước “Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nga”. “Cờ tổ quốc Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nga” bị hạ còn sớm hơn nữa. Ngày 22 tháng 8, 1991 “cờ tổ quốc Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nga” đã bị thay thế bằng cờ ba màu trắng, xanh, đỏ.

Với thực tế hiển nhiên đó không lạ gì khi đảng cộng sản Việt Nam xoay sở mọi cách để đầu độc người dân.

Hôm nay, hàng trăm đồng bào đã chết, hàng ngàn người dân sắp phải chết nếu không cứu kịp, hàng trăm ngàn ngôi nhà đang bị ngập lụt. Nhiều nơi tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái v.v… vẫn còn chưa được đến được.

Lẽ ra đây là lúc đảng phải đặt qua bên những vấn đề còn đang tranh luận, vượt qua những chướng ngại chính trị làm chia cách con người Việt Nam để tập trung lo cứu giúp đồng bào. Dòng máu Việt luân lưu trên khắp ba miền suốt mấy ngàn năm. Một người Việt đang định cư ở San Jose, ở Paris, ở Sydney có thể chưa bao giờ đặt chân đến Phú Thọ, vẫn cảm thấy chung một niềm đau khi nghe tin cầu sập với nhiều người mất tích.  Những bé thơ ngồi trên nóc nhà đang chờ từng chai nước ngọt, từng nắm cơm, từng gói mì chứ không chờ thấy “cờ tổ quốc”.

Lẽ ra đây là lúc xiển dương tinh thần “lá lành đùm lá rách”, học lại những câu ca dao thấm đẫm tình dân tộc “như nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đằng này, các lãnh đạo đảng quá sợ “diễn biến hòa bình”, quá lo cho nồi cơm riêng của mình mà quên đi hoàn cảnh thương tâm của hàng trăm bé thơ, hàng ngàn cụ già đang quá cần những bàn tay ấm tình người.

Đầu độc nhận thức là chính sách đảng phải làm để duy trì quyền cai trị nhưng cũng nên tránh những ngày tang chế, và đừng trục lợi dù vật chất hay tinh thần trên sự đau khổ, chịu đựng của đồng bào.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: