LTS: các mức phạt giao thông mới của nhà nước CSVN vừa ban hành, theo luật 168, hiện dân đang kêu trời vì không tin nổi. Mọi thứ so với thu nhập đầu người ở các nước Đông Nam Á, cho thấy tiền phạt đáng sợ hơn bao giờ hết với người dân vốn phải chịu đựng hạ tầng cơ sở giao thông tồi tệ bao nhiêu năm nay. Trong những lời bình luận, hầu như ai cũng thấy chuyện bộ công an đang tận thu để nuôi bộ máy của mình từ mồ hôi, nước mắt người dân.
Chắc nhiều người thấy mức phạt giao thông quá nặng kể từ ngày 01 Tháng Một 2025! Không ít mức phạt cao từ trên 100 % tới vài trăm phần trăm so với lương tháng danh nghĩa của bác sĩ mới ra trường là năm triệu đồng! Thậm chí tới năm trăm phần trăm hay hơn nữa chứ!
Có người nói mức phạt nặng quá, nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thấp thì phải phạt nặng mới sửa được! Chẳng thà nặng còn hơn để một tai nạn xảy ra thì thiệt hại cho xã hội gấp ngàn lần.
Lập luận này có cơ sở, chỉ xin có thêm vài câu hỏi và suy nghĩ lan man về những góc nhỏ của phận người trong sự vận hành xã hội chúng ta.
Tôi tin rằng nếu chia người lái xe theo thu nhập hàng tháng, phân khúc lớn nhất là phân khúc thu nhập thấp, trong khoảng dưới 15 triệu. Một cú phạt hai mươi triệu, ba mươi triệu, thậm chí cao hơn nữa, là quá quá lớn! Với những người này, tiền phạt một hai triệu cũng quá đủ răn đe họ rồi. Vấn đề nằm ở cách phạt mà chúng ta sẽ đề cập sau.
Mức phạt quá quá nặng như vậy khiến tài xế không yên tâm khi lái xe. Không người lái xe nào, dù cẩn thận tới đâu, không mắc lỗi nhỏ nhặt, giờ họ phải căng mắt nhìn cảnh sát giao thông, nhìn camera, nhìn biển báo (mà chưa chắc dấu hiệu vẽ, viết rõ ràng và đặt chỗ thích hợp nhất cho tài xế thấy chuẩn bị), trạng thái lo sợ và căng thẳng đó có sẽ góp phần gây tai nạn giao thông nhiều hơn?
Trước khi áp dụng mức phạt nặng, đã có chương trình hữu hiệu và rốt ráo nâng cao đạo đức và tinh thần trách nhiệm cho cảnh sát giao thông thích hợp với hoàn cảnh mới? Có chắc rằng cảnh sát giao thông của chúng ta thấm nhuần tinh thần phạt để giáo dục, hướng dẫn người dân tuân thủ luật giao thông chứ không chỉ là thu tiền người phạm luật?
Theo báo chí đăng, trong ngày đầu tiên, 13.600 trường hợp vi phạm bị xử lý, số tiền phạt ước tính 27 tỉ 978 triệu. Theo kinh nghiệm sống, người ta sẽ đặt câu hỏi, “Con số đó là bao nhiêu phần trăm số trường hợp thực bị thổi còi?”. Đó là điều người viết bài này được nghe nhiều nhất quanh bàn cà-phê sáng những ngày đầu năm dương lịch 2025, khi mức phạt mới được áp dụng vài ngày. Nếu chịu “vi hành”, các bậc chức trách cao cấp sẽ nghe, thấy bao điều không khác bài viết này nêu lên.
Nói về mặt xã hội thì nhà chức trách có trách nhiệm về tình trạng dân trí thấp. Hàng chục năm nay, các vi phạm luật giao thông như chạy ngược chiều, xe thô sơ chở thanh sắt dài sáu mét, tám mét nghinh ngang giữa phố phường góp phần nâng cao hay đẩy tinh thần tuân thủ luật giao thông xuống thấp? Hàng chục năm nay, cách xử lý các trường hợp phạm luật giao thông góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông trong dân chúng hay khiến điều ngược lại?
Nếu năm ấy đoàn xe của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi vào đường cấm Hội An bị phạt đúng luật thì tinh thần chấp hành luật giao thông có được nâng lên không? Hàng chục năm nay, các hệ thống văn hóa, giáo dục đã làm gì để nâng cao dân trí nói chung và dân trí trong việc chấp hành luật giao thông nói riêng? Tình trạng ý thức chấp hành luật giao thông thấp của dân chúng có phải chỉ là trách nhiệm của người dân không? Nhìn tình trạng dân trí thấp ấy, ta nên thương hay nên phạt nặng người dân? Nếu lôi người dân ra phạt nặng như vậy thì có công bằng không khi xét về tinh thần trách nhiệm xã hội?
Giao thông chỉ là một lãnh vực của đời sống xã hội. Bên ngoài lãnh vực giao thông, trước mắt người dân, bao trường hợp tham nhũng ngàn hay chục ngàn tỉ được xử rất nhẹ hay không truy cứu trách nhiệm, bao nhiêu biệt phủ ngang nhiên mọc lên mà ai cũng đoán được xây bằng loại tiền gì!
Nhân thân tốt, con cháu gia đình có công, là những tấm chắn ít nhiều hiệu quả để một số người phạm tội tránh bị phạt. Người có công trong cuộc chiến giành độc lập năm xưa, nếu biết sinh mạng, lý tưởng của mình được dùng vào trường hợp như vậy, họ nghĩ sao? Và người hiện nay nghĩ sao khi thấy sự phân biệt đối xử?
Nhớ mang máng ngày xưa ông Hồ Chí Minh nói, đại ý: “không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng”, bài viết xin nêu một số suy nghĩ mong sao mọi việc trong xã hội được vạch ra và tiến hành một cách công bình, hài hòa với nhau. Không thể không xử phạt, nhưng đừng để người thấp cổ, bé miệng, không tiền chịu thiệt thòi hơn nữa!
Xét cho cùng, luật pháp để cuộc sống an bình, người dân no ấm, xã hội văn minh và phát triển!