Hồ sơ kẻ mượn áo Phật: Những viên đá rướm máu còn đó

Hồ sơ về chân dung của kẻ mượn áo Phật để hại người (Kỳ 1)
Thời Sự
Thời Sự
Kẻ mượn áo Phật: Những viên đá rướm máu
Loading
/

Vào ngày 7 Tháng Ba 2022, Công an tỉnh Long An cho biết, về việc chuẩn bị cho khởi tố bốn người là cụ Lê Tùng Vân (SN 1932 – đang được tại ngoại) còn ba người còn lại là Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Trùng Dương thì bị tạm giam.

Câu chuyện những người ở Tịnh Thất Bồng Lai, nay có tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) sau những thị phi hỗn loạn, đang ngày càng lộ dần một âm mưu của các giới chức Giáo hội Phật giáo Quốc Doanh và Công an CSVN trong việc triệt tiêu tất cả những hoạt động tôn giáo tự do, không theo chỉ đạo của Nhà nước. Thật đáng buồn, đằng sau những âm mưu đen tối đó, có cả những kẻ của Giáo hội Phật giáo quốc doanh mượn áo Phật để hãm hại người khác.

Theo yêu cầu của nhiều độc giả quan tâm về những điều chưa được giải thích rõ ở Việt Nam, SGN xin phép được tập hợp loạt bài mở rộng về câu chuyện Tịnh Thất Bồng Lai, và về những người liên quan, trong đó có ông Thích Nhật Từ, nhân vật đang đứng giữa nhiều đồn đoán này, như phác thảo về một hiện trạng Việt Nam cần biết. Bài viết dưới đây của tác giả Minh Khôi NQ, một nhà quan sát tình hình tự do tôn giáo và sự thao túng của các chức sắc tôn giáo tay sai ở trong nước, gửi đến cho SGN.

Trước khi bị khởi tố “vì lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo…”, những người ở Tịnh Thất Bồng Lai (TTBL – tên gọi cũ của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ), đã phải gánh chịu sự vu oan giá họa, ròng rã tận 5 năm. Từ chuyện cụ Vân “loạn luân” với nhiều người ở TTBL và sinh ra những đứa trẻ, đến chuyện nuôi trẻ mồ côi, với mục đích trục lợi từ thiện, thậm chí giết người chôn dưới hầm cá tra…

Những việc này, nhan nhản xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc gia nhà nước CSVN, tràn ngập những tờ báo mạng, ở mạng xã hội Facebook, YouTube từ những tài khoản có lượng người follow cực lớn. Và vợ chồng doanh nhân Dũng “lò vôi” còn tiến hành vừa vu khống, vừa đấu tố, còn kéo theo hàng trăm người từ Bình Dương, xuống tận Long An, chỉ để khủng bố TTBL, dưới sự cho phép và bảo kê bởi lực lượng CA của tỉnh này.

Có thể nói, cả một hệ thống truyền thông vào cuộc, chỉ để hãm hại một ông cụ gần đất xa trời, và những đứa trẻ mồ côi. Mà nguồn cơn của sự hãm hại này, đến lúc này ai cũng thấy rõ, là từ Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (Nguyễn Chí Thanh, Q.10, Sài Gòn).

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2017, Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên dự thi chương trình “Tuyệt Đỉnh Song Ca” do Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức. Cả hai trong trang phục áo dài nâu kiểu người tu và đầu trọc, thêm vào đó, BTC cuộc thi, lại giới thiệu thí sinh dự thi này là hai vị sư đến từ “chùa Bồng Lai”. Cả hai hát hay nên vào được vòng thứ ba, càng gây ra tiếng vang lớn. Hơn nữa, trước đó, vào năm 2014, cô gái Huyền Trân – một trẻ mồ côi cũng được TTBL nuôi dưỡng – đã đoạt giải Á quân “The Voice”, trong trang phục áo nâu, đội mũ ni, càng khiến dư luận quan tâm.

Nhưng, Phật Giáo Việt Nam tỉnh Long An đã phản ứng, cho rằng tu sỹ Phật giáo mà dự thi ca hát là phạm giới. Hơn nữa, người đứng đầu, đại diện Phật giáo tỉnh này, cho biết TTBL không phải là chùa đã đăng ký với Giáo hội. Như vậy là tu trái phép, là giả sư nhằm trục lợi. Ngày 7 Tháng Chín 2017, BTC cuộc thi đã gởi công văn đến các cơ quan truyền thông, và những nơi liên quan, với nội dung xin lỗi khi giới thiệu sai, đính chính Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên cả hai đều không phải là tu sĩ Phật giáo đi thi.

Tuy nhiên, cả hai đã tự rút lui khỏi cuộc thi, với lý do về sức khỏe. Thời điểm này, cô gái Huyền Trân được ca sĩ Quang Lê nhận làm con nuôi, để lo cho chuyện ăn học, và đào tạo thành ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng Huyền Trân cũng từ chối. Trên thực tế, cụ Lê Tùng Vân, gốc là theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, trước năm 1975, cụ còn là Tỉnh hội trưởng. Khi về Long An sinh sống, cụ cạo đầu, để râu dài, những đứa trẻ mà cụ nuôi dạy, gọi cụ với tên riêng là Thầy Ông Nội. Tất cả chúng đều được ông cạo đầu cho và mặc áo màu nâu. Trong ngôi nhà mà cụ đặt tên là TTBL, có thờ tượng Phật, có mõ, có sách kinh Phật. Chính vì điều này, khiến cụ bị một số chức sắc Phật giáo tỉnh Long An, đã ngộ nhận, cho là “giả tu” lừa đảo.

Chính vì lí đó, một chức sắc cấp cao hơn, là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chủ biên tờ báo mạng Đạo Phật Ngày Nay, Giảng sư Học viện PGVN, Tiến sĩ Phật học, Thượng tọa Thích Nhật Từ, đã chủ động nói rõ về vấn đề ngộ nhận không nên có này. Vào ngày 27 Tháng Chín 2017, trên hai kênh truyền thông Fanpage Đạo Phật Ngày Nay và YouTube Chùa Giác Ngộ, đích thân ông Nhật Từ trực tiếp nói chuyện, với hàng chục ngàn người nghe, ông nhận định về Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên, như sau:

“Thực tế thì Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên, không phải là người giả mạo tăng sĩ, để lừa đảo bất kỳ ai, như một số báo chí đã cáo buộc.”

Còn về Bồng Lai Viên (TTBL), về người đứng đầu ở đó là cụ Lê Tùng Vân, và những người khác sinh sống ở đó, ông Thích Nhật Từ nhận định:

“[…] Hơn nữa, khu Bồng Lai Viên chỉ là một tịnh thất, không có bảng hiệu chùa, nên không có đăng kí tự viện với Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An. Từ năm 2015 trở về trước, cụ Thích Tâm Đức nay đã 86 tuổi, từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, xây dựng khu Bồng Lai Viên, là vị cha tinh thần nuôi nấng hai vị này (Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên), cùng như là 24 thành viên khác, nhỏ nhất là 3 tuổi cho đến 30 tuổi, đều cạo đầu, mặc áo nâu sòng. Những cụ già thì được miễn và để tóc như là các Phật tử thông thường. Thật ra, cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai. Tại khu Bồng Lai Viên cụ đã cho phép tất cả các cháu mồ côi tại đây cạo đầu mặc áo nâu sòng […]”

Ông còn nói rằng những cáo buộc của Giáo hội PGVN tỉnh Long An, đối với TTBL là “vội vã”:

“Họ là những người cư sĩ tại gia, sống trong tịnh thất, được thầy của họ là người xuất gia cạo đầu, cho mặc áo nâu sòng từ nhỏ. Cho đến ngày hôm nay (tức ngày 27 Tháng Chín 2017), tôi có phần ngạc nhiên, đó là Giáo hội PGVN huyện Đức Hoà nói riêng và tỉnh Long An nói chung, chưa cử đại diện của Giáo hội đến Bồng Lai Viên nhằm trao đổi chánh thức để nắm rõ thực hư của vấn đề. Do vậy, ở chừng mực tương đối, tôi cho rằng phát biểu của Giáo hội PGVN tỉnh Long An là hơi vội vã vì vấn đề chưa được xác minh.”

Vì sao Thượng tọa Thích Nhật Từ, lại hiểu rõ về TTBL và những người sinh sống ở đây, mà trực tiếp phát sóng đính chính như vậy? Bởi trước đó, trong chương trình Hội thảo quốc tế SSEASR lần thứ 7, với chủ đề: “Vùng Asean và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và tôn giáo ở Đông Nam Á”, được khai mạc sáng ngày 9 Tháng Bảy 2017 tại Pháp viện Minh Đăng Quang – Quận 2, Sài Gòn. Hội thảo do HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, làm Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo, còn ông Thích Nhật Từ là Trưởng Ban Văn Hóa.

Khách mời có GS. Amarjiva Lochan, Chủ tịch Hiệp hội SSEASR và ông giáo sư Tim Jensen, Chủ tịch Uỷ ban Điều hành Thế giới của Hiệp hội Lịch sử Tôn giáo Quốc tế (IAHR). Đêm cùng ngày, Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tổ chức buổi ca nhạc, nhằm giới thiệu nét đẹp về văn hóa cũng như nét độc đáo về Phật giáo Việt Nam với các học giả quốc tế và bạn bè thế giới. Chương trình thực hiện như một nét chấm phá về bức tranh Dân tộc và tôn giáo Việt Nam.

Đích thân ông Thích Nhật Từ, đã mời cụ Lê Tùng Vân, và nhiều người ở TTBL, đến tham dự “Đêm nhạc Đạo Phật và dân tộc Việt Nam” này, với tư cách khách mời danh dự. Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên và Huyền Trân với tư cách là ca sỹ Phật tử, trang phục biểu diển là áo màu nâu. Kết thúc đêm ca nhạc, nhiều quan chức GHPGVN chụp hình lưu niệm với các thành viên ở TTBL. Đích thân ông Nhật Từ đã trao tặng bằng khen “Công Đức”, cho cụ Lê Tùng Vân, như là sự tri ân. Tất cả thông tin, và hình ảnh đêm ca nhạc, được đăng tải trên trang Đạo Phật Ngày Nay, mà Thích Nhật Từ chủ biên.

Vốn dĩ, ông Thích Nhật Từ vẫn thường mời gọi những người nổi tiếng, người của công chúng hay có tầm ảnh hưởng, quy tụ về dưới trướng của ông ta, với mục đích đôi bên cùng lợi. Tất nhiên, những người ở TTBL cũng vậy, đặc biệt đến năm 2018, các bé Pháp Tâm, Trí Tâm, Nghi Tâm, Ngọc Tâm và Minh Tâm được cụ Vân nuôi dưỡng, đạt giải cao khi tham dự cuộc thi “Thách Thức Danh Hài”. Mời gọi về với mình, nhưng Thích Nhật Từ chỉ nhận được cái lắc đầu từ dù Thích Nhật Từ hứa hẹn sẽ nâng đỡ cho.

Những người ở TTBL quay trở về với cuộc sống thường nhật của họ, ăn chay niệm Phật, bên cạnh việc làm những chương trình đăng tải lên YouTube, kiếm tiền trang trải. Cũng không một ai, hay một quan chức GHPGVN còn nhắc đến họ là những “kẻ giả tu” nữa.

Cho đến ngày kia, một đám côn đồ, hơn 50 người, phá cửa xông vào tìm con gái, vì họ khăng khăng cụ Lê Tùng Vân đã giấu con gái họ trong TTBL. Họ đã đánh người gây thương tích đến 11%, và nhiều đồ đạc trong tịnh thất, bị đập phá. Báo chí vào cuộc, và thật bất ngờ, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng vào cuộc. Nhưng khác với hai năm trước đó, Nhật Từ đã bảo vệ họ, còn lần này, là sự tráo trở, lật lọng, khi kết tội TTBL là “giả tu”, mở đầu cho những đấu tố, vu oan giá họa về sau.

Thích Nhật Từ đã trả lời báo chí rằng: “Những việc làm của họ (TTBL) đã gây thương tổn cho Đạo Phật. Họ tự xưng là chùa, là thầy, là sư cô, là chú tiểu, mặc pháp phục. Điều này trái với luật đạo”. Ông nói, những sai phạm về vấn đề “sư giả”, trục lợi từ thiện, nếu chính quyền không giải quyết dứt điểm, triệt để sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng về sau. Rồi trong buổi nói chuyện với các Phật tử vào năm 2019, ông cho rằng cụ Lê Tùng Vân cùng các đồ đệ của cụ, đã nợ Phật giáo Việt Nam và nợ ông ta một lời xin lỗi. Bởi, họ không phải là tu sĩ Phật giáo, mà “giả sư”. Họ lợi dụng vào sự kém hiểu biết của cộng đồng mạng, sự yêu mến của mọi người dành cho “5 chú tiểu” tại chương trình “Thách thức danh hài” để trục lợi.

Mặt khác, những clip ông ta phát biểu về TTBL vào năm 2017, lập tức được gỡ bỏ, kể cả những bài báo trên trang Đạo Phật Ngày Nay. Thay vào đó, là hàng loạt bài kết án TTBL với những tội danh mà ông ta tự nghĩ ra. Cụ thể, hồi thượng tuần Tháng Mười Một 2021, trước đại chúng, ông khẳng định, ông đã được nhiều người cho ông biết, là đã có kết quả (xét nghiệm ADN), chứng minh được cụ Vân đã loạn luân, và sinh ra những đứa trẻ ở TTBL. Nhưng vì tính nhân đạo dành cho những đứa bé, nên họ không công bố. Những lời lẽ này của ông, đã thay tòa án, kết án một cụ già loạn luân. Tuy nhiên, thực tế, cho đến hôm nay, mọi người đều biết, đó là chuyện Thích Nhật Từ vu khống cho cụ Vân mà thôi.

Có lẽ, những người ở TTBL, cũng không thể nào ngờ, mới ngày nào sự niềm nở mời “đội” của Thích Nhật Từ, bỗng nay trở mặt những lời kết án phi nhân. Càng không thể ngờ, vợ chồng cầm đầu nhóm côn đồ đập phá TTBL, hóa ra cũng là người dưới trướng của ông Thích Nhật Từ, và kể cả vợ chồng đấu tố – doanh nhân “Dũng lò vôi”. Nhưng trơ trẽn hơn nữa, khi lịch sử đã từng ghi dấu rằng Ban Văn Hóa GHPG TP.HCM, mà Thích Nhật Từ là Trưởng Ban, đã từng mời toàn những “kẻ giả sư” ở TTBL, tham dự và ca hát, và trao bằng khen “Công Đức, cho họ trong “Đêm nhạc Đạo Phật và dân tộc Việt Nam”.

Rõ ràng, nếu kết án cụ Vân là “giả sư”, thì chính ông Thích Nhật Từ đã tráo trở, lật lọng, hãm hại TTBL.

(Kỳ 2:  Thích Nhật Từ theo chỉ đạo của Ban Tôn Giáo, đánh phá Pháp Luân Công ra sao?)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: