SGN: Bài viết dưới đây của một người từng đến đối chất trực tiếp với ông Thích Nhật Từ và ngỡ ngàng nhận ra ông ta là người hành động theo chủ trương diệt tôn giáo của Trung Quốc. Dựa vào hệ thống công an bao che, ông Từ còn thách thức những người chất vấn ông đi kiện – và cho là quyền miệt thị một tín ngưỡng khác là quyền của ông.
Trên YouTube xuất hiện một video clip (7 Tháng Ba 2017) mang tiêu đề “Vấn đáp: Phật tử có nên tập Pháp Luân Công”, do Thượng tọa Thích Nhật Từ giảng cho các Phật tử tại chùa Giác Ngộ. Trong nội dung giảng, Thượng tọa Thích Nhật Từ có nhắc đến việc có ba nhóm người học Pháp Luân Công đến gặp ông và theo lời ông thì họ đã “gây sự” với ông. Thông qua đó ông còn nói rằng Pháp Luân Công là “cực đoan” hơn cả tôn giáo và những người thực hành Pháp Luân Công là “hung hãn” như “một ổ kiến lửa”.
Tôi không rõ nhóm người mà ông nói đến là ai. Tuy nhiên, vào khoảng hơn một năm trước, thời điểm cuối Tháng Mười Một 2015, tôi có xem được một đoạn video clip trên YouTube với tiêu đề: “Vấn đáp: Về Pháp Luân Công – Thích Nhật Từ” của Thượng tọa Thích Nhật Từ giảng cho các Phật tử nghe, trong clip có phần vấn đáp liên quan đến Pháp Luân Công. Trong câu trả lời của mình, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đưa ra những thông tin vô căn cứ, sai sự thật về môn khí công Pháp Luân Công. Bắt đầu từ câu chuyện này, tôi và một số người bạn đã ghé qua chùa Giác Ngộ gặp ông Thượng tọa nhằm trao đổi thêm về phần vấn đáp của ông và có ý đề nghị ông cải chính lại những thông tin sai sự thật này.
Vào thời điểm đó, tôi tự hỏi rằng phải chăng Thượng tọa Thích Nhật Từ là một người tu hành, chắc không có thì giờ để tiếp cận các kênh thông tin nên mới có sự nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy. Do đó, vào ngày 3 Tháng Mười Hai 2015, tôi cùng với các bạn của mình hẹn gặp Thượng tọa Thích Nhật Từ để cùng nhau trao đổi về sự việc trên. Sau khi Thượng tọa Thích Nhật Từ chấp nhận cuộc hẹn qua điện thoại, chúng tôi đã đến chùa Giác Ngộ ở TPHCM và mang theo các tài liệu cần thiết cho thấy nội dung mà Thượng tọa Thích Nhật Từ nói về Pháp Luân Công là sai sự thật, trên tinh thần thiện ý muốn ông ấy xem và gỡ video clip sai sự thật này, đồng thời đính chính lại thông tin mà ông giảng về Pháp Luân Công, nhằm tránh khỏi sự hiểu lầm đáng tiếc trong công chúng, nhất là cộng đồng Phật tử.
Tại đây chúng tôi dẫn ra một số nội dung mà ông đã diễn giảng sai với các Phật tử như nhà sáng lập Pháp Luân Công là lãnh đạo phong trào Thiên An Môn, hay Pháp Luân Công làm chính trị và bị nhiều nước cấm là hoàn toàn sai sự thật. Đồng thời chúng tôi cho biết việc ông nói rằng Nghị quyết của Đại hội Phật giáo thế giới kêu gọi tăng ni, Phật tử không được phép học theo Pháp Luân Công là xuyên tạc Nghị quyết này, bởi vì nội dung mà ông nói hoàn toàn không có trong bất kỳ Nghị quyết nào ở tất cả các Đại hội Phật giáo diễn ra trên thế giới.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày, Thượng tọa Thích Nhật Từ không đả động đến tính đúng sai hay thảo luận về những căn cứ chúng tôi đã đưa ra, mà ông quả quyết cho rằng tất cả điều chúng tôi nói đều chỉ là quan điểm cá nhân. Khi một người bạn của tôi (Ha Nguyen) đưa cho ông xem những bằng chứng về phương pháp tập luyện Pháp Luân Công được phổ biến và được nhiều quốc gia văn minh trên thế giới công nhận lợi ích sức khoẻ và tinh thần như thế nào, với thiện ý nói rõ nhận định của ông là sai sự thật thì ông bảo rằng ông không muốn xem những tài liệu này.
Kế tiếp ông nói rằng những thông tin liên quan đến Pháp Luân Công mà chúng tôi cung cấp chỉ là quan điểm cá nhân của chúng tôi và còn nhấn mạnh ông có quyền phát biểu quan điểm cá nhân của ông về Pháp Luân Công. Chúng tôi nghĩ rằng ai cũng có quyền giữ quan điểm cá nhân của mình và chúng tôi tôn trọng điều đó, tuy nhiên nếu quan điểm cá nhân của ông đưa ra lại dựa trên những điều sai sự thật, giả dối và điều đáng nói là nó được ông – một người tu hành – lan truyền rộng cho nhiều Phật tử, nó ảnh hưởng đến rất nhiều người (tập luyện Pháp Luân Công) thì đó không chỉ dừng lại là quan điểm cá nhân nữa, mà đó là sự công kích niềm tin của người khác, và việc ông diễn giảng sai lệch về niềm tin của chúng tôi sẽ gieo vào nhiều người khác quan điểm, cái nhìn ác ý về môn khí công này và những người có niềm tin vào môn tập này như chúng tôi.
Thấy vậy, tôi bèn nói với Thượng tọa Thích Nhật Từ rằng khi ông muốn phát biểu hay quan điểm cá nhân của ông thì những thông tin ông nói ra đó cũng phải dựa trên những căn cứ có thật, nếu không thì là đó là sự vu khống và công kích niềm tin của người khác. Tôi nhấn mạnh rằng việc ông nói Pháp Luân Công làm chính trị là sai sự thật hoàn toàn, vì Pháp Luân Công chỉ là một bộ môn khí công gồm những bài tập rèn luyện sức khoẻ và các bài giảng về nâng cao đạo đức. Bởi người sáng lập Pháp Luân Công đã dạy chúng tôi và những người học Pháp Luân Công trên toàn thế giới rằng không được tham gia vào các hoạt động đấu tranh chính trị, điều này được ghi rõ trong cuốn sách giảng dạy của Người Sáng lập.
Lúc này ông Thượng tọa Thích Nhật Từ mới nói với chúng tôi rằng ông đã căn cứ vào những thông tin và chứng cứ từ chính quyền Trung Quốc về Pháp Luân Công nên ông chỉ lặp lại những nhận định đó. Thế là một người bạn khác của tôi (Thiên Thảo) nói cho ông biết những bằng chứng từ Trung Quốc mà ông sử dụng là thông tin vu khống, bịa đặt về Pháp Luân Công, những tuyên truyền giả dối của Trung Quốc đã được các hãng thông tấn chủ lưu trên thế giới phơi bày từ cả thập kỷ trước đến tận hiện tại.
Trong suy nghĩ của chúng tôi lúc đó, chúng tôi thắc mắc tại sao Thượng tọa Thích Nhật Từ lại không muốn tìm hiểu về việc các quốc gia văn minh trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, đã đón nhận môn khí công Pháp Luân Công này như thế nào vì lợi ích sức khoẻ và tinh thần mà nó mang lại cho rất nhiều người dân nước họ, mà thay vào đó, Thượng tọa lại cứ nhất định dựa trên những tuyên truyền giả dối của chính quyền Trung Quốc – một chính quyền vốn đã quá nổi tiếng với việc đổi trắng thay đen và với những phát ngôn giả dối trên chính trường thế giới.
Chúng tôi không rõ Thượng tọa Thích Nhật Từ có biết mục đích việc nhà cầm quyền Trung Quốc lan truyền những luận điệu bôi nhọ Pháp Luân Công (như Thượng tọa đã lặp lại và bảo vệ) là để phục vụ cho cuộc đàn áp đẫm máu đối với người tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc không (mà đỉnh điểm là hành động vô nhân đạo của nhà cầm quyền nước này – tiến hành thu hoạch nội tạng sống của những người học Pháp Luân Công – đã bị rất nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Nghị viện Châu Âu trên thế giới lên án thông qua những Nghị quyết trong những năm qua) mà ông lại thản nhiên lặp lại những tuyên truyền giả dối của nhà cầm quyền Trung Quốc và còn phổ biến chúng rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam như vậy?
Thượng tọa Thích Nhất Từ còn củng cố quan điểm của ông bằng dẫn chứng Trung Quốc cấm Pháp Luân Công. Tiếp lời của ông, bạn tôi là Thiên Thảo mới hỏi ông rằng Sư là người Việt Nam, sao Sư lại nói chủ trương của Trung Quốc với người Việt Nam, sao Sư không nghĩ Việt Nam không cấm là được rồi, đây là nước Việt Nam. Đến đây thì ông im lặng.
Và rồi Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết ông tiếp tục khẳng định ông có quyền phát biểu quan điểm của ông về Pháp Luân Công như trước giờ. Thấy vậy, một người bạn khác của tôi là (Nguyễn Hiền) đã nói cho ông rằng việc ông làm là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu xét trên Pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo, vì đã xúc phạm tín ngưỡng của những người học Pháp Luân Công chúng tôi, chúng tôi mong ông sẽ hiểu ra việc lan truyền thông tin sai sự thật về niềm tin của người khác là hành động bất thiện, từ đó mà cải chính thông tin lại.
Tuy nhiên, chúng tôi rất bất ngờ khi ông Thượng tọa Thích Nhật Từ đã nói rằng ông sẽ không cải chính gì cả mà còn chủ động thách thức chúng tôi cứ gửi văn bản cho cơ quan pháp luật để xử lý và đưa vấn đề này ra trước pháp luật. Khi chúng tôi cho biết chắc chắn chúng tôi sẽ phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước (bởi từ trước đến giờ chúng tôi đều dựa trên pháp luật để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mình), thì ông đe dọa ngược lại chúng tôi rằng “Việt Nam không cho phép Pháp Luân Công”, có lẽ ông có ngụ ý rằng luật pháp Việt Nam sẽ không bảo hộ chúng tôi nếu chúng tôi có đưa sự việc ra trước pháp luật.
Hơn một năm kể từ cuộc nói chuyện ngày hôm ấy của chúng tôi với Thượng tọa Thích Nhật Từ, câu chuyện bôi nhọ Pháp Luân Công của Thượng tọa vẫn tiếp diễn trong một video clip tiếp theo ghi lại nội dung diễn giảng của Thượng tọa Thích Nhật Từ về môn khí công Pháp Luân Công được đăng trên YouTube ngày 7 Tháng Ba 2017. Trong clip, ông không chỉ tiếp tục bôi nhọ Pháp Luân Công mà còn nói rằng có những nhóm người học Pháp Luân Công “gây sự”, “hung hãn” với ông.
Tôi không biết nhóm người “gây sự”, “hung hãn” với ông là ai, nhưng xét diễn biến cuộc trò chuyện của tôi và các bạn của tôi hơn một năm về trước thì nó không có sự hung hãn và gây sự nào cả. Chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh, vậy nên việc trao đổi, phản biện một quan điểm sai lệch không thể bị xem là gây sự và hung hãn. Nếu Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng việc người khác phản biện quan điểm của ông là gây sự và hung hãn, vậy việc Thượng tọa xúc phạm niềm tin – tín ngưỡng của người khác trước nhiều người, đối với một nhà tu hành mà nói thì hành động đó được gọi là gì?!
Kể từ ngày tôi và những người bạn của mình trao đổi với Thượng tọa Thích Nhật Từ, và hiện tại là video clip thứ hai có nội dung bôi nhọ Pháp Luân Công của Thượng tọa được đăng trên YouTube, tôi nhận thấy rằng không phải ông thiếu thông tin về Pháp Luân Công mà dẫn đến có những diễn giảng phát biểu nhầm lẫn, không đúng sự thật. Mà ông đã hữu ý diễn giảng sai về Pháp Luân Công cho Phật tử bằng việc lặp lại những tuyên truyền giả dối về Pháp Luân Công được phát ra từ nhà cầm quyền Trung Quốc.
Điều này chẳng khác nào ông phổ biến, rao giảng lại những tuyên truyền giả dối của nhà cầm quyền Trung Quốc – một quốc gia không bao giờ từ bỏ ý định xâm phạm chủ quyền của nước ta và vốn nổi tiếng với những phát ngôn đổi trắng thay đen, biến nạn nhân thành thủ phạm – cho những người tu hành Việt Nam nghe. Điều này chẳng khác nào Thượng tọa đã định hướng những người Phật tử Việt Nam suy nghĩ theo đường lối tuyên truyền giả dối của nhà cầm quyền Trung Quốc, để nhà cầm quyền Trung Quốc định hướng cho người Việt Nam cái tư tưởng, suy nghĩ ác ý về một bộ môn rèn luyện sức khoẻ Pháp Luân Công (vốn không bị cấm tại Việt Nam và việc tập luyện được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia – theo như lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trước báo chí quốc tế về chủ trương của Nhà nước Việt Nam đối với Pháp Luân Công).
Hơn nữa, tôi không biết Thượng tọa có biết những phát ngôn bôi nhọ Pháp Luân Công của Thượng tọa là ủng hộ cuộc đàn áp vô nhân đạo, lên những người tập luyện Pháp Luân Công của nhà cầm quyền Trung Quốc (vốn đã bị rất nhiều nước trên thế giới phản đối vì tính vô nhân đạo và sự giả dối của nó) hay không.
Mỗi người dân Việt Nam đều cần có lòng tự tôn dân tộc và tuân thủ theo đúng pháp luật, pháp luật của Nhà nước Việt Nam không cấm Pháp Luân Công và theo đúng tinh thần của pháp luật thì ai cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo – tín ngưỡng của người khác, như vậy việc môn khí công Pháp Luân Công được phổ biến ở Việt Nam chẳng có gì là sai trái, và ngay cả các kỳ Đại hội Phật Giáo trên thế giới cũng chưa bao giờ có phát biểu bôi nhọ Pháp Luân Công và ngăn cản người khác tập luyện Pháp Luân Công, bởi đơn giản mỗi người trên thế giới này, đặc biệt là người tu hành thật sự đều hiểu rằng cần phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Ai cũng có quyền tin, theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo hay phạm trù nào đó, và cần phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo của người khác.
Cho dù là người tu hành hay là người bình thường có địa vị gì trong xã hội thì tất cả đều là công dân Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ và những người tập Pháp Luân Công chúng tôi cũng như vậy, cũng cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam (cụ thể là Pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo) trước khi có hành động hay lời nói nào, không biết Thượng tọa có rõ được điều đó không, bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, và không có cái ô nào to hơn pháp luật Việt Nam trên đất Việt này.