Công chúng không biết gì về Ngô Oanh Phương, một cô gái Nam bộ, quê Kiên Giang. Nhưng nếu hỏi họ về danh tính Phuong Ngo, một FaceBooker hào hiệp trên mạng xã hội, thì có vẻ như chẳng mấy ai lại không biết, cho dù Ngô Oanh Phương hay Phuong Ngo cũng chỉ là danh tính của một người.
Cũng vậy, cô ấy đã là một doanh nhân khá thành đạt trong ngành nhựa, nhưng tư cách doanh nhân cũng không mấy ai biết. Thay vào đó, cô ấy lại quá nổi tiếng với tư cách như là một người tích cực đấu tranh chống lại các trạm BOT bẩn như: BOT Cai Lậy Tiền Giang, BOT T2 An Giang, BOT An Sương Sài Gòn… khi kề vai, sát cánh cùng với nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhiều thành viên khác, gây nên phong trào đấu tranh trong suốt cả nước, từ bắc chí nam. Việc đấu tranh của họ hầu như được sự đồng tình của người dân cả nước vì sự chính đáng của mình. Thậm chí, đã gặt hái được một số kết quả tích cực. Nhưng theo đó, cũng đã có thành viên hoặc người ủng hộ phải trả giá, sa vào vòng lao lý, như: Hà Văn Nam, Đặng Thị Huệ, Bùi Mạnh Tiến, Văn Ngọc Hoàng…
Tháng 11/2018, cô ấy đã làm lực lượng an ninh bối rối, khiến họ phải huy động vài chục cảnh sát giao thông và công an địa phương chặn xe ô tô của cô ấy để làm rõ động cơ cô ấy đã dán tấm đề-can với nội dung “Đề nghị trả lại sự công bằng cho lái xe Lê Ngọc Hoàng”. Lê Ngọc Hoàng là một tài xế bị xét xử oan ức trong một vụ án hình sự rất nổi tiếng về tai nạn giao thông xảy ra ở Thái Nguyên.
Sau BOT, cô ấy lại dấn thân đấu tranh theo cách rất riêng của mình, đưa lên công luận nhiều sự việc tiêu cực trong xã hội, như nạn tín dụng đen hút máu dân lành, các thủ đoạn khuất tất của ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của người dân, cán bộ cửa quyền ức hiếp người dân… Khiến công chúng mến mộ cô ấy như một Lục Vân Tiên hào hiệp “Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” của thời nay. Nhiều người gặp hoàn cảnh bất công, bị ức hiếp đã tìm đến cô ấy nhờ lên tiếng.
Đến cơn đại dịch Covid hoành hành đất nước vào các năm 2020 – 2021, cô ấy đã vận động được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ phương tiện, vật chất và cả nhân lực để đưa người lao động về quê tránh dịch giã. Bản thân cô ấy dùng xe cá nhân đưa các bệnh nhân nhiễm Covid đến bệnh viện, tiếp tế bình oxy, tặng hòm hoặc chuyên chở thi thể người nhiễm Covid…
Riêng với tôi, khi bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, an ninh Hà Nội cử người theo dõi sít sao, đột nhập cả vào phòng khách sạn lục lọi… thì Phuong Ngo đã sớm có mặt cùng với bạn Sơn Bùi, một công dân Hà Nội hào hiệp khác đưa xe hộ tống tôi và đồng nghiệp vượt thoát ra sân bay Nội Bài. Đến cầu Nhật Tân, đoạn có phân chia làn đường ô tô với xe máy mới cắt đuôi được số nhân viên an ninh đang hì hục phóng xe máy rượt đuổi.
Cho đến gần đây, khi cô ấy lên tiếng vạch trần những thủ đoạn kinh doanh gian dối của tập đoàn Vingroup trên trang FaceBook cá nhân, thì xem ra, Phuong Ngo đã tự đưa tay vào tổ ong vò vẽ, nên đã bắt đầu phải trả giá.
Vào thượng tuần tháng 10/2023, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất để xuất cảnh đi công việc ở nước ngoài, thì cô ấy mới biết mình đã bị Bộ Công An ban hành quyết định cấm xuất cảnh. Chưa hết, liên tiếp, lần 1 vào ngày 19/01/2024 rồi lần 2 vào ngày 30/01/2024, cô ấy bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an triệu tập làm việc. Trong giấy triệu tập, họ đã ghi rõ lý do có đơn tố cáo của Tập đoàn Vingroup.
Hóa ra, Bộ Công an bây giờ cũng đặt mình nằm dưới sự sai khiến của Tập đoàn Vingroup?! Động cơ là gì chắc không khó đoán.
Như thế vẫn chưa đủ, “Nội công, ngoại kích”, trang FaceBook với số lượng theo dõi khủng của cô ấy bị chính quyền ra tay tấn công theo cách bí hiểm nhất. Nếu lúc này search tìm, thì nick Phuong Ngo đã mất tăm như chưa từng tồn tại. Trong khi đó, cô ấy vẫn đăng nhập được vào trang cá nhân của mình, vẫn nhìn thấy trang cá nhân của mọi người, nhưng không thể đăng bài, bình luận… Trang FaceBook cá nhân của cô ấy như một người tàng hình!
Thật ra, sự việc này không có gì đáng ngạc nhiên. Vì lẽ, cả hàng nghìn báo, đài truyền thông của chính quyền mà nếu cần, Vingroup vẫn có thể ngang nhiên khóa mõm, buộc xóa bài một cách tuyệt đối được, thì một cá nhân như Phuong Ngo đã là gì? Tuy vậy, như một câu cách ngôn phương tây “Một lỗ rò nhỏ vẫn có thể làm chìm cả chiếc thuyền lớn”, thì Vingroup vẫn chưa biết rằng, những điều cô ấy viết trên trang FaceBook chỉ mới là váng dầu mỏng trên mặt nước. Tài liệu sinh/tử của Vingroup mới thật sự là tảng băng chìm ở các nơi, từ những đối thủ kinh doanh, từ chính các nhân viên Vingroup… vẫn đang chuyển về cho cô ấy.
Chỉ có điều, lúc này, tại Việt Nam, không chỉ FaceBook Phuong Ngo tàng hình, mà chính bản thân của cô ấy cũng đang tàng hình. Khi cô ấy hữu hình đã đáng sợ đến mức phải bịt miệng, phải đưa an ninh ra dọa nạt. Nhưng nếu cô ấy tàng hình, thì bịt miệng, dọa nạt bằng cách nào? Sự đáng sợ, sẽ còn đến mức độ nào?
(Tựa gốc: Phương Ngô tàng hình, cả facebook và người, theo facebook luật sư Đặng Đình Mạnh)