Những đứa trẻ trong mùa đại dịch

Nhiều cháu mới đôi ba tuổi, chưa ý thức được những gì đang xảy ra nhưng bị cách chia cha mẹ, ông bà. Chúng ngơ ngác với bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, chúng lạc lõng trong những khu cách ly và buồn bã vì không được gần cha mẹ.

Mùa đại dịch, ai cũng có thể là nạn nhân. Gia đình nào cũng có thể dính bệnh. Người già là một nỗi lo âu, nhưng bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ. Nhiều cháu mới đôi ba tuổi, chưa ý thức được những gì đang xảy ra nhưng bị cách chia cha mẹ, ông bà. Chúng ngơ ngác với bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, chúng lạc lõng trong những khu cách ly và buồn bã vì không được gần cha mẹ. Những hình ảnh của các cháu được đăng trên báo chí làm người xem xót lòng, rơi nước mắt.

Hôm kia, trên mạng có một đoạn clip ghi lại cảnh một gia đình phải chia ly vì dương tính với coronavirus. Người quay clip là một nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đón các F0 mặc đồ bảo hộ xanh đến khu cách ly. Trong cảnh chộn rộn đưa người đi cách ly, người ta nhìn thấy một thanh niên đứng nhìn theo. Trên tay anh ẵm một đứa bé còn nhỏ xíu mới ba tháng tuổi. Bố mẹ của bé là F0 phải đi cách ly. Họ phải gửi đứa bé cho hàng xóm vì chẳng có ai là người thân.

Anh hàng xóm không biết đã có gia đình hay chưa? Có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em hay không? Nhìn anh có vẻ hoang mang lắm và ngơ ngác lắm. Có lẽ anh không ngờ phải chấp nhận tình cảnh này. Anh chỉ nhận vì tình làng nghĩa xóm. Anh cũng có thể nhiễm bệnh vì tiếp xúc như thế này. Nhân viên y tế bảo với anh: “Ôm nó chạy về đi, chứ để nó ở đây chi tội nó” và động viên cha mẹ em bé: “Mới bây lớn như này, để nó ở nhà đi, chứ ẵm vô cách ly còn không chịu nổi nữa.”

Người này cũng nhiệt tình hướng dẫn anh hàng xóm cách pha sữa bột để cho em bé ăn trong những ngày xa mẹ. Người thanh niên vẫn lóng ngóng trước cảnh ly biệt này. Người mẹ chuẩn bị lên xe nhưng vẫn nấn ná không nỡ xa con, muốn cho con bú cho no trước khi đi. Biết đâu đó là cữ bú cuối cùng vì dịch bệnh chẳng ai biết trước sẽ xảy đến kết cục như thế nào? Người mẹ cầm theo chai cồn, đón con từ anh hàng xóm rồi ẵm bé đi ra khu vực xa xa để cho con bú.

Giao con cho người mẹ, người thanh niên cũng xịt cồn trên tay mình, tuân thủ yêu cầu của y tế quy định. Cảnh trao nhận của mẹ con làm ai cũng xót xa và sợ mẹ sẽ lây cho người khác. Tuy vậy, nhân viên y tế cũng căn dặn người thanh niên: “Anh về nhà cũng cẩn thận, né mấy người xung quanh đi nha.”

Không biết những ngày tới, cháu bé sẽ sống thế nào khi đã xa bầu sữa mẹ? Anh thanh niên kia sẽ xoay xở thế nào khi chẳng có chút kinh nghiệm nuôi trẻ? Mong tất cả sẽ bình an, người mẹ sẽ được trở về nhà với đứa con thơ. Nghĩ dại, lỡ như người mẹ có mệnh hệ gì, đời của bé sẽ ra sao?

Cũng một gia đình khác, bố mẹ đều nhiễm virus, đi cách ly để lại một đứa con nhỏ ở nhà. Họ nhờ bà nội trông nom, bà nhiễm bệnh qua đời. Bà ngoại thế chỗ. Bà ngoại cũng dính bệnh mà mất. Ông nội đành đến nuôi cháu. Kết cuộc như thế nào chẳng biết. Không biết bố mẹ có an toàn trong bệnh viện hay chăng? Đúng là bi kịch chỉ có trong mùa đại dịch. Nhưng hũ tro xếp hàng lần lượt trên bàn thờ và nước mắt của những đứa trẻ trong phút chốc thành kẻ bơ vơ.

Cũng nhói lòng khi nhìn những cháu bé phải bị đi cách ly. Một clip trên báo mạng Người Lao Động ghi lại cảnh một gia đình thuộc F1 gồm người mẹ và những đứa con trùm kín những bộ đồ chống dịch và được lực lượng hỗ trợ đưa đi cách ly vào lúc nửa đêm. Đoạn video ghi vào thời điểm khoảng gần 12 giờ đêm tại hẻm Tôn Thất Thuyết, Phường 16, Quận 4. Con hẻm này với hàng trăm hộ dân đã được phong tỏa nghiêm ngặt sau khi ngành y tế phát hiện nơi đây có đến 50 ca nhiễm. Một gia đình F1 gồm người mẹ và những đứa con nhỏ trùm kín bộ đồ chống dịch. Họ là “thành phần” được lực lượng hỗ trợ đưa đi cách ly vào lúc nửa đêm.

Chứng kiến hình ảnh những đứa bé ôm đồ dùng cá nhân, gối mền lỉnh khỉnh leo lên xe, cộng thêm tiếng khóc quấy của bé nhỏ tuổi nhất do sợ hãi, lạ lẫm khiến không ít người nhói tim, xé lòng.

Người ta vẫn chưa quên hình ảnh cháu bé mới năm tuổi trong trang phục bảo hộ rộng thùng thình, tự giác leo lên xe cấp cứu đi điều trị dịch bệnh tại huyện Bình Chánh đã khiến mọi người rất xúc động. Hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng hơn thân thể, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện huyện Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị thật sự khiến mọi người phải rưng rưng nước mắt. Trước đó, ba của bé có kết quả dương tính với Covid-19 và đã được đưa đi điều trị tại một cơ sở y tế. Mẹ bé là F1 được đưa đi cách ly tập trung. Sau khi đánh giá có nguy cơ nhiễm bệnh, bé được cách ly ở nhà với bà ngoại và dì. Tuy nhiên, sau đó bà ngoại của bé cũng có kết quả dương tính nên được chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Rồi chính bé cũng có triệu chứng và xét nghiệm dương tính nên được các cô chú nhân viên y tế đưa đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương cùng với bà ngoại.

Một bộ ảnh với các cháu nhỏ mặc đồ bảo hộ đi cách ly ở Phú Yên cũng là hình ảnh nhói lòng. Lãnh đạo địa phương cho biết: “Có 17 cháu cùng ở với cha mẹ tại khu cách ly tập trung của H.Sơn Hòa và bốn cháu khác theo ba mẹ cách ly tại Bệnh viện dã chiến Đông Hòa (Phú Yên). Do không có người thân chăm sóc các cháu nên bất đắc dĩ cha mẹ đem các cháu đi cùng vào khu cách ly”. Một vị bác sĩ cũng cho biết trong bức ảnh chụp có sáu trẻ em, lớn nhất năm tuổi và nhỏ nhất 15 tháng tuổi.

Qua hình ảnh, có thể thấy có bốn cháu bé mặc đồ bảo hộ, trong đó một người là F0, ba người còn lại là F1. Các bé đi theo bố mẹ vì trong gia đình chỉ có những người đó thôi. Đây là vùng nông thôn nên không ai chăm sóc. Nhiều người cũng nghi ngại khi các cháu chưa nhiễm bệnh mà đưa vào khu cách ly, nguy cơ nhiễm virus rất cao. Nhưng cũng khó, để ở nhà thì không có người trông giữ, vào đây sẽ bị lây nhiễm chéo.

Người ta cũng chưa quên câu chuyện của một bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân trong một bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn. Cả gia đình hai vợ chồng và đứa con bị dương tính. Người chồng nặng không qua khỏi. Khi bàn chuyện hậu sự với người vợ, cô ấy khẩn thiết xin bác sĩ cứu cho con gái của cô cũng đang ở trong tình trạng nặng. Bác sĩ không tìm ra chỗ để chuyển đi. Người mẹ xin bác sĩ cho con của cô được chuyển lên chiếc giường mà chồng cô vừa mất, có lẽ xác chưa chuyển đi và chưa có người chuyển đến. Chỉ cần có một cái giường thôi, chỉ cần có một hơi thở đưa vào đúng lúc thôi, một mạng người sẽ được cứu. Bi đát quá.! Xót xa quá! Nhưng đành bất lực thôi.

Một hình ảnh khác ghi lại một em bé bảy tuổi trong trang phục phòng hộ cá nhân ở thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) cùng mẹ và anh trai lên xe y tế đi cách ly cũng gây xúc động cho cộng đồng mạng. Cha em là tài xế lái xe chở hàng chạy tuyến Quảng Ngãi – Quảng Ninh. Khi đến cổng Bệnh viện Minh An, tỉnh Nghệ An, ông phải làm xét nghiệm. Sau khi test nhanh, kết quả dương tính hai lần. Sau đó, mẹ em, anh trai cùng em bé bảy tuổi thuộc trường hợp F1 nên đã theo xe y tế chở đi cách ly tập trung trong bộ đồ bảo hộ.

Những ngày qua, hình ảnh bé trai khoảng năm tuổi lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, ôm đồ đạc, hồn nhiên thả bước dọc hành lang rời khỏi khu cách ly cũng gây chú ý ở mọi người. Được biết, đây là khoảnh khắc bé trai cùng mẹ thu dọn đồ đạc, rời khu cách ly Quận Gò Vấp lên đường đến một bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố để điều trị Covid-19. Bé trai nói trên sinh năm 2016 đang sinh sống cùng cha mẹ tại khu nhà trọ trên địa bàn Phường 9, Quận Gò Vấp. Ngày 14 Tháng Sáu, bố của bé có kết quả dương tính với virus do tiếp xúc với F0 cùng khu trọ và được đưa đi cách ly. Ngay sau đó, bé trai và mẹ được đưa vào cách ly tập trung tại Khu cách ly Quận Gò Vấp. Sáng 18 Tháng Sáu, kết quả xét nghiệm của bé trai dương tính. Do vậy, bé được chuyển đến một bệnh viện trên địa bàn thành phố để cách ly, điều trị. Chứng kiến hình ảnh dù cơ thể bị trùm kín bởi bộ đồ bảo hộ, bé trai vẫn hồn nhiên, bình tĩnh khi rời khu cách ly, nhiều người đã gọi vui bé là “chiến binh” năm tuổi.

“Trông cách thả bước, ôm đồ đi trên hành lang khu cách ly thật hồn nhiên, bình tĩnh. Bé không tỏ vẻ sợ hãi, buồn bã. Bé sẽ là ‘chiến binh’ năm tuổi trong hành trình chống lại bệnh tật sắp tới. Chúc hai mẹ con sớm bình phục” – một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.

Và hình ảnh người mẹ ôm mặt khóc nức nở, kêu gào khi nhìn đứa con nhỏ của mình sốt 39 độ đang nằm dưới sàn nhà lạnh lẽo không người quan tâm, không có được viên thuốc ở trong khu cách ly là một trường học ở Quận 8 dành cho những người bị nghi nhiễm ở chợ Bình Điền cứ ảm ảnh mãi trong lòng người xem.

Còn nhiều, nhiều lắm không kể hết được những đưa trẻ bị cách ly trong mùa dịch. Nhưng bất hạnh nhất là những đứa trẻ bị mồ côi khi cha mẹ đã bị tử vong vì dịch bệnh. Các cháu chưa ý thức được chuyện sống chết nhưng khi nhận hũ cốt của cha mẹ, các cháu cũng đã thoáng biết rằng từ nay tất cả đã cách chia. Nỗi đau này sẽ theo suốt cả cuộc đời các cháu. Một gia đình đang đoàn tụ, ấm êm, bỗng chốc dịch bệnh ào tới mang theo nỗi bất hạnh. Tổ ấm chia lìa, tan tác, còn nỗi đau nào hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng, cách ly như thế này là biện pháp không hiệu quả. Trong một chương trình giao lưu trực tuyến, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em xác nhận trên tờ Tuổi Trẻ rằng có đến hơn bốn ngàn trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, không có gia đình bên cạnh nên có thể gặp phải rất nhiều sang chấn về mặt tâm lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến của ông: “Tôi thấy rằng chủ trương cách ly hiện nay là để ngăn chặn những đối tượng lây nhiễm. Có hai hình thức cách ly: Tại nhà và tại nơi tập trung. Khi ban hành chủ trương như thế thì rất nhiều người đồng tình. Theo tôi, cách ly tại nhà nếu có điều kiện thì vẫn hay hơn vì sử dụng riêng những vật dụng, nhà vệ sinh… không chung đụng như khu cách ly tập trung.

Những ai có điều kiện thì nên cho họ cách ly tại nhà. Nhà nước cần cho họ cơ chế để họ thực hiện thì tình hình dịch bệnh sẽ giảm trong khi chờ vaccine”.

Tình trạng tách những đứa trẻ còn quá nhỏ để đi cách ly gây nhiều phản ứng trong dư luận. Nhiều người cho rằng đây là qui định mất nhân tính, dã man và không thuyết phục vì nếu các bé là F1 thì đương nhiên cả nhà (ba mẹ và các thành viên khác là F2) thì tại sao không áp dụng cách ly cả gia đình tại chỗ.

Theo hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch do Bộ Y tế ban hành hôm 12 Tháng Ba, năm 2020, đối tượng bị cách ly là người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch. Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc virus trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế. Như vậy, nếu trẻ em có bố mẹ được xác định mắc virus thì những đứa trẻ trong nhà thuộc diện cách ly tập trung, không phân biệt tuổi tác. Nhà nước đã quy định như thế, dù ta thấy cảnh các bé còn quá nhỏ mà phải cách ly thì cũng phải chấp hành thôi dù rất bất nhẫn và nguy hiểm.

Các em bé bị trùm kín trong bộ đồ bảo hộ kín mít, bị đưa vào cách ly ở những nơi thiếu nhiều phương tiện sinh hoạt, ăn uống không đạt tiêu chuẩn, không được chăm sóc đúng mức sẽ khiến cho sức đề kháng yếu, đồng thời ở trong môi trường cách ly, tình trạng lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra.

Cho đến nay, chưa có thống kê nào ở Việt Nam cho biết có bao nhiêu trẻ em bị nhiễm bệnh và tử vong. Tuy nhiên, những đứa trẻ bị cách ly, những cháu bị mất cha mẹ, ông bà trong cơn đại dịch này sẽ bị sang chấn tâm lý rất nặng nề.

*******

Ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Tám, mạng xã hội lan truyền một video clip cho thấy tại một điểm tiêm vaccine Covid-19, một số người dân đã phản ứng và bỏ về khi nghe thông báo là chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm.

Thông tin Đảng bộ Thành phố cho biết: “Trên mạng xã hội lan truyền clip được cho là điểm tiêm phòng Covid-19 tại sân Tao Đàn, Quận 1, một số người dân phản ứng và bỏ về khi nghe thông báo là chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm.

Sau khi video được lan truyền trên mạng và truyền tải, lãnh đạo Quận 1 xác định có xảy ra sự việc trên tại điểm tiêm phòng Covid-19 số 1 Huyền Trân Công Chúa. Sáng 13 Tháng Tám, UBND Quận 1 tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân, nhưng đến 9 giờ thì hết vaccine này và quận có tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm thì có một số người phản ứng và bỏ về như clip. Tuy nhiên, Quận vẫn tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này và trong chiều 13 Tháng Tám, quận vẫn tiếp tục tiêm vaccine Sinopharm cho người dân tại đây.”

Dù báo chí, truyền thông và nhiều chỉ thị của nhà nước ra sức khuyến khích sử dụng thuốc này khi tình hình thiếu vaccine đang diễn ra ở thành phố, nhưng phần lớn người dân không chấp nhận. Người dân có quyền chọn lựa và họ đã lựa chọn bằng cách thà không chích chứ không chích thuốc của Trung Quốc. Việc này cũng khiến cho thành phố lâm vào tình thế khó xử. Không tiêm chủng đủ cho dân thì không thể ngăn chận được dịch. Mà chích thì dân không đồng tình với thuốc. Tình hình này, giãn cách chắc còn phải kéo dài và thành phố lại lâm vào bế tắc trong các phương án giảm dịch. Con số người nhiễm ở thành phố đang nằm ngang, con số tử vong vẫn còn tăng cao, không biết sắp tới, lãnh đạo thành phố và trung ương có biện pháp nào mới không? Chứ như thế này, xin nói thật, người dân đã ngán lắm rồi, đã hết chịu nổi rồi. Nhất là những người nghèo và nhân dân lao động.

Hôm nay 13, Thứ Sáu, Tháng Bảy Âm hồn, mùa dịch thứ tư, không biết cuối ngày, có những báo hiệu gì khả quan không chứ lòng tin đã bắt đầu giảm và nỗi đau về một thành phố trong cơn đại dịch đã trở thành đã trở thành vết thương khá lớn trong lòng của mỗi người rồi.

13 Tháng Tám, năm 2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi sáu

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: