Số phận sư Minh Tuệ vẫn còn may mắn, nhìn từ lịch sử

(Facebook)

Mới đây, một tài khoản mạng xã hội, được cho là của cô Linh – người em dâu của sư Minh Tuệ, ngày hôm qua, đã hé lộ nhiều thông tin “mật” về chuyện cá nhân, tổ chức nào đã tiến hành “áp giải” sư Tuệ đến cửa khẩu Bờ Y (Gia Lai), đưa ra khỏi Việt Nam, trong ngày 12 Tháng Mười Hai 2024. Cũng như những người thân của ông (bao gồm cả cô Linh), đã bị “giam lỏng” ra sao, cùng ngày.

Có lẽ cần nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam trong nửa thế kỉ vừa qua, và chính sách “tôn giáo vận”, cũng như sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, trực thuộc Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ), chính là cách cho chúng ta câu trả lời về tính thực, hư của câu chuyện nêu trên.

“Hòa Thượng Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17 tháng Mười 1978, đã bỏ mình trong một nhà tù của cộng sản tại thành phố Hồ Chí Minh.” Đây là bản tin ngắn của đài BBC London, nói về cái chết của Hòa thượng Thích Thiện Minh – Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Còn trong cuốn “Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh”, xuất bản năm 1983, Tr 65, HT. Thích Mãn Giác viết:
“Một gương mặt bầm tím với râu tóc mọc dài, yên nghỉ trong chiếc quan tài. Tất cả những phần còn lại của con người yên nghỉ đó đều bị che lấp, không ai biết có vết tích gì trên phần còn lại đó hay không?”

“Hình ảnh cuối cùng của Thượng Tọa Thiện Minh mà người ta thấy, là một thi thể được che phủ kín mít, nằm tại một khu rừng ở Hàm Tân (Bình Tuy) ngày 18 tháng Mười, 1978. Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo là một trong số rất ít người được công an thành phố Sài Gòn cho phép đến thăm và nhìn thi thể của Thượng Tọa lần chót. Khi Hòa Thượng Trí Thủ giở tấm vải che mặt, những người chứng kiến xúc động, thấy khuôn mặt của Thượng Tọa bầm đen và râu tóc trắng xóa mọc dài. Những gì có thể thấy được và biết được về Thượng Tọa Thiện Minh chỉ có thế. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng muốn gói trọn cái thi thể và tất cả những tin tức về cái chết của Thượng Tọa Thiện Minh tại khu rừng Hàm Tân xa xôi, hẻo lánh.”

Không chỉ riêng Hòa thượng Thiện Minh, mà cả cái chết đầy bí ẩn của Hòa thượng Thích Trí Thủ – Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, vào năm 1984, cũng được Hòa thượng Thích Đức Chơn tường thuật lại, tại Úc châu, mà chúng ta có thể theo dõi qua video ngắn, đăng tải kèm theo.

Chưa và có thể không bao giờ có thống kê cụ thể, liệu được bao nhiêu tu sĩ Phật giáo hiện nay, cũng như tín đồ Phật tử chịu khó tìm hiểu và nhận thức đúng về lịch sử Phật giáo Việt Nam trong nửa thế kỉ qua. Nhưng, ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng rất ít, cho dù điều này là không quá khó, cho bất kì ai, nếu muốn.

Tôi có nhận định này, bởi lẽ, vì nhiều lí do khác nhau, tôi được gặp rất nhiều tu sĩ Phật giáo, lớp trẻ hôm nay, qua trò chuyện với họ, hầu hết đều mù mờ về lịch sử Phật giáo VN cận đại. Tuy nhiên, họ có thể thuộc vanh vách về chủ nghĩa Mác-Lê. Quả thật, là thực trạng buốt đau, về cái mà họ đang “tu học”, dưới mái trường Phật giáo xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tu sĩ mà còn vậy, thì huống hồ là Phật tử (XHCN).

Trong chừng mực, một khi đã thiếu kiến thức thì quả thật, sẽ không thể tự lí giải được vì sao, có hay không có câu chuyện sư Minh Tuệ bị “áp giải” ra khỏi Việt Nam. Và sự phi nhân tính này, là từ tổ chức nào?

Câu hỏi cần đặt ra là, nếu sư Minh Tuệ, là tu sĩ của tổ chức Phật giáo trực thuộc MTTQ, thì liệu ông có chịu nhiều “kiếp nạn” như đã, hay không?

Không quá khó để chúng ta có được câu trả lời. Tuy nhiên, như đã nói, nếu nhìn lại lịch sử, điển hình là kiếp nạn của Hòa thượng Thiện Minh và Trí Thủ – những vị Tăng không phụng sự thế quyền, thì dường như số phận của sư Minh Tuệ, cho đến lúc này, vẫn còn may mắn lắm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo