Mấy ngày qua liên tục là những thông tin từ chính phủ và Bộ Công thương về những thứ xoay quanh vấn đề “thiết yếu” hay “không thiết yếu”, cũng như quy định ngược xuôi về việc các bưu tá có thể giao bưu phẩm khu biệt hay “liên quận”. Cuối cùng, ngày hôm qua 30 Tháng Bảy 2021 thì chính phủ đã có công văn “hoả tốc” chỉ đạo gỡ rối lưu thông bằng việc bỏ quy định cấm vận chuyển hàng không thiết yếu, thay vào đó là danh mục hàng cấm lưu thông như từ trước đến nay. Cùng lúc đó thì các bưu tá cũng đã được khai thông thế bế tắc khi thành phố cho phép chuyển hàng “liên quận”, song rất nhiều anh em tài xế đã tắt ứng dụng vì quá mệt mỏi và chán nản.
Tôi sẽ không bàn thêm về những vấn đề trên vì thực ra từ lâu tôi đã từ chối hiểu. Những sự vụ như thế khiến tôi liên tưởng đến mấy người bảo vệ kẻ cả ở mấy khu ký túc xá, khu dân cư, chuyên bắt nạt và hạch sách sinh viên, người nhẹ dạ chứ chẳng vì mục đích an toàn, an ninh nào cả.
Nhưng đó chỉ là một phần của lưu thông. Người ta hút hết sự quan tâm vào “thiết yếu” vì đúng thật là nó thiết yếu, nhưng lại quên mất một từ khoá khác nhức nhối không kém đó là “chính đáng”. Chỉ thị 16 đòi xử phạt người dân ra đường với nhu cầu “chính đáng” nhưng như thế nào là chính đáng thì đến nay vẫn không có một thống nhất nào.
Sáng nay, một video trên mạng xã hội quay lại việc nhóm người làm công tác xử phạt tại Bình Dương đòi lập biên bản và xử phạt một người dân vì “ra khỏi nhà không chính đáng” mặc dù chị này chỉ ra đứng hóng gió ở cây trứng cá trước sân! Một video khác tại Kiên Giang cho thấy cảnh người phụ nữ đi chợ về với những rau, trứng, thực phẩm và thuốc, vẫn bị bắt lại lập biên bản! Mới đây lại một clip nữa được lan truyền nhanh chóng, tình huống anh bác sĩ đi nhận nhiệm vụ bị chặn lại tại chốt giao Hóc Môn-Long An vì “vi phạm Chỉ thị 16” cùng những thái độ hống hách, khó chịu của những người tại chốt chặn. Nhiều shipper cũng bị bắt chẹt do người nhận nhận hàng trễ, bị hư xe dọc đường không về kịp trước 18h.
Trên các hội nhóm giúp nhau mùa dịch, có nhiều tình trạng đau lòng được đăng tải nhằm kêu cứu giải pháp của cộng đồng mạng. Như trường hợp một người bà chở cháu đi bệnh viện vì té ngã bất tỉnh nhưng phải xin giấy xác nhận, và vẫn bị chặn bởi một chốt do “không chứng minh được tính chính đáng”. Viện Huyết học cũng lên tiếng than thở vì số lượng máu hiến quá ít do người dân chẳng dám ra đường vì sợ bị phạt “không chính đáng” – do hiến máu cũng không được đề cập là cho phép trong Chỉ thị 16. Nhiều trường hợp khác cũng bị phạt do đi rút tiền, đi gửi-nhận lương thực cứu trợ. Một số nơi trên địa bàn thành phố hầu như không thể mua hàng online do bất cập về địa lý như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn…
Cả việc phát phiếu đi chợ cũng gây ra quá nhiều tranh cãi, bất cập. Việc mỗi địa phương phát mỗi kiểu phiếu khác nhau, cách phân bổ và quy định khác nhau khiến tôi tưởng đây là những hoạt động tự phát, không hề qua thống nhất và nghiên cứu nào. Và thực trạng xảy ra là rất nhiều nơi người tạm trú không được phát phiếu (chắc tạm trú không phải người); nhiều khung giờ thì trống trơn, khung giờ thì đông đúc; có địa phương chỉ định luôn nơi mua sắm dù có địa điểm bán gần nhà dân hơn; tình trạng “thượng điền tích thuỷ hạ điền khan” diễn ra ở nhiều nơi; Nhiều tình cảnh khó khăn thì giấy đi chợ như tờ giấy lộn, vì càng gây thêm cản trở trong việc cho nhận hàng từ thiện, hàng gửi từ thân nhân…
CHÍNH ĐÁNG HAY THIẾT YẾU – KHÔNG PHẢI VẤN ĐỀ VĂN BẢN!
Rất nhiều người lên tiếng “kêu gọi” rằng người dân hãy đồng lòng với chính phủ chống dịch, hãy thông cảm và lượng thứ cho chính phủ trong lúc khó khăn. Nhưng ở chiều ngược lại, tôi thấy chính phủ chẳng những đang làm rất tệ công tác của mình, mà hơn thế là cũng chẳng có chút quan tâm hay cảm thông gì với nhân dân, nếu không muốn nói là còn hèn hạ và vô cảm như những trường hợp nêu trên.
Những việc “thiết yếu” hay “chính đáng”, có lẽ từ đầu đến giờ không còn là vấn đề về văn bản nữa, mà là vấn đề về tình người, về nhận thức cũng như về thái độ ứng xử, mối tương quan giữa nhà nước-nhân dân. Những cách sửa đổi quy định, thay thế, ban hành, thu hồi văn bản này, chỉ thị nọ chỉ là những cách làm chống chế. Cái cần giải quyết hơn hết chính xác phải là trình độ của đội ngũ thi hành – một khoảng trống to lớn gây cho tôi nhiều khúc mắc.
Trước tiên cần làm rõ là lưu thông sẽ bao gồm:
– Lưu Thông hàng hoá thiết yếu.
– Đi Lại phục vụ nhu cầu chính đáng, cộng đồng.
Như vậy, tạm thời việc Lưu Thông hàng hoá thiết yếu đã được cởi mở bằng văn bản “danh mục hàng hoá cấm lưu thông”. Nhưng các việc Đi Lại (thậm chí Đi Lại nhưng không “đi lại” như đi gửi-nhận hàng, đi tập thể dục, ra hít thở không khí, tập thể dục…) nên được giải quyết nới lỏng và hợp tình hợp lý hơn.
Theo tôi, thì việc Trên bảo Dưới không nghe, Trống đánh xuôi kèn thổi ngược do hai nguyên nhân chính: Một là do thiếu sự đào tạo, hướng dẫn chính xác, tâm lý sợ trách nhiệm dẫn đến hành xử ngang tàng, vô tội vạ. Hai là do những sự “không chính đáng” đều nằm ngoài “luồng xanh” đã được móc nối từ trước.
1) Đào tạo (Training):
Hầu như các công ty lớn nhỏ đều có chương trình đào tạo dành cho nhân viên mới và cũ, nhất là mỗi khi công ty có một chính sách mới, cơ chế mới ban hành. Các bộ phận được đào tạo kỹ lưỡng trước khi các chính sách đi vào hoạt động, bất kể có gấp gáp đến đâu. Ngoài ra các doanh nghiệp lớn thì thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo thường niên cho nhân viên để đội ngũ của họ có đủ kỹ năng và kiến thức ứng biến cho những trường hợp bất thường, ngoài tính toán và dự trù.
Câu hỏi tôi đặt ra ở đây là phải chăng những người làm nhiệm vụ ở các chốt chặn, xử phạt đều chưa được trải qua đào tạo nghiệp vụ, phổ biến chính sách một cách chính thức , cụ thể? Có thể là do tôi đa nghi vì theo lẽ, nghiệp vụ cảnh sát bao gồm cả những việc như ứng phó với tình trạng khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, bạo động…, việc điều phối lưu thông trong tình huống đa phần dân cư ở nhà như thế này đâu phải là việc quá tầm tay của họ?
Còn về việc nắm vững, cập nhật và theo dõi chỉ thị cũng như các thay đổi liên quan, đó là nhiệm vụ cụ thể và “thiết yếu” của lực lượng chốt chặn mà đúng không? Từ trước khi Chỉ thị 16 lần thứ nhất ra đời, tôi chưa hề thấy bất cứ cơ quan truyền thông nào đưa tin về các buổi hướng dẫn, tập huấn hay tuyên truyền cụ thể về cách thực hiện nó cả, trong khi việc đi “xịt khử khuẩn” cũng có được buổi lễ ra quân nhìn ra trò trống phết! Vậy, lý do vì đâu có sự thiếu sót chết người này? Vì “quên”, vì “tuyệt mật”, hay vì thiếu người đào tạo, hay là vì “cố tình” bỏ ngỏ nhằm một mục đích nào khác?
2) Trong luồng và ngoài luồng:
Tôi đặt nghi vấn này vì nhận thấy sự thiên vị bất thường của nhà nước dành cho Bách Hoá Xanh và các siêu thị. Những điểm khiến tôi băn khoăn như sau:
– Theo nghiên cứu của WHO và ngành Y tế, coronavirus dễ lây lan trong môi trường máy lạnh, kín, toà nhà, và khó tồn tại lâu trong môi trường thoáng khí.
– Những ngày đầu “phong thành”, chợ truyền thống (thoáng) đóng cửa, nhưng dồn người vào siêu thị và Bách Hoá Xanh (kín, máy lạnh).
– Trên nhiều phiếu đi chợ in hẳn tên Bách Hoá Xanh, dù có nhiều địa điểm khác gần nhà dân hơn.
– Chưa có một thông tin nào cho thấy xe Bách Hoá Xanh hay các siêu thị bị chặn, bị bắt chẹt dù Bách Hoá Xanh và các siêu thị cũng có nhiều mặt hàng “không thiết yếu” theo như các văn bản trước đó.
– Việc “ép” dân vào các hệ thống có hoá đơn, chứng từ, giá “niêm yết” một mặt gây khó cho người dân, nhưng mặt khác khiến nhà nước dễ dàng kiểm soát thuế ở các địa điểm này.
Những điều này tuy là nghi vấn, nhưng không phải là vô căn cứ hay suy diễn, tưởng tượng. Kể cả việc khi không chỉ định, thì việc đóng hết các chợ, cửa hàng tạp hoá nhỏ ở một số địa phương cũng là một cách “dồn” người dân vào các điểm được mở cửa, một cách kín kẽ.
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?
Thực ra, đặt nghi vấn cũng chính là một phần bày tỏ giải pháp rồi. Nhưng tôi cũng xin được chia sẻ thêm vài ý kiến của mình.
- Nếu đúng sự thật là đang thiếu một quy trình đào tạo (training) và phổ biến cụ thể các văn bản, quy định, chỉ thị, nhà nước nên “thần tốc” thực hiện. Tôi tin rằng chỉ vài video hướng dẫn đơn giản như bao giảng viên online khác đang làm, mọi việc sẽ dễ thở hơn với nhân dân – càng có cơ sở lấy đó để nhân dân đối chất với cán bộ vi phạm.
- Đội ngũ cán bộ đào tạo cũng sẽ đảm trách nhiệm vụ tư vấn, giải đáp thắc mắc, là cầu nối giải quyết các vướng mắc của nhân dân và người thi hành công vụ trong những tình huống phái sinh, mới lạ.
- Thay vì thi đua giảm F0, chính phủ hãy phát động thi đua giảm sai phạm đối với người dân và cán bộ. Nơi nào hoàn thành tốt thì được thưởng, lấy đó làm hình mẫu và cất nhắc cho làm cán bộ đào tạo để bổ sung nhân lực đào tạo.
- Cởi mở hơn về quy định “chính đáng”. Cái quan trọng nhất trước khi mua được những thứ thiết yếu chính là Tiền. Hãy để người dân đi rút tiền, đi làm việc miễn sao đảm bảo giãn cách và hạn chế tiếp xúc, giữ vệ sinh. Các camera tại các cây ATM, camera an ninh đường phố dư sức làm các việc này. Rõ ràng “ba tại chỗ” của nhà nước đã thất bại. Thế nên cần làm rõ nguyên nhân lây lan là do không tuân thủ giãn cách, vệ sinh, chứ không phải việc ra đường hay không! Đi xét nghiệm hay đi tiêm vaccine mà chủ quan vẫn lây lan như thường – Phú Thọ là một ví dụ.
- Ứng dụng công nghệ vào việc quan sát lý do chính đáng. Ví dụ một người dân khai báo đi gửi hàng là một chiếc máy ảnh, bán để lấy tiền mua nhu yếu phẩm. Thật dễ dàng để xác nhận là yêu cầu người này trưng ra bằng chứng là hình ảnh giao dịch, nơi đến, giấy tờ liên quan. Bây giờ hầu như ai ai cũng có smartphone, các bằng chứng có thể gửi qua Zalo trong phòng 1-2 phút nhờ vào mã QR của cán bộ đại diện chốt chặn. Các chốt chặn cũng công khai mã QR để kết nối và kiểm tra chéo thông tin, vừa đỡ tốn thời gian cãi vả, vừa có vật chứng cụ thể, minh bạch.
- Tăng và thay đổi hình thức xử phạt. Thay vì phạt tiền, phạt nóng, hãy áp dụng phạt nguội khi phát hiện tình huống cố tình vi phạm, lợi dụng sự chính đáng gây ảnh hưởng chung đến cộng đồng. Hình thức phạt không dừng lại ở phạt tiền mà là cưỡng chế cách ly tại nhà (siết chặt và nghiêm ngặt kể cả khu vùng xanh), bắt buộc làm công tác xã hội như đi phục vụ khu cách ly, hỗ trợ chốt chặn…
- Sức khoẻ là quan trọng. Sức khoẻ bao gồm sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm lý nữa – điều mà VN từ trước tới nay đều ít quan tâm. Hãy để cho người dân được tự do nâng cao sức khoẻ, giải toả tâm lý. Thay vì xử phạt thì hãy tuyên truyền và nhắc nhở họ luôn giữ giãn cách, không la cà, tiếp xúc.
Tôi tin rằng, những biện pháp trên chỉ rất ít so với nhiều sáng kiến tốt hơn ngoài xã hội, và cũng không khó để thực thi. Cái gì mới cũng sẽ có khó khăn. Nhưng tôi tin là những việc như áp dụng công nghệ, đào tạo không hề xa lạ đối với những đơn vị doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Những doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát, Bibica, VNG, Hoa Sen, Hoà Phát và nhiều nhiều nữa chắc hẳn đầy đủ kinh nghiệm trong việc đào tạo đội ngũ, kiểm soát nhân viên thông qua hệ thống công nghệ. Những công ty với đội ngũ chăm sóc khách hàng và kinh doanh lớn như Hoa Sen, Bibica, Grab…, có thể kiểm soát được những hành vi lách luật tinh vi, thì việc “chính đáng” hay “không chính đáng” có sá gì. Tôi tin là trong thời điểm khó khăn như hiện tại, họ sẽ đặt dân tộc và đất nước lên vai như cách họ sống chết với doanh nghiệp của mình, và sẽ sẵn sàng hỗ trợ miễn sao nhà nước chịu mở lòng tiếp nhận.
THAY LỜI KẾT
Chính phủ muốn nhân dân cảm thông, hãy học cách thông cảm cho họ. Chính phủ muốn nhân dân lượng thứ, hãy tìm cách để nhân dân lượng thứ. Vũ trụ có quy luật hấp dẫn, sự chân thành mới kêu gọi được sự chân thành. Đừng bao giờ coi nhân dân là không biết gì, hay coi nhân dân như tội phạm. Làm sao nhận được sự đồng lòng khi mà khởi đầu đã là sự nghi kỵ? Lắng nghe nhân dân đi chính phủ ơi! Đừng gỡ nút thắt bằng việc thắt một nút thắt mới làm người ta quên lãng cái nút thắt cũ, cũng đừng gây khó dễ người dân nữa. Ai mà chẳng tham sống, sợ chết, họ vùng vẫy, phản kháng vì là muốn sống.
Sài Gòn, trong thinh lặng, 31 Tháng Bảy 2021