Tiếng Việt hay người Việt đang dần tha hóa?

(Freepik)

Hồi sau dịch Vũ Hán, tôi có việc đi miền Trung nên tới Bệnh viện Tâm Anh để lấy mẫu xét nghiệm, kế bên phi trường. Nhưng cô nhân viên khi nghe tôi nói từ “phi trường” thì hỏi lại, cô ấy không biết.

Cũng vậy, mới đây tôi đi Hà Nội, tôi dặn với người đón, là đón ở ngay trạm thu phí cổng ra phi trường Nội Bài, nhưng họ hỏi lại tôi: “Phi trường là ở đâu?”. Với cả hai trường hợp đó, tôi phải dịch lại “phi trường” là “sân bay” thì họ mới hiểu.

Sau khi thống nhất về địa lý, giống như Trung Quốc, người Cộng sản quyết định thống nhất về mặt ngôn ngữ theo chính sách của họ, hay nói cách khác, là phải thống nhất ngôn ngữ theo phe thắng cuộc. Đương nhiên, rất nhiều từ ngữ của phe thua cuộc – miền Nam Việt Nam – dần bị thay thế, rồi tự “chết” đi. Mà câu chuyện tôi vừa kể trên là một trong những ví dụ điển hình.

Trong khuôn khổ một bài viết, thật không thể liệt kê những từ ngữ ở miền Nam Việt Nam đang bị “chết” dần, hoặc đã “chết”. Trong một ý diễn tả ngắn, tôi chỉ cố gắng nói về sự hổ lốn của tiếng Việt hôm nay, cho dù người ta vẫn leo lẻo “phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.”

Nếu để ý, mỗi khi xã hội có vấn đề gì nóng bỏng, bức thiết thì dường như tiếng Việt lại càng bị dẫn dắt méo mó, tha hóa thêm một phần, mà nguyên nhân chính xuất phát từ cách dùng từ ngữ đưa tin của báo chí nhà nước, vốn được gọi là báo chính tự nhận là chính thống. Gần nhất, hai từ xuất hiện nhan nhản là “phông bạt”, “check var” và “viral.”

Nếu một người Việt biết tự trọng, biết giữ gìn bản sắc ngôn ngữ của dân tộc mình, người ta sẽ nói: “Anh ấy đã không trung thực, nhằm khoe mẽ, háo danh” thay vì nói “phông bạt”. Tiếng dân dã của miền Nam thì thường gọi là “làm màu.”

Người ta cũng sẽ nói: “lan tỏa thông tin”, “nổi bật tin tức” thay vì nói “viral”. Tương tự, “Kiểm tra thông tin”, “kiểm chứng” thay vì nói “check var.”

Ở đây tôi chưa nói đến chuyện viết sai chính tả của từ “check var”, vì “VAR” là một từ viết tắt của Video Assistant Referee – là công cụ quan sát giúp kiểm tra phạm lỗi trong các trận đấu bóng đá.

Ngược thời gian về trước, trên đài truyền hình quốc gia như VTV, mà người ta dùng từ ngữ tha hóa đến mức như “Cặp Đôi Hoàn Hảo”. Có vợ chồng vị giáo sư nọ nói trước hàng triệu khán giả mà nói rằng: “Kính thưa tất cả mọi người, hai vợ chồng chúng tôi…”! Ôi! Quỷ thần chứng giám cho!

Đôi là 2, cặp cũng là 2, “Cặp Đôi Hoàn Hảo” tức là đến 4 người. “Hai vợ chồng” cũng là 4 người. Còn “tất cả” tức là “mọi” rồi. Ví dụ chỉ cần nói: “Mọi người ở đây” là đủ, chứ không cần phải “tất cả mọi người ở đây”, thành ra thừa thải lôm côm từ ngữ. Đến nói mà còn sai chính tả, huống hồ là viết, mà vẫn thành giáo sư.

Cho nên không phải ngạc nhiên, khi bây giờ nhiều Sách Giáo Khoa nhưng cũng sai chính tả tè le, mà tác giả biên soạn chúng toàn học hàm học vị đời nay, chức danh đọc cả ngày chưa hết.

Thượng tầng đã vậy, thì trách sao được trung, hạ tầng sẽ dần tha hóa ít ra về mặt ngôn ngữ mà cha ông để lại?

Một nhà văn người miền Nam, mà đi viết từ “nước dùng” thay cho từ “nước lèo”, tôi không rõ ông ấy đã nghĩ gì về tổ tiên mình? Cũng như thế, bây giờ dẫy đầy những biển hiệu viết, hay người ta nói với nhau hằng ngày, như: “Cho tô hủ tíu “topping” đầy đủ”, “Rau má “mix””, “Tô phở giá 40 “cành””,… Đến mức tuyển dụng cũng “nửa nạc nửa mỡ”, kiểu: “Tuyển bán hàng “full time” và “part time”. Hoàn cảnh sống ở nước ngoài, việc pha trộn ngôn ngữ không thể trách được, nhưng sống trong nước với 100 phần trăm người Việt tiếng Việt, mà cứ lai tạp kỳ lạ, ra vẻ như vậy thì thật đáng sợ.

Tôi không biết, những người dùng từ ngữ kiểu trên, họ giỏi tiếng Anh đến mức nào? Nhưng, tôi biết nhiều dịch giả nổi tiếng thời trước 1975, họ giỏi tiếng Anh, Pháp và biết thêm vài ngôn ngữ khác, nhưng tôi chưa thấy, hoặc hiếm khi họ chèn tiếng Anh vào một bài viết tiếng Việt, nếu ngôn ngữ Việt đã đủ sức diễn đạt. Họ chỉ chèn vào, đối với những từ tiếng Anh, để chú giải hay với những trường hợp đối chứng không thể chuyển ngữ. Người Việt càng có học thì càng trân trọng tiếng của ông cha để lại và sử dụng nó một cách kỹ lưỡng.

Một ví dụ khác cho thấy tiếng Việt càng bị tha hóa.

Chỵ đợi wa tung ku chị mới zìa làm em chả có bánh tung ku ăn gì hết. Không biết chị zìa chỵ với chỵ Ni có lên lai chym nện nhau nữa không đây? Chỵ có đăng đàng live 8 chiện như cũ nữa không dãy?”

Đó là một đoạn văn nói về bà Phương Hằng, sau khi mãn hạn tù, biết trên mạng, mà tôi phải nhờ người khác dịch lại dưới đây, nhưng không biết đã sát nghĩa chưa?

“Chị đợi qua Trung thu, chị mới về, làm em chẳng có bánh trung thu ăn gì hết. Không biết chị về, chị với chị Ni có lên sóng trực tiếp (livestream) nện nhau nữa không đây? Chị có đăng đàn tám chuyện cũ nữa không vậy?”

Cách nói và viết tùy tiện và kỳ lạ như vậy không phải hiếm với người Việt hiện nay. Xin cho hỏi, tự lúc nào mà người Việt dùng tiếng Việt, giao tiếp với nhau, nhưng phải cần có người thứ ba làm thông dịch viên thì mới có thể hiểu nhau?

Hoặc phải vận não hết mức để mà có thể biết người Việt đối diện đang muốn nói gì?

Bão lũ khiến đồng bào khốn cùng, mà người ta vẫn tổ chức cuộc thi hoa hậu. Có lẽ vì vậy, khiến cho người dẫn chương trình bị chỉ trích dữ dội chỉ vì đọc tiếng Anh nhưng xen lẫn đọc những con số bằng tiếng Việt. Thực tế mà nói, không phải người Việt nào khi học tiếng Anh cũng có thể đọc, nói theo phản xạ, mà phần lớn phải chuyển ngữ, từ Việt sang Anh ngữ. Có thể, người dẫn chương trình hôm ấy, đã thuộc trường hợp này, vì đọc vần Anh ngữ nhanh nên không kịp chuyển đọc số cho đồng bộ?

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh, là không chừng những ai chê cười trường hợp này, nhưng là người Việt họ lại vỗ tay, vui cười thậm chí biến thành trò thực hành cho thứ tiếng Việt hổ lốn, thứ tiếng Việt tả pí lù, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Rốt cuộc thì, tiếng Việt đang tha hóa, suy đồi và không có chỉ dấu dừng lại, bởi vì đâu? Một ngôn ngữ bị tha hóa, khi và chỉ khi văn hoá dân tộc đó cũng đang dần suy đồi, tha hóa. Yêu tiếng Việt, không làm băng hoại tiếng Việt cũng là một dạng yêu nước, yêu quê hương, biết kính trọng nguồn cội, tổ tiên mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: