Một thế kỷ sau khi được thành lập, Cảnh sát Quốc tế (Interpol), tổ chức chống tội phạm toàn cầu duy nhất trên thế giới, phải đối mặt với câu hỏi mang tính sống còn: Thế giới có còn cần họ nữa không? Căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt giữa Hoa Kỳ với Nga và Trung Quốc, đang thách thức mô hình hoạt động của Interpol, vốn dựa vào việc chia sẻ thông tin tự nguyện giữa các lực lượng cảnh sát thành viên. Thêm vào đó, lâu nay người vẫn âm ỉ nghi ngờ rằng hệ thống cảnh báo Thông báo Đỏ (Red Notice system) của Interpol có thể bị thao túng chính trị…
Trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO, Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock cho biết Interpol phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề ngân sách mà nguồn thu chủ yếu từ tài trợ. “Những thách thức là rất lớn. Tôi không thể nói rằng chúng tôi có đủ nguồn lực,” Stock nói. “Chúng tôi bị ngợp bởi các vụ án khai thác tình dục trẻ em trực tuyến. Chúng tôi bị ngợp bởi các trường hợp tội phạm mạng… Chúng tôi bị ngợp bởi nạn buôn bán ma túy”.
Jürgen Stock, vốn là cựu quan chức cảnh sát cấp cao của Đức, cho biết thêm, các hoạt động quốc tế như vậy cực kỳ tốn nhiều nguồn lực. Jürgen Stock muốn nhấn mạnh rằng cộng đồng toàn cầu chỉ có thể giải quyết những loại tội phạm xuyên quốc gia thông qua sự hợp tác quốc tế. “Đó là lý do tại sao nền tảng toàn cầu lại quan trọng hơn bao giờ hết. Bạn có thể cân nhắc liệu Interpol có tồn tại không? Mọi người sẽ nói, chúng tôi cần một cơ quan như vậy” – Jürgen Stock nói.
Khi được hỏi Interpol cần bao nhiêu tiền cho ngân sách hoạt động, Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock không nêu con số cụ thể nhưng cho biết sẽ cần hàng chục triệu euro để duy trì các hệ thống phân tích dữ liệu và sinh trắc học. Với 195 quốc gia thành viên tính đến năm 2022, tổng ngân sách Interpol vào năm 2022 là 195 triệu euro, trong đó 86 triệu euro là “đóng góp tự nguyện” – số tiền mà các quốc gia thành viên đóng góp để hỗ trợ một số dự án nhất định. Một trong những phàn nàn thường xuyên của Interpol là họ phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các thành viên. Ngoài đóng góp của các tập đoàn khổng lồ như Philip Morris hoặc những hiệp hội quốc tế như FIFA, Interpol vẫn phải nhờ đến các nhà tài trợ chính phủ, đặc biệt Liên minh châu Âu, nguồn đóng góp lớn nhất của Interpol.
Và cũng bởi vấn đề tài trợ, Interpol đã không ít lần mang tai mang tiếng. Tháng Ba 2017, Interpol nhận được 50 triệu euro từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Vài tháng sau, Thiếu tướng UAE Ahmed Nasser al-Raisi, người dính dáng loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền khi tra tấn những người bất đồng chính kiến tại nước của ông, lại được bầu vào ghế chủ tịch Interpol!
Interpol được thành lập ngày 7 Tháng Chín 1923 khi kết thúc Đại hội Cảnh sát Quốc tế kéo dài 5 ngày năm 1923 tại Vienna, với mục đích cung cấp hỗ trợ điều tra và giúp đào tạo cho các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới, tập trung vào ba lĩnh vực chính của tội phạm xuyên quốc gia: Khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm có tổ chức. Nhiệm vụ rộng rãi của Interpol bao gồm hầu hết mọi loại tội phạm, bao gồm tội ác chống lại loài người, khiêu dâm trẻ em, buôn bán và sản xuất ma túy, tham nhũng chính trị, vi phạm sở hữu trí tuệ… Cơ quan này cũng tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc gia thông qua cơ sở dữ liệu tội phạm và mạng lưới truyền thông.
Interpol không có lực lượng cảnh sát riêng, không có kho vũ khí và không có đội trực thăng bay vù vù trên mái nhà để săn bắt tội phạm. Quyền lực Interpol gần như hoàn toàn nằm ở thông tin được chia sẻ bởi các quốc gia thành viên. Trái với suy nghĩ nhiều người, bản thân Interpol không phải là cơ quan thực thi pháp luật. Tổ chức này được điều hành bởi một Đại hội đồng bao gồm tất cả các nước thành viên, bầu ra ủy ban điều hành và Chủ tịch (hiện là Ahmed Naser Al-Raisi của UAE như nói ở trên). Các hoạt động hàng ngày được thực hiện bởi Tổng thư ký, cùng khoảng 1,000 nhân viên từ hơn 100 quốc gia. Ban Thư ký được lãnh đạo bởi Tổng thư ký, hiện là Jürgen Stock, nguyên Phó Giám đốc Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức.
Interpol hoạt động bằng bốn ngôn ngữ: Tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Theo điều lệ, Interpol duy trì sự trung lập về mặt chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ và do đó bị cấm can thiệp hoặc tham gia hoạt động có tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc. Trong thực tế, hệ thống Thông báo Đỏ (Red Notice) – giúp cho biết một người đang bị một quốc gia thành viên truy nã nhưng không phải là lệnh bắt giữ – lâu nay đã bị chỉ trích rằng chúng có thể bị thao túng bởi chế độ độc tài khi họ truy lùng đối thủ chính trị của họ. Một báo cáo năm 2022 của Nghị viện châu Âu cho biết việc sử dụng Thông báo Đỏ vì mục đích chính trị là một “vấn đề dai dẳng” đối với Interpol, chẳng hạn vụ một đạo diễn opera Ukraine đã bị bắt ở Ý sau Thông báo Đỏ do (thành viên) Nga ban hành.
Một người Duy Ngô Nhĩ cũng đã bị giam ở Maroc trước khi lệnh Thông báo Đỏ của ông bị hủy bỏ, dù đương sự vẫn có nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc. Ngay thời điểm hiện tại, Interpol có tên trong một vụ kiện liên bang của Mỹ do một nhà hoạt động người Mỹ gốc Ai Cập đệ trình vào Tháng Bảy. Đương sự đã bị giam tại UAE bởi một Thông báo Đỏ của Interpol vào Tháng Mười Một 2022. Ben Keith, một luật sư nhân quyền, cho biết ông đã gặp hàng chục trường hợp phản đối việc phổ biến giả mạo và lạm dụng Thông báo Đỏ kể từ năm 2016, khoảng một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.
Mạnh Hoành Vĩ, cựu quan chức cảnh sát Trung Quốc, người trở thành Chủ tịch Interpol năm 2016, đã bị bắt trong chuyến công tác tới Trung Quốc vào năm 2018 và bị cáo buộc tham nhũng trong cuộc thanh trừng của Đảng Cộng sản. Vợ ông, người được tị nạn ở Pháp, vẫn giận dữ nói rằng thông báo đầu tiên của Interpol về sự biến mất của ông Mạnh là thông báo rằng ông… từ chức và có hiệu lực ngay lập tức. Cách “thông báo” này của Interpol chẳng khác gì họ là phát ngôn của Bắc Kinh (Tháng Giêng 2020, một tòa án tuyên bố Mạnh bị kết án 13 năm sáu tháng tù vì tội nhận hối lộ hơn $2 triệu). Vụ việc một lần nữa cho thấy Interpol ngày càng thiếu kiểm soát chính họ, nếu không muốn nói thẳng rằng họ hoàn toàn có thể được điều khiển từ một số quốc gia trong đó Trung Quốc và Nga.