ASEAN “sẽ đánh giá cao” sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc thực hiện “thỏa thuận năm điểm” mà hội nghị khẩn cấp ASEAN đề ra hồi tháng Tư nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Ngoại trưởng Indonesia cho biết.
Các ngoại trưởng 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại thành phố Trùng Khánh (Chongqing) hôm thứ Hai 07-06 để thảo luận về các vấn đề khu vực, gồm cả cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Myanmar sau vụ đảo chính quân sự.
Bộ trưởng Ngoại giao của quân đội Myanmar, Wunna Maung Lwin, cũng tham dự hội nghị Trùng Khánh.
Thỏa thuận 5 điểm mà ASEAN đã ký kết với Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, bao gồm việc chấm dứt bạo lực ngay lập tức; bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng để tìm ra một giải pháp hòa bình; một đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ làm trung gian trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, việc quân đội tiếp tục đàn áp những người biểu tình và tấn công các lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số có nghĩa là thỏa thuận đã không được thực hiện sau cuộc họp khẩn cấp tháng Tư tại Jakarta. Hơn 800 người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp quân sự nhằm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar kể từ khi quân đội nắm quyền kiểm soát sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng Hai.
Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein của Malayasia nhận định trên Twitter rằng việc thực hiện thỏa thuận đã “chậm một cách đáng kinh ngạc”. “Cộng đồng quốc tế đang chờ đợi hành động tiếp theo của ASEAN”, ông Hishammuddin nói và cho biết thứ trưởng của ông sẽ tham dự hội nghị Trùng Khánh.
Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, nói với các phóng viên trong một cuộc họp trực tuyến: “Nhiệm vụ hiện tại của ASEAN là thực hiện ngay lập tức thỏa thuận năm điểm. Việc Trung Quốc ủng hộ ASEAN sẽ được đánh giá cao, vì sẽ góp phần vào nỗ lực đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.”
Với Trung Quốc, hội nghị Trùng Khánh là cơ hội để thể hiện mong muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN. Bắc Kinh cho rằng ASEAN không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Myanmar, và hội nghị mang lại cơ hội khẳng định vai trò lãnh đạo của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc họp ASEAN-Trung Quốc không đề cập đến Myanmar.
ASEAN đã cử ông Erywan Pehin Yusof, Thứ trưởng Ngoại giao của Brunei – nước chủ tịch ASEAN năm 2021, và ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, đến làm việc tại Myanmar vào thứ Sáu và thứ Bảy tuần trước. Các đặc phái viên này đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả và kịp thời thỏa thuận năm điểm”, yêu cầu chấm dứt bạo lực ngay lập tức, cũng như kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Bảy nói rằng rằng Đại sứ Trung Quốc đã gặp nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing. Trung Quốc “hy vọng khôi phục hòa bình và ổn định sớm hơn ở Myanmar, và ủng hộ việc thực hiện thỏa thuận của ASEAN và Myanmar”, khẳng định Trung Quốc sẽ “tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong vấn đề này.”
Theo truyền thống, chính sách đối ngoại của ASEAN luôn tìm cách duy trì khoảng cách bình đẳng với các cường quốc trên thế giới. Nhưng sức hút của Trung Quốc đã tăng lên, và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của đa số các thành viên ASEAN.
Căng thẳng quân sự gia tăng làm ASEAN lo ngại về việc phụ thuộc quá mức vào nước láng giềng khổng lồ ở phía bắc. Mới tháng trước, Malaysia đã mạnh mẽ phản đối Trung Quốc cho máy bay quân sự bay vào không phận Malaysia.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã quyết định tăng cường quan hệ với khối Đông Nam Á. Hồi tháng Ba, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác, hay Quad – một nhóm bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc – đã đồng ý cung cấp vaccine COVID-19 cho ASEAN.