Ba thập niên tiếp cận với dân chủ tiêu tan trong một ngày

Khu ổ chuột ngay sau lưng Kremlin, 1990 (ảnh: Peter Turnley/Corbis/VCG via Getty Images)

Một nhà báo phương Tây cảm thán: “Sau hơn ba mươi năm ở nước Nga từ ngày dân chủ khai hoa, tôi đã phải ra đi trong nỗi buồn. Một người đàn ông tên Putin đã dập tắt hy vọng tươi sáng mà nhiều người Nga từng nhận thấy! Tôi rời Moscow trong giận dữ, giống như bước từ bóng tối ra ánh sáng, bỏ lại phía sau những người bạn bị mắc kẹt tại một đất nước không thấy đâu là đường hầm”…

Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ hủy diệt Ukraine, mà còn đẩy người Nga vào tình trạng cô lập mà họ không đáng phải chịu như thế. Một số người từng tin tổng thống Nga như một “tín đồ ngoan đạo” khi ông ta nói sẽ không xâm lược Ukraine. Giờ đây, niềm tin đó đã bị hạ gục. Putin sẽ làm tất cả để đạt được mục đích, dù có phải sử dụng những biện pháp dã man như thời Trung cổ. Điều khiến những hành động của Putin trở nên “đáng sợ” hơn là cách ông ta “thiết kế” âm mưu. Putin đã bỏ ra nhiều năm để tìm cách “sáng tạo” những câu chuyện bịa đặt sao cho người dân Nga thấy như thật về “một đế chế đáng ra phải rất hùng mạnh” của mình.

Ông ta than thở không được NATO tôn trọng khi liên minh quân sự này không chịu rút quân về đường ranh năm 1997 và cam kết không kết nạp Ukraine làm thành viên. Người dân Nga phải hiểu Putin không có lỗi mà là lỗi của phương Tây! Nhưng nếu Putin cứ khư khư tin rằng (hay giả vờ tin) an ninh nước Nga đang bị đe dọa và thế giới phương Tây hiện đại quyết tâm chống lại Nga, thì ông ta chưa bao giờ hiểu những động lực đang thay đổi của thế kỷ 21. Đó là tự do và dân chủ.

Năm 1990 sau khi bức màn sắt Bức tường Berlin sụp đổ, Đông và Tây thôi chia cắt, nước Đức thống nhất, thủ đô Bucharest của Romania trông giống như ngày hội khi Tổng thống độc tài Nicolae Ceaușescu bị phế truất. Lúc đó, tại Moscow, một gói thuốc lá Marlboro của Mỹ mua được một cuốc taxi, một gói nữa trả tiền cắt tóc. Moscow bắt đầu làm quen với thế giới khác; văn phòng của CNN có đường dây điện thoại vệ tinh kết nối trực tiếp với tổng đài Atlanta của hãng.

Trong những ngày Hè dài rực rỡ đó, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cho phép một kênh phương Tây dựng sân khấu trên Quảng trường Đỏ ở trung tâm thủ đô nước Nga để giới thiệu với công chúng Nga. CNN là phương tiện truyền thông phương Tây đầu tiên phát sóng trực tiếp cuộc diễn hành quân sự cách lăng Lenin chỉ vài mét dưới chiếc bóng của những bức tường gạch Điện Kremlin, và là nhân chứng cho Đại hội đảng Cộng sản cuối cùng của Liên Xô.

Chợ trời Moscow 1990 (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Lúc đó, thế giới đang thay đổi, Chiến tranh Lạnh kết thúc, những chân trời mới thú vị vẫy gọi và một thế hệ người Nga sắp được nếm trải những quyền tự do mà họ khao khát. Bảy năm sau, khi Gorbachev (người không lâu sau đó bị lật đổ trong một cuộc đảo chính thành công của Boris Yeltsin) leo lên một chiếc thang sắt ọp ẹp để đến một sân khấu truyền hình trực tiếp đặt trên nóc một khách sạn phương Tây mới và sang trọng, cũng là lúc cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên diễn ra tại Liên Xô. Dân chủ dường như đã trong tầm tay.

Đất nước trên đà phát triển, với những cơ hội to lớn được tạo ra. Các tài phiệt mới đua nhau nổi lên khi những kẻ “điều khiển cuộc chơi” trở thành những tên trộm, và các trùm KGB trở thành những tên mafia thâu tóm tài sản nhà nước. Tất cả tạo điều kiện cho Vladimir Putin, một Đại tá KGB lão luyện tham gia chính trường. Rồi trong những phút cuối của thế kỷ 20, Putin đã loại Yeltsin đau yếu vì mổ tim khỏi hàng ngũ tham nhũng ở Điện Kremlin để lên làm Tổng thống Nga. Đổi lại, Yeltsin, người từng chật vật với các cáo buộc tham nhũng, được miễn truy tố trong một cuộc chuyển giao quyền lực được khoác chiếc áo mỹ miều: Chọn người kế vị!

Thời gian đầu Putin nắm quyền, tức đầu thiên niên kỷ 21, đã có tia sáng báo hiệu nước Nga có một nhà lãnh đạo “hiện đại và đổi mới”, nhưng tia sáng này không tồn tại lâu. Với đam mê quyền lực không giới hạn và tốt nghiệp khoa sử, ông ta nhanh chóng nghiên cứu, thêm thắt “chủ nghĩa dân tộc Nga”, ôm ấp hoài niệm đế quốc và phục hồi tính bảo thủ của Nhà thờ Chính thống Nga. Không có điều nào trong “hệ tư tưởng Putin” được thực hiện để làm cho nước Nga tốt hơn, đáng sống hơn mà chúng chỉ đơn thuần là các cớ giúp Putin cai trị dễ hơn và cầm quyền lâu hơn. Ông ta nhanh chóng xóa bỏ các dấu vết tự do-dân chủ mới manh nha. Trong đầu Putin, sự tan rã của Liên Xô là một “quốc nạn và là một thảm họa phải sửa chữa”. Dù lên nắm quyền với cam kết xóa bỏ tham nhũng, nhưng trên thực tế, tham nhũng chỉ chuyển hướng sang lợi ích nhóm và “cánh hẩu” dưới quyền Putin.

Moscow Tháng Mười Hai 1990 – Askar Akaev, Boris Yeltsin, Michael Gorbachev (ảnh: Vladimir Bogdanov/FotoSoyuz/Getty Images)

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin làm nhớ lại những gì Hitler và Đức Quốc xã đã làm trong hai thập niên 1930, 1940. Putin có trong tay những sắc lệnh chính phủ hay luật lệ do Duma (Quốc hội Nga) thông qua buộc cấp dưới và người dân phải tuân theo tuyệt đối mệnh lệnh của ông ta. Bộ máy nhà nước được Putin xây dựng sao cho vừa “ngoan ngoãn chấp hành” vừa đồng lõa với những kế hoạch của tổng thống.

Không phải mọi người đều mù quáng tin Putin là đúng hay sùng bái ông ta. Tại Moscow, thỉnh thoảng lại xuất hiện những chiếc xe cảnh sát hú còi inh ỏi áp tải những chiếc xe buýt chở đầy người biểu tình đến nhà giam. Cảnh sát chống bạo động luôn trong tư thế sẵn sàng thi hành lệnh của Putin, bóp chết bất kỳ mối đồng cảm nào dành cho Ukraine. Trên khắp nước Nga, hơn 1,000 người biểu tình bị bắt mỗi ngày trong tuần đầu tiên của cuộc chiến. Già, trẻ, đàn ông và phụ nữ đều bị ép chặt, hai tay bẻ quặt ra sau, mặt gục xuống sàn, chân bị đá bởi một cỗ máy được đào tạo bài bản, được trả lương cao để đàn áp.

Các phương tiện truyền thông độc lập rơi vào hoàn cảnh thoi thóp kể từ khi cơ quan an ninh Nga bị cáo buộc đầu độc lãnh đạo đối lập Alexey Navalny gần hai năm trước. Họ bị luật truyền thông mới khắc nghiệt bịt miệng và có thể ngồi tù đến 15 năm nếu bị qui tội không yêu nước. Cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin ở Ukraine chỉ là lập lại các cuộc chiến trước đây của ông ta: Syria, Chechnya và Georgia. Khi chứng kiến ​​tất cả trí tuệ dồi dào của nước Nga bị bóp nghẹt bởi một con người và đồng bọn đang phá hủy, câu hỏi mà thế giới phải đối mặt là “Làm sao chỉ rõ sự khác biệt giữa cuộc chiến của Putin và cuộc chiến của nước Nga?”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: