Chiến Tranh là Hòa Bình
Tự Do là Nô Lệ
Ngu Dốt là Sức Mạnh
War is Peace, Freedom is Slavery, Ignorance is Strength
(1984, George Orwell)
Không còn những lời lẽ ngoại giao bặt thiệp hay né tránh, thông điệp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 10 Tháng Ba 2023 rõ ràng là một lời đe dọa và tuyên bố tình trạng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tần Cương, tân Ngoại trưởng Trung Quốc, đã cao giọng:
Nếu Hoa Kỳ không đạp phanh mà tiếp tục đi sai đường thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn cản việc trật bánh và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột và đối đầu… Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện việc ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện Trung Quốc, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của quốc gia chúng ta.
Tập Cận Bình, người đã bước ra khỏi cái bóng Mao Trạch Đông, trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước lần thứ ba, sau cuộc họp mang tính nghi thức của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vừa qua, đã hối thúc:
Lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải nhanh chóng nâng cấp lực lượng vũ trang lên các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. Trung Quốc phải tối đa hóa khả năng chiến lược quốc gia của mình trong nỗ lực nâng cấp một cách có hệ thống sức mạnh tổng thể của đất nước để đối phó với rủi ro chiến lược, bảo vệ lợi ích chiến lược và thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Thế đối đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không ngừng gia tăng căng thẳng nhiều năm qua. Các nhà nghiên cứu chính trị, quân sự quốc tế nói về “bẫy Thucydides” và một cuộc chiến tranh ủy nhiệm hoặc thậm chí là đụng độ trực tiếp giữa hai đại cường ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông dường như đã rất gần. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine dường như càng thúc đẩy nhanh hơn cỗ xe của thần Ares lao đến Đông Á. Trong hơn một năm quan sát cuộc chiến Nga-Ukraine, hẳn Tập Cận Bình và nội các chiến tranh của ông ta đã rút ra nhiều bài học về chiến thuật lẫn chiến lược trong các thế cờ của Tây Phương.
Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine về nhiều phương diện. Chỉ một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến, Trung Quốc đã thâu tóm những phần bánh béo bở nhất thị trường nội địa Nga. Theo dữ liệu từ Counterpoint, các công ty Trung Quốc đã gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường điện thoại thông minh tại Nga, với 95% thị phần.
Đối với thị trường xe hơi, theo RIA Novosti, năm 2022, lượng xe hơi lớn nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc, với hơn 117,000 xe, tăng gần 40% so với năm trước đó. Tổng doanh số xe hơi Trung Quốc ở Nga lên đến 19.2%, qua mặt những hãng xe Tây Phương đã cắm rễ nhiều thập niên ở thị trường này. Việc các thương hiệu lớn Tây Phương rút đi đã tặng cho những doanh nghiệp Trung Quốc cơ hội ngàn năm có một.
Không chỉ hàng dân dụng. Khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga phát huy tác dụng, nguồn linh kiện cho công nghiệp quốc phòng như mainboard, chip, màn hình LCD, kính viễn vọng hồng ngoại, thiết bị GPS, máy laser, camera phân giải cao… nhanh chóng cạn kiệt. Mức độ tiêu hao khủng khiếp trên chiến trường Ukraine khiến nhu cầu về mọi thứ từ vòng bi xe lửa, lốp xe tải, đạn pháo và súng bộ binh… cũng thiếu hụt nghiêm trọng.
Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến Iran, Trung Quốc, thậm chí cả Triều Tiên – những quốc gia luôn bị cho là ở “chiếu dưới”, để tìm nguồn cung thay thế. Nga bắt đầu phụ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết về mọi mặt. Hẳn Putin phải nhượng bộ và đánh đổi nhiều bí mật quân sự, tài nguyên và thị trường, bán rẻ khí đốt, dầu thô cho Trung Quốc để đổi lại nguồn cung cấp quân nhu, vũ khí, đạn dược.
Trung Quốc cùng với Nga luôn song hành ở thế đối lập với phương Tây sau Chiến tranh Lạnh. Cặp tình nhân dị hợm này vừa là “đồng chí”, khi từng chia xẻ chung ý thức hệ Marxism và giờ đây gắn bó nhau bởi các lợi ích thực dụng của hai đế quốc; nhưng cũng vừa là cựu thù dai dẳng trong suốt tiến trình lịch sử từ Trung cổ tới cận đại. Cả hai đều hiểu rõ nhau, đều nghi ngờ và căm ghét nhau, nhưng đều cần nhau cho các mục đích riêng. Không ít lần họ cùng song ca khi biến diễn đàn lớn nhất thế giới LHQ thành sân khấu của những diễn viên độc tài, biến các tổ chức như Hội đồng Nhân Quyền, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… trở thành những chi bộ của Trung Quốc cộng sản đảng.
Trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, Putin và Tập đã qua lại với nhau với tần suất nhiều hơn cả một cặp tình nhân và trao cho nhau những lời chúc phúc thắm thiết cho sự nghiệp “vinh quang bốn lần”. Cả hai đều tuyên bố quan hệ Trung-Nga là “không có giới hạn” và ủng hộ nhiệt thành các “lợi ích cốt lõi” của mỗi bên. Nói cách khác, Nga ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề đàn áp nhân quyền nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, về “chủ quyền” “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, đàn áp phong trào dân chủ ở Hong Kong và cả chủ trương thống nhất Đài Loan. Đổi lại, Trung Quốc ủng hộ Nga trong các cuộc chiến ở Crimea, Syria, xâm lược toàn diện Ukraine…
Trong quá khứ, cuộc đối đầu giữa hai đế quốc lục địa này từng là tâm điểm của Chiến Tranh Lạnh. Trung Quốc chưa bao giờ thôi nuối tiếc những vùng đất rộng lớn, giàu có tài nguyên ở Viễn Đông và một phần diện tích từng thuộc về Mãn Châu đã mất vào tay Nga dưới triều đại nhà Thanh. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng khó có thể quên “mối nhục 100 năm” và những gì người Nga đã làm với mình.
Năm 1935, đế quốc Đỏ Soviet đã gần như biến tỉnh Tân Cương phía Tây của Trung Quốc thành vệ tinh của họ. Cả hai từng nhiều lần triển khai hàng triệu quân dọc theo đường biên giới chung và đe dọa nhau bằng cả vũ khí hạt nhân. Vậy cớ làm sao Putin có thể tin rằng Tập Cận Bình sẽ che lưng cho ông ta và là một đồng minh đáng tin cậy? Hay nói như kiểu Việt Nam là làm thế nào mà Tập có thể xúi Putin “ăn cứt gà” khi mà mối quan hệ Trung- Nga có cả một lịch sử lâu dài là đại địch của nhau?
So sánh về phong cách lãnh đạo, Putin và Tập là hai hình ảnh trái ngược. Trong khi giới tinh hoa thế giới đánh giá Tập là một chính trị gia cáo già đầy mưu mô thì Putin là tay võ biền, dù nham hiểm và thông minh, nhưng thích thể hiện bằng lời nói và hấp tấp trong hành động. Putin thích trích dẫn, cố diễn giải các quyết định chính trị dưới “góc nhìn văn hóa” của một sử gia.
Các bài diễn thuyết dài lê thê của ông ta thường xuyên phủ kín sóng truyền hình, nơi ông ta phô diễn khả năng hùng biện với lối lập ngôn dữ dội mang màu sắc mị dân. Trong hành động, Putin thích sử dụng nắm đấm, thích đe dọa “tắm máu”, và thường xuyên dùng chiến thuật “tống tiền”. Và cũng chính bởi yếu tố đó, Tập đã quỷ quyệt vuốt ve Putin để mượn tay Putin làm cho nước Nga suy yếu.
Trung Quốc có chiến thuật cổ xưa áp dụng cho các chính sách ngoại giao: Lấy “phiên” đánh “phiên” và “Ngũ bả”. Tự nhận là “trung tâm thế giới” và Hoàng đế là đấng Thiên Tử, Trung Quốc tự hào với nền văn minh ngàn năm và coi các quốc gia khác là “phiên”.
Các hoàng đế Trung Hoa khuất phục các “phiên” bằng “dây cương buông lỏng” và “dùng phiên trị phiên”, mua chuộc sự thần phục của các thủ lãnh “phiên” bằng sự giàu có, tráng lệ, hùng mạnh của “vương quốc trung tâm”. Ngày nay, lý thuyết và những thủ đoạn này vẫn hữu dụng và được các lãnh đạo Trung Quốc triệt để thi hành. “Cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Trung Quốc đã mua chuộc, thao túng các chính trị gia, các đảng phái, tổ chức chính trị lẫn phi chính phủ, giới truyền thông, giải trí trên thế giới để chiếm ưu thế trong mọi lĩnh vực.
Ban cho họ quần áo sặc sỡ và xe ngựa để làm mắt họ mù. Ban cho họ đồ ăn ngon để miệng họ câm. Ban cho họ âm nhạc và phụ nữ đẹp để làm tai họ điếc. Cung cấp các tòa nhà uy nghi, tráng lệ, các kho thóc và nô lệ để làm dạ dày họ no nê. Đối với những ai đến xin hàng, Hoàng đế ban ơn cho họ và mời họ dự tiệc tiếp đãi của triều đình. Tại đó, Hoàng đế phải đích thân mời họ rượu ngon, đồ ăn hấp dẫn để làm tâm trí họ lú lẫn. Đây gọi là “ngũ bả” (năm mồi nhử).
Cùng chiến thuật “phiên” đánh “phiên”, Trung Quốc còn áp dụng nghệ thuật cờ vây trong đối ngoại. Đó là một chiến lược bao vây toàn diện, dồn ép để triệt hạ đối thủ. Trên bàn cờ, mỗi bên sở hữu 180 quân cờ có giá trị tương đương nhau và có thể bắt đầu trên bất cứ điểm nào trên bàn cờ lưới 19×19. Trên bàn cờ, có thể cùng lúc có nhiều trận chiến, cán cân thay đổi liên tục với từng bước đi; và khi kết thúc, điểm biên lợi thế có thể rất nhỏ mà người chơi nghiệp dư khó lòng nhìn ra.
Kịch bản hoàn hảo nhất đối với Trung Quốc là một nước Nga suy yếu đủ để Bắc Kinh dễ dàng thao túng, nhưng không đến mức sụp đổ và rơi vào hỗn loạn. Với Bắc Kinh, giờ đây Putin vẫn còn giá trị sử dụng lớn, đặc biệt trong chiến thuật dùng phiên đánh phiên. Nga ngày càng kiệt quệ trong khi Tập thong thả nhấm trà và cân nhắc thế đánh kế tiếp trên bàn cờ vây.
Với sự vượt trội về kinh tế, dân số, được hậu thuẫn sức mạnh quân sự, Trung Quốc sẽ làm chủ từ Trung Á cho đến Viễn Đông, từ Biển Đông cho đến Thái Bình Dương. Trung Quốc còn nắm một thứ vũ khí vô hình đáng sợ: Một cộng đồng Hoa kiều đông đảo trải khắp các lục địa, với sức mạnh kinh tài cũng như sự đoàn kết đặc sệt văn hóa Trung Hoa.
Cuối cùng, với sự suy yếu của Nga, Trung Quốc sẽ lấn sâu vào vùng trung tâm theo sơ đồ của lý thuyết gia Halford Mackinder (1861-1947; người được xem là cha đẻ của học thuyết địa chính trị), lấy lại vùng Viễn Đông mà Nga đã gần như bỏ rơi nhiều thập niên sau sự sụp đổ của liên bang Soviet.
Qua thời gian, Trung Quốc sẽ thực sự là chủ nhân của đại lục địa Á – Âu với những vùng ngoại vi mở rộng bao trùm Trung Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cùng với bán đảo Đông Dương. Với một cái đầu tham vọng như Tập Cận Bình, kẻ đã từ bỏ di sản chiến lược “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, ông muốn thấy “giấc mộng Trung Hoa” trở thành hiện thực ngay trong thời gian ông ta còn tại vị.
Với Tập, “không có gì là không thể”. Chính sách Zero Covid của ông ta rõ ràng mang tính tập quyền và bất chấp hậu quả. Nội các mới trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập là một cỗ máy chiến tranh trong đó mọi người, từ “tể tướng” đến các quan lớn nhỏ trong triều đình, đều tôn kính uy quyền “Thiên tử” của Tập một cách tuyệt đối. Chính bởi vậy, dù là một chính trị gia đầy mưu mô, Tập rồi cuối cùng có thể sẽ mắc kẹt trong “echo chamber” với những cuồng vọng hoang tưởng thống trị thế giới. Vào một ngày đẹp trời nào đó, khi thời tiết eo biển Đài Loan thuận lợi cho một cuộc đổ bộ, tiếng gầm của đại pháo sẽ vang lên rung chuyển thế giới?
“Tôi hy vọng là tôi sai, nhưng cảm nghĩ của tôi mách bảo rằng chúng ta sẽ tham chiến vào năm 2025”, tướng Mike Minihan, một trong những lãnh đạo của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã viết như vậy trong bản ghi nhớ ngày 1 Tháng Hai 2023.
Với Sa hoàng Putin và Hoàng đế Tập, đường vinh quang dường như nhất thiết phải luôn được “xây xác quân thù”! Với những kẻ như Tập và Putin, trong dòng chảy văn minh nhân loại, cỗ xe của thần Chiến tranh Ares phải lăn bánh, nghiền nát thế giới cũ và để hình thành nên “trật tự thế giới mới”, vì – như George Orwell đã mỉa mai bằng khẩu hiệu của đế chế hư cấu trong tác phẩm “1984” của ông – rằng: “Chiến Tranh là Hòa Bình. Tự Do là Nô Lệ. Ngu Dốt là Sức Mạnh”.
Tuy nhiên, biết đâu chừng, chiến tranh cũng lại là con đường ngắn nhất dẫn đến Hòa Bình cho Đông Á và là cơ hội cho những quốc gia dũng cảm được thoát thai, tái sinh và rũ bỏ những ràng buộc lịch sử? Chẳng phải chúng ta đang thấy điều đó ở Ukraine đó sao?