Con cái của nhà độc tài bị lật đổ Ferdinand Marcos và nhà độc tài đương nhiệm Rodrigo Duterte đang dẫn đầu cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines hôm Thứ Hai 9 Tháng Năm 2022 với cách biệt rất lớn, gây thất vọng và lo ngại cho giới hoạt động vì dân chủ và nhân quyền ở đảo quốc Đông Nam Á.
Với 80% số phiếu bầu đã được kiểm, ông Ferdinand Marcos Jr., tên thân mật là Bongbong, con trai và người thừa kế tên tuổi của nhà độc tài bị lật đổ Ferdinand Marcos Sr., giành được 25.9 triệu phiếu, hơn gấp đôi số phiếu 12.3 triệu của ứng cử viên gần nhất, Phó tổng thống đương nhiệm Leni Robredo, một nhà đấu tranh cho nhân quyền. Trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Leni Robredo đã giành chiến thắng khi cạnh tranh với ông Marcos Jr. vào chức vụ phó tổng thống.
Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 30 Tháng Sáu 2022 với một nhiệm kỳ duy nhất dài sáu năm, lãnh đạo của một quốc gia Đông Nam Á có hiệp ước an ninh chung với Hoa Kỳ nhưng ngày càng thân thiện với Trung Quốc.
Về đối nội, tổng thống mới của Philippines sẽ tiếp quản một nền kinh tế sa sút, nghèo đói và chia rẽ sâu sắc sau hai năm đóng cửa để kiểm soát đại dịch COVID-19, thất nghiệp lan rộng và các cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập niên của người Hồi Giáo và cộng sản chống lại chính quyền trung ương và đòi ly khai. Tân tổng thống cũng phải xử lý yêu cầu truy tố Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte – người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra vì chiến dịch chống ma túy của ông đã gây ra hàng nghìn vụ giết người không qua xét xử.
Con gái của ông Duterte, bà Sara Duterte, hiện là Thị trưởng thành phố Davao ở miền Nam, là ứng cử viên phó tổng thống liên kết với ông Marcos Jr. trong một liên minh con cái của hai nhà lãnh đạo độc tài. Mối liên kết này kết hợp thế lực chính trị của gia tộc Marcos ở miền Bắc với thế lực của gia tộc Duterte ở miền Nam, là yếu tố quan trọng dẫn tới số phiếu áp đảo của hai người này trong cuộc bầu cử hôm nay 9 Tháng Năm. Theo kết quả 80% số phiếu được kiểm đếm, bà Sara Duterte cũng dẫn đầu với 25.8 triệu phiếu. Ở Philippines, tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng.
***
Nhưng thắng lợi của hai gia tộc chính trị độc tài khét tiếng này đang gậy lo ngại sâu sắc cho giới hoạt động dân chủ và nhân quyền của đảo quốc Philippines.
Cựu tổng thống Ferdinand Marcos Sr. (1917-1989) là người đã lãnh đạo Philippines 21 năm cho đến khi bị lật đổ trong cuộc biểu tình khổng lồ Sức Mạnh Nhân Dân (People’s Power) năm 1986 và phải lưu vong sang Hawaii. Chế độ của ông Marcos Sr. là hình mẫu của một chính thể độc tài, chuyên chế và cướp bóc (kleptocracy), trong đó gia đình ông và tay chân đã biển thủ nhiều tỷ đô la tài sản quốc gia, sống xa hoa trong lúc người dân nghèo khó, đồng thời đàn áp dã man những tiếng nói đối lập bằng việc thực thi thiết quân luật kéo dài suốt 14 năm.
Rodrigo Duterte, Tổng thống đương nhiệm, cũng là một nhà độc tài khét tiếng, sử dụng lực lượng an ninh để đàn áp và gieo rắc nỗi lo sợ trong toàn xã hội thông qua cái gọi là chiến dịch bài trừ ma túy. Ông Duterte cũng là người công khai thù địch với Hoa Kỳ. Ông chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống sáu năm vừa qua dù ông đã vài lần đi thăm Trung Quốc, tuyên bố tổ tiên mình là người Tàu và bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế về Luật Biển ủng hộ Philippines trong tranh chấp Biển Đông.
Thắng lợi của Ferdinand Marcos Jr. và Sara Duterte được coi là sự quay ngược của lịch sử đảo quốc và người ta lo sợ sự tái diễn chế độ độc tài của cha họ. Myles Sanchez, một nhân viên hoạt động nhân quyền 42 tuổi, nói với hãng tin AP: “Lịch sử có thể lặp lại nếu họ giành chiến thắng. Có thể sẽ có thiết quân luật và những vụ giết người nghiện ma túy như đã xảy ra dưới thời cha mẹ họ.”
***
Trong một tuyên bố video vào đêm muộn, Marcos Jr. không tuyên bố chiến thắng nhưng cảm ơn những người ủng hộ đã đồng hành cùng ông ta và kêu gọi họ giữ bình tĩnh cho đến khi việc kiểm phiếu hoàn tất.
Các quan chức cho biết cuộc bầu cử diễn ra tương đối hòa bình mặc dù có nhiều vụ bạo lực ở miền Nam. Hàng nghìn cảnh sát và quân nhân đã được triển khai để bảo vệ các khu vực bầu cử, đặc biệt là ở các vùng nông thôn có lịch sử đối đầu chính trị bạo lực.
Ngoài chức vụ tổng thống, hôm 9 Tháng Năm, cử tri Philippines còn bầu hơn 18,000 chức vụ trong chính phủ, bao gồm một nửa của thượng viện gồm 24 thành viên, hơn 300 ghế ở hạ viện, cũng như các văn phòng cấp tỉnh và địa phương trên quần đảo hơn 109 triệu người Philippines. Hơn 67 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu, trong đó có khoảng 1.6 triệu người Philippines ở nước ngoài.
Nhà báo Maria Ressa – nhà sáng lập và điều hành báo Rappler, người Philippines đầu tiên được Giải Nobel Hòa Bình vào năm ngoái – cho rằng: “Cuộc bầu cử sẽ quyết định không chỉ tương lai mà cả quá khứ của chúng tôi. Cuộc chiến đấu của người dân chống lại quyền lực cũng là cuộc chiến của trí nhớ chống lại sự lãng quên”. Theo bà Ressa, cuộc bầu cử còn là hình mẫu của cuộc chiến toàn cầu giữa sự thật và tuyên truyền dối trá. “Nếu sự thật không thắng được, chúng ta sẽ có một lịch sử hoàn toàn mới,” bà nói, ám chỉ các ứng viên Marcos Jr. và Sara Duterte đã sử dụng các câu chuyện xuyên tạc và sức mạnh của mạng xã hội để xuyên tạc lịch sử, “gột rửa” cho chế độ cầm quyền chuyên chế và tàn ác của cha họ trong đầu óc của giới trẻ Philippines.
Nhưng với kết quả thắng lợi thuộc về Marcos Jr. và Sara Duterte, xem ra sự lãng quên và dối trá đã chiến thắng.
Đọc thêm: