Ở Nhật Bản và Hàn Quốc có hai từ “karoshi” và “gwarosa” đều mang ý nghĩa “chết vì làm việc quá sức” – hiện tượng gây ra nhiều bị kịch trong xã hội đương đại.
“Karoshi”
Những trang cuối trong nhật ký của giáo viên Yoshio Kudo, người đã chết vì làm việc quá sức, đều than thở về giờ giấc làm việc. Thầy giáo cấp hai nói rõ sự mệt mỏi vì những ngày làm việc dài đằng đẵng, từ sáng sớm cho đến gần nửa đêm, không có thời gian nghỉ ngơi.
Ở Nhật Bản, giáo viên có số giờ làm việc dài nhất thế giới, họ phải gánh vác nhiều nhiệm vụ, từ dọn vệ sinh tới giám sát học sinh ở các câu lạc bộ sau giờ học. Vì thế, thầy giáo Kudo không phải ngoại lệ.
Theo khảo sát năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo viên trung học ở Nhật Bản làm việc 56 giờ một tuần, so với mức trung bình 38 giờ ở đa số các nước phát triển. Con số này vẫn chưa tính đến thời gian làm overtime (làm quá giờ quy định). Một cuộc thăm dò do tổ chức tư vấn hợp tác với công đoàn cho thấy giáo viên Nhật Bản làm thêm trung bình 123 giờ mỗi tháng, khiến khối lượng công việc hàng tuần của họ vượt xa con số 80 giờ, ngưỡng “karoshi” – chết vì làm việc quá sức.
Chính quyền Nhật Bản đang thực hiện một số bước cải cách như thuê thêm giáo viên bên ngoài và số hóa nhiệm vụ. Dữ liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy số giờ làm thêm đang giảm, nhưng các chuyên gia nhận định có rất ít thay đổi về cơ bản. Từ công việc giấy tờ cho tới nhiệm vụ như phát bữa trưa, hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh, giám sát học sinh đi học và về nhà, giáo viên Nhật Bản “đang trở thành người vạn năng”, theo Masatoshi Senoo, cố vấn quản lý trường học.
“Được chỉ định làm giáo viên giám sát chính của một câu lạc bộ, nghĩa là bạn sẽ không biết ‘weekend’ là gì nữa,” Takeshi Nishimoto, 34 tuổi, giáo viên lịch sử một trường cấp ba ở Osaka, nói. Hồi Tháng Sáu, Nishimoto thắng kiện đòi bồi thường căng thẳng do làm việc quá sức. Anh đệ đơn kiện sau khi bị suy nhược thần kinh khi được chỉ định làm người giám sát câu lạc bộ bóng bầu dục và làm việc ngoài giờ 144 tiếng một tháng.
Giới giáo viên Nhật Bản cho biết họ đã tới điểm cực hạn. Một số người cố gắng thay đổi vấn đề này bằng các vụ kiện. Năm nay, đảng cầm quyền Nhật Bản thành lập một nhóm chuyên trách để nghiên cứu. Nhưng mọi chuyện quá muộn với Kudo, người qua đời vì xuất huyết não, khi mới 40 tuổi. Theo điều tra của báo Minichi, từ năm 2006 tới 2016, có 63 giáo viên trường công chết vì làm việc quá sức. Nhưng ông Kudo không được công nhận chết vì “karoshi” do thiếu hồ sơ về số giờ làm việc. Vợ ông, và Sachiko từng là giáo viên, bây giờ, đang đứng đầu một nhóm chống “karoshi” ở miền trung Nhật Bản. “Tôi cảm thấy đang cùng chồng đấu tranh để thực hiện di nguyện của anh ấy, thay đổi thói quen làm việc của giáo viên,” bà tâm sự.
“Gwarosa”
Chae Soo-hong làm việc cho một đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên về jangjorim – món thịt heo Hàn Quốc nấu trong nước tương nổi tiếng. Nhiệm vụ của anh là bảo đảm quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn và đúng thời hạn. Trong tuần, anh tới các nhà máy thuộc công ty và giám sát sản xuất. Các ngày thứ bảy, anh tới văn phòng làm công việc hành chính. Ngay cả khi đã về nhà, công việc vẫn chưa kết thúc, anh thường xuyên dành thời gian buổi tối gọi điện hỏi han công nhân nhà máy. Đa số họ là lao động nhập cư người nước ngoài cần giúp đỡ để thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc. Công việc ngày càng chồng chất, Chae càng phải làm nhiều hơn, mệt mỏi tới mức hầu hết thời gian ở nhà của anh dành để ngủ. Chae qua đời vào một tối Thứ Bảy cách đây năm năm.
Đồng nghiệp của Chae tìm thấy anh đột quỵ ở văn phòng. Tới giờ, nguyên nhân anh đột quỵ vẫn chưa thể xác định. Chae chỉ là một trong số hàng trăm người chết vì làm việc quá sức, gọi là “gwarosa”, ở Hàn Quốc.
Làm quá giờ, quá sức và không kêu ca, trở thành văn hóa công sở tại Hàn Quốc, khiến người ta coi là điều hiển nhiên, như trường hợp của Chae Soo-hong. Chính phủ Hàn Quốc ra quy định giảm số giờ làm việc tối đa từ 68/tuần xuống 40/tuần và số giờ làm thêm không quá 12.
Nhưng nỗi đau của những gia đình phải trả giá vì có người thân chết do “gwarosa” vẫn tiếp diễn, cùng với cuộc chiến đòi bồi thường hết sức vất vả. Cơ quan Bồi thường và Phúc lợi Lao động Hàn Quốc (COMWEL), một đơn vị chính phủ, yêu cầu gia đình Chae chứng minh anh chết khi đang làm việc. Nhưng điều này rất khó, vì anh thường rời nhà vào 7 giờ sáng, và trở về khi trời tối mịt, 10 giờ đêm, nhưng trong hợp đồng lao động không ghi rõ thời gian làm việc.
Trong khi Hàn Quốc không có luật riêng cho các trường hợp “gwarosa”, COMWEL lại quy định những ca tử vong do đột quỵ hoặc đau tim vì làm việc quá 60 giờ một tuần liên tục trong ba tháng đủ điều kiện nhận bồi thường. Số tiền bồi thường từ quỹ của COMWEL có thể giúp các gia đình mất đi trụ cột kinh tế tiếp tục cuộc sống. Dù không có bằng chứng việc chồng làm thêm giờ vào Thứ Bảy, nhưng gia đình anh vẫn chứng minh được, Chae chết vì làm việc hơn 180 giờ một tuần. Đó là một trong số ít trường hợp may mắn đủ điều kiện để đòi bồi thường từ COMWEL.
Một tháng sau khi Chae qua đời, một nhóm người trong đó có vợ của Chae tập trung tại một phòng học nhỏ gần Noryangjin, cạnh chợ cá lớn nhất Seoul. Họ có điểm chung là mất đi một thành viên trong gia đình, có thể là chồng hoặc bố, vì làm việc quá sức. Kang Min-jung là người sáng lập nhóm sau khi chú của cô, người nuôi nấng Kang từ nhỏ, chết vì “gwarosa”.
“Khi chú mất, tôi tự hỏi nguyên nhân. Tại sao ông phải làm việc nhiều như thế. Tôi quyết định sang Nhật Bản nghiên cứu về hiện tượng chết do làm việc quá sức,” Kang nói. Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu hiện tượng này từ những năm 1980. Khi quay về Hàn Quốc, Kang bắt đầu tổ chức họp mặt những gia đình có người thân chết vì làm việc kiệt sức. Việc này không dễ dàng, chỉ có ba người tới trong buổi gặp đầu tiên. Nhiều người Hàn Quốc không ý thức được tình trạng gwarosa, cũng như có thể nhận bồi thường theo luật lao động. Thiếu kiến thức về gwarosa xảy ra ở những người có nhiều nguy cơ chết vì làm việc nhất như Chae.
Trong số 36 quốc gia là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người lao động Hàn Quốc có số giờ làm việc trung bình một tuần nhiều thứ hai chỉ sau Mexico, nhiều hơn gần 50% so với Đức, nhưng hiệu quả lại thấp. Kim Woo-tark, luật sư chuyên về luật lao động, thường xuyên giúp đỡ các gia đình nộp đơn gửi COMWEL, nhận định văn hóa làm việc quá giờ ở Hàn Quốc hình thành sau Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953. “Vì Hàn Quốc phải nhanh chóng hồi phục sau Chiến tranh Triều Tiên, nên cả hệ thống xã hội phải thay đổi, ép mỗi người lao động phải làm việc nhiều hơn. Dần dần, nó trở thành một nét văn hóa, một phong tục,” Kim nói.
(theo AFP, CNN)