Hàng ngàn “fan cứng” của cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro đã xông vào và phá toà nhà Quốc hội, Tòa án Tối cao và tòa nhà văn phòng tổng thống ở Brazil vào ngày Chủ nhật 8 Tháng Một. Cuộc bạo loạn được báo trước gần như trùng thời điểm với cuộc nổi dậy tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Một, 2021 của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, dẫn đến cuộc điều tra tội phạm lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Cuộc bạo loạn được báo trước
Những người ủng hộ Bolsonaro đã xông vào chiếm đóng và phá hoại Quốc hội, Tòa án Tối cao và tòa nhà Văn phòng tổng thống. Tại toà nhà Quốc hội, nhiều kẻ chống đối ngồi và nằm trên nền nhà. Một lá cờ được dựng phía trước tòa nhà có dòng chữ “can thiệp”, ám chỉ lời kêu gọi quân đội đảo chính tân Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Các cuộc tấn công ở thủ đô diễn ra chỉ một tuần sau lễ nhậm chức của ông Lula, người đã đánh bại Bolsonaro trong cuộc bầu cử vòng hai vào Tháng Mười để ngồi lại chiếc ghế tổng thống lần thứ ba.
Vụ bạo loạn ngày Chủ nhật là một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất chống lại nền dân chủ ở Brazil kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1964. Lula đã lên án những hành vi “ghê tởm” và tuyên bố: “Tất cả những người liên quan sẽ bị điều tra và trừng phạt bằng tất cả sức mạnh của pháp luật”. Ông cũng đổ lỗi cho Bolsonaro đã khuyến khích bạo loạn bằng cách liên tục đặt câu hỏi về sự trung thực của cuộc bầu cử (cũng giống như Trump đã làm trước đây).
Kể từ khi Bolsonaro thất cử vào Tháng Mười, hàng ngàn người ủng hộ ông đã cắm trại tại các doanh trại quân đội trên khắp đất nước, kêu gọi quân đội lật đổ chính phủ trong bối cảnh cựu tổng thống và một số đồng minh tố cáo có gian lận bỏ phiếu. Trong quá trình gây rối, những “Bolsonaristas” (để chỉ những người ủng hộ cựu tổng thống) đã tấn công cảnh sát và đốt cháy xe buýt ở thủ đô Brasilia. Vài ngày trước khi rời nhiệm sở, Bolsonaro đã bảo vệ nhiệm kỳ tổng thống bốn năm đầy biến động của mình và tuyên bố “cuộc bầu cử không công bằng”.
Sau đó, Bolsonaro bay tới Florida và bỏ qua nghi thức truyền thống trao biểu tượng dây đeo tổng thống cho người kế nhiệm. Lula, 77 tuổi (được xem là “con sư tử của cánh tả Mỹ Latin”) đã lên án cuộc tấn công và gọi những kẻ bạo loạn là “bọn phát xít”. Ông đã ký một sắc lệnh khẩn cấp cho phép chính phủ liên bang can thiệp vào Brasilia và thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để lập lại trật tự.
Paulo Pimenta, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Lula đã tweet một đoạn video vào tối Chủ nhật cho thấy văn phòng ở tầng trệt của Điện Planalto, nơi làm việc chính thức của tổng thống bị bỏ hoang sau khi những kẻ bạo loạn phóng hỏa làm cháy chiếc ghế bành và làm vỡ kính. Đứng cạnh Bộ trưởng Tư pháp Wadih Damous, Pimenta cho biết những kẻ bạo loạn đã mở tủ giữ súng và lấy đi vũ khí, đạn dược và tài liệu. “Vũ khí bị cướp là một tội ác khác cần được điều tra” – ông nói.
Nguy hiểm khó lường
Tối Chủ nhật 8 Tháng Một 2023, Tổng thống Joe Biden đã tweet ủng hộ nền dân chủ Brazil và chính quyền Tổng thống Lula đồng thời “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công vào nền dân chủ và việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Brazil”.
Ông nhấn mạnh: “Các thể chế dân chủ của Brazil nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của chúng tôi và ý chí của người dân Brazil không thể làm suy yếu. Tôi mong tiếp tục làm việc với @LulaOficial”. Trong nhiều tháng qua, chính quyền Biben cũng liên tục ủng hộ nền dân chủ ở Brazil khi xảy ra căng thẳng tả-hữu. Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân chủ-New York) đã cùng một số nhà lãnh đạo chính trị Mỹ lên án cuộc bạo loạn mà bà nói là do một “phong trào phát xít” thúc đẩy.
Ocasio-Cortez kêu gọi chính phủ Mỹ trục xuất Bolsonaro khỏi tiểu bang Florida, nơi ông đã đến hơn một tuần. “Gần hai năm kể từ ngày Điện Capitol bị phát xít tấn công, chúng tôi thấy các phong trào phát xít ở nước ngoài đang cố gắng làm điều tương tự ở Brazil – bà Ocasio-Cortez tweet – Chúng ta phải đoàn kết với chính phủ được bầu cử dân chủ của @LulaOficial. Hoa Kỳ phải ngừng cấp nơi ẩn náu cho Bolsonaro ở Florida”.
Vài giờ sau khi hàng ngàn người ủng hộ cực đoan của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro xông vào và phá hoại Quốc hội, Tòa án Tối cao và Cung điện Planalto ở thủ đô Brasilia, lực lượng an ninh Brazil giành lại quyền kiểm soát cả ba tòa nhà. Đến 5 giờ chiều, giờ địa phương, lực lượng an ninh và cảnh sát chống bạo động bắt đầu chiếm lại Tòa án Tối cao, nhưng một số người biểu tình vẫn ở trong nhà để xe.
The Washington Post cho biết, viên chức chính quyền (thủ đô) Brasilia, Ibaneis Rocha, cho biết có hơn 400 người bị bắt giữ do tham gia vụ tấn công. “Nhà chức trách đang làm việc để xác định những kẻ bạo động và đưa họ ra trước công lý” – ông nói. Bolsonaro (cựu tổng thống cực hữu nhất của Brazil) đã thua Lula trong cuộc bỏ phiếu vào cuối năm ngoái. Không chấp nhận kết quả, một số người ủng hộ ông đã tấn công cơ sở hạ tầng của chính phủ kể từ khi ông bị đánh bại.
Cuộc tấn công – mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ ở quốc gia lớn nhất Mỹ Latin kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1964 – cho thấy dường như có một “bệnh dịch” lan rộng của những kẻ cực hữu dựa vào các thuyết âm mưu để gây hỗn loạn ở các nền dân chủ phương Tây. Nguy hiểm nhất là thành phần theo đường lối cứng rắn bị cực đoan hóa bởi những luận điệu chính trị kích động, từ chối chấp nhận thất bại trong các cuộc bầu cử rồi bám lấy những suy đoán gian lận vô căn cứ để bước qua pháp luật.