“Cái chết cho kẻ độc tài!”

Biểu tình về cái chết của Mahsa Amini người Iran, bên ngoài Lãnh sự quán Iran vào ngày 21 Tháng Chín năm 2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: Chris McGrath / Getty Images

Sự tức giận đang lan rộng khắp đất nước Iran sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, trong lúc bị “cảnh sát đạo đức” giam giữ.

“Cái chết cho kẻ độc tài!” Những video mới phát tán lên mạng cho thấy các cuộc biểu tình tại Iran có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo Washington Post.

Tức nước vỡ bờ

Đợt biểu tình mới bắt đầu với quy mô nhỏ, bên ngoài bệnh viện Tehran, nơi Mahsa Amini, 22 tuổi, chết bí ẩn vào tuần trước, sau khi bị “cảnh sát đạo đức” giam giữ vì vi phạm (không nêu chi tiết) các quy định khắt khe của đất nước giáo quyền chuyên chính này đối với cách ăn mặc của phụ nữ.

Đến ngày Thứ Ba, 20 Tháng Chín, nhiều cuộc biểu tình lan ra trên khắp đất nước, khi đám đông bị kích động bởi sự đau buồn, giận dữ và thách thức. Nhiều người, dẫn đầu là phụ nữ đốt khăn trùm đầu, cắt tóc và hô vang: “Cái chết cho kẻ độc tài!”.

Không khí sôi sục bùng nổ của các cuộc biểu tình được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ dồn nén nhiều thứ cùng một lúc, khi có thông tin Amini bị đánh đập dã man tại nơi giam giữ khiến cô gục ngã và hôn mê, rồi chết. Sự phẫn nộ đổ xuống cả các ưu tiên không được lòng người dân của chính phủ Iran, dẫn đầu bởi Tổng thống cực kỳ bảo thủ Ebrahim Raisi, người đã thực thi nghiêm ngặt các quy tắc về trang phục và trao quyền cho “cảnh sát đạo đức” vốn đã bị căm ghét, vào thời điểm nền kinh tế chìm dần vào thống khổ.

Mọi người hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình về cái chết của Mahsa Amini người Iran, bên ngoài Lãnh sự quán Iran vào ngày 21 Tháng Chín năm 2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: Chris McGrath / Getty Images)

Nỗi đau và sự kinh hoàng của gia đình Amini, người dân tộc thiểu số Kurd đến từ một vùng nông thôn của Iran đã gây được tiếng vang và sự đồng cảm trên khắp đất nước. Amini không có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, gia đình khẳng định như vậy và họ không hiểu tại sao con mình lại rơi vào tầm ngắm của “cảnh sát đạo đức”. “Ngay cả một phụ nữ 60 tuổi cũng không được che đậy kỹ như con gái tôi,” cha cô, Amjad Amini, khẳng định trong cuộc phỏng vấn với một hãng tin Iran.

Các nhóm nhân quyền cho biết đã có ít nhất bảy người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống đối được xem là lớn nhất Iran kể từ năm 2019 khi người dân bạo loạn chống cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, khiến nhiều người thiệt mạng và mở ra cuộc đàn áp trên diện rộng. Trong tất cả các cuộc biểu tình, chính quyền phản ứng mạnh bằng cách cắt dịch vụ internet và sử dụng vũ lực chết người trong một số trường hợp, gồm cả bắn đạn thật.

Video cho thấy những người biểu tình, một số nói tiếng Kurd, xuống đường ở Kamyaran và Abdanan, gần biên giới Iran-Iraq. Nhiều cuộc biểu tình tập trung ở phía Tây đất nước, khu vực nghèo đói mà gia đình Amini cư ngụ, chủ yếu là người Kurd. Từ nhiều thập niên qua, dân tộc Kurd với ngôn ngữ riêng, bản sắc văn hóa riêng và chủ yếu thuộc dòng Hồi giáo Sunni ở một quốc gia đa số là người Shiite đã phàn nàn bị chính quyền trung ương bỏ rơi.

Biểu tình lan rộng

Các cuộc biểu tình lớn cũng nổ ra tại hai thành phố được người Hồi giáo dòng Shiite xem là Thánh địa có hàng chục triệu người đến hành hương mỗi năm. “Đại bác, xe tăng và tên lửa, các giáo sĩ đã lạc lối!” những người biểu tình hô vang ở Mashhad, thành phố lớn thứ hai Iran và nơi có đền thờ Imam Reza được tôn kính.

Họ tập trung trên con đường lớn Ahmadabad, nơi có thể nhìn thấy một đám cháy từ xa. Trong video khác ghi từ tỉnh Qom, một trung tâm đào tạo các học giả tôn giáo, những người biểu tình diễn hành trên đường phố, huýt sáo và một số ném đá. “Đánh hắn đi!” ai đó hét lên khi đám đông lao về phía trước. Các cuộc biểu tình nhanh chóng tiến đến thủ đô Tehran. Một đoạn video cho thấy người biểu tình tụ tập ở quảng trường lớn Vali-e Asr ở trung tâm thành phố. “Đáng khinh bỉ, đáng khinh bỉ!” – mọi người hét lên khi bị một chiếc xe cảnh sát bọc thép phun vòi rồng. Một video khác từ trung tâm Tehran cho thấy các sinh viên tại Đại học Công nghệ Amirkabir hô vang “Cái chết cho kẻ độc tài!”, ám chỉ lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Biểu tình về cái chết của Mahsa Amini người Iran, bên ngoài Lãnh sự quán Iran vào ngày 21 Tháng Chín năm 2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: Chris McGrath / Getty Images)

Trong những tháng gần đây, tại các trường đại học đã dấy lên sự tức giận về việc chính phủ thực thi ngày càng nghiêm ngặt các quy định về khăn trùm đầu. Những sinh viên phản đối có nguy cơ bị bắt hoặc bị đưa vào danh sách đen ảnh hưởng xấu đến sự thăng tiến trong học tập và tương lai của họ.

Các cuộc biểu tình lan rộng ra bên ngoài thủ đô và các “hang ổ” chống đối truyền thống. Trong một đoạn video từ Kerman ở Đông Nam Iran, một phụ nữ trẻ ngồi trên một chiếc thùng dịch vụ công cộng, xung quanh là đám đông cổ vũ, tháo khăn trùm đầu và tự cắt tóc của mình. “Người Iran có thể chết nhưng không chấp nhận áp bức!” đám đông hô vang.

Ở thành phố Sari, gần biển Caspi, một phụ nữ nhảy múa xung quanh đống lửa nhỏ rồi ném khăn trùm đầu vào ngọn lửa. Một video khác từ thành phố Rasht, cũng gần biển Caspi cho thấy một đám đông thanh niên vây quanh một sĩ quan cảnh sát, người đang cầm một khẩu súng. Trong vài giây, đám đông tấn công, đẩy viên cảnh sát xuống đất và đánh anh ta. Khi tiếng súng nổ, những người biểu tình bỏ chạy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: