Học thuyết chuyển hướng khỏi Trung Đông của Mỹ tạm ngưng
Các chiến binh Hamas đã thực thi mệnh lệnh viết tay “giết càng nhiều càng tốt” sau khi nhanh chóng chọc thủng hệ thống phòng thủ biên giới của Israel và tràn ngập các căn cứ quân sự, thị trấn, giết chết hơn 1,200 người (nhiều hơn cả toàn bộ cuộc Intifada lần thứ hai, từ 2000-2005) và bắt cóc nhiều người đưa về Dải Gaza.
Màn đột kích cũng đồng thời đảo ngược những quy tắc cơ bản và bất thành văn về Trung Đông. Phản ứng trước đòn bất ngờ cực sốc, Israel và Mỹ đang vận dụng các quy tắc mới và có nguy cơ biến cuộc đối đầu mới Israel-Hamas thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn nhiều. Hoạt động trên bộ dự kiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza và động thái của Iran và nhóm dân quân Hồi giáo Hezbollah (đồng minh của Iran tại khu vực) có thể thay đổi cán cân quyền lực mới ở Trung Đông và tương lai của cả khu vực.
Tướng Yossi Kuperwasser, cựu giám đốc nghiên cứu của tình báo quân đội Israel nhận định:
“Hamas tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng, thảm khốc vì họ muốn thay đổi thế cân bằng, không chỉ giữa Hamas-Israel, mà còn giữa Israel và các nhóm chiến binh ủy nhiệm của Iran. Israel cũng muốn thay đổi cán cân, nhưng theo hướng khác: Quét sạch Hamas khỏi Gaza”.
Việc Israel cố loại bỏ Hamas như “chính quyền thực tế” ở Dải Gaza cũng sẽ làm sụp đổ một nhận thức được cổ súy từ lâu là, Israel đủ mạnh về quân sự và tình báo để “sống chung” với Hamas mà không lo bị đánh úp.
Màn đột kích của Hamas còn phá hủy một giả định khác được những người ủng hộ Hamas như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và nhiều người ở phương Tây, thậm chí cả những bộ phận trong chính quyền Israel tin vào: Ở mức độ chấp nhận được, Hamas đã tiết chế hệ tư tưởng ban đầu là “loại bỏ bất kỳ hệ tư tưởng nào khác”.
Năm 2017, Hamas đưa ra một tuyên bố mang tính chính sách khẳng định “chỉ chiến đấu chống lại ‘kế hoạch mở rộng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái’ (Zionist project) chứ không chống người Do Thái”, đồng thời ngụ ý chấp nhận một nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Gaza (dù vẫn không công nhận quyền tồn tại của Israel).
Cuộc tấn công mới của Hamas đã làm phá sản quan điểm này (một quan điểm vốn được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngầm ủng hộ khi ông chấp nhận “quản lý mối phiền toái vừa đủ” do người Palestin gây ra mà vẫn “duy trì được sự chiếm đóng của Israel” và “tiến tới hoà hoãn với một số nước trong thế giới Ả-rập”.
Hệ quả tất yếu của thực tế mới này là Mỹ phải quay trở lại Trung Đông, đảo ngược xu thế của ba chính quyền liên tiếp trước đó là xoay trục sang châu Á và tập trung vào các thách thức toàn cầu khác như Trung Quốc và Nga (sau khi Nga xâm lược Ukraine).
Chính quyền Biden đã điều động hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm đến Đông Địa Trung Hải, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn Iran và Hezbollah (nhóm “thánh chiến” được Iran bảo trợ ở Lebanon) can dự vào cuộc xung đột và nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực với các quốc gia ở Vịnh Ba Tư.
Washington cũng đang tăng cường cung cấp vũ khí cho Israel. “Có thể xem đây là sự tái hôn! Hóa ra, các đối tác của chúng ta trong khu vực vẫn phụ thuộc rất nhiều vào chiếc ô an ninh của Mỹ! – Brian Katulis, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông (Middle East Institute) ở Washington, nhận định – Họ vẫn chọn Mỹ là đối tác an ninh chính, không phải Trung Quốc và chắc chắn không phải Nga. Khi một cuộc khủng hoảng như thế xuất hiện, Mỹ không còn chọn lựa nào khác là nhanh chóng quay lại”.
Không thể chối cãi, kẻ thù của Israel rất “hứng khởi” trước sự bộc lộ yếu kém đáng ngạc nhiên của quân đội và cơ quan tình báo Israel. Hệ thống giám sát biên giới công nghệ cao của Israel dọc Dải Gaza đã bị làm tê liệt bằng máy bay không người lái rẻ tiền trong khi nhiều sĩ quan cấp cao bị giết. Phải mất vài giờ lực lượng Israel mới bắt đầu cuộc phản công đẩy lùi Hamas ra khỏi lãnh thổ, quá chậm để có thể ngăn chặn các tay súng Palestine giết nhiều người và bắt cóc hơn 100 thường dân Israel.
Cuộc xung đột có thể trở thành cuộc chiến khu vực?
Bất chấp việc Israel ví cuộc đột kích của Hamas “giống trận Trân Châu Cảng”, năng lực quân sự của Israel hầu như còn nguyên vẹn. Lực lượng không quân hùng mạnh của đất nước không sứt mẻ miếng nào, và trong vòng vài giờ, cuộc trả đũa bằng loạt cuộc pháo kích vào Gaza đã được tiến hành. Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn an ninh và tình báo Soufan Group, nhận định: “Rõ ràng, Israel đã đánh giá thấp Hamas, nhưng sau sự hồ hởi ban đầu, Hamas, Hezbollah và tất cả các lực lượng ủy nhiệm của Iran khi bình tĩnh lại cũng phát hiện ra họ cũng đánh giá thấp Israel! Hiện Israel vẫn là quân đội mạnh nhất khu vực và đang thoải mái trả thù mà không bị lên án nhiều vì kẻ ra tay tàn độc trước chống lại dân thường là Hamas”.
Tổng thống Joe Biden vừa kỳ vọng phản ứng của Israel sẽ “nhanh chóng, dứt khoát và áp đảo” nhưng cũng khuyến cáo Israel “cần tuân thủ các quy luật chiến tranh”. Ông so sánh hành động của Hamas với “những cơn thịnh nộ tồi tệ nhất” của (tổ chức hkb) Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều người ở Israel xem đây là cách bật đèn xanh của Biden cho chiến dịch ở Gaza.
Năm 2017, hai thành phố Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria đều bị liên quân do Mỹ dẫn đầu tàn phá tan tành trong các cuộc ném bom và pháo kích kéo dài gây nhiều thương vong dân thường. Tuy nhiên, không giống như Gaza, Mosul và Raqqa không bị phong tỏa và nhiều thường dân trốn được đến nơi an toàn. Chiến dịch trên bộ dự kiến của Israel nhằm tiêu diệt Hamas sẽ có thương vong cao giống như các cuộc giao tranh đô thị khác.
Chiến dịch sẽ kiểm tra mức độ cam kết hỗ trợ của Iran và Hezbollah dành cho Hamas; và ảnh hưởng đáng kể đến số phận chính trị của Palestine. Trong các cuộc xung đột trước đây ở Gaza, Hezbollah chủ yếu đứng bên lề, tuân thủ các quy tắc răn đe lẫn nhau từ sau cuộc xâm lược Lebanon của Israel năm 2006. Với kho tên lửa chính xác do Iran cung cấp, nhóm này có thể gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng và cơ sở quân sự quan trọng của Israel.
Emile Hokayem, chuyên gia cấp cao về an ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies-IISS), nhận định:
“Ở cấp độ chiến lược, Hezbollah và Iran vẫn chưa quan tâm lắm đến việc nhảy vào cuộc chiến này. Iran vẫn giữ nguyên quan điểm: Hezbollah là một công cụ mạnh mẽ trong chính sách an ninh của Iran và không nên lãng phí nguồn lực này vào cuộc xung đột mới. Hezbollah sẽ được sử dụng và triển khai khi sự tồn tại của chế độ ở Iran bị đe dọa”.
Cho đến nay, Hezbollah chỉ tham gia các cuộc giao tranh hạn chế dọc biên giới. Nadav Pollak, cựu phân tích gia của chính phủ Israel, giảng viên về các vấn đề Trung Đông tại Đại học Reichman ở Israel, cảnh báo: “Nhưng kiểu xung đột này vẫn làm tăng nguy cơ chiến tranh ngoài ý muốn. Kể từ năm 2006, chúng ta chưa bao giờ tiến gần đến một cuộc chiến khác với Hezbollah như bây giờ. Nếu họ bắn tên lửa chống tăng và giết chết 10-15 binh sĩ ở biên giới, Israel sẽ phải đáp trả hoặc thậm chí bắt đầu một cuộc chiến khác”.
Một thay đổi đáng kể kể từ năm 2006 là học thuyết mới của Iran về “thống nhất các đấu trường” (unification of the arenas) để cải thiện sự phối hợp và hành động chung của Tehran, Hamas, Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Yemen, trong cuộc đối đầu với Israel.
Việc trục xuất Hamas khỏi Gaza sẽ là một đòn giáng mạnh vào học thuyết này và sẽ là một trong những lý do khiến Tehran có thể quyết định mở rộng xung đột để duy trì ảnh hưởng trong khu vực.
Do vậy, không ít nhà quân sự thận trọng cho rằng không nên quá chủ quan nghĩ rằng chiến tranh khu vực hoàn toàn không có khả năng xảy ra.
“Có nguy cơ rất lớn là một cuộc chiến ở Lebanon sẽ sớm biến thành một cuộc xung đột khu vực. Tôi không nghĩ Iran, Israel hay Hezbollah muốn điều đó nhưng họ đã tự đưa mình vào trò chơi ‘ăn miếng trả miếng’. Khi một bên thực hiện một bước thì bên kia cũng phản công tương xứng – nhà phân tích người Lebanon Michael Young, biên tập viên cấp cao tại Trung tâm Trung Đông Carnegie (Carnegie Middle East Center) ở Beirut phân tích – Không có lối thoát rõ ràng nào để không xảy ra leo thang theo hướng tồi tệ nhất”.
Hiện tại, những lo ngại như thế khó ngăn cản sự thống nhất lãnh đạo của Israel, khi hầu như không có tiếng nói nào trong chính phủ cũng như phe đối lập phản đối chiến dịch kéo dài trên bộ xóa sổ Hamas. Không ai quan tâm đến câu hỏi rằng, ai sẽ cai trị hai triệu người dân Gaza sau khi Hamas bị càn quét và liệu Israel có sẵn sàng chiếm đóng Gaza một lần nữa hay không.