Cuối Tháng Mười Hai, Nhật Bản cho biết tàu Trung Quốc lảng vảng khu vực tiếp giáp quần đảo Senkaku (được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc) suốt 334 ngày trong năm 2022, nhiều nhất kể từ năm 2012! Từ ngày 22 đến ngày 25 Tháng Mười Hai 2022, tàu Trung Quốc xuất hiện gần 73 giờ liên tục trong vùng lãnh hải Nhật. Đây là lần xâm phạm lâu nhất kể từ năm 2012…
Châu Á và Thái Bình Dương đang bước vào một thời điểm đầy lo lắng với không khí đặc quánh sự bất an. Tiếng súng chưa vang nhưng súng ống đang lấp ló ngày càng nhiều xa xa phía chân trời. Lo lắng trước sự tăng cường quân sự và sự đe dọa rõ rệt của Trung Quốc, cùng với sự hoài nghi về quyết tâm của Mỹ, các quốc gia trong khu vực đang tự phòng thủ biên cương, tăng cường ngân sách quốc phòng, liên tục tổ chức tập trận, sản xuất vũ khí và nâng cấp cơ sở hạ tầng để sẵn sàng chiến đấu.
Trong nhiều thập niên, sự trỗi dậy châu Á khiến khu vực này trở thành động lực kinh tế của thế giới, ràng buộc Trung Quốc và các trung tâm sản xuất khu vực khác với châu Âu và châu Mỹ. Trọng tâm chính luôn là thương mại. Giờ đây, nỗi sợ hãi đang bao trùm, trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh chiến lược đầy biến động và quan hệ ngoại giao đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong 50 năm qua.
Chẳng phải tự nhiên mà các nước châu Á ào ạt “sắm súng”. Vài năm qua, Philippines, quốc gia đối đầu với Trung Quốc về các yêu sách hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông, đã ký hợp đồng mua bốn tàu chiến từ Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc với giá gần $1 tỷ. Philippines tuyên bố ký hợp đồng mua tên lửa BrahMos trị giá 375 triệu USD từ Ấn Độ. Tương tự, Indonesia cũng tăng ngân sách quốc phòng và sắm tàu ngầm…
Cuộc gặp tại Moscow vào tuần trước giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy một thế lực sẵn sàng chống lại phương Tây. Tập đã nhiều lần nói rõ mục tiêu “trẻ hóa quốc gia” cùng với việc thay thế Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia thiết lập quy tắc thống trị trong khu vực, kiểm soát việc tiếp cận Biển Đông và đưa Đài Loan – một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là lãnh thổ đã mất – nằm dưới sự kiểm soát Bắc Kinh.
Ngày 13 Tháng Ba, Bắc Triều Tiên lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Cùng ngày, Úc công bố kế hoạch trị giá $200 tỷ để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhật Bản, sau nhiều thập niên theo chủ nghĩa hòa bình, cũng đang đạt được sức mạnh chiến đấu chưa từng có kể từ những năm 1940. Ấn Độ tập trận với Nhật Bản và Việt Nam. Malaysia mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Mỹ tiếp tục “tích lũy” kho vũ khí khổng lồ ở Đài Loan, và Philippines đang lên kế hoạch mở rộng các đường băng và hải cảng để đón sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ trong nhiều thập niên.
Phần mình, hết điểm nóng này đến điểm nóng khác trong năm 2022, quân đội Trung Quốc liên tục thực hiện những hành vi khiêu khích nguy hiểm: Triển khai số máy bay quân sự kỷ lục để đe dọa Đài Loan; lần đầu tiên bắn tên lửa vào vùng biển thuộc khu đặc quyền kinh tế Nhật Bản vào Tháng Tám năm ngoái; đưa binh lính với dùi cui có gai để đánh bật một tiền đồn của quân đội Ấn Độ vào Tháng Mười Hai, leo thang các trận chiến trên biên giới dài 2,100 dặm giữa hai nước; và tháng trước, làm “mù” thủy thủ đoàn một tàu tuần tra Philippines bằng tia laser… Đó là chưa kể việc bay sát máy bay Hải quân Hoa Kỳ với thái độ hung hăng khiêu khích…
_________________
Shivshankar Menon, cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ từ năm 2010 đến năm 2014, nhận định rằng cán cân quyền lực ở châu Á đang thay đổi cực kỳ nhanh, dẫn đến mức độ rủi ro ngày càng cao. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm 60% dân số Trái đất, bao phủ 2/3 hành tinh và chiếm khoảng 65% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Năm 2000, chi tiêu quân sự ở Châu Á và Thái Bình Dương chiếm 17,5% chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới, theo SIPRI, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Hai thập niên sau, năm 2021, ngân sách quốc phòng châu Á vọt lên đến 27,7% (không bao gồm Triều Tiên) và tăng liên tục kể từ đó – dẫn lại từ The New York Times.
_________________
Theo SIPRI, Trung Quốc hiện chi khoảng $300 tỷ mỗi năm cho quốc phòng (tăng từ $22 tỷ năm 2000, đã điều chỉnh theo lạm phát), chỉ đứng sau ngân sách $800 tỷ của Mỹ. Trong khi chi tiêu quân sự của Mỹ bao phủ toàn cầu, Trung Quốc chỉ tập trung vào châu Á. Hải quân Trung Quốc đã vượt xa Hải quân Hoa Kỳ, với 360 tàu tác chiến vào năm 2020, so với tổng cộng 297 của Mỹ, theo Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, năm 2021, Trung Quốc đã bắn 135 hỏa tiễn đạn đạo để thử nghiệm, nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại.
Kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh nhỏ hơn so với Mỹ và Nga nhưng khoảng cách bắt đầu thu hẹp. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính đến năm 2030, kho đầu đạn hạt nhân Trung Quốc có thể lên 1,000 so với hơn 400 đầu đạn hiện nay. Trung Quốc đã có nhiều bệ phóng trên đất liền hơn Hoa Kỳ. Chẳng phải tự nhiên mà một số người kêu gọi Ngũ Giác Đài không chỉ hiện đại hóa công nghệ hạt nhân mà phải bổ sung vào kho dự trữ hạt nhân gồm 3,708 đầu đạn hiện có.
Mặc dù nhiều vũ khí của Trung Quốc thua xa Mỹ, nhưng khoảng cách đang bắt đầu thay đổi, đặc biệt khi xét về máy bay chiến đấu và hỏa tiễn. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo Quốc hội trong tháng này rằng Trung Quốc dường như đang có kho vũ khí siêu thanh hàng đầu thế giới, có thể bay với tốc độ gấp nhiều lần âm thanh và có thể điều khiển hành trình khi đang bay, khiến chúng khó bị đánh chặn hơn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại. Hỏa tiễn DF-41 của Trung Quốc đã bay một đường “giáp vòng” thế giới vào năm 2021. Tên lửa Đông Phong-26 có thể được trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, và nó được truyền thông Trung Quốc gọi là “sát thủ đảo Guam”.
Tình hình ngày càng nóng hực và đáng lo ngại đến mức giới chức quân đội Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo rằng chiến tranh có thể xảy ra vào năm 2027, hoặc thậm chí 2025. Cùng lúc là những phát biểu hiếu chiến của giới chức cấp cao Trung Quốc. Tháng Ba 2023, Tần Cương, Ngoại trưởng Trung Quốc, cảnh báo rằng xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi nếu Washington “tiếp tục đi sai đường”.
Thái độ ngạo mạn và hung hăng của Trung Quốc khiến một số nước nghiêng hẳn sang Mỹ. “Úc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và bây giờ là Philippines đã cho phép Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn. Tại sao?” – Bilahari Kausikan, cựu thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Singapore nhận định – “Vì Trung Quốc đã hung hăng một cách không cần thiết.” Nhật Bản và Ấn Độ là những nước đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo. Từ năm 2006, họ đã bắt đầu chia sẻ các đánh giá an ninh, khi Trung Quốc mở rộng các đường băng và hải cảng khắp Nam và Đông Á, rồi sau đó là xây dựng loạt căn cứ quân sự trên các đảo và rạn san hô mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.
Kể từ đó, Ấn Độ và Nhật Bản ký kết một số thỏa thuận tiêu biểu cho kế hoạch phòng thủ đan xen; trong đó có một thỏa thuận cho phép hai bên được quyền tiếp cận các cơ sở cung cấp và dịch vụ của nhau; một quy định nới lỏng nhằm khuyến khích hợp tác trong sản xuất quân sự… Đến nay, hai nước đã cùng tiến hành huấn luyện hải quân và tập trận chung tác chiến trên không. Hai nước cũng mở rộng hợp tác với Mỹ.
Philippines, Nhật Bản, Úc, Palau, Papua New Guinea và các lãnh thổ của Hoa Kỳ trên khắp Thái Bình Dương cũng đều đang làm việc với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về việc mở rộng khả năng tiếp cận và các cơ sở quân sự. Cần bố trí trước bao nhiêu nhiên liệu và thiết bị bảo trì ở những địa điểm xa xôi? Những nơi nào khác mà Hoa Kỳ nên thương lượng để tiếp cận sân bay và thực hiện những cải tiến hạ tầng cần thiết để máy bay chiến đấu có thể tác chiến dễ dàng? Việc chia sẻ các hệ thống vũ khí giúp tăng khả năng răn đe mà không làm tăng nguy cơ xung đột ở mức độ nào?… Đó là những câu hỏi mà Mỹ quan tâm và tìm cách giải đáp, cùng với một số nước châu Á.
Nhật Bản đang đi nhanh để giúp Mỹ lấp đầy khoảng trống và kéo các đồng minh theo cùng. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ viện trợ song phương lớn nhất châu Á. Quan trọng hơn, chính phủ Tokyo đang thúc đẩy việc diễn giải lại Hiến pháp mà nước này thông qua năm 1947. Suốt nhiều thập niên sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản tuyệt đối không dây dưa với chiến tranh, nhưng giờ đây, giống như Đức, Nhật phải tái vũ trang và họ tin rằng điều đó là cần thiết cho sự tồn vong quốc gia. Tokyo gần đây đã đồng ý tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP, tương đương 60%, trong vòng năm năm tới, biến Nhật trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba trên thế giới.
Kuni Miyake, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật, nói: “Chúng tôi là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình quá mức trong vài thập niên qua. Bây giờ chúng tôi đang trở nên bình thường.” Tokyo thậm chí thể hiện sự cứng rắn không khoan nhượng trong vấn đề Đài Loan. Cố Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố rằng “tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản, và do đó, là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật-Mỹ”. Shinzo Abe kêu gọi Tập Cận Bình “đừng bao giờ đánh giá sai” điều này!
“Lập trường của Nhật Bản rất rõ ràng và kiên định – Đài Loan là nền tảng cho an ninh của chính họ; Đài Loan không chỉ đơn thuần là một điểm căng thẳng trong quan hệ song phương với Trung Quốc,” nhận định của Yasuhiro Matsuda, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo, nguyên là nhà nghiên cứu cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật.