1.Theo Forbes, quân Ukraine đang đào chiến hào ở Kursk. Điều đó có nghĩa tiền tuyến này đang ổn định và một cuộc xâm nhập lâu dài vào đất Nga của Ukraine là nằm trong tính toán của Kyiv. Như vậy có thể nói Kyiv không hề có ý định đánh nhanh rút nhanh khi bất ngờ tiến quân vào vùng Kursk.
Tới giờ này, ngay cả các chuyên gia quân sự cũng khó mà nói mục đích thực sự của Kyiv là gì khi cho hàng ngàn quân đánh vào Kursk. Liệu đây có phải là canh bạc đầy rủi ro của Kyiv?
Dù gì đi nữa, nếu Kyiv chiếm giữ thành công Kursk, thì có thể nói một tỉnh quan trọng của Nga đã được Ukraine giải phóng khỏi ách độc tài phát xít!
2.Trung Quốc tuyên bố khu vực chiến sự ở Kursk “không nên mở rộng”
Nên hiểu thế nào về tuyên bố này của Bắc Kinh? Bắc Kinh muốn Ukraine nên rút quân khỏi Kursk, hay muốn Ukraine chỉ tiến hành chiến dịch quân sự của mình trong phạm vi vùng Kursk? Thực là một tuyên bố mập mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Bắc Kinh trước giờ vẫn thế, thích đóng vai con cá vàng.
Ngoài ra, Trung Quốc nói sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với quốc tế để đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy giải quyết chính trị cho xung đột Nga – Ukraine. Thực ra, từ ngày Putin mở cuộc xâm lược vào Ukraine, Trung Quốc vẫn nói như thế. Nhưng nói chỉ để mà nói chứ không thấy làm gì cả. Cái vai trò thực sự của Trung Quốc là gì, chẳng ai biết.
Nói thẳng ra, Trung Quốc chưa hề làm bất cứ điều gì để gọi là “đóng vai trò xây dựng” như họ rêu rao. Vẫn chỉ là những câu từ mập mờ để tỏ ra mình quan tâm tới xung đột Nga – Ukraine. Quan tâm một cách không quan tâm.
Không hề sai nếu cho rằng Trung Quốc chỉ muốn xung đột Nga – Ukraine kéo dài càng lâu càng tốt, vì điều này có lợi cho họ. Ngày nào cuộc xung đột này chưa chấm dứt thì ngày đó nước Nga còn suy yếu, buộc phải luồn lụy Trung Quốc, và đương nhiên phải bán dầu giá bèo, cũng như phải chịu thiệt nhiều thứ khác cho Trung Quốc.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không thực tâm muốn xung đột Nga – Ukraine sớm chấm dứt. Miệng thì nói lên án chiến tranh nhưng bụng lại muốn nó kéo dài. Hai cường quốc đó chỉ muốn lợi dụng cuộc xung đột này để kiếm lợi cho mình.
3.Sau khi gọi cuộc đột kích của Kyiv vào vùng Kursk là hành vi “khủng bố,” Moscow tiếp tục cho rằng cuộc đột kích này đã “đe dọa người dân Nga đang sống trong hòa bình.”
Thật là những lời thống thiết. Nhưng khi buông những lời thống thiết đó, dường như Moscow giả vờ quên rằng cái “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga cũng đã phá hoại cuộc sống yên bình của người dân Ukraine. Tất nhiên Moscow sẽ đáp rằng : “Đúng là trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, người dân Ukraine từng sống trong thanh bình, nhưng đó chỉ là thứ thanh bình dưới sự kìm kẹp, áp bức của bọn phát xít mới,” và rằng “Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt là để giải phóng người dân Ukraine khỏi ách kìm kẹp đó.”
Trong bối cảnh quân Ukraine tấn công vào vùng biên giới của Nga, Trung Quốc kêu gọi hai bên “hạ nhiệt căng thẳng và không đổ thêm dầu vào lửa.” Khi kêu gọi như thế, Trung Quốc nên nhớ rằng chính cái thái độ ỡm ờ vô trách nhiệm của mình đã đổ thêm dầu vào lửa vào căng thẳng Nga – Ukraine. Và để hạ nhiệt căng thẳng đó, Trung Quốc chỉ cần tuyên bố mình không ủng hộ cái chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, thì hẳn những cái đầu nóng ở Moscow sẽ nguội ngay, dù là nguội một cách miễn cưỡng.
Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố như thế. Phải hiểu rằng im lặng là đồng lõa với tội ác, mà kẻ đồng lõa với tội ác thì không có tư cách khuyên bảo ai điều gì!