Chuyện kể của những người Việt từ chiến tuyến Ukraine

Tùng Nguyễn, cư dân Việt sống ở Ukraine đứng bên xác xe tăng Nga, bày tỏ sự ủng hộ Ukraine. (Hình: Facebook nhân vật)

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai năm trước, Tùng Nguyễn lái xe đưa cha mẹ mình từ nhà của họ, ở thành phố Chernihiv, đến biên giới với Ba Lan.

Sau đó, anh quay trở về Kyiv và bắt đầu làm tình nguyện viên, mang thức ăn và thuốc men đến Chernihiv, nơi đang bị bao vây ngặt nghèo. Rồi không lâu sau, Tùng quyết định đăng ký và chiến đấu trong quân đội Ukraine, chống lại cuộc xâm lược của quân Nga.

Tùng là một phần của cộng đồng người Việt tại Ukraine, một nhóm thiểu số khá lớn nhưng sống kín đáo trên đất nước này. Một số người Việt rời khỏi Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga, nhưng thuộc thế hệ trẻ, đa số sinh ra ở Ukraine và là công dân Ukraine vẫn chọn ở lại. Riêng Tùng lớn lên ở tại Hà Nội, được ông bà nuôi dưỡng, nhưng anh đến sống cùng cha mẹ tại Chernihiv khi 18 tuổi. Tùng học tại Kyiv, học tiếng Nga và bắt đầu làm vận động viên, huấn luyện viên thể hình. Năm 2019, anh giành chức vô địch toàn Ukraine, và được cấp quốc tịch để có thể thi đấu cho đất nước trên đấu trường quốc tế.

‘Đất nước này đã cho tôi rất nhiều’

“Ukraine đã cho tôi rất nhiều, tôi học ở đây, làm việc ở đây, kết hôn với một người Ukraine. Nơi đây thật sự là quê hương của tôi,” anh nói với The Guardian trong một cuộc phỏng vấn qua Skype tại căn cứ quân sự.

Tháng Năm 2023, Tùng bị thương trong cuộc rút lui của quân Ukraine khỏi Bakhmut, lúc đó anh đang cố cứu những đồng đội bị thương gần tiền tuyến, dưới sự che chở của màn đêm. Mảnh đạn pháo cắt vào người, khiến anh bị chảy máu nhiều, và phải nằm viện một tháng. Sau đó, Tùng quay trở lại tiền tuyến và lại bị thương vào tháng Mười Hai, phải mất thêm hai tháng để hồi phục. Hiện giờ, anh đang chiến đấu ngoài tiền tuyến.

Hai năm chiến tranh toàn diện đã chứng kiến ​​người dân Ukraine từ khắp đất nước đoàn kết lại để đối mặt với mối đe dọa từ Nga, và cộng đồng người Việt tại đất nước này cũng không ngoại lệ. Ít nhất một người lính Ukraine gốc Việt đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tùng cho biết cộng đồng đã đoàn kết, an ủi, động viên khi nghe tin anh bị thương.

Tùng Nguyễn ở tiền tuyến chống Nga xâm lược (Hình: Facebook nhân vật)

“Trước khi chiến tranh toàn diện nổ ra, tôi không biết nhiều người Việt, nhưng giờ họ ủng hộ tôi rất nhiều. Nhiều người Việt viết thư cho tôi, mọi người mang thức ăn đến bệnh viện,” Tùng nói.

Người Việt bắt đầu đến Liên Xô vào những năm 1950 để học tập, thường là để theo đuổi các ngành nghề kỹ thuật. Phạm Nhật Vượng, người được nói là giàu nhất Việt Nam, đã kiếm được số tiền đầu tiên khi sống ở Kharkiv vào đầu những năm 1990, thành lập thương hiệu mì ăn liền Mivina, một thương hiệu đã trở nên nổi tiếng với người dân Ukraine trong những năm hậu cộng sản khó khăn. Nhiều chính trị gia Việt Nam là cựu sinh viên của các trường đại học Ukraine. Sau đó, vào những năm 1990, nhiều người khác đã đến làm việc như những người buôn bán nhỏ ở cả Nga và Ukraine, bao gồm cả cha mẹ của Tùng, những người đã định cư tại Chernihiv vào đầu những năm 1990.

Theo ông Serhiy Chervanchuk, giám đốc điều hành Hiệp Hội Ukraine-Việt Nam tại Kyiv, trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga, cộng đồng người Việt có khoảng 100,000 người.

Một trong những cộng đồng người Việt lớn nhất cả nước là ở Kharkiv. Các thương nhân Việt thống trị Barabashovo, khu chợ rộng lớn ở phía đông thành phố, trước chiến tranh là một trong những khu chợ lớn nhất Âu châu, và thậm chí còn có một ngôi chùa Phật giáo được cộng đồng này làm nơi tụ họp lui tới, mặc dù các nhà sư đã rời đi sau khi chiến tranh nổ ra.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, sống trong một cộng đồng nhỏ người Việt ở Kherson, nơi mà những ngày đầu cuộc chiến xâm lược của Nga là vô cùng ác liệt. Nhiều người Việt cũng như người Ukraine đã phải rời đi khi chung quanh chỉ là đống hoang tàn và đổ nát, nhưng ông Thắng vẫn quyết định ở lại với ngôi nhà của mình, mặc cho những lúc bom đạn rung chuyển và cửa kiếng nhà ông vỡ nát.

Ông Thắng là một trong những lớp người từ miền Bắc Việt đến Ukraine nhiều thập niên trước, và chọn ở lại đến cuối cuộc đời của mình. Ông Thắng coi nơi đây là quê hương – điểm cuối của đời ông. Khi chiến tranh nổ ra nhiều người Việt bỏ chạy do sợ hãi về một “sức mạnh” Nga, cũng như còn bị ám ảnh lối giáo dục thời chiến tranh Việt Nam, coi nước Nga như là một quốc gia “thần thánh” không thể bị xúc phạm. Khi trả lời với báo Sài Gòn Nhỏ về chuyện vì sao ông không thần phục quân Nga như những người Việt khác, ông Thắng trả lời rằng “Tôi chỉ căm ghét bọn xâm lược.”

Do đã lớn tuổi và không thể ra trận được như Tùng Nguyễn, nhưng ông Thắng là người ở lại và kiên trì bí mật đưa những tin tức về tình hình khu vực cho quân Ukraine, ngay cả lúc quân Nga đang chiếm đóng nơi ông đang ở.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, một cư dân Việt ở Ukraine, người luôn cỗ vũ và theo dõi bước tiến của quân Ukraine (Hình: Facebook nhân vật)

Chị Hanna Trần cũng là một trong những người Việt sống ở Ukraine, chọn ở lại nơi quê hương thứ hai của mình giữa cuộc chiến. Chị có một kênh YouTube mang tên là Gia đình Việt ở Ukraine, với hơn 160,000 người theo dõi. Lúc đầu, kênh YouTube của chị chỉ là giới thiệu cuộc sống thường ngày ở Ukraine và các món ăn. Nhưng từ khi Nga đổ quân qua xâm lược Ukraine, kênh Gia đình Việt ở Ukraine trở thành nơi đưa những thông tin thời sự, diễn biến chiến sự đến với tất cả người Việt yêu sự thật.

Rất nhiều người yêu thích cách trình bày đơn giản và gần gũi của chị Hanna, vì hoàn toàn dựa trên những tin tức có thật, và tổng hợp các nguồn tin hết sức thông minh.

Một trong những điều dễ nhận thấy sự rắc rối của một người Việt đứng về phía ủng hộ Ukraine, là chị chỉ có thể mở một phần bình luận với những người đã đăng ký trang, bởi không ít những thành phần cực đoan ủng hộ Nga từ Việt Nam luôn tìm cách xông vào trang của chị dùng những lời lẽ hạ tiện, tấn công và ca ngợi quân Nga.

Kênh Youtube Gia Đình Việt ở Ukraine, có hơn 160 ngàn người theo dõi, luôn chuyển tin tức ủng hộ cuộc chiến của Ukraine (Hình chụp từ YouTube)

Nhiều thương nhân Việt tại Barabashovo, nơi bị Nga không kích nhiều lần cho biết họ đã rời khỏi Ukraine khi chiến tranh bắt đầu, nhưng đời sống đang dần trở lại dù hoạt động chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây.

“Bây giờ không có nhiều khách hàng, tệ lắm, nhưng đây là nhà và tôi không định rời đi nữa,” một thương nhân vừa nói vừa uống trà vào một buổi sáng mưa gần đây, cho biết, anh ta tên là Dima. Hầu hết người Việt ở chợ đều sử dụng phiên bản tiếng Ukraina của tên họ.

Ở phía bên kia thành phố, cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn kể lại chuyện cô chuyển đến Kharkiv hơn hai thập niên trước, kết hôn với một người đàn ông cùng quê, người hiện đang làm việc tại chợ ở đó.

Sau nhiều năm làm việc ở chợ, gia đình quyết định mở một nhà hàng phục vụ đồ ăn Việt. Trong khi cô chỉ nói tiếng Việt, con trai cô, Trần Minh Đức, nói lưu loát tiếng Ukraina, tiếng Nga và tiếng Anh cũng như tiếng mẹ đẻ của gia đình. Minh Đức học điện tử vô tuyến vào ban ngày và làm việc theo ca tại nhà hàng vào buổi tối.

Di sản chiến tranh đã ám ảnh quá trình trưởng thành của cô ở Việt Nam. Bà ngoại của cô Thanh Nhàn bị thương trong chiến tranh Việt Nam, cô kể rằng di sản của cuộc xung đột đã đóng một vai trò lớn trong việc giáo dục cô ở trường. Thật là một cú sốc, khi giờ đây gia đình lại phải đối mặt với chiến tranh ở Ukraine.

Thương nơi sinh sống của mình như quê nhà

Gia đình cô Thanh Nhàn chuyển đến Đức và tìm được việc làm thông qua các mối quan hệ tại một nhà hàng Việt ở Cologne. Những đứa trẻ nhỏ hơn bắt đầu đi học, nhưng sau một vài tháng, gia đình nhớ Kharkiv quá nhiều và quyết định trở về nhà.

“Chúng tôi đã quen với cuộc sống ở đây, buồn lắm khi phải xa nhà. Chúng tôi yêu Ukraine và không muốn ở bất kỳ nơi nào khác,” cô Nhàn cho biết. Họ mở lại nhà hàng vào Tháng Sáu năm 2022, khi Kharkiv vẫn còn là một thị trấn ma. Những khách hàng đầu tiên chủ yếu là cảnh sát và quân đội. Nhưng cuộc sống sớm trở lại thành phố, và nhà hàng bận rộn với những bữa tối gia đình. Ngay cả với sự gia tăng gần đây của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Kharkiv, Minh Đức cho biết gia đình không có kế hoạch rời đi lần nữa.

Giống như nhiều người Việt ở Ukraine, gia đình cô Thanh Nhàn có họ hàng xa sống ở Nga, nơi cũng có một cộng đồng người Việt khá lớn. Việc giao tiếp với họ trở nên khó khăn hơn một chút trong thời gian gần đây về quan điểm “theo ai, phe nào.”

Minh Đức cho biết: “Anh họ tôi (từ Nga) gọi điện sau khi chiến tranh bắt đầu và hỏi thăm tình hình của chúng tôi, nhưng chúng tôi không đề cập đến chính trị, chúng tôi cố gắng không nói về điều đó.”

Có lẽ đó mà một trong những vấn đề dai dẳng của người Việt, họ sống và vượt qua những hàng rào chính trị bằng chính nhận thức im lặng của mình. Như ngay lúc này, có những người Việt trong nước vẫn ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, gọi Ukraine là bọn “phát-xít” và có cả những cộng đồng khác vẫn đang công khai hay kín đáo ủng hộ Ukraine từng ngày.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Trồng khoai lang
Khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhờ cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, là loại củ có rất nhiều công dụng trong chế biến ẩm thực. Ngoài việc…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: