Covid tại Indonesia: Thà để chết ở nhà hơn đưa vào bệnh viện!

Indonesia có hàng ngàn giường điều trị bệnh nhân Covid-19 trở nặng bị bỏ trống. Vậy tại sao vẫn có không ít bệnh nhân Covid-19 vẫn chết tại nhà?

Taufiq Hidayat là trưởng nhóm tình nguyện gồm hàng chục người chuyên nhận cuộc gọi từ các gia đình có người thân qua đời vì Covid-19 ở Thủ đô Jakarta của Indonesia, một trong những tâm điểm Đông Nam Á của đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất thế giới do biến chủng Delta. Nhiệm vụ của nhóm là thu gom những xác chết Covid-19 không ai dám chạm tay vào.

“Công việc thực sự khó khăn và nguy hiểm dù chúng tôi luôn mặc đầy đủ đồ bảo hộ trong lúc khâm liệm và mai táng – Taufiq nói – Số lượng cuộc gọi đã giảm bớt kể từ đỉnh điểm giữa Tháng Bảy, nhưng vẫn có người chết tại nhà”. Dù các bệnh viện và trung tâm cách ly đã tăng năng lực tiếp nhận từ giữa Tháng Bảy, hàng ngàn giường bệnh vẫn bị bỏ trống khi có nhiều người nhiễm chọn điều trị và chết ở nhà.

Tính đến thời điểm này trong Tháng Tám, có khoảng 50 người chết tại nhà vì Covid-19 ở Jakarta (theo LaporCovid-19, một trang báo cáo trực tuyến tổng hợp thông tin từ các gia đình và viên chức địa phương). “Con số này ít hơn nhiều so với 2,400 người của Tháng Bảy – tăng sáu lần so với Tháng Sáu. Thực tế có thể cao hơn” – Fariz Iban, nhà phân tích dữ liệu của trang web nói.

Theo LaporCovid-19, hầu hết trường hợp tử vong đều ở Jakarta, vì đây là nơi duy nhất chính quyền báo cáo số người tử vong tại nhà do Covid-19. Bộ Y tế Indonesia không lưu giữ hồ sơ về số người chết tại nhà, theo bà Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn của Bộ. “Người bệnh chỉ nên cách ly tại nhà khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ” – bà khuyến cáo. Nhưng Hiệp hội Y tế Indonesia đang áp lực chính phủ thay đổi chính sách, vì theo họ, việc cách ly tại nhà đã khiến một số bệnh nhân không được chăm sóc y tế đúng mức. Thiếu giám sát cũng khiến virus lây lan. Nhưng đây là lựa chọn bất khả thi khi biến thể Delta lây quá nhanh từ Tháng Bảy khiến hệ thống bệnh viện quá tải nghiêm trọng; giường bệnh và các phương tiện cấp cứu đều thiếu.

Những bệnh nhân dương tính không có triệu chứng được yêu cầu cách ly tại nhà. Nhưng ngay khi bệnh trở nặng họ cũng không thể vào được bệnh viện. Warsa Tirta, một tài xế 62 tuổi thuộc trường hợp này. “Tự đi xét nghiệm sau khi thấy ông chủ nhiễm virus, cha vợ tôi nhận kết quả xét nghiệm dương tính vào cuối Tháng Sáu. Ông phải tự điều trị ở nhà theo hướng dẫn – con rể Fakhri Yusuf kể lại – Ngôi nhà bị cô lập vài ngày thì mẹ tôi và hai chị em gái cũng bị ốm.

Cha vợ tôi cố gắng chăm sóc họ được vài ngày thì cả ba đều trở nặng. Tôi cố gắng đưa tất cả vào Bệnh viện Cấp cứu Covid, nhưng bệnh viện chỉ nhận một người vì tất cả giường đều kín chỗ. Chúng tôi quyết định cho cô em nhập viện. Và cha vợ tôi qua đời vào sáng ngày 6 Tháng Bảy tại nhà. Tôi đã gọi trung tâm y tế địa phương nhưng không có ai đến mai táng vì có hàng trăm người cùng chết trong ngày hôm đó. Phản ứng của họ rất chậm”. Vì vậy, Fakhri đã gọi cho Hội đồng quốc gia National Board of Zakat (Baznas), một tổ chức do chính phủ điều hành chuyên trợ giúp mai táng miễn phí theo đúng tín ngưỡng Hồi giáo, nơi Taufiq làm tình nguyện viên. Họ đến lúc 4 giờ chiều, hoàn tất mọi công đoạn rồi cùng gia đình đến nghĩa trang, kịp chôn cất nạn nhân trước khi trời tối.

Khi các ca Covid tăng nhanh, chính phủ Indonesia chạy đua xây dựng các bệnh viện dã chiến và các cơ sở cách ly mới. Trong đó có khu chung cư giá rẻ Pasar Rumput với 6,000 giường. Cơ sở khai trương đúng kế hoạch. Nhưng tính đến thời điểm này, theo truyền thông địa phương, chỉ có 300 giường có người nằm! Bà Siti Nadia Tarmizi, phát ngôn Bộ Y tế, khẳng định “Hiện có đủ giường cho khoảng 30,000 ca bệnh mới được báo cáo mỗi ngày. Chúng tôi thực sự không thấy bất kỳ trở ngại nào để nhận bệnh nhân”.

Tuy nhiên, dù có sẵn giường, những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ vẫn chọn ở nhà. Tiến sĩ Daeng M. Faqih, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Indonesia, nói rằng những khuyến cáo về sức khỏe của chính phủ cần phải thay đổi. Ông nói: “Chúng tôi đang vận động chính phủ thay đổi chính sách cách ly tại nhà. Người cách ly nên nằm trong các trại cách ly đặc biệt. Cách ly tại nhà tạo điều kiện lây lan virus vì đông đúc, ẩm thấp nên không thể bảo vệ các thành viên khác trong gia đình. Cũng rất khó ngăn những người không có triệu chứng trốn khỏi nhà, di chuyển đây đó và lây nhiễm cho người khác”.

Số ca mắc hàng ngày của Indonesia đã giảm một nửa kể từ Tháng Bảy, nhưng số ca tử vong được báo cáo chính thức vẫn cao nhất thế giới, có ngày lên đến 1,500 người so với 490 người ở Ấn Độ và 342 người ở Mỹ. Chính phủ đang cố gắng đưa số người được tiêm vaccine lần một lên ít nhất hai triệu/ngày và sẽ sớm tiêm xong cho 208 triệu người/dân số 270 triệu. Tính đến ngày 13 Tháng Tám, chỉ có gần 10% người Indonesia được tiêm một liều vaccine Covid-19.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: