Một bài phóng sự đặc biệt vừa được Reuters công bố phân tích cuộc chiến cáp Internet ngầm dưới biển giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng mạnh tay can thiệp vào các hợp đồng tư nhân, vì lo ngại Trung Quốc có thể tiến hành do thám và xâm nhập các đường cáp ngầm xuyên quốc gia. Hoa Kỳ thậm chí tạo áp lực buộc các nước khác phải xa lánh công ty Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography có trụ sở tại Washington, toàn thế giới có hơn 400 đường cáp quang chạy dọc dưới đáy biển, vận chuyển hơn 95% lưu lượng truy cập Internet quốc tế. Hệ thống cáp quang đáy biển đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo kết nối cho hàng trăm triệu người khắp thế giới. Một quan chức Hoa Kỳ và hai chuyên gia an ninh đã nói với Reuters, những đường cáp dữ liệu này truyền tải mọi thứ, từ email và giao dịch ngân hàng đến bí mật quân sự, nên rất dễ bị tấn công và xâm nhập.
Tháng trước, xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc căng thẳng khi hai đường dây cáp thông tin nối Đài Loan với quần đảo Mã Tổ, nằm gần bờ biển Trung Quốc bị cắt. Kết quả là 14.000 cư dân của hòn đảo đã bị cắt Internet. Chính quyền Đài Loan cho biết họ nghi ngờ một tàu đánh cá và một tàu chở hàng Trung Quốc gây ra sự việc. Tuy nhiên, Đài Loan cho rằng vụ việc có thể là một tai nạn, do không có bằng chứng nào cho thấy các tàu Trung Quốc đã cố ý gây ra.
Trung Quốc tham gia sàn chiến cáp quang đáy biển
Ba tập đoàn vẫn luôn thống trị việc xây dựng và lắp đặt hệ thống cáp quang ngầm đáy biển trong nhiều thập kỷ là SubCom của Hoa Kỳ, NEC Corporation của Nhật Bản, và Alcatel Submarine Networks, Inc của Pháp. Nhưng một cơn địa chấn xảy ra vào năm 2008 khi công ty Huawei Marine Networks Co Ltd (viết tắt HMN Tech), thuộc sở hữu của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, gia nhập sàn chiến. Chỉ sau 15 năm, HMN Tech trở thành nhà sản xuất cáp ngầm phát triển nhanh nhất thế giới, theo dữ liệu của TeleGeography.
Cuộc chiến ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ
Hệ thống cáp quang đáy biển Đông Nam Á-Trung Đông-Tây Âu 6 (South East Asia-Middle East-West Europe 6, viết tắt SeaMeWe-6) dài 19.200 km, kết nối khu vực Đông Nam Á đến tận phía tây châu Âu, được tài trợ bởi nhiều tập đoàn công nghệ, trong đó có Microsoft, Orange, và Bharti Airtel. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ HMN Tech đưa ra giá thầu khoảng $500 triệu để trở thành công ty xây dựng hệ thống SeaMeWe-6. Vào giữa năm 2020, các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ đã đồng ý để HMN Tech trở thành nhà thầu của tuyến cáp này.
Nhưng đằng sau hậu trường, tập đoàn SubCom và chính phủ Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn chặn HMN Tech. Đại sứ Hoa Kỳ tại ít nhất sáu trong số các quốc gia có tuyến cáp đi qua, bao gồm Singapore, Bangladesh và Sri Lanka, đã viết thư cho các tập đoàn viễn thông nhấn mạnh rằng việc chọn SubCom là “một cơ hội quan trọng để tăng cường hợp tác thương mại và an ninh với Hoa Kỳ.”
Ngoài ra, các đại sứ và nhà ngoại giao cấp cao Hoa Kỳ đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của các công ty viễn thông tại ít nhất năm quốc gia để truyền tải thông điệp: HMN Tech có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt trong tương lai gần. Nghĩa là việc hợp tác với HMN Tech sẽ gây khó khăn cho các công ty viễn thông vì khách hàng tiềm năng nhất của họ – các công ty công nghệ Hoa Kỳ – sẽ không được phép sử dụng băng thông từ tuyến cáp SeaMeWe-6.
Thêm nữa, các viên chức Hoa Kỳ nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt đối với HMN Tech sẽ khiến tuyến cáp vô giá trị, đồng thời có thể khiến cho các công ty của họ bị phá sản. Vào cuối năm 2020, một số thành viên của các tập đoàn tài trợ tuyến cáp SeaMeWe-6 nói với các đối tác rằng, họ đang cân nhắc về việc chọn HMN Tech làm nhà thầu xây dựng vì sợ bị Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế.
Đây được đánh giá là một chiến dịch thành công của chính phủ Hoa Kỳ nhằm giúp tập đoàn SubCom của nước này đánh bại HMN Tech của Trung Quốc giành lấy hợp đồng trị giá $600 triệu. Bên cạnh chiến dịch loại trừ HMT Tech trở thành nhà thầu của SeaMeWe-6, Bộ Thương Mại còn hợp tác với Tòa Bạch Ốc sử dụng áp lực ngoại giao để loại HMT Tech ra khỏi dự án xây dựng tuyến cáp kết nối ba quốc đảo Thái Bình Dương là Nauru, Liên bang Micronesia, và Kiribati.
Reuters cho biết bốn năm qua chính phủ Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc giành được hợp đồng kinh doanh trong ít nhất sáu thỏa thuận cáp quang tư nhân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhằm đáp trả lại các nỗ lực của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã ngăn chặn tập đoàn Meta (Facebook) xây dựng tuyến cáp Đông Nam Á-Nhật Bản 2, kéo dài từ Singapore qua Đông Nam Á, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và tới Nhật Bản. Các chuyên gia cho biết Trung Quốc đã trì hoãn cấp giấy phép cho tuyến cáp này đi qua Biển Đông, với lý do lo ngại về khả năng tập đoàn NEC của Nhật Bản sẽ cài đặt thiết bị gián điệp.
Paul McCann, một nhà tư vấn cáp biển có trụ sở tại Sydney, cho biết cuộc chiến hậu trường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với các tuyến cáp ngầm dưới biển đang đe dọa ngành cáp biển, vốn luôn dựa vào sự hợp tác ngoại giao để tồn tại. McCann nói với Reuters: “Tôi chưa bao giờ thấy ảnh hưởng địa chính trị như vậy đối với các tuyến cáp ngầm dưới biển trong hơn 40 năm tôi tham gia lĩnh vực kinh doanh này. Đây là điều chưa từng xảy ra.”
Chính quyền Biden mạnh tay với Trung Quốc
Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang và hiện ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ với hàng loạt xung đột ngoại giao. Cách đây hơn một tháng, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc bằng tên lửa. Rõ ràng, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Hoa Kỳ thể hiện thái độ không nhân nhượng với Trung Quốc.
Chính phủ Biden ngày càng cô lập ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Tháng Mười năm 2022, Tổng Thống Biden đã ra sắc lệnh cấm các công ty Hoa Kỳ bán chip bán dẫn và một số công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc. Mục tiêu là đưa một số hoạt động sản xuất công nghệ trở lại Mỹ và làm tê liệt sự phát triển các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, đặc biệt là các công cụ được quân đội Trung Quốc sử dụng.
Năm ngoái, chính quyền Biden cũng thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt cung cấp $52,7 tỷ trợ cấp cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Hoa Kỳ. Bộ Thương mại cũng đã đưa hơn 35 công ty công nghệ Trung Quốc vào “Danh sách đen” – là những công ty bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Hoa Kỳ.
Các hành động can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc xây dựng các hệ thống cáp quang xuyên quốc gia được nhiều người ủng hộ. Jacob Helberg, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Thông tin và Địa chính trị của Đại học Stanford, cảnh báo rằng dữ liệu được truyền tải qua các dây cáp “có thể bị tấn công, chia sẻ với Bắc Kinh, và sau đó có thể được sử dụng cho các lợi ích khác của nhà nước Trung Quốc.” Thêm vào đó là các luật an ninh mạng của Trung Quốc bắt buộc các công ty nước này phải chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh.
Tham vọng trở thành siêu cường của Trung Quốc ngày càng rõ ràng. Chính phủ Biden dường như đang đi đúng hướng với chiến lược chủ động cô lập Trung Quốc về công nghệ và thương mại. Tuy nhiên, để có thể hiệu quả đối phó với Trung Quốc lâu dài, Hoa Kỳ cần một quyết tâm chính trị và chiến lược toàn diện dù cho dưới bất kỳ thời tổng thống nào.