Cuộc sống địa ngục tại các lãnh thổ Ukraine bị Nga xâm chiếm

Tại Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia, sau khi cưỡng chiếm, quân Nga đã ép người dân Ukraine bỏ phiếu thuận theo Nga trong cái gọi là “trưng cầu dân ý” giả hiệu (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong nguồn thông tin về cuộc chiến ở Ukraine, người ta ít nghe nói đến cuộc sống hàng ngày của người dân trong các khu vực do Nga kiểm soát. Khi Nga chính thức sáp nhập bốn khu vực cướp được của Ukraine vào tuần trước, BBC đã nói chuyện với một số trong hàng triệu cư dân về cuộc sống dưới ách chiếm đóng. Tất cả tên của họ đều được thay đổi.

Câu chuyện của Boris

Boris đã sống ở thành phố Kherson phần lớn cuộc đời mình. Trong nhiều tháng, Boris đã cố duy trì cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp trong một thành phố tràn ngập binh lính và cảnh sát, mật vụ Nga. Đó là một cuộc sống đầy dẫy những tương phản. Có ngày Boris phải xóa nội dung trò chuyện tin nhắn khỏi điện thoại trước khi đi qua một trạm kiểm soát của Nga. “Bạn phải đảm bảo không có chứng cứ buộc tội nào trong điện thoại của bạn, cả ở thùng rác!” – ông nói. Rất nhiều người đã biến mất trong những tháng đầu tiên, khi những kẻ cai trị mới của thành phố thẳng tay đàn áp bất cứ ai bị cho là trung thành với Kyiv.

Một nửa trong dân số 280,000 người trước chiến tranh của thành phố vẫn còn ở lại. Số khác chạy đến vùng lãnh thổ do chính phủ Ukraine kiểm soát hoặc trốn ra nước ngoài. Boris, giống như tất cả những người khác mà BBC đã nói chuyện đều phản đối sự chiếm đóng và thôn tính của Nga. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng tất cả mọi cư dân bị chiếm đóng đều chia sẻ quan điểm như thế, nhưng tất cả hồ sơ cử tri trước khi quân Nga đến đều thể hiện tuyệt đại đa số cư dân Kherson xem mình là công dân Ukraine.

Tiền và ngân hàng

Ở Kherson, việc cất giữ những gì bạn yêu thích đôi khi là một vấn đề lớn khiến bạn phải liên tục ứng biến. Tiền là một ví dụ điển hình. Bất chấp những nỗ lực của Moscow trong việc đưa vào lưu hành đồng rúp Nga, đồng hryvnia của Ukraine vẫn được sử dụng rộng rãi. Trong một thời gian, những chiếc xe tải nhỏ (được kết nối wi-fi) cho phép khách hàng đăng nhập vào các ngân hàng Ukraine và rút tiền hryvnia. Hiện đồng tiền của Nga đang dần lấn sân. Một số khoản thanh toán phúc lợi đã chuyển sang dùng đồng rúp và buộc các cửa hàng phải chấp nhận. Chỉ có các ngân hàng của Nga là được phép hoạt động. Để mở tài khoản, bạn phải có hộ chiếu Nga. Điều tương tự cũng áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. “Đó là cách họ ép các cư dân Ukraine phải đổi sang quốc tịch Nga” – Boris nói. Từ Tháng Năm trở đi, nhiều áp phích mới xuất hiện trên các đường phố Kherson khẳng định Nga “trở lại là để ở đây vĩnh viễn”.

Đôi khi những khẩu hiệu này được đi kèm với hình ảnh các anh hùng Nga thế kỷ 18, khơi dậy ký ức Kherson từng là “thành phố pháo đài” của Catherine Đại đế, Nữ hoàng cuối cùng của Nga, vào năm 1778. Các áp phích khác tôn vinh hộ chiếu Nga với dòng chữ “Ổn định xã hội và an ninh”. Có áp phích tả một người chồng hạnh phúc ôm người vợ đang mang thai bên cạnh thông điệp kêu gọi những công dân trung thành với đất mẹ sinh thêm con. Ngoài ra còn có những biển quảng cáo “xảo quyệt” hơn. Đó là quảng cáo cho thấy một người nổi tiếng nào đó “khoe” mình là công dân Kherson, cống hiến cả đời mình cho nước Nga.

Các cuộc chiến khác liên quan đến văn hóa, lịch sử và thông tin, đang diễn ra trên khắp các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, từ những người yêu mến Ukraine bắt tín hiệu điện thoại di động ở khắp các chiến tuyến, đến việc cha mẹ bí mật giáo dục con cái trong các trường học trực tuyến của Ukraine để giảm ảnh hưởng của hệ thống giáo dục do Nga áp đặt. Nỗi sợ hãi hiện nay đối với những người đàn ông trong độ tuổi chiến đấu là lệnh động viên, đang được tiến hành ở Nga, Crimea và các khu vực ly khai ở vùng Donbas phía Đông Ukraine, sẽ được mở rộng đến Kherson. Cho đến nay, có vẻ như chỉ những người mang hộ chiếu Nga mới nhận được lệnh triệu tập nhưng sự lo lắng vẫn tăng.

Mariupol

“Sau khi bị Nga chiếm đóng, toàn bộ cuộc đời tôi như sụp đổ” – Alex, một cựu giáo viên nói. Sau một cuộc bao vây và bắn phá tàn khốc của quân Nga từ Tháng Ba đến Tháng Năm, những thường dân ở lại hoặc không thể chạy trốn thấy họ bỗng rơi vào vùng đất hoang tàn như địa ngục.

Mariupol (ảnh chụp ngày 29 Tháng Chín) – trông chẳng khác gì địa ngục (Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Alex nói: “Người Nga đi từ căn hộ này sang căn hộ khác, phá hủy tất cả mọi thứ có liên quan đến Ukraine. Tại nhà tôi, họ đốt các biểu tượng của Ukraine và rất nhiều sách”. Khi cuộc bao vây kết thúc vào cuối Tháng Năm, quân Nga dần rút lui, để những kẻ ly khai thân Moscow điều hành thành phố. Daryna, một sinh viên ở lại (sau đó bỏ trốn vào Tháng Tám) cho biết: “Thành phố biến thành một đống đổ nát và trở thành cái chợ trời lớn, nơi mọi người bán bất cứ những gì có trong nhà để mua về một cái gì đó cần thiết”.

Điện và nước bị thiếu hụt. Hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy. Các thi thể không được chôn cất trong đống đổ nát. Đường phố nhanh chóng tràn ngập các biểu ngữ ca ngợi Moscow giải phóng Mariupol. Sự kết hợp giữa tuyên truyền, nhu cầu và tình cảm thân Nga của một số cư dân Mariupol đã có tác dụng. Nhiều người ủng hộ những kẻ chiếm đóng và nhiều người làm việc cho các “rashist” (một thuật ngữ xúc phạm người Nga) để kiếm tiền sống qua ngày. Về mặt địa lý, do gần gũi hơn với Nga và nằm ở cực Nam sông Donbas nên mối quan hệ của Mariupol với Moscow sâu sắc hơn Kherson một chút.

Chỉ thấy thoáng qua sự phản kháng trên phương tiện truyền thông xã hội như hình ảnh lan truyền về những người mang mặt nạ khoác cờ Ukraine màu xanh vàng. Chữ “Ï” trong bảng chữ cái Ukraine (không phải tiếng Nga) thỉnh thoảng được vẽ trên các bức tường. Nhưng Mariupol đã bị chiến tranh biến thành “thùng rác” cả về vật chất và tình cảm. Sự lạc quan không còn nhiều. “Không còn nhiều hy vọng – Alex nói – Bởi vì mọi người tin Mariupol đã bị bỏ rơi dù hy vọng vẫn còn”.

Enerhodar

Ở Enerhodar, nằm giữa Mariupol và Kherson, chiến tranh chưa bao giờ biến mất. Nga đã chiếm được thành phố và nhà máy điện hạt nhân rộng lớn ngay từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các lực lượng Nga và Ukraine đã bắn súng qua lại trên sông Dnipro. Phía Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy điện này làm nơi ẩn náu. Nguy cơ đạn lạc đã buộc người dân Enerhodar phải áp dụng các quy trình an toàn nghiêm ngặt. Maksym, 38 tuổi, nói: “Chúng tôi cố gắng hoàn thành tất cả công việc trong ngày như gặp bạn bè, thăm bố mẹ, mua đồ ăn. Còn vào ban đêm, chỉ có… chó chạy trên đường phố!”.

Enerhodar thuộc quyền kiểm soát của Nga kể từ Tháng Ba (Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Thực phẩm từng biến mất khỏi các cửa hàng nay đã đỡ hơn trước. Ở khắp miền Nam, mọi người đều nói các siêu thị chứa đầy hàng hoá đắt tiền đến từ Nga, trong khi đường phố dồi dào thực phẩm sản xuất tại địa phương. Bị tách khỏi 80% diện tích Ukraine, nông dân ở các vùng chiếm đóng chỉ còn biết bán sản phẩm địa phương. Rau rẻ hơn, nhưng thịt, pho mát và sữa đắt gấp đôi trước chiến tranh. Sau hơn nửa năm bị chiếm đóng, Enerhodar đã giảm dân số một nửa.

Melitopol

Tại Melitopol do Nga kiểm soát, cách xa chiến tuyến và sâu bên trong miền Nam Ukraine bị chiếm đóng, Toma, một phụ nữ khoảng 30 tuổi, nói về một mối bận tâm thường ngày khác: Chăm sóc người bệnh. Chị nói:

“Trong vài ngày đầu, tôi có một nhiệm vụ khó khăn là tìm thuốc tim cho mẹ tôi. Hàng trăm người xếp hàng dài nhiều giờ để chờ mua thuốc. Nay tình trạng này không còn nữa. Tuy nhiên, các hiệu thuốc hiện do chính quyền điều hành và bán cả những thứ mà người dân địa phương xem là sản phẩm kém chất lượng đến từ Nga. Bốn trong năm loại thuốc mà mẹ tôi cần không có sẵn mà phải nhờ bạn bè hoặc người thân ở xa hơn về phía Bắc, tại Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát mua giúp rồi giao tận tay sau khi vượt qua cuộc hành trình đầy rủi ro qua các trạm kiểm soát của Ukraine và Nga. Giống như chúng ta đã lùi lại 35 năm (ám chỉ những ngày Ukraine vẫn còn là một phần của Liên bang Xô Viết)”.

Tình hình ở các trường học của Melitopol thật thảm khốc. Các giáo viên và giới chức quản lý từ chối hợp tác với các cơ quan quản lý nghề nghiệp, buộc họ phải tuyển dụng bất kỳ ai sẵn sàng chấp nhận một công việc họ không được đào tạo để làm. Người dọn vệ sinh trước đây của trường nay trở thành giáo viên đứng lớp! Dấu ấn Nga ở khắp mọi nơi, từ sách giáo khoa nhập khẩu đến lá cờ trong sân trường và bài quốc ca vang lên mỗi ngày.

Cha mẹ sẵn sàng cho con đi học được trợ cấp 10,000 rúp (khoảng $172) mỗi người, nhưng chỉ khi họ khai báo thông tin hộ chiếu và nơi cư trú của cha đứa trẻ. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu nổi loạn trong lớp học. Trẻ em viết các từ tiếng Nga bằng chữ cái Ukraine, treo các dải ruy băng màu xanh và vàng trên balô và đi tất in khẩu hiệu “Tàu chiến Nga… (từ thô tục)” (ám chỉ hành động thách thức của những lính Ukraine tại Đảo Rắn trong ngày đầu tiên của cuộc chiến).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: