Tốc độ ra đi của các thương hiệu phương Tây nổi tiếng ở Nga cho thấy một làn sóng nhận thức mới, trong đó các nhà đầu tư và khách hàng đang đòi hỏi các thương hiệu phải làm nhiều hơn thay vì tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá.
Tiếp tay cho các chế độ độc tài
Cuộc chiến ở Ukraine đã kích hoạt làn sóng rời Nga đông đảo chưa từng thấy của hàng loạt công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới (gần 500 công ty). Các tập đoàn đã dành nhiều năm để có chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng đang phát triển này đã rút lui gần như chỉ sau một đêm. Cuộc tháo chạy cũng làm sáng tỏ những gì một số công ty đang làm ở Nga từ lúc mới đi vào thị trường.
Nói rõ hơn, trong khi tìm kiếm lợi nhuận, họ đã chấp nhận những yêu cầu của “quỷ” dù hệ quả có giáng lên đầu công chúng và xâm phạm quyền riêng tư và tự do. Ngày 28 Tháng Ba, tờ The New York Times đã tiết lộ cách Nokia trong nhiều năm cung cấp thiết bị và dịch vụ hỗ trợ hệ thống giám sát rộng lớn của Nga, được sử dụng để theo dõi người bất đồng chính kiến. Dù Nokia lên tiếng tố cáo cuộc xâm lược Ukraine và cho biết sẽ ngừng bán hàng tại nước này, nhưng công ty “than” với tờ Times rằng họ bị phía Nga buộc phải sản xuất các sản phẩm phục vụ cho mạng lưới giám sát rộng lớn người dân. Nói cách khác, đây đơn giản là “chi phí máu” Nokia phải chấp nhận nếu muốn kinh doanh ở Nga.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố sau đó, Nokia than phiền bài báo của The Times “đã gây hiểu lầm” đồng thời khẳng định “Nokia không hề sản xuất, cài đặt hoặc bảo trì các công cụ giám sát cho Nga. Chúng tôi lên án bất kỳ hành vi xâm hại quyền tự do cá nhân, vi phạm nhân quyền. Nhưng muốn ngăn chặn phải có hành động đa phương mạnh mẽ để tạo ra những khuôn khổ chung hiệu quả. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ hãy ban hành các quy định rõ ràng hơn về những nơi có thể và không thể bán công nghệ”.
“Thật khó tưởng tượng Nokia không biết chuyện gì đang xảy ra ở Nga – một chuyên gia về tình báo Nga nói với tờ The Times – Nokia phải biết các thiết bị của họ được sử dụng vào việc gì!”. Theo các chuyên gia, không doanh nghiệp nào có thể giữ cho bàn tay của mình sạch sẽ hoàn hảo. Bản chất rộng lớn và liên kết của các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các công ty đa quốc không thể tránh khỏi một số dính líu (trực tiếp hoặc gián tiếp) với tham nhũng, bóc lột sức lao động hoặc các yếu tố “đen” khác của thương mại toàn cầu.
McDonald’s đóng cửa ở Nga, lý thuyết Vòm Vàng đổ sụm |
Jason Brennan, Giáo sư đạo đức kinh doanh tại Đại học Georgetown nói: “Câu hỏi đặt ra là hành vi xấu đã đạt đến mức độ nào! Không ai muốn bơi trong hồ bơi nhỏ khi có một xác chết ở trong, nhưng bơi trong đại dương rộng lớn thì nhiều người sẵn sàng vì xác chết… ở xa! Thị trường kinh doanh cũng na ná như thế”. Điều đó có nghĩa, Nokia có thể không sản xuất công nghệ do thám cho người Nga theo hợp đồng, nhưng Nokia cho phép người Nga sử dụng các công cụ có sẵn của mình vào việc xấu.
Các tài liệu được The Times xem xét cho thấy Nokia không thể không biết đã giúp kích hoạt bộ máy giám sát của Nga. “Đây là một ngành kinh doanh cần thiết và sinh lợi cho Nokia, mang lại hàng trăm triệu đôla doanh thu mỗi năm” – tờ báo viết. Công ty phản hồi sau bài báo: “Nokia không có khả năng kiểm soát, truy cập hoặc can thiệp vào bất kỳ khả năng đánh chặn hợp pháp nào trong những hệ thống mạng mà khách hàng của chúng tôi sở hữu và vận hành”. Đây thường là cách các công ty biện minh cho những hạn chế trong việc “tự làm cảnh sát” bảo vệ quyền công dân.
Không thể chỉ vì lợi nhuận
Cơn đau đầu của Nokia trong hoạt động kinh doanh ở nước ngoài không hề mới đối với các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, Big Tech đã phải vật lộn để đạt được sự cân bằng giữa “lý tưởng dân chủ về quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư” và thực tế kinh doanh tại các thị trường độc tài như Trung Quốc và Nga, những nơi không cho người dân những quyền đó.
Apple từ lâu luôn tự hào về chính sách bảo đảm quyền riêng tư của khách hàng nhưng họ cũng đã bẻ cong những giá trị đó để tuân thủ các qui định của cơ quan quản lý truyền thông tại Trung Quốc. Một cuộc điều tra của The Times vào mùa Hè năm ngoái cho thấy Apple đã hỗ trợ chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt App Store Trung Quốc. Apple phủ nhận một số phát hiện của báo cáo, với lý lẽ rằng họ chỉ gỡ bỏ các ứng dụng “được Trung Quốc lên danh sách đen” là vi phạm luật pháp nước chủ nhà.
Tương tự, các con chip do Intel và Nvidia sản xuất bị tố cáo đã “cung cấp sức mạnh cho các máy tính được Trung Quốc sử dụng để giám sát người thiểu số Hồi giáo”. Năm ngoái, Microsoft xin lỗi vì vô tình gỡ bỏ những hình ảnh về cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 trên công cụ tìm kiếm Bing ở qui mô toàn cầu (một ví dụ cho thấy kiểm duyệt nội bộ của Trung Quốc đã lan cả ra ngoài biên giới). Khi các lãnh đạo công nghệ như Tim Cook của Apple biện bạch: “Tham gia vào các thị trường độc tài vẫn tốt hơn là đứng ngoài lề”, thì nên được hiểu “vì lợi nhuận, chúng tôi phải đáp ứng các qui định của các chế độ vi phạm nhân quyền và đôi khi, hỗ trợ họ trong các vi phạm đó”. Với người Việt Nam, từ lâu người ta đã chẳng còn lạ gì việc Facebook hợp tác với chính quyền cộng sản Việt Nam để xóa những thông tin hoặc thậm chí tài khoản của giới bất đồng chính kiến.
Dù thế nào, việc Nga xâm lược Ukraine cũng là sự kiện để các công ty như Nokia nhìn lại cách làm ăn của mình. Muốn kinh doanh tốt thì phải làm điều đúng đắn, và tốt cho cả lợi nhuận cuối cùng. Người tiêu dùng và nhà đầu tư vào cổ phiếu công ty ngày càng nhận thức được hành vi đúng-sai của các công ty.
__________________
Những đại công ty nào vẫn còn hiện diện tại Nga?
CBS News cho biết, một trong những tập đoàn khổng lồ vẫn chưa rút chân khỏi Nga là Abbott (trụ sở tại Illinois). Ngày 4 Tháng Ba, Abbott cho biết họ sẽ quyên góp $2 triệu cho các nhóm nhân đạo cứu trợ ở Ukraine. 10 ngày sau, họ thông báo tạm ngừng những hoạt động kinh doanh “không thiết yếu” (non-essential) ở Nga (đầu tư mới, phát triển kinh doanh và quảng cáo) nhưng vẫn tiếp tục cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe “bao gồm những loại thuốc cho bệnh ung thư và thuốc điều trị liên quan các chức năng tim mạch, gan, thận…”. Pfizer và Eli Lilly của Mỹ, cùng Bayer của Đức cũng theo cách tương tự (tạm dừng các hoạt động không thiết yếu nhưng tiếp tục cung cấp thuốc cho bệnh tiểu đường và ung thư…).
Cargill đang thu hẹp các hoạt động kinh doanh và ngừng đầu tư vào Nga nhưng tập đoàn nông nghiệp Mỹ này cho biết vào ngày 11 Tháng Ba rằng họ vẫn tiếp tục cung cấp những gì họ gọi là “thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thiết yếu”. Ngày 9 Tháng Ba, Nestle cho biết họ đình chỉ hoạt động đầu tư vốn và quảng cáo tại Nga nhưng tiếp tục bán các sản phẩm thực phẩm “thiết yếu”. Gã khổng lồ thức ăn nhanh Subway thông báo sẽ chuyển tất cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở Nga cho những nỗ lực nhân đạo và nhấn mạnh khoảng 450 cửa hàng ở Nga thuộc sở hữu độc lập và do các nhà nhượng quyền địa phương kiểm soát. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến nhiều người tiêu dùng khắp thế giới kêu gọi tẩy chay Subway.
____________